Khi chủ trương này được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện nghiêm luật giao thông là rất cần thiết, cho dù giá cước vận tải có thể tăng so với hiện tại. Chấp nhận giá cước được tính đúng tính đủ để một trật tự an toàn giao thông được thiết lập là điều nên ủng hộ.
Thế nhưng cũng có ý kiến lo ngại là tình trạng bắt xe này cho xe khác chạy, hoặc việc kiểm tra mỗi nơi mỗi kiểu tạo ra tình trạng không công bằng. Doanh nghiệp thực hiện đúng trọng tải thì phải chịu thiệt vì giá cước cao, và ngược lại.
Bởi có một thực tế là từ lâu nay trên các tuyến quốc lộ, tình trạng xe quá tải, chạy vượt tốc độ, vi phạm an toàn giao thông cũng như tình trạng tham nhũng tiêu cực của lực lượng chức năng đã thành căn bệnh nan y. Các vụ công an, lực lượng thanh tra giao thông ăn chặn, “bán đường” đã thành cơm bữa. Các tài xế gần như đã chấp nhận “làm luật” mỗi khi vi phạm và một phần “cước phí” loại này cũng đã được các nhà xe hạch toán vào chi phí vận tải hàng hoá.
Và ngay lập tức, nỗi lo ấy đã thành hiện thực chỉ sau nửa tháng tăng cường kiểm tra xe quá tải. Chiều 14.4, theo báo Dân Trí, ông Võ Ngọc Kha, phó giám đốc sở Giao thông vận tải Phú Yên cho biết, sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra xác minh thông tin “cò” hướng dẫn xe tải “chung chi” để qua trạm cân.
Các “cò trạm cân” yêu cầu tài xế chi tiền để xe có thể ung dung qua trạm cân, với giá 800.000 đến một triệu đồng/xe (tuỳ xe lớn hay nhỏ). “Cò” sẽ điện thoại cho lực lượng chức năng ở trạm cân báo biển số xe, thời gian qua trạm, vậy là xe đó có thể vô tư đi qua dù chở quá tải.
Có lẽ không chỉ ở Phú Yên, mà thực tế này sẽ lan rộng thành phổ biến, và lâu lâu, người dân có thể phát hiện nơi này nơi kia các vụ việc tiêu cực của lực lượng liên ngành. Mới ra quân mà đã vậy, liệu sự “quyết liệt” cân xe rộng khắp của ngành giao thông còn có ý nghĩa gì?
Tất nhiên, mọi chủ trương đi vào thực tế cũng cần có thời gian, sự quyết tâm của cơ quan chức năng và phương pháp thực hiện. Có lẽ ai cũng mong những chủ trương đúng đắn phải đi vào cuộc sống nghiêm túc, chứ không phải mỗi khi có “luật” mới thì những quan tham có thêm công cụ để “làm luật” đặng kiếm chác.
Như thế, mục tiêu chính sách không thực hiện được, túi quan tham thì phồng thêm từ mồ hôi nước mắt của người lao động chân chính.
Thanh Dân