Trên vỉa hè:

Hà Nội, mùa thu, lạc lối

 09:16 | Thứ sáu, 04/10/2019  0
Hà Nội trẻ lại như người phụ nữ hồi xuân nhớ tuổi hai mươi của mình bằng cách trang điểm vintage, bằng cung cách dịch vụ mới khéo léo mềm mại hơn. Câu hỏi đặt ra là, mùa xuân để mà người đàn bà ấy hồi tưởng và quay về sẽ là gì?

***

LTS: Từ số báo này Người Đô Thị ra mắt chuyên mục mới, do nhà văn - nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên phụ trách, với sự cộng tác của các cây bút tên tuổi. “Trên vỉa hè” là một định vị chỗ đứng, từ đó có thể quan sát mọi chiều kích phố thị, những va đập của các giá trị cũ mới trước làn sóng phát triển, những đổi thay trong hành vi, lối sống thị dân… Nói cách khác, “Trên vỉa hè” là cuộc phóng chiếu chân dung và cá tính đô thị đương đại qua các tùy bút báo chí.

Người Đô Thị

Tôi ở một khách sạn trên phố Hàng Cót. Cứ nghĩ rằng nơi đây sẽ tiện lang thang trong những ngõ ngách phố cổ. Nhưng hình dung về một mùa thu êm dịu đã nhanh chóng bốc hơi cùng mồ hôi sau lưng áo khi tôi kéo vali từ trạm xe bus ở trạm trung chuyển Long Biên về nơi lưu trú.

Những ngày trời chuẩn bị sang thu, thi thoảng trong cái nồm có một trận mưa nhỏ. Người Hà Nội xuýt xoa về cái dịu mát hiếm hoi và rất đỗi hiện sinh của thời tiết.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên

Trung thu là khoảng thời gian tuyệt vời nơi đây, trên lý thuyết là vậy. Từ dãy đường tàu Phùng Hưng đến chợ Đồng Xuân, qua phố Hàng Mã, những con đường trở thành điểm check-in khẩn trương và toàn diện. Lồng đèn ta, lồng đèn Tàu, các bức tường trang trí nhiều màu được bày bán.

Thậm chí, người ta còn cắt dán hình sinh hoạt thường nhật để trưng bày với tỷ lệ tương đồng thực tế. Một bà bán hàng hoa, một ông hút thuốc lào, một quán phở được dựng lên trên những vỉa hè… tạo ra một sân khấu mô phỏng, copy cái hiện thực đang tiếp diễn.

Bạn hỏi tôi, tại sao người ta phải cắt dán thêm những hình bà bán hàng rong để dựng lên cho tụi nhỏ chụp hình sống ảo, trong khi các bà bán hàng rong như thế còn đầy rẫy trên phố? Tôi chỉ có thể lờ mờ đoán rằng, tư duy trực quan sinh động được nâng cấp vẫn là thứ chi phối những cuộc hội hè, tạo ra một quang cảnh sống đa bội, nêm vào hiện thực đã quá chật chội này những hư cấu ở cấp mô phỏng. Nhưng đó chỉ là một khả năng cắt nghĩa.

Mùa thu thì vẫn là cái gì đó ở phía trước dù mỗi buổi chiều trời hoang phí một trận mưa. Mưa mà vẫn oi bức. Cái oi bức biến phố cổ thành một nồi áp suất mà một du khách phương Nam đi lại trong đó dễ thấy kiệt sức, chấp chới, lạc lõng.

Cách đó vài hôm, danh họa Bùi Xuân Phái được Google vinh danh. Cũng thời gian ấy, giải thưởng mang tên ông được trao cho ba cuốn sách. Trong đó, tôi đặc biệt nhớ đến hai tác phẩm của người viết cùng thời với mình, một, là du khảo về sinh hoạt âm nhạc thanh lịch của Hà Nội cũ - Hà Nội tiền chiến, và một, viết về một Hà Nội của những dấu nối hiện đại theo kiểu ghi chép tản mạn.

