NSƯT Hữu Châu: "Máu huyết của ông bà, cha mẹ đang chảy trong người mình"

 08:43 | Thứ bảy, 19/07/2025  0
Ngày sân khấu Thiên Đăng ra mắt, anh em nghệ sĩ lăn xả với một kịch bản oanh liệt xa xưa - Sân khấu về khuya, nhân vật Ba Hoài hôm đó tự dưng cứ nấn ná hoài làm NSƯT Hữu Châu không ríu rít về với đồng nghiệp như mọi khi. Anh một mình trở ra sân khấu, nhìn xuống hàng ghế khán giả.

Cuộc gặp trong mơ, hay trong tưởng tượng, hay có thực, với cô ruột của anh, nghệ sĩ Thanh Nga, anh hay gọi là má Ba diễn ra tại Thiên Đăng đã bắt đầu cho tập bút ký chân dung Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão. Một cuốn sách đặc biệt, nơi đời và mơ quyện vào nhau, nâng niu nhau, cùng nhau vẽ lại một chân dung, cùng nhiều chân dung nghệ sĩ quây quần. Đó cũng là những nét chấm phá của một miền đất, miền người, miền văn nghệ sôi động, đầy hiện thực nghiệt ngã, khốc liệt, nhưng càng khốc liệt lại càng lấp lánh mộng mơ. 

Cái nôi êm ấm và giông bão, vừa dịu hiền ru anh trong những giấc mộng vàng tuổi thơ, vừa quay cuồng trong nhiều cơn lốc xoáy, mạnh mẽ hất anh vào cuộc sống bao la, khắc nghiệt và trần trụi, hun đúc cho chúng ta có được một nghệ sĩ Hữu Châu quý báu như một viên ngọc lấp lánh đa sắc màu. 

“Nghệ sĩ không chỉ là người thể hiện vai diễn, mà còn có trách nhiệm lan tỏa những năng lượng tích cực” - vì lý do đó NSƯT Hữu Châu mong muốn Người Đô Thị chỉ đăng những ảnh anh vui cười. 


“Má Ba biến mất tiêu khi tôi mới hơn 10 tuổi. Má Ba, đó là tiếng gọi thương yêu của đàn con cháu lít nhít trong nhà gọi Thanh Nga. Tôi kiêu hãnh vì má - người nhà tuyệt đẹp của cả gia đình lớn và của riêng tôi. Quyển sách này, nếu may mắn được hoàn thành, tôi dâng lên má, như chuyện đời tôi bắt đầu từ Thanh Nga cô nương. Món quà mọn nầy thiệt chưa xứng với món quà to má dành cho tôi, nhưng có còn hơn không. Tôi yêu Thanh Nga - tình yêu lớn mãi mãi của tôi”, những dòng bút ký của Hữu Châu, do Thanh Thủy chấp bút đã mở ra một cuốn sách thú vị về hậu duệ của đại gia đình đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, những cái tên đã trở thành nghệ sĩ huyền thoại của Sài Gòn. 

Trước khi Hữu Châu có buổi giao lưu với khán giả tại Đường Sách TP.HCM sáng 28.6 với chủ đề “Người nghệ sĩ, những đoạn đời sân khấu” do Phanbook tổ chức, anh đã có cuộc trò chuyện với Người Đô Thị xoay quanh cuốn sách sắp ra mắt. 

Một cuốn bút ký chân dung, tại sao anh quyết định giới thiệu vào lúc này? 

Ngày xưa, khi ra mắt cuốn sách của cô Hai Kim Cương (Hồi ký Kim Cương - Sống cho người, sống cho mình), tôi có đi dự, thì chị Lệ, Giám đốc Phanbook bây giờ, có nói rằng, “sắp đến em rồi nghen”. Tôi cười, nhưng thực trong lòng không nghĩ tới. Vì lúc đó, tôi mới bốn mấy. Tầm tuổi đó, mình chưa tin được mình, chưa đủ cái độ thẩm thấu cho chính cuộc đời của mình, nên không dám nói, không dám kể. Cách đây 3 năm, Phanbook nhắc lại ý tưởng đó, thì tôi nói để tôi suy nghĩ, mấy tháng sau, tôi đồng ý. 

Tôi không có áp lực gì với cuốn sách, vì tôi nghĩ đơn giản, cuốn sách là một món quà tôi dâng cho cô tôi, cho nội tôi, cho dòng họ tôi, cho rất nhiều người xung quanh. Tôi làm cuốn sách với sự chân thành nhất, và rất nhiều chữ Ơn. 

