Giao dịch ngân hàng: Coi chừng bị sập bẫy… tín dụng

 12:47 | Thứ sáu, 02/06/2017  0

Ngày 11.5.2017,  Người Đô thị nhận được đơn kêu cứu của bà N.T.K.T (quận Gò Vấp, TP.HCM) liên quan đến hợp đồng tín dụng với ngân hàng B.V, chi nhánh Phạm Viết Chánh, đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1.

Sập bẫy

Nội dung đơn trình bày: cuối tháng 9.2016, bà T. đặt cọc 100 triệu đồng mua nhà đất trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Gần đến ngày ký hợp đồng mua bán, bà T. vẫn chưa xoay được khoản tiền còn thiếu. Sợ mất cọc, ngày 18.10.2016 bà T. thế chấp căn nhà tại đường số 4 (phường 16, quận Gò Vấp) cho Ngân hàng B.V để vay 600 triệu đồng. Hai nhân viên là N.P.C.C và Đ.H.V được giao nhiệm vụ làm việc trực tiếp với bà T.

Khách hàng cần liên hệ gấp với người có thẩm quyền của ngân hàng khi có thắc mắc, dấu hiệu nghi ngờ, sai phạm liên quan đến khoản hoặc tài sản đảm bảo để yêu cầu làm rõ nhanh chóng và kịp thời. Ảnh minh hoạ: Internet

Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng, bà T. đã giao cho ông V. các loại giấy tờ: giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và nhà ở (bản chính); Hợp đồng tặng cho một phần; Thông báo nộp lệ phí trước bạ; Giấy chứng nhận số nhà. Đại diện ngân hàng cho bà T. biết phải mất vài ngày ngân hàng mới hoàn tất thủ tục giải ngân. Tuy nhiên, chưa đến ngày giải ngân, bà T. bán được căn nhà đã đặt cọc (có sự đồng ý của chủ nhà). Nhu cầu vay vốn ngân hàng không còn cần thiết, bà T. thông báo với ông C. và ông .V về việc chấm dứt vay vốn tại ngân hàng B.V. Ông C. trả lời bà T như sau: “Chị cứ yên tâm, sổ hồng là tài sản của chị và hiện đang được ngân hàng giữ. Khi nào chị đến lấy cũng được, chỉ cần báo trước em ba ngày”.

Sau đó ít ngày, ông V. chủ động hẹn gặp bà T. tại một quán cà phê. Tại đây, ông V. đưa cho bà T. mấy tờ giấy trắng khổ A4, đề nghị bà T. ký tên để ông V. trình cấp trên làm thủ tục trả lại bản chính giấy tờ mà bà T. đã thế chấp. Do chưa có nhu cầu sử dụng tới những giấy tờ này, đồng thời tin tưởng vào ngân hàng, nên mãi đến ngày 27.2.2017, bà T. mới điện thoại cho ông C. và ông V. để làm thủ tục nhận lại giấy tờ. Tuy nhiên, cả hai số điện thoại của hai nhân viên ngân hàng đều không liên lạc được. Trực tiếp đến ngân hàng làm việc, bà T. té ngửa khi nhận được thông báo ngân hàng không hoàn trả giấy tờ thế chấp bởi bà T chưa tất toán khoản nợ 600 triệu đồng đã vay.

Kiểm tra hồ sơ, bà T. mới biết khoản vay 600 triệu đồng đã được chuyển cho bà V.T.V, có tài khoản mở tại ngân hàng B.V theo Ủy nhiệm chi ngày 2.11.2016. Trao đổi với Người Đô thị, bà T khẳng định hoàn toàn không biết bà V. là ai.

Kết cục bất ngờ

Khá nhiều bất thường trong quá trình giao dịch giữa bà T. với Ngân hàng B.V. Một là ông C. yêu cầu bà T. thay đổi chữ ký (thành chữ T viết hoa). Hai là dù ngân hàng khẳng định bà T. thiếu nợ ngân hàng nhưng trong suốt khoảng thời gian 4 tháng (từ lúc hợp đồng tín dụng có hiệu lực theo quan điểm của ngân hàng đến khi bà T. phát hiện ra sự việc), ngân hàng không hề điện thoại, hay thông báo bằng văn bản yêu cầu bà T. đóng lãi hàng tháng.

Thứ ba, khi bà T. yêu cầu đối chất với ông C. và ông V. thì đại diện ngân hàng cho biết hai người này đã nghỉ việc. Thứ tư, ngân hàng cũng khước từ yêu cầu của bà T. về việc đối chất với bà V. Thứ năm, ngày 26.12.2016, bà T. có mở một tài khoản tiền gửi 1,1 tỉ đồng kỳ hạn một tháng (lãi suất 5,5%) cũng chính tại ngân hàng này. Nếu biết rằng đang thiếu nợ ngân hàng thì tại sao bà T. không tất toán ngay với ngân hàng. Mặt khác, bà T. tiếp tục được hướng dẫn sử dụng chữ ký “T” viết hoa khi làm thủ tục gửi khoản tiền này vào ngân hàng.