Tôi hiểu rằng, đó là những cuộc tìm kiếm khá đơn độc trong dòng chảy văn hóa đại chúng đang thôi thúc tràn bờ. Nó phóng chiếu hai mong muốn cơ bản nhất của người Hà Nội (những thị dân tuổi 40 tự vấn về nền tảng đô thị, có thể nói thế) về sự nối tiếp và thông qua hoài niệm, nhận diện một bản sắc hay một sự thiết lập tương quan với hôm qua.

Nếu khoảng 20 năm về trước, khi du lịch chưa rộn ràng như bây giờ, những góc phố cổ có thể đơn điệu hơn, biểu hiện của một Hà Nội già nua, sần sùi. Hormone hiện đại lúc ấy chưa đủ để rừng rực lay chuyển thành phố khỏi cơn ngái ngủ thời bao cấp.

Người ta còn mặc sức tưởng niệm một Hà Nội của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Thạch Lam, Vũ Bằng dù những quán phở, quán bún gia truyền lại cung cấp một thứ hiện thực tương phản với lối dịch vụ quát mắng khách hàng sa sả, truyền lưu thứ quyền lực của kẻ cung cấp cái ăn trong mậu dịch thời bao cấp.

Vào thời đó, vì cái ăn, người ta dễ niệm tình cam chịu. Bởi hoài niệm là thứ nhấc con người lên, về mặt tinh thần trong những tình cảnh hiện thực khốn đốn lưu đày.

Nhưng thời đó qua rồi. Hà Nội trẻ lại như người phụ nữ hồi xuân nhớ tuổi hai mươi của mình bằng cách trang điểm vintage, bằng cung cách dịch vụ mới khéo léo mềm mại hơn. Câu hỏi đặt ra là, mùa xuân để mà người đàn bà ấy hồi tưởng và quay về sẽ là gì? Không còn những sáng mát trong như sáng năm xưa, dù người bán cốm xanh vỉa hè vẫn đội nón cối ngồi đó. Không còn mùa thu tiểu tư sản hào hoa mà khắc kỷ đã gặp đâu đó trong văn Triều Đẩu, Vũ Khắc Khoan hay thơ Phùng Cung, Trần Dần, đôi chút ở Phan Vũ (những câu mà Phú Quang không thể phổ được nhạc!).

Không có mùa thu của Hợp ca Thăng Long, của hương trời mê mải trong nhạc Phạm Duy hay Hoàng Giác, càng không là Đoàn Chuẩn - Từ Linh hoặc hương xa của “một chút Paris” trong quán rượu Thanh Tâm Tuyền. Mọi tín hiệu mùa thu hào hoa đã lên tàu đi di trú, chỉ còn một mùa thu hiện thực xã hội chủ nghĩa gia trưởng trong một cuộc hôn nhân mà người phụ nữ hồi xuân ấy khó nhọc đi qua. Mùa thu len lén trong một ý hướng duy nhất.

Sân khấu hóa diễn ra trong đời sống vừa làm chật hiện thực, vừa mô phỏng hiện thực nhưng cũng vừa là một cách đánh lạc hướng hiện thực. Trên bề mặt, cũng như những thành phố đã biến mình thành gift (quà tặng) cho khách phương xa, Hà Nội định vị lại thứ tài sản làm nên mình ở một phân khúc thời gian kịch tính nhất.

Vậy thì bây giờ, nàng có thể định vị mùa thu là mùa thu nào trong cuộc quy hồi thanh xuân rần rần réo gọi từ nội tiết tố? Câu trả lời là nàng ấy đã biết cách trẻ lại trong vốn liếng trưởng thành một thời đồng phục, để biến tấu cái chỉnh tề lề lối ấy trở thành vẻ lấp lánh thực tế hơn vạn lần, nàng còn biết ngạo với thời gian theo lối từng trải thực thụ. Còn lại chỉ là vấn đề ngôn ngữ, ừ dễ thôi. “Thời bao cấp là một hoài niệm có tính bản sắc của Hà Nội mới”, bạn nói với tôi. “Vì cái hào hoa của thời bốn nhăm năm tư có còn gì mà tìm kiếm”. Một kiến giải lạ lùng làm xoay trục suy nghĩ của kẻ xa lạ đến từ một thành phố phương Nam. Và tôi nhận ra đó là một gợi ý giải mã cho Hà Nội mà tôi trông thấy hôm nay.

