Thiếu nữ viếng Lăng Ông, đầu đường Lê Văn Duyệt vào ngày tết. Ảnh trên báo Sáng Dội Miền Nam đầu thập niên 1960
Câu nói vu vơ của ông làm tôi nhớ nhiều. Trước đó, tôi lui tới khu này thường xuyên, nhất là chỗ hẻm Khăn Đen Suối Đờn phía bên kia đường vì trong đó có nhà một người chuyên chấm sửa ảnh khi tôi còn chơi ảnh chụp bằng phim. Ngôi nhà nhỏ, có một ông cụ rất gầy người Bắc di cư thích văn chương, thường nằm võng đọc thơ và kể chuyện cụ Giản Chi, cụ Nguyễn Hiến Lê mà ông quen. Mấy người con làm nghề chụp và chấm sửa ảnh, điềm đạm và hiền lành. Mấy lần vào hẻm, tôi thấy họa sĩ biếm họa Nguyễn Tài chạy ra. Vì có quen biết, anh gật đầu cười nhẹ nhàng.
Những người cầu Bông ngày xưa ấy, đúng như chú Sơn Nam nói, họ dễ thương, sống hiền lành. Họ là người của đất Gia Định xưa, dù gốc gác lâu đời ở đó hay chỉ đến sau 1954.
Trong bài viết “Về Bà Chiểu, rảo Hàng Bàng” trong bộ “Sài Gòn chuyện đời của phố”, tôi có lần nhắc về đường Lê Văn Duyệt, xưa là đường Hàng Bàng đoạn từ cầu Bông đến Lăng Ông. Theo tư liệu trên báo Đời Mới, ở thập niên 1920, hai bên đường này còn nhiều khoảnh ruộng lúa xanh um. Thú vui của dân xóm Đình gần đó là đi câu ếch và bắt cá lia thia, bắt còng. Tuy nhiên, đám trẻ đi bắt cá lia thia quanh con đường này thường không dám nán lại đến trưa vì sợ giờ Ngọ là giờ… ma đi. Họ sợ gặp oan hồn cô Ba Trâm, một thiếu nữ đã tự vẫn phía sau khu đất trường Vẽ Gia Định.
Phía trước Lăng Ông có dãy nhà phố và một cái lò đóng móng bò, rất tiện cho khách bộ hành khi gặp cơn mưa. Từ lò đóng móng bò ngó qua bên kia đường có một miếng đất trống và một cái nhà lợp thiếc, sườn bằng sắt, là phú-de (fourrière, nơi chứa đồ vật của công an) nhốt chó, nhốt bò vô chủ đi lang thang.
Lăng Ông 1965 với hàng rào thấp. Ảnh: Gary Mathews
Đến đầu thập niên 1950, đường Hàng Bàng đã trở thành đường Lê Văn Duyệt và nhà cửa đã đông đúc hơn. Gần cầu Bông có bãi đất trống, sau khi những cây bàng bị chặt bỏ. Buổi chiều người dân tụ lại thành khu chợ trời, bán đủ thứ phục vụ cho bữa ăn như nồi đất, bí bầu, gạo... có một thợ may ngồi tại chỗ may quần áo cho khách và mấy cái quán cà phê.
Năm 1952, nghệ sĩ Năm Châu đến mua một trại cưa trong con đường dốc là nhánh của đường Hàng Bàng làm thành chỗ ăn ở cho đoàn cải lương của ông. Cả đoàn ở trên một cái nhà sàn de ra sông, chia ra từng gia đình và khoảng giữa dành làm sân khấu, có cái bếp nấu “cơm hội” ăn chung. Gia đình nghệ sĩ Trần Hữu Trang cũng ở một cái nhà sàn gần đó.
Chú Nguyễn Cương Phú, với trí nhớ hiếm có của người hơn tám mươi tuổi, kể từ đầu thập niên 1940, đoạn đường từ cầu về Lăng Ông lúc đó được chia làm ba làn xe. Hai bên đường dành cho xe đạp, xe kéo, xích lô và xe ngựa hai chiều ngược nhau. Đường giữa dành cho xe hơi, taxi, xe cá ngựa (là xe ngựa đôi, dùng chở hàng là chính). Hai bên lề đường là hai hàng cây cao thẳng tắp. Phía sau con đường là đồng ruộng.