Tôi là người thích đọc sách, thông qua sách, mình có thể tưởng tượng được tất cả. Tôi và chị Thanh Thủy - người chấp bút, đối thoại, làm việc khoảng 1 năm, trước đó chuẩn bị cả gần 3 năm cho cuốn sách này. Ngày ngày, tôi kể cho chị Thủy nghe, mọi thứ cứ tuôn trào. Dĩ nhiên, tôi kể với một trạng thái tích cực, chứ không kể những nỗi khổ niềm đau. Đây là một cuốn sách tích cực, mọi thứ đến như một ơn lành. Những cái chết, những điều đau khổ xảy ra đã dạy tôi, uốn nắn tôi, làm cho vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn, làm cho tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình tôi hơn. Bây giờ hỏi tôi khi làm cuốn sách này, nhắc lại những chuyện cũ, có buồn không, không có gì buồn hết. Không phải bây giờ tôi đã viên mãn, đầy đủ nên không buồn nữa, mà bởi vì bây giờ, đối với tôi, tất cả những chuyện cũ đã qua, nghĩ lại đó là những bài học, những ơn huệ ở trên cho tôi. 

NSƯT Hữu Châu chụp hình cùng các học trò tại buổi giao lưu và ra mắt sách Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão diễn ra sáng 28.6 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Phanbook


Nhưng tránh sao khỏi sự xúc động khi anh lật giở lại mấy chục năm qua để kể? 

Tôi có khóc. Mắt tôi đỏ lên, nhưng tôi nén lại. Tôi có máu của bà bầu Thơ, bà nội tôi, cái gì cũng nén lại hết. Bà nội tôi không bao giờ rơi nước mắt. Tôi quen với việc phải nén lại, bình tĩnh lại, để bước tiếp, chứ không thể nào gục ngã hết. Như trong cuốn sách tôi có kể, buổi sáng, tôi thiêu thằng em Xì Trum (Hữu Lộc), buổi tối tôi vẫn đi diễn tỉnh bơ. Khán giả, những người thân, rồi các phóng viên quen nhắn tin cho tôi nói nhìn tôi thương quá, tôi nói “không có gì đâu, yên tâm”. 

Lúc đầu tôi nghĩ, chung quanh mình toàn cái buồn, cái chết chóc không à, kể cái gì bây giờ. Ủa, mà nghĩ lại, chuyện đó nó xảy ra lâu rồi, quá lâu rồi. Mình cứ cầm nó hoài, sao sống. Phải buông ra. Giọng điệu của cuốn sách có một chút lãng đãng, chứ không trầm buồn. Tôi nhắc lại những sự kiện đã qua bằng thái độ bình thản, chấp nhận. Tôi nghĩ bạn đọc sẽ xúc động khi đọc vì cảm thông, vì hiểu, chứ không phải để khóc bù lu bù loa. 

Làm sao anh mạnh mẽ đến vậy?

Nhiều quá rồi. Biết bao nhiêu người rồi. Cuộc đời tôi gặp quá nhiều bất ngờ. Tôi học cách đối diện mọi sự một cách bình thản. Cuộc đời đã dạy mình, và rồi tuổi tác nữa. Mấy tháng nữa tôi bước vào tuổi 60 rồi. Tất cả những gì xảy ra giúp tôi ngày càng chánh niệm. 

Hồi xưa đi học, tôi rần rần, tôi phá dữ lắm. Đến năm 1985, khi ra trường, chung đụng với công việc, với cuộc đời, tôi chuyển biến từ từ. Trong cuốn sách có những điều tôi đã kể rồi, nhưng ở cuốn này, nó trình tự hơn, sâu hơn, gợi cho mình nhớ lại hình ảnh ngày xưa nhiều hơn. Có những đoạn tôi đọc lại, tôi khóc, tôi cười. Tôi nhớ lại sao thời đó trong sáng quá, như những đoạn tôi đi hát trong đoàn Kim Cương. 

NSƯT Hữu Châu bên người chú - NSƯT Bảo Quốc


Cuốn sách dẫn dắt vào bằng đời ông bà nội tôi trước. Nếu không có những người đi trước trong dòng họ, dám chắc không có tôi. Tôi nhủ thầm khi cầm trên tay cuốn sách in ra đầu tiên, tôi sẽ để lên mộ của má Ba, đây, con gởi. Đó là điều đầu tiên tôi phải làm cho dòng họ. Má Ba là niềm hãnh diện của dòng họ tôi, một nghệ sĩ đã mất gần 50 năm mà fan còn đông hơn fan của tôi. Giỗ nào trên mộ cũng đầy hoa hồng. 