Bằng chìa khóa mà bạn trao cho, tôi dò tìm tâm tính bao cấp trở về trong phong thái dịch vụ thời thị trường sòng phẳng, nó tìm thấy sự điều chỉnh để tương thích một cách lạ lùng. Trong những quán cà phê trên phố cổ chỉ vài chục mét vuông, những bức ảnh đen trắng về Hà Nội quá khứ được trang trí nhiều, một kiểu mời gọi retro - hướng về quá khứ. Người ta xếp hàng mua phở, mua bánh gia truyền với tâm thế khác. Về phía người cung cấp dịch vụ, gia truyền là một slogan cô đọng nhất trên các biển hiệu thời bây giờ, nó tỏa ra hào quang thời gian trong dòng chảy của nóng, phẳng, chật. Nó sẵn sàng ôm lấy thời gian. Để cái lưu cữu và kết tinh là một. Nơi đó, khách đến nhâm nhi thói quen xếp hàng nhiều hơn vì độ ngon của một tô phở.

Trong sự thực hành ẩm thực, có cái chậm rãi trở về một Hà Nội thanh tao đã mất, có cái khổ hạnh của thời tem phiếu hòa điệu nhịp nhàng trong ảo giác của sự công phu sành điệu thời toàn cầu hóa vậy. 

Sẽ không ai chửi bạn nữa, nếu bạn giữ một chừng mực khi vào các hàng quán thời bây giờ (và phải nhớ là đừng dại đánh thức ẩn ức bạo lực, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở Hà Nội hôm nay, nhé!). Người ta biết rằng, chỉ nên bán sự chậm rãi trong một thế giới xô bồ hỗn tạp, chứ ai mà mua sự sỗ sàng độc quyền cái ăn nữa.

Mặt khác, người ta cũng biết cách tự tạo ra không gian giễu nhại những biệt ngữ và khẩu hiệu chính thống để tạo ra một thực tại bên lề, nhằm đối trọng với cái chính chuyên độc quyền chân lý. Đâu đó tôi đã gặp câu khẩu hiệu: Không có gì quý hơn thứ bảy, chủ nhật trên một tấm pa-nô vẽ theo phong cách tuyên truyền (tấm pa-nô này đi thẳng vào Sài Gòn theo con đường nhượng quyền tinh vi, và nằm chễm chệ ở khu vực xa hoa nhất - quảng trường mà tòa The Landmark 81 đổ bóng). Hà Nội đã đóng gói thời gian theo một cách riêng, thực dụng, chuyên nghiệp. Không lôi thôi rón rén.

Và thế là, có một Hà Nội trong màu vintage ở những phố phường tôi qua. Những vỉa hè loang loáng nước sau mưa. Mùi nước xương hầm, mùi khói thịt nướng, mùi thịt gà thịt vịt luộc, mùi nem rán và bánh tôm, mùi măng chua và mùi nước rửa chén tràn ra mọi ngõ phố. Những bức tường được sơn phết lại, sống động theo lối nệ cổ. Cái cổ và cái giả cổ là một. Hiện thực và nhại hiện thực là một. Một Hà Nội đã biết về điểm phấn tô son lại như trong câu thơ của Thái Can.

Một lần kia, em nói với tôi rằng, vì sao bà già gánh hàng rong lại đứng bất động bên đường lâu vậy. Chỉ cách một góc phố, mà chúng ta còn không nhận ra người đàn bà đứng đó là giấy các-tông hay sao? Và biết đâu đó còn có tiếng rao phát ra từ chiếc loa phường biến thể giấu sau cái cột đèn giả cổ không chừng!? 

Sân khấu hóa diễn ra trong đời sống vừa làm chật hiện thực, vừa mô phỏng hiện thực nhưng cũng vừa là một cách đánh lạc hướng hiện thực. Trên bề mặt, cũng như những thành phố đã biến mình thành gift (quà tặng) cho khách phương xa, Hà Nội định vị lại thứ tài sản làm nên mình ở một phân khúc thời gian kịch tính nhất.

Không ai đi lạc cả. Chỉ mùa thu là giống loài dễ đi lạc vào sách đỏ mà thôi! 

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.