Thời đó, cư dân sống hai bên đường rất thưa thớt, chủ yếu là nông dân. Chỉ có khu đất hai bên đầu cầu và khu đất gần Lăng Ông mới đông dân. Khoảng tháng 8 năm 1942, có một cơn giông kinh hoàng thổi mạnh từ ngoài rạch Thị Nghè đi qua cầu Bông thẳng tới Lăng Ông khiến hàng cây bàng hai bên đường Lê Văn Duyệt trốc gốc nằm la liệt trên đường phố. Một trại cưa gần đó vừa xây xong bị đổ tan tành, một cổng gạch của trại cưa khác đổ làm sập vách của một tiệm sửa xe.
Từ cầu Bông về hướng Lăng Ông, bên tay phải có trại cưa Văn Cầm ngoài bờ rạch, chủ trại là người Hoa. Trại khá lớn. Từ đường cái vô trại có một con hẻm được mở rộng cho xe tải đến nhận gỗ thành phẩm. Gỗ được đóng bè chở đến trại bằng đường thủy. Phía sau cái trại này, cư dân sống khá đông hai bên rạch Cầu Bông.
Muốn vô xóm, người dân phải đi qua một chiếc cầu gỗ nhỏ. Nhà dân ở đây toàn xây trên cừ tràm, cả ngôi nhà hay chỉ gác một phần nhà sau. Nhà nào cũng lợp lá dừa nước từ mái tới vách, sang mới dùng vách gỗ. Không nhà nào có điện, dùng đèn dầu lù mù. Khi có tiệc tùng, giỗ quảy thì mượn cái đèn măng-sông treo giữa nhà là sang lắm rồi. Phía đường đối diện cũng một trại cưa nhỏ.
Cô giáo Nguyễn Thị Nam (ngồi) và các nữ sinh trường Nữ Công Gia Định. Ảnh chụp khoảng đầu thập niên 1950. Tư liệu của gia đình bà Nguyễn Thị Nam
Tuy sống gần kinh rạch, muốn có nước sạch dùng để nấu ăn, dân chúng phải mua hoặc tự gánh nước máy từ vòi nước công cộng bên kia cầu, trước chợ Đa Kao. Ngày nào, vòi nước công cộng này cũng đông nghẹt các bà nội trợ, con nít và các cô mari phông-tên xếp hàng đợi. Chỉ khi tắm giặt họ mới dùng nước dưới rạch nhưng phải đánh phèn, lóng trong mới dùng được.
Mỗi tối, Phú cùng các chị trong nhà quẩy gánh lên vai, gánh hai thùng dầu hôi hiệu con gà để lấy nước về. Phú còn nhỏ, thấp bé nhưng vẫn bặm môi gánh, hai thùng nước nặng gần như kéo lê trên mặt đường, cạnh đáy thùng va đập vào gần gót chân thằng nhóc có khi bật máu. Về bôi thuốc, hôm sau lại tiếp tục dù còn ê ẩm.
Mùa hè, Phú cùng đám bạn thường nhảy xuống rạch cầu Bông bơi khi nước lớn. Lúc hứng lên, cả đám đứng trên lan can cầu nhảy tùm xuống giữa lòng sông, lặn ngụp cho đã mới bơi vô khoảng bờ đất trước trại cưa. Nước dưới cầu hồi đó khá trong.
Cầu Bông luôn có lính Pháp, rồi lính Mã tà người Việt đứng gác suốt đêm kể từ sau khi Việt Minh giành được chính quyền, và Pháp trở lại. Đến cuối năm 1945, Pháp ra lệnh giới nghiêm từ 10 rồi 11, 12 giờ đêm, không cho qua lại. Khi toàn bộ Sài Gòn thuộc chính quyền Pháp thì lệnh giới nghiêm được bãi bỏ.
Anh Dũ, sống ở khu cầu Sắt gần đó không lạ gì khu cầu Bông. Anh nhớ trước năm 1975, hẻm trại cưa Văn Cầm khá phức tạp, có nhiều tệ nạn đĩ điếm, hút chích vì gần bờ sông, nhiều đường thoát. Sau năm 1975, cuộc sống khó khăn, không còn dầu hôi nấu bếp. Nhờ ba anh quen chủ trại cưa nên thỉnh thoảng Dũ cùng ông anh đẩy cái rương xe bằng gỗ có bốn cái bánh gỗ trong nhà qua trại mua mạt cưa về chụm bếp. Giá khá rẻ, có khi được bà chủ trại vừa bán vừa cho.