Điều gì đã tạo nên sức mạnh để anh chăm lo cho mẹ và những người em khi lần lượt cô, ba, bà nội, chú… qua đời?

Tình thương. Hai đứa em tôi nhỏ xíu à. Bơ vơ lắm. Má tôi thì cũng chỉ biết đi hát chứ đâu biết làm gì, mà rồi cũng phải bán cà phê, bánh ướt lề đường. Mà tôi thời đó khác thanh niên thời bây giờ nhiều lắm, sự thiếu thốn hun đúc nên sự hy sinh, trách nhiệm. Tôi phải ráng, phải làm. Ráng làm nhưng không hề biết có thoát được cái khổ hay không. Mình còn nhỏ mà, chỉ biết làm hết sức mà thôi. Nhưng tôi nghĩ có một điều chắc chắn rằng, các vị đã mất luôn dõi bước theo tôi, nên rốt cuộc, tôi làm được hết.

Bây giờ hỏi lại, kinh nghiệm nhất trong cuộc đời của tôi là gì, nếu không làm diễn viên thì tôi làm gì ư, thì chắc đó là kinh nghiệm làm… đám ma, và kinh nghiệm tổ chức đám cưới. Tôi tổ chức đám cưới cho 2 đứa em, rồi cháu. Còn đám ma thì lúc má Ba mất, tôi còn nhỏ chưa biết chứ tới ba tôi thì tôi lớn rồi, năm 1985, rồi nội, tôi không đứng chính nhưng cũng phụ này phụ kia, rồi tới Xì Trum, rồi chú ruột… Thời điểm đó, không phải mình tôi, bất kỳ ai lúc đó cũng phải dang tay ra để đùm bọc gia đình. Có lúc, tôi theo đoàn Kim Cương đi làm, lúc đạp xe về nhà, thấy đám trẻ đang ngồi cà phê, còn bà già đang quỳ, rúc đầu vô trong bàn để dọn ly, bình trà ra. Tôi nhìn và nghĩ, nhất quyết sẽ không để chuyện đó xảy ra nữa. Mà thiệt, từ năm 1993 là tôi không cho má tôi bán cà phê nữa. 

Chắc có lẽ vì vậy nên trời thương, cho mình cơm ăn, áo mặc, cuộc sống tuy không giàu nhưng nhẹ nhàng như bây giờ. Tôi tin vào đạo ông bà lắm.

NSƯT Hữu Châu ký tặng sách cho bạn đọc sau buổi giao lưu và ra mắt sách "Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão" diễn ra sáng 28.6 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Phanbook


Khi nhắc lại câu chuyện về nghề nghiệp, dòng họ, anh có điều gì tiếc nuối không? 

Với nghề nghiệp, nó là chén cơm, là sự nghiệp, bắt buộc tôi phải làm cho trọn vẹn, tôi không có gì phải tiếc nuối. Tôi chỉ tiếc nuối một điều duy nhất của riêng mình. Tôi không hình dung được cái cảm giác cô tôi khi ngồi xem tôi diễn như thế nào. Bà nội tôi (bà bầu Thơ), mẹ tôi… đều coi tôi diễn rồi, riêng cô thì chưa. 

Tầm này, tôi đã bắt đầu bước vào tuổi nhớ. Ai cũng nhớ lại lúc mình còn nhỏ. Mấy bữa nay, tôi bắt đầu tiễn những người bạn của mình. Tôi mới có một người bạn cùng lớp mất. Khi tới thắp hương cho bạn, lại nhớ khoảng thời gian lúc còn nhỏ. Rồi ví như chạy ngang qua rạp Đại Đồng, dù đóng cửa, cũng lại nhớ. Nhưng cũng mừng là tôi nhớ toàn cảm xúc đẹp. Ngày xưa đó là bi kịch, bây giờ nó đẹp, nó không còn buồn nữa.

Từ lâu rồi, tôi chọn lối sống tích cực. Nếu tức giận quá thì tôi im, sau đó tầm 1 tiếng là tôi quên. Trên facebook, mỗi sáng tôi đăng hình Phật, hình Chúa, một lời chúc, có nhiêu lời chúc đó chúc đi chúc lại hoài, nhưng tôi muốn làm như thế. Nghệ sĩ không chỉ là người thể hiện vai diễn, mà còn có trách nhiệm lan tỏa những năng lượng tích cực. Khán giả, ai cũng mệt mỏi, họ vào facebook mình họ nhẹ được phần nào. 

Sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật, từ bà, ba, cô, mẹ, anh chị em, rồi sau này là cháu, chắc chẳng bao giờ anh nghĩ nếu mình không làm nghệ thuật thì sẽ làm gì? 

Bạn lấy cây kim, bạn đâm vào da thịt tôi, máu chảy ra, dòng máu đó chính là cái nghề của tôi rồi. Nghề này ở trong máu. Ngoài đi hát ra (tôi không dùng từ đi diễn đi hát là từ con nhà nòi dùng), tôi không biết làm cái gì hết.

Ông trời sinh ra là để tôi đi hát, chứ tôi không biết gì hết, không biết tính toán tiền bạc, không biết buôn bán… Cái gì giữ tôi lại với nghề ư, nếu nói đam mê là hồi còn trẻ, nói vì yêu thích thì đâu có đủ, đại gia đình tôi nghề này mà, nói về trách nhiệm, thì đương nhiên phải có, nói là vì muốn nổi tiếng thì không, hoàn toàn không. Bây giờ cái gì giữ tôi lại với nghề? Đó là máu huyết của ông bà, cha mẹ đang chảy trong người mình. 

Nếu giới thiệu ngắn gọn về cuốn sách, anh nói gì?

Đọc để vui, đọc để hiểu một thời gian khó của gia đình. Mọi chuyện trôi qua đã rất bình hòa. Đọc để thấy à, thì ra là vậy. Đọc để hiểu vì sao ông Hữu Châu giờ ổng rất tâm linh, ổng tin Phật giáo. 

Bìa cuốn bút ký chân dung Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão.


Có điều gì chưa bao giờ tiết lộ trong các bài phỏng vấn nay xuất hiện trong bút ký? 

Đọc sẽ thấy! Nhưng chắc chắn có những điều tôi giữ lại cho riêng mình, để nuôi sống mình, để cuộc sống mình không vô vị. Là nghệ sĩ, tôi kể như trong cuốn này là nhiều rồi.

Bây giờ, niềm vui mỗi ngày của anh là gì?

Là đi hát, đi dạy, đi phim. Giờ đi phim vui lắm, tôi thích đi tỉnh. Ở đoàn phim tôi quậy, tôi giỡn dữ lắm, các em trẻ thích tôi vì tôi vui vẻ, chủ động thân thiện, chứ không ỷ mình tên tuổi rồi khó dễ. Tên tuổi gì cũng có người thế à. Mình diễn giỏi mà phải đàng hoàng giờ giấc, hợp tác tốt, phải để người ta thương, để người ta mời hoài. Cái nghề này nó ngộ ở chỗ nó có chức năng xoa dịu, đang nhức răng ra diễn là quên nhức răng. Đi vô là nó nhức lại. Đang buồn cái gì, đi phim là bớt.

Ngày xưa tôi nhậu dữ lắm, diễn xong là nhắn tin bạn bè nhậu sáng đêm. Rồi từ hồi có nhỏ cháu, hai mấy năm mới có đứa cháu, nhỏ em ruột có con, má nó đưa điện thoại, lúc nó 5, 6 tuổi, nó gọi điện thoại “Ba Châu ơi, ba Châu ơi về, con đợi nè”. Rồi đó, hai mấy năm nay tôi hết nhậu luôn. Tôi về luôn tới giờ. 

Chung quanh tôi toàn học trò, tôi dạy ở sân khấu Thiên Đăng, Hồng Vân…, tụi nó cứ rần rần nên tôi mau quên lắm. Mà nhờ ở gần học trò nên cái diễn của mình cũng thanh xuân. Tôi dạy học trò, cho tụi nhỏ kiến thức, kinh nghiệm, nhưng tụi nó dạy ngược lại tôi. Cái thanh xuân, cái ngây ngô, cái chân chất, nhiều lúc sao nó nghĩ ra cái này dễ thương dữ vậy trời. Trong khi mình quá kinh nghiệm, mình không nghĩ ra được.

Tôi có sở thích phim giống con nít, phim King Kong tôi không bỏ phần nào. Rảnh là đi coi phim, đi sở thú với học trò. Còn tối không đi hát thì ở nhà, uống 2 lon bia, coi YouTube kênh