Han Kang và “kỳ tích sông Hán”

 12:05 | Chủ nhật, 27/07/2025  0
Theo TS. Nguyễn Thị Hiền - Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc (Trường Đại học Văn Lang), thành công của Han Kang tại giải Nobel Văn chương nói riêng và thị trường xuất bản quốc tế nói chung bên cạnh nội lực của nhà văn thì còn có “cả một cơ chế hỗ trợ” (*).

Nền văn học thân quen

Là người trong suốt nhiều năm đã mời và giới thiệu các nhà văn Hàn Quốc đến Việt Nam để cùng giao lưu, học hỏi, TS. Nguyễn Thị Hiền cho biết văn học của xứ sở kim chi không còn xa lạ với độc giả nước nhà.

Bà chia sẻ, từ khi chiến tranh hai miền Nam – Bắc kết thúc, văn chương Hàn Quốc bắt đầu khởi sắc từ những năm 1970 – 1980 gắn liền với “kỳ tích sông Hán”, “con rồng châu Á” trong kinh tế. Những nhà văn nổi bật trong giai đoạn này có thể kể đến Han Kang (tên cô cũng có nghĩa là Hán giang), Kim Young Ha (Tôi có quyền hủy hoại bản thân, Điều gì xảy ra ai biết, Kẻ sát nhân)....

Han Kang được xem là nhà văn nổi bật của thập niên 1970 - 1980. Ảnh: AP


Sau đó vào thập niên 1990, nền văn chương này bắt đầu vươn ra thế giới với những cây viết cá tính, đa dạng màu sắc, có thể kể đến Kim Ae Ran (Những năm tháng rực rỡ, Em thấy chúng ta trong một mùa hè, Xuân qua hạ đến), Pyun Hye Young (Hố đen sâu thẳm, Tro tàn sắc đỏ), Shin Kyung-sook (Hãy chăm sóc mẹ, Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi), Kim Hyang Yi (Trăng có biết không)...

Bà đánh giá mỗi một nhà văn đều có bút pháp riêng, gây được ấn tượng trên văn đàn. Đơn cử nếu Han Kang nổi tiếng với phong cách siêu tưởng, Kim Young Ha rất gần với phong cách Tây phương thì Shin Kyung-sook lại chọn những gì gần gũi, quen thuộc khi viết về gia đình, trong khi Kim Ae Ran thường mang đến những câu chuyện buồn nhưng giọng văn lại rất nhẹ nhàng, dịu dàng.

Bên ngoài đất nước, Kim Young Ha và Han Kang là hai tên tuổi rất được chú ý vì phong cách của họ gần với phương Tây, trong khi Shin Kyung-sook có chủ đề gia đình tuy bán rất chạy ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam và cả Hàn Quốc nhưng người nước ngoài lại khó chạm được.

Kim Ae Ran cũng tương tự thế. Là thế hệ sinh trưởng trong những năm 1980 khi Hàn Quốc trải qua nhiều biến động lịch sử để vươn lên thành “con rồng châu Á” nên nhiều người trẻ cảm thấy lạc lõng. Tuy vậy điều này cũng khó để người nước ngoài hiểu nếu không biết sâu về đất nước này.

TS. Nguyễn Thị Hiền và nhà văn Huỳnh Trọng Khang chia sẻ về nhiều gương mặt nổi bật của văn học Hàn Quốc.


Nói riêng về Người ăn chay vừa tái ra mắt độc giả, TS. Nguyễn Thị Hiền đồng ý với ý kiến thảo luận của các khán giả rằng Han Kang đã làm rất tốt trong việc khai thác sự mâu thuẫn. Liên truyện này kể về Young Hye – một người phụ nữ bỗng dưng chuyển sang ăn chay từ một cơn ác mộng. Thế nhưng thay vì đồng cảm và hỗ trợ cô, người chồng và cả gia đình đã cưỡng ép cô trở lại ăn thịt, từ đó tạo ra những bi kịch lớn.

Ở đây, mâu thuẫn giữa chuyện ăn chay với ăn thịt, giữa việc làm vợ với những khát khao thuần túy, giữa quy chuẩn xã hội với đam mê cá nhân... đã được khắc họa một cách sáng rõ. Bà cũng nói thêm Han Kang đặt ra một vấn đề có sức nặng nhưng lại không đưa ra một câu trả lời nào cả, mà để độc giả phải tự chiêm nghiệm, coi đó như sự kết nối giữa người viết và người đọc.

Nói sâu hơn về việc vì sao nữ nhà văn này lại đi sâu vào bản ngã con người, TS. Nguyễn Thị Hiền tiết lộ đây có thể là ảnh hưởng từ phía gia đình của nữ văn sĩ. Theo đó, cha của Han Kang cũng là một nhà văn rất nổi tiếng của Hàn Quốc - Han Sung-won. Trọng tâm trong tác phẩm của ông là hướng đến triết lý Phật giáo, Khổng giáo... nên nhiều khả năng ngay từ rất nhỏ Han Kang đã bị ảnh hưởng.

Ngay cả tác phẩm đầu tay của cô cũng là một truyện ngắn mang tên Tiểu Phật với các nhân vật nhiều tâm tư và những giằng xé giữa cá nhân với nhau và cả xã hội.

Các tác phẩm của Han Kang đã được chuyển ngữ.