Trên đường về, cái rương xe nặng chạy chậm rì vì bánh xe nhỏ xíu, nhưng hai anh em thấy mừng lắm vì nhà có thêm đồ chụm, còn hơn phải dùng củi gốc cứng ngắt phải chẻ muốn ê tay, hoặc củi sọ khó bắt lửa. Mạt cưa đem về phơi xong nhồi vào bếp, dùng củi ngo mồi rất mau bắt.
Phía trại hòm Vạn Thọ gần đó có một thời gian rộ lên chuyện làm gia công chế biến trà. Từ ngoài đường và trong hẻm, nhà nhà lãnh trà về sao tẩm rồi rang, mùi trà bay khắp nơi. Nhà Dũ cũng làm ăn công, mua về cái chảo to tướng, lãnh trà về ướp xong bỏ lên chảo sao cho khô. Làm một thời gian, không chịu nổi mùi trà và hương liệu quá nồng nên bỏ nghề, tặng lại cái chảo. Thời đó, bánh mì Ba Lẹ bán gần đó. Cơm tấm đêm có sau này, bên hông bệnh viện Bình Thạnh, bây giờ là cơm tấm Mai (không rõ còn không?).
Đó là những sinh hoạt phía bên cầu phía Bình Thạnh. Qua cầu, đến quận 1 là một khu khá giả sầm uất. Có xe hủ tíu bò viên Đa Kao, vịt quay Thanh Xuân, mì Hải Ký… cả rừng ăn uống. Đó là khu ẩm thực của dân khá giả, nghệ sĩ đi diễn khuya, đám con nít nhà nghèo không dám mơ.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc biết tường tận khu dân cư phía bên này: “Con phố bờ rạch cầu Bông, bên trong còn dấu vết bóng xưa với một cái đình núp dưới bóng một cây đa, đình Tân An, mà cho đến nay vẫn còn. Trước mặt đình Tân An, và đưa lưng xuống rạch cầu Bông là một làng chài lưới, dân chúng gọi là Vạng Chài (Có người viết là Vạn, chớ thật ra nó là Vạng, có nghĩa là làng của dân chài). Thuở ấy rạch cầu Bông còn sạch lắm, nên dân câu kéo đông đúc họp thành làng. Họ cung cấp cá trắng, tức cá sông và tôm tươi cho toàn thành phố… Nhà liên kế xây cất bằng gỗ cũng còn khá nhiều, mặc dầu nhà gạch đã thay thế nhà gỗ nhiều lắm rồi. Đường bờ rạch nói trên, còn đến hơn mười ngôi nhà xưa gỗ quí, ba gian hai chái, y như ở làng”.
Thời đó, dân cư phía bên quận 1 khá giả hơn hẳn phía bên Gia Định với nhà vách gỗ, nhà gạch so với xóm nhà lá bên kia cầu. Nhà hàng phía bên quận 1 thì ê hề, đèn đuốc sáng choang, người đi coi xi nê dập dìu. Chỉ cách nhau một cây cầu.
Nữ sinh đi học về trên đường Lê Văn Duyệt năm 1965. Ảnh: Gary Mathews
Cách nay một năm, đường Lê Văn Duyệt đoạn từ cầu Bông đến Lăng Ông đã phục hồi tên cũ sau nhiều năm là đường Đinh Tiên Hoàng. Con đường này đã khác xưa với xe cộ đông đúc, hai bên cầu kín các cửa hàng, đèn điện sáng choang, không cách biệt nhiều như nửa thế kỷ trước với ánh sáng đèn rực rỡ phía quận 1 và phía Gia Định vắng vẻ, lờ mờ ánh đèn đường vào buổi tối.
Hơn ai hết, người dân miệt Bình Hòa, Đồng Ông Cộ, Hàng Sanh rất vui mừng. Họ như thấy mình đi lại con đường thời tuổi trẻ, thuở chạy xe ngang cổng trường nữ trung học Lê Văn Duyệt giờ tan trường liếc nhìn mấy cô nữ sinh Gia Định áo dài trắng muốt như đàn chim trắng và băng qua cầu Bông ăn mì xào giòn, khi nhìn bảng tên đường Lê Văn Duyệt vừa được gắn lên.
Phạm Công Luận