Chiều 13.8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cho giữ tên gọi là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn như đề xuất của Chính phủ.
Quá trình chỉnh lý dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến để hoàn thiện các điều liên quan theo hướng rõ ràng hơn về nội dung, đối tượng, phạm vi lập quy hoạch đô thị và nông thôn, chỉnh sửa quy định giải thích từ ngữ “đô thị” và “nông thôn” để thể hiện đúng nội hàm khái niệm phản ánh trình độ phát triển của một đơn vị hành chính lãnh thổ hoặc một khu vực trong đơn vị hành chính lãnh thổ.
Về lập quy hoạch đối với đô thị mới, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định theo hướng không yêu cầu đối với tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải lập thêm quy hoạch chung bên cạnh quy hoạch tỉnh; đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp huyện được định hướng để thành lập thành phố, thị xã thì không lập quy hoạch chung huyện mà lập quy hoạch đô thị mới đối với phạm vi toàn huyện hoặc theo phạm vi, quy mô diện tích phù hợp với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị dự kiến thành lập.
Trường hợp định hướng hình thành đô thị mới là thị xã, thị trấn, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gắn với nhập, tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính hiện có (trừ trường hợp huyện định hướng thành lập thành phố, thị xã), đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định về lập quy hoạch đối với đô thị mới là cần thiết.
Việc này tạo cơ sở quản lý quy hoạch không gian đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị theo phạm vi đô thị mới được định hướng thành lập và phù hợp với định hướng sắp xếp đơn vị hành chính được xác định tại quy hoạch tỉnh.
Về quy hoạch không gian ngầm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ về Quy hoạch không gian ngầm là việc xác định, tổ chức không gian dưới mặt đất, dưới nước để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm và không gian xây dựng công trình trên mặt đất để sử dụng cho mục đích xây dựng, khai thác, vận hành công trình ngầm (khoản 17 Điều 2).
Trong đó, công trình ngầm chỉ bao gồm công trình công cộng ngầm, công trình thương mại dịch vụ ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật (khoản 18 Điều 2).
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, với quy định như vậy, việc xây dựng các công trình ngầm của người dân, doanh nghiệp gắn với dự án đầu tư, công trình xây dựng được xác định theo quyết định đầu tư và/hoặc giấy phép xây dựng không thuộc phạm vi lập quy hoạch không gian ngầm quy định tại Dự thảo Luật.
Để bảo đảm rõ ràng định hướng này, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan rà soát câu chữ quy định, bảo đảm các công trình ngầm trong không gian ngầm là đối tượng của quy hoạch không gian ngầm lập theo quy định của Luật không bao gồm các tầng hầm của các công trình bất động sản do doanh nghiệp đầu tư như trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng... được xác định theo dự án đầu tư, bảo đảm thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh tình trạng “chờ” quy hoạch không gian ngầm mới được triển khai các dự án đầu tư tư nhân nêu trên, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, về quy hoạch đô thị mới, cần có sự đồng bộ, khắc phục tồn tại cùng lúc nhiều loại quy hoạch, giảm nguy cơ chồng lấn quy hoạch.
Đối với quy hoạch không gian ngầm, Chủ tịch Quốc hội nhận định, nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, do đó, cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quy hoạch này, nhất là tại các thành phố lớn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm làm rõ chức năng, nội dung, phạm vi, mức độ, chi tiết với quy hoạch tỉnh; tránh dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong lập và thực hiện quy hoạch. Tránh điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Báo cáo thêm tại phiên họp về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua đã quy định việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô.
Luật Đất đai năm 2024 cũng xác định rõ thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất, chỉ lập kế hoạch sử dụng đất. Từ đó cho thấy, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương ngoài vai trò định hướng phát triển không gian, còn đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch tỉnh khác nhau từ khái niệm, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng, nội dung quy hoạch, vai trò quản lý, lập dự án đầu tư xây dựng, tỷ lệ bản đồ…
Bộ Xây dựng cũng đã rà soát kỹ, bảo đảm không trùng lặp giữa hai quy hoạch và đồng bộ với quy định pháp luật.
Xuân Tùng