Giáo dục Úc, điểm đến cho tương lai

 12:30 | Thứ hai, 09/06/2014  0

Có thể bạn chưa biết

Ngày hội du học Australia tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua đã thu hút hơn 2.000 phụ huynh và học sinh đến tìm hiểu, tham quan gian triển lãm của gần 50 trường học ở Úc. Các buổi nói chuyện xoay quanh chủ đề về sáu bước cơ bản để tiếp cận nền giáo dục xứ sở kangaroo là tìm khoá học phù hợp, nộp hồ sơ, nhận thư chấp nhận, xin visa, chuẩn bị hành trang du học và lên đường học tập. Hiện nay, chính sách xin visa Úc có những điểm mới về “nới lỏng” việc chứng minh tài chính thuận lợi cho người du học.

Mức học phí ở Úc đa dạng cho từng bậc học, tính bằng đô la Úc, rẻ nhất là học các chứng chỉ nghề, dao động 5.000 đến 20.000 đô la Úc/năm, học tiếng Anh là 12.000 đến 19.000, đại học và sau đại học là từ 14.000 đến 37.000 tuỳ vào chương trình và ngành học đặc thù.
Mức sinh hoạt phí vừa phải, khoảng 1.500 đến 2.000 và có thể bù đắp bằng khoảng thời gian làm thêm cho phép là 20 giờ/tuần cho ai có thị thực sinh viên. Mức học bổng ở Úc không cao, chỉ dao động từ 10-25% ở các trường đại học Melbourne, Jame Cook, Monash, Sunshine Coast…

Hấp dẫn học bổng

Học bổng Chính phủ Australia (Australia Awards Scholarships), toàn phần dành cho bậc sau đại học, trước đây mang tên học bổng phát triển của Chính phủ Úc.

Mỗi năm Chính phủ Úc cấp trên dưới 200 học bổng, trị giá mỗi suất khoảng 150.000 đô la Úc cho bậc thạc sĩ và 300.000 đô la Úc cho tổng chi phí 4 năm học tiến sĩ. Chi phí bao gồm vé máy bay, học phí, sinh hoạt phí và trợ cấp chi phí nghiên cứu thực địa, hỗ trợ học tập… Điểm ưu việt của học bổng Chính phủ Úc là hướng đến sự phát triển, ưu tiên các ứng viên đến từ khu vực nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số. Theo thống kê từ văn phòng Chính phủ Úc tại Việt Nam, có đến 30% người nhận học bổng đến từ các tỉnh nghèo và các cán bộ dân tộc thiểu số cần trau dồi kiến thức để phục vụ phát triển địa phương. Có 20% số học bổng dành cho bậc tiến sĩ nghiên cứu.

Các bàn tư vấn cho học sinh trong ngày hội Du học Australia 

Theo đó, mỗi năm chính phủ cung cấp danh sách các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công tác xã hội, phát triển cộng đồng, kinh tế phát triển… Ưu điểm thứ hai là tiếng Anh đầu vào chỉ yêu cầu mức tối thiểu cho bậc thạc sĩ là IELTS 4.5 và 5.5 cho bậc tiến sĩ. Nếu ứng viên đã đậu học bổng sẽ được hỗ trợ chi phí học tiếng Anh đạt mức cần thiết là 6.5 trong một năm tại Việt Nam.

Với 4.000 sinh viên đã nhận được học bổng, người học được hỗ trợ đắc lực từ mạng lưới rất năng động của cựu sinh viên. Bà Vũ Thị Thanh Hoa, phó giám đốc dự án Học bổng Chính phủ Úc tại Việt Nam cho biết: “Học bổng này có đầu vào “dễ thở” và hỗ trợ dồi dào với không dưới 200 suất so với số lượng vài chục suất từ học bổng Endeavour của bộ Ngoại giao Úc. Thêm nữa, để giành được suất học bổng Endeavour phải “chọi” với các ứng viên rất tiềm năng khắp châu Á - Thái Bình Dương”.

Học bổng chính phủ giới hạn đầu vào ở chỗ ứng viên phải tốt nghiệp đại học chính quy, có hai năm đi làm và phải cam kết quay về Việt Nam làm việc ít nhất hai năm sau khi tốt nghiệp. “Bí quyết nhận học bổng là bạn phải thuyết phục được tại sao bạn xứng đáng và những công việc trước đây và sau này có đóng góp đến sự phát triển ra sao. Những mối quan tâm rất nóng như biến đổi khí hậu, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, hỗ trợ người khuyết tật… được khuyến khích”, bà Hoa cho biết thêm.

Anh Bùi Quốc Anh, học bổng thạc sĩ chính phủ năm 2006, chia sẻ: “Đề tài về mẫu thử độc tố trên thực phẩm và cây trồng nhóm tôi thực hiện trước đó một năm là điểm cộng quyết định giúp tôi vượt nhiều hồ sơ khác để nhận học bổng. Theo tôi, quan trọng là chứng minh được những kiến thức học được sẽ cần thiết cho sự đóng góp vào lĩnh vực của mình ra sao. Những kiến thức đó giúp tôi trụ lại với ngành khoa học vì nó có thể “thương mại hoá” tạo ra giá trị rõ rệt so với những đề tài nghiên cứu “chết lâm sàng” trên giấy tờ”.

 Bài và ảnh: Khánh Ly

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.