Đường rong ruổi nhớ thơ Haiku

 18:15 | Chủ nhật, 23/01/2022  0
Những chuyến đi, dù không nhiều nhưng sao luôn làm ta khắc khoải, ở nơi này lại nhớ nơi kia, ta về lại nhớ ta đi (Trịnh Công Sơn).

Nhuốm bệnh trên bước lữ hành

mộng đang ở trên cánh đồng

đang bay nhảy rong chơi

Chỉ bằng vài câu thơ ngắn, Basho thiền sư ở nước Nhật đã nhiều lần khiến tôi xao động. Mấy câu thơ như những viên sỏi ném vào mặt ao đang tĩnh lặng, là tâm trạng nhất thời đang có.

Trong ao xưa

con nhái

nhảy vào tiếng nước khua

(Basho)

Không chỉ có tiếng nước mà là một vòng sóng, rồi nhiều vòng mỗi lúc càng lan rộng. Lan rộng trong tâm trí người đọc.

Tác giả Phạm Công Luân trong chuyến rong ruổi ở Kyoto năm 1995. Ảnh: TLTG


Tôi sinh ra và trưởng thành, miệt mài sống đời mình ở mỗi một nơi chốn. Nhưng vì theo nghề báo, tôi được may mắn đến được vài nơi mà người bình thường khó có mặt ở đó, những nơi không phải là nơi có kỳ quan để thăm thú mà vì chẳng có lý do để đến.

Nhiều khi, dọc đường gió bụi, nằm bệnh một góc phòng không ai chăm sóc. Trong cơn sốt, tôi mơ thấy những giấc mơ lung tung kỳ lạ. Có khi là bóng dáng một người bước vào phòng tắt mở đèn rồi bước ra. Khi khác, tôi thấy bà ngoại về trong giấc mơ, nhờ đi mua ly cà phê sữa cho bà như hồi còn nhỏ.

Có đêm nào đó trong một chuyến đi năm 1982, đang mơ được ăn uống giữa cơn đói thì có người dựng dậy rủ đi xin cơm ăn. Đường đêm ở Cần Giờ nhão nhoét bùn loáng loáng dưới ánh sáng cái đèn bão, gió từ biển thổi lạnh căm căm vào tháng gần Tết. Vậy mà cũng đến được căn nhà lá của một ngư dân cuối con đường nhỏ. Ông chủ nhà bắt cá nấu tô canh nóng thơm rực và ấm áp chưa từng có khi nào ngon hơn.

Tôi luôn thèm một chuyến đi khi đang dài ngày ở nhà và luôn có ý muốn quay về khi đang trên đường rong ruổi. Tính cân phân giữa đi hay ở nhiều khi mang đến cho tôi nhiều niềm vui, vì đi hay ở đều có điều thú vị.

Nằm nhà và mơ về những con quạ mùa thu xứ người, cánh đồng trồng bắp và những cô thôn nữ xứ lạ trêu chọc anh trai chốn khác, một khu phố cổ với mùi lạ, món lạ và ngôn ngữ lạ. Đến khi nằm dài trong một khách sạn, lại mơ màng nhớ nụ cười của con trai nhỏ, sự ấm áp của người vợ và mái tóc bạc phơ của mẹ già. Để rồi nửa đêm mở valise ra xem lại dăm món đồ mua tặng những người thân yêu mà dâng lên cảm xúc đầy sảng khoái.

… Vàng phai

cùng với ngàn xanh

nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.

(Miura Chora)

Anh bạn nhiếp ảnh gia Hoài Linh chở tôi đi lên vùng núi phía Bắc ắt còn nhớ cú té ngã kinh hồn khi xe mô tô trượt bùn tháng ba mưa dầm lạnh lẽo dọc đuờng lên núi giữa thập niên 1990. Những con đường núi âm u, gờn gợn hơi đá khiến không thể không tưởng tượng như có âm khí đọng lại từ những oan hồn ngàn xưa chống giặc từ phương Bắc, những trận phục kích đánh thực dân như còn lẩn quất trong hơi sương chiều.

Đi ngang pháp trường dọc đường núi, nghe tiếng súng đanh xử tên tội phạm giết người, rồi tiếng đóng đinh vào gỗ nghe rợn cả người. Cảm giác cuộc sống thật buồn, trời thật âm u, người với người thật lạnh lẽo.

Lội qua dòng nước xiết, từ chối lời đề nghị của cô gái Thái cao lớn muốn cõng giúp qua con suối chảy xiết, lòng tôi đã nhẹ đi nhiều cái ấn tượng nặng nề trước đó. Tận mắt thấy mưa nguồn suối lũ tận đầu nguồn sông Đà, nghe tiếng mõ trâu chiều chạng vạng trên bản Mường, tôi thấy mình lâu nay khư khư ôm lấy tâm thức đô thị, nhìn đời giản đơn, bỏ qua bao điều thú vị và dễ dàng khó chịu với những dị biệt.

- Khi đi qua sông Thương, anh nghĩ gì?

Tôi được hỏi như vậy khi đi sâu vào miền Đồng Mỏ, ải Chi Lăng trên chiếc cầu bắc qua sông Thương năm 1986. Nắng chiều vàng vọt và núi thì xanh thẫm. Cô gái miền núi má hồng không nghe câu trả lời nên không hỏi nữa.

Tôi nhớ một ca từ trong ca khúc “Bên cầu biên giới” mà có lẽ cô gái không biết: Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi. Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới. Âm hưởng lời hát dội lại lần nữa khi sau này ngồi cùng nhóm bạn cũ trong phòng karaoke giữa Sài Gòn dịp gần Tết, nắng rất vàng và nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy mất. Lúc đó tôi thấy một nỗi mênh mang. Nhớ lại tuổi nhỏ ngồi xếp giấy và hát vang cả xóm những ca khúc của ông, những bài hát chỉ có người trộng tuổi mới thích hát, như:

Đêm thơm như một giòng sữa

Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà... (Dạ lai hương)

Những chuyến đi, dù không nhiều nhưng sao luôn làm ta khắc khoải, ở nơi này lại nhớ nơi kia, ta về lại nhớ ta đi (Trịnh Công Sơn). Những bức hình hiếm khi muốn giở ra xem, đọng lại nhiều nhất và lâu nhất là cảm xúc và vài câu chuyện, lời nói, hình ảnh bâng quơ như vậy.

Phạm Công Luận

(Trích sách “Trên đường rong ruổi”. Công ty sách Phương Nam xuất bản 2014.  Lời dịch các bài thơ Haiku trong bài, rất tiếc, đã không ghi lại tên người dịch)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

#bất động sản cao cấp
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.