Tạo tiền đề sự phát triển bền vững
Khu tập thể Vĩnh Hồ trải dài trên địa bàn hai phường Thịnh Quang và Trung Liệt (quận Đống Đa) với tổng cộng 1.938 căn hộ, là nơi sinh sống của hơn 14.000 người dân. Bên cạnh đó, khu vực nghiên cứu quy hoạch còn bao gồm khoảng 1.300 căn nhà liền kề, nâng tổng diện tích xem xét lên khoảng 22ha.
Trải qua hàng chục năm khai thác, nhiều hạng mục tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng cơi nới tự phát, cải tạo thiếu đồng bộ của người dân không chỉ làm biến dạng kiến trúc ban đầu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Các dãy nhà liền kề nằm đan xen với nhà tập thể cũng khiến không gian chung trở nên chật hẹp, thiếu ánh sáng, ảnh hưởng tới chất lượng sống và cảnh quan đô thị.
|
Khu tập thể Vĩnh Hồ, với quần thể 36 dãy nhà 4-5 tầng được xây dựng từ 40-50 năm trước, hiện đã xuống cấp do không được sửa chữa, bảo dưỡng. |
Theo định hướng của đồ án quy hoạch, việc cải tạo nhằm bảo đảm quyền lợi tái định cư tại chỗ cho cư dân, đồng thời dành một phần diện tích hợp lý cho nhà đầu tư khai thác các dịch vụ thương mại nhưng không bố trí chức năng ở. Đây là bước đi vừa nhằm khắc phục những tồn tại kéo dài trong quản lý đô thị, vừa tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp.
Đồ án định hướng sẽ xây dựng lại 36 tòa nhà thành các nhà cao 40 tầng để tái định cư tại chỗ cho người dân và dành một phần diện tích để nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ thương mại, không có chức năng ở. Việc đền bù hỗ trợ cho cư dân được thực hiện theo quy định hiện hành, tầng 1 có hệ số K là 2, từ tầng 2 trở lên hệ số K là 1,5. Diện tích trung bình các căn hộ sau khi cải tạo là 70m2.
Cùng với xây dựng lại các toà nhà đồ án cũng đặt ra nhiệm vụ cải tạo mở rộng các tuyến đường, tăng khả năng kết nối giao thông nội khu và các khu vực lân cận như tuyến đường Cát Linh - Yên Lãng - Láng (rộng hơn 38m), phố Tây Sơn (rộng 45 - 55m), phố Thái Hà (rộng 30m), đường Láng (rộng 58,5m). Khu vực cải tạo cũng có tuyến đường sắt đô thị số 2A đang vận hành, 2 nhà ga (Ga Láng và ga Yên Lãng). Tại các công trình cao tầng đảm bảo tầng hầm để đỗ xe cho toà nhà cũng như các công trình lân cận.
|
Không chỉ xuống cấp, hiện tượng cơi nới, cải tạo của cư dân cũng gây mất an toàn cho các khối nhà. |
Người dân ủng hộ chủ trương xây dựng lại
Ông Nguyễn An Bình, nhà C1 Vĩnh Hồ, cho biết với các nhu cầu của xã hội bây giờ thì những khu căn hộ này đã trở nên chật chội và xuống cấp, được nâng cấp và đập đi xây lại đó là nhu cầu của tất cả người dân chung cư cũ ít nhất là với những người dân từ tầng 2 trở lên.
“Từ năm 2010, người dân khu Vĩnh Hồ chúng tôi đã nghe được thông tin về việc cải tạo nhưng từ đó đến nay cũng chưa thấy gì, người dân thì vẫn phải cố gắng sửa chữa tạm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt”, ông Bình cho hay.
Theo ông Trương Minh Quang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng và đô thị quận Đống Đa, cơ bản ý kiến của người dân khu tập thể Vĩnh Hồ cũng giống như như các khu chung cư khác, đa số là đồng thuận với cả chủ trương nhưng vẫn còn một vài nội dung về hệ số đền bù, chiều cao tầng để khớp nối với hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.
“Nhiều hộ dân bày tỏ lo ngại rằng phần diện tích còn lại sau khi đền bù, người dân khó có khả năng tự chi trả nếu không có sự hỗ trợ tài chính. Về kế hoạch, quận sẽ tiếp tục hoàn tất việc lấy ý kiến cộng đồng, tổng hợp và trình báo cáo Thành phố”, ông Trương Minh Quang cho biết.
|
Những khu nhà liền kề xen kẽ trong các nhà tập thể Vĩnh Hồ đã hình thành nên ngõ hẹp, thiếu ánh sáng, lấn chiếm làm nơi buôn bán, kinh doanh. |
Góp ý về các đồ án cải tạo chung cư cũ đang được lấy ý kiến cộng động dân cư, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng trước đây với các khu đô thị mật độ xây dựng thường là 70 - 80%, hiện nay đã giảm xuống còn chưa đến 60%, đó là yêu cầu. Về giao thông, đã bố trí phương tiện giao thông công cộng để giải quyết bài toán hạ tầng trong các khu chung cư, đồng thời xây dựng bãi đỗ xe theo tiêu chuẩn.
“Có thể thấy, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025 với những quy định đặc thù đã dần được hiện thực hóa. Theo quy định của Luật Thủ đô 2024, Hà Nội được trao quyền điều chỉnh chỉ tiêu, hệ số đền bù, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt cho phù hợp; điều này tạo ra yếu tố rất thuận lợi trong cải tạo các khu chung cư cũ. Luật cũng đã tháo điểm nghẽn, tạo sự đồng thuận của người dân. Luật cũng quy định rõ về bố trí các khu tái định cư và hệ số đền bù thỏa thuận giải phóng mặt bằng thì Hà Nội có đặc thù từ 1,5 - 2 lần nhà cũ”, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Anh Tuấn
Đống Đa là quận có số lượng chung cư cũ lớn nhất Thủ đô, với 12 khu, 517 tòa nhà, chiếm 18,6% diện tích đất tự nhiên, là nơi sinh sống của khoảng 57.700 người (15,6% dân số toàn quận). Trong thời gian qua, quận đã lấy ý kiến người dân về các đồ án quy hoạch tại 7 khu: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam, 30 - 32 Hào Nam, Vĩnh Hồ và Nam Đồng.