Với hơn 50 năm chuyên tâm với công việc bảo tồn di tích, di sản văn hóa cả nước và đặc biệt là Hà Nội, Giáo sư-Tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã được Ban Tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 17-năm 2024 vinh danh ở hạng mục cao quý nhất: Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội.
Lễ trao giải diễn ra trọng thể chiều 8.10 tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Giáo sư-Tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính (giữa) nhận Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn
Ghi dấu trí tuệ trên nhiều công trình kiến trúc
Sự nghiệp của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với các công trình di sản ở Hà Nội, Huế, Hội An, Mỹ Sơn… Thế nhưng, ông gắn bó sâu nặng với nơi “chôn nhau cắt rốn” Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm.
Vì lẽ đó, bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là “hiệp sỹ của những di tích kiến trúc.”
Ông bộc bạch: “Tôi gắn bó nhiều hơn cả vẫn là với Hà Nội, gắn bó cả trong công việc chuyên môn lẫn trong suy nghĩ. Song cũng nghiêm túc mà nói, những việc mà tôi đã làm được cho Hà Nội ở khía cạnh trực quan có lẽ chưa nhiều, bởi không phải lúc nào cũng có thời cơ. Dẫu sao tôi cũng đã dành nhiều công sức, thời gian để lo toan cho những di tích của Hà Nội, được bao nhiêu tôi cũng lấy làm toại nguyện.”
Giáo sư-Tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+
Khiêm tốn là thế, song nếu làm một phép liệt kê tương đối dễ thấy cả một thành tựu đáng nể. Tiêu biểu có thể kể đến những đóng góp của ông với vai trò chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đặc biệt còn có Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội… Đây đều là những di tích tiêu biểu định danh cho những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của Hà Nội qua thời gian.
Với việc bảo tồn và trùng tu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đóng góp quan trọng của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phải kể tới việc tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sỹ.
Những năm 1990, có nhiều phương án được đưa ra để bảo quản các tấm bia vô giá ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám khỏi những tác động của môi trường, thời tiết. Như là, phương án tạo mái che hiện đại bằng cấu kiện hợp kim và các tấm kính hoặc phương án dùng hóa chất để bảo quản mặt bia. Đây đều là các phương án được phản biện chưa phù hợp, cũng như chưa có kiểm nghiệm trong thực tế.
Các đại biểu, đại diện Ban Tổ chức giải thưởng chúc mừng Giáo sư-Tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính. Ảnh: Nam Nguyễn
“Thế rồi chúng tôi đưa ra phương án tạo các mái che, tương tự nhà bia trong kiến trúc cổ truyền, vừa không tương phản và vừa không mạo hiểm, lại dễ thực hiện. Để tránh tạo ra những nhà che bia có kích thước lớn, thách thức Khuê Văn Các và không gian sân, chúng tôi chia thành hai dãy, tám nhà bia, ăn nhập về tỷ lệ xích với quần thể Văn Miếu-Quốc Tử Giám,” kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhớ lại.
Cùng với Giải thưởng Lớn, Ban Tổ chức trao 3 giải đồng hạng.
Giải Việc làm được trao cho “Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV ‘Going Home’ của nghệ sĩ saxophone Kenny G” do báo Nhân dân và IB Group Việt Nam thực hiện. Ảnh: PV/Vietnam+
Giải Tác phẩm thuộc về cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của tác giả Đào Thị Diến do Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Nhã Nam xuất bản.
Giải Việc làm được trao cho “Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV ‘Going Home’ của nghệ sĩ saxophone Kenny G” do báo Nhân dân và IB Group Việt Nam thực hiện.
Giải Ý tưởng thuộc về “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023.
Tôn vinh những tình yêu lớn dành cho Hà Nội
Phát biểu tại lễ trao giải, bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, sự sáng tạo không ngừng của Báo Thể thao và Văn hóa và các đối tác, đã lan toả rộng rãi Giải thưởng để tôn vinh những tình yêu lớn dành cho Thủ đô Hà Nội.
Nhà báo Vũ Việt Trang khẳng định Giải thưởng giờ đây đã vượt qua mọi ranh giới về thời gian, không gian và cả biên giới quốc gia để đưa hình ảnh Hà Nội đến với bạn bè năm châu.
Theo Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhìn vào danh sách Đề cử của giải thưởng năm nay do Ban tổ chức công bố cuối tuần qua, có thể thấy tình yêu với Hà Nội không bó hẹp trong bất kỳ một lĩnh vực cụ thể nào. Tình yêu đó có thể được xuất phát từ những nỗ lực kéo dài hàng chục năm của một nhà nghiên cứu trong việc tìm kiếm một chân dung Hà Nội trong quá khứ qua các tài liệu lưu trữ, cả ở Việt Nam và Pháp. Tình yêu đó là của một nhà văn, nhà hoạt động chính trị người Mỹ, người từng đến Hà Nội từ hơn nửa thế kỷ trước, giữa lúc cuộc chiến tranh còn đang rất cam go, để giúp dư luận thế giới hiểu hơn về Việt Nam qua những ghi chép vô cùng chân thực...
“Rõ ràng trải qua từng mùa giải, đặc biệt là mùa giải năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội ngày càng có tác động xã hội rộng lớn. Tình yêu với Hà Nội không chỉ gói gọn trong những đề cử, những giải thưởng được trao mà đã trở thành những hành động, việc làm cụ thể, có ý nghĩa với Thủ đô,” nhà báo Vũ Việt Trang nêu rõ.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sỹ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng gồm những tên tuổi uy tín như: Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng); nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa; và đặc biệt năm nay, Hội đồng giám khảo có thêm một thành viên mới là Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ niềm vinh dự khi tham gia đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Báo Thể thao và Văn hóa trong việc tổ chức giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, từ đó huy động được sự quan tâm của mọi người cho Hà Nội, vì một tình yêu chung đối với Thủ đô.
“Tôi thực sự rất thích cách mà giải thưởng lựa chọn các tác phẩm, việc làm, ý tưởng và cá nhân xuất sắc để vinh danh. Tôi tin rằng sự vinh danh này không chỉ giúp cho chúng ta có thêm tình yêu với Hà Nội mà còn giúp cho Hà Nội tỏa sáng với tư cách là một trung tâm văn hóa, trung tâm chính trị và là niềm tự hào của cả đất nước,” ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, để củng cố quyết tâm xây dựng Thủ đô rất cần có sự cố gắng của tất cả mọi người. Sự cố gắng này được thể hiện bởi rất nhiều hành động khác nhau nhưng đều chung một mẫu số, đó là tình yêu dành cho Hà Nội. Và, những sự kiện như giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái sẽ giúp cho chúng ta có thêm quyết tâm biến tình yêu Hà Nội thành những hành động cụ thể, gắn với những sản phẩm cụ thể, từ đó giúp Hà Nội thêm đẹp, thêm đáng sống hơn trong thời gian tới.
Minh Thu
Kết quả Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 17
1. Giải thưởng lớn: Giáo sư-Tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, “hiệp sỹ của những di tích kiến trúc.”
2. Giải Tác phẩm: Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của tác giả Đào Thị Diến do Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Nhã Nam xuất bản.
3. Giải Việc làm: “Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV ‘Going Home’ của nghệ sĩ saxophone Kenny G” do báo Nhân dân và IB Group Việt Nam thực hiện.
4. Giải Ý tưởng: “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023.