Sau nhiều lần làm việc trực tiếp với ngân hàng mà không mang lại kết quả, bà T. quyết định ủy quyền cho luật sư  (từ 1.3.2017), đồng thời gửi đơn kêu cứu đến cơ quan báo chí.

Cần đọc kỹ các chứng từ, giấy tờ do ngân hàng cung cấp trước khi đặt bút ký. Ảnh minh hoạ: Internet

Nhằm đảm bảo thông tin hai chiều, phóng viên Người Đô Thị liên lạc qua điện thoại với ông P.T.H, Giám đốc chi nhánh được ủy quyền của Tổng Giám đốc Ngân hàng B.V ký Hợp đồng Thế chấp Nhà ở và Quyền sử dụng đất ở với bà T. Tuy nhiên, ông H. cho biết đã được chuyển sang vị trí khác trong ngân hàng này. Tiếp tục liên lạc qua Hội sở của ngân hàng này tại Hà Nội, phóng viên được phản hồi rằng ông H. được ủy quyền phát ngôn. Trao đổi với phóng viên qua điện thoại ngày 26.5.2017 (thứ 6), ông  H. cho biết ngày 29.5.2017 (thứ 2) sẽ chốt lịch làm việc chính thức. Tuy nhiên, trước khi bài viết này xuất bản, ông H. không phản hồi.

Trong một diễn biến bất thường, sau nhiều lần né tránh, ông H. chủ động liên lạc với đương sự, cùng ngồi vào bàn thương lượng hôm 29.5.2017. Ngân hàng trả lại sổ hồng và các giấy tờ liên quan. Đổi lại, đương sự phải chấp nhận mất một khoản tiền (nhỏ hơn khoản vay 600 triệu đồng) kèm theo cam kết chấm dứt khiếu nại. Đương nhiên, khoản “lót tay” này không được đưa vào biên bản đàm phán. Một chuyên viên thẩm định (không muốn nêu tên) đang làm việc cho một ngân hàng thương mại nhận xét toàn bộ quá trình lập hồ sơ, lấy chữ ký khống... được thực hiện nhuần nhuyễn.Cũng không loại trừ khả năng hai nhân viên C. và V. nhận được sự hỗ trợ nhịp nhàng từ một số bộ phận liên quan.

Đừng “chết vì thiếu hiểu biết”

Liên quan đến những rủi ro khi thế chấp tài sản đảm bảo cho ngân hàng, luật sư Nguyễn Thanh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) khuyến cáo rằng tại một số ngân hàng có những trưởng, phó phòng, nhân viên tín dụng không được đào tạo, hướng dẫn bài bản dẫn đến phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp.

Nghiêm trọng hơn là thiếu đạo đức nghề nghiệp. Họ sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc, quy định của ngân hàng, tận dụng sự tin tưởng và thiếu hiểu biết của khách hàng để chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức khác nhau.  Cụ thể như việc nhân viên tín dụng yêu cầu khách hàng đến vay tiền ký tên, đóng dấu “khống” vào các chứng từ, giấy tờ như: Hợp đồng thế chấp, Khế ước nhận nợ, Ủy nhiệm chi,... với lý do để việc giải ngân khoản vay được nhanh gọn. 

Thông thường, tâm lý người đi vay (khách hàng) luôn muốn thủ tục nhanh gọn, muốn có được khoản tiền vay sớm và tin tưởng và các thủ tục của nhân viên tín dụng, để rồi sẵn sang ký vào những chứng từ mà không hề đọc qua, thậm chí ký vào một số tờ giấy trắng mà nhân viên tín dụng cung cấp. Điều này mang đến nhiều rủi ro phát sinh. Đối với người đi vay tiền, ông Thanh lưu ý cần đọc kỹ các chứng từ, giấy tờ do ngân hàng cung cấp trước khi đặt bút ký như: Hợp đồng tín dụng; Khế ước nhận nợ; Ủy nhiệm chi,... Hợp đồng tín dụng và chứng từ cần phải có đóng dấu của ngân hàng và phải được giáp lai (nếu từ hai tờ trở lên).

Ngoài ra, khách hàng cần chú ý các điều khoản xử lý tài sản vay, lãi phạt trong hạn, quá hạn; cập nhật nợ gốc và lãi hàng tháng trong suốt quá trình vay; thường xuyên theo dõi các khoản vay và tiến trình trả nợ của mình; Liên hệ gấp với người có thẩm quyền của ngân hàng khi có thắc mắc, dấu hiệu nghi ngờ, sai phạm liên quan đến khoản hoặc tài sản đảm bảo để yêu cầu làm rõ nhanh chóng và kịp thời.

Thượng Tùng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.