Những cơ chế hỗ trợ

Nói sâu hơn về lý do khiến văn chương của Han Kang được yêu thích, theo TS. Nguyễn Thị Hiền có ba nguyên nhân chính. Đầu tiên là chủ đề của nữ văn sĩ rất phổ quát, bàn về sự sống cái chết, nhân quyền, tính nhân văn, đạo đức. Nó vừa của riêng người Hàn Quốc, nói về Hàn Quốc nhưng đồng thời là một phạm trù có tính bao trùm.

Đơn cử trong Người ăn chay, một xã hội gia trưởng và sự cô độc, thiếu sẻ chia ngay cả của vợ chồng, gia đình... có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu trên thế giới này. Trong khi ở Bản chất của người, sự đàn áp dã man phong trào dân chủ Gwangju với bạo lực cũng tương tự với Đức Quốc Xã, cuộc thảm sát Bosnia hay những gì đang xảy ra ở Gaza...

Bên cạnh điều này, vì cũng là một nhà thơ nên bút pháp của Han Kang rất đậm chất thơ. Điều này có thể thấy ở tác phẩm Trắng với những trang viết dồn nén rất nhiều cảm xúc về mất mát, đau đớn nhưng cũng có niềm hy vọng. Mỗi một ấn tượng mang màu trắng được Han Kang viết như một bài thơ văn xuôi giàu hình tượng.

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất là có cả một cơ chế hỗ trợ. TS. Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Uỷ ban Nobel của Viện Hàn Lâm Thụy Điển chắc chắc đã đọc bản dịch tác phẩm của Han Kang. Nếu qua phiên bản thứ cấp này mà họ thấm và đánh giá cao, thì chắc chắn bản dịch đó đã có độ ‘chạm’”.

Nói nhiều hơn về cơ chế này, bà cho biết chính bản thân mình là người “thụ hưởng” cũng như tham gia vào cơ chế này. Bà cho biết sau khi chiến tranh 2 miền qua đi, Hàn Quốc đã dùng hết sức để phát triển kinh tế và tái kiến thiết đất nước kéo dài từ những năm 1950, 1960 đến 1980. Và kết quả là họ đã từng bước trở thành một đất nước vững mạnh về kinh tế.

Khi đã đạt được sự vững bền này, vào cuối những năm 1980 đến 1990, họ bắt đầu quan tâm đến văn hóa. Nếu trước đó chưa đủ sức để khôi phục lại những tàn tích chiến tranh, chưa kịp làm liền sẹo những vết thương dân tộc và văn hóa, thì đến lúc này họ đã bắt đầu những chiến lược đầu tiên để khôi phục và chấn hưng văn hóa.

TS. Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh thành công của Han Kang có cả một cơ chế hỗ trợ.


TS. Nguyễn Thị Hiền cho rằng chính tính tự cường, tinh thần dân tộc mạnh mẽ và có chiến lược đúng mà Hàn Quốc đã đưa văn hóa ra khắp thế giới. Đơn cử trong thập niên 2000 họ đã liên tục xây dựng nhiều chiến lược văn hóa như lập ban Xây dựng hình ảnh quốc gia, sau đó chuyển thành National Brand (thương hiệu quốc gia) và mỗi năm thay đổi slogan một lần.

Sau đó các bộ có liên quan đến văn hóa như Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch bắt đầu đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng Hallyu ở nhiều lĩnh vực, từ phim ảnh, âm nhạc, văn chương và cho đến nay là manga, game điện tử...

Trong quá trình đó, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc bắt đầu ra đời, củng cố chiến lược phát triển văn học Hàn Quốc và “toàn cầu hóa” nền văn học này với mục tiêu: Đưa nền văn học ra thế giới và định vị văn hóa Hàn Quốc trên bản đồ thế giới.

Họ đã có những hành động rất cụ thể như hỗ trợ các tác giả có không gian sáng tác an tĩnh, yên bình. Sau đó cũng có động thái giúp đỡ xuất bản, quảng bá và dịch thuật...

TS. Nguyễn Thị Hiền cho biết tất cả những lần mời các nhà văn Hàn Quốc sang Việt Nam đều có cơ quan này đứng ra hỗ trợ và tiết lộ thêm hai dịch giả chuyển ngữ Han Kang ra tiếng Anh đều là “người thụ hưởng” chính sách hỗ trợ dịch thuật. Vì vậy có thể nói thành công vừa qua tại giải Nobel Văn chương là “một chặng đường rất dài chứ không phải tự nhiên mà có”.

Những năm gần đây cũng có thêm các Quỹ hỗ trợ ngoại giao cũng như các chương trình Hỗ trợ chuyển ngữ văn học của các nước khác sang tiếng Hàn (và ngược lại), tiếp tục nối dài cho những nỗ lực vừa qua.

Vì vậy có thể nói thành công của Han Kang là một “kỳ tích” không chỉ của cá nhân cô mà còn đồng thời là của các cơ quan quản lý văn hóa lẫn tầm nhìn xa của đất nước này.

Bài và ảnh: Minh Anh

_____

(*) Tọa đàm “Han kang - Người hiện thực hóa giấc mơ Nobel văn chương của Hàn Quốc” tổ chức chiều 26.7 tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy (TP.HCM).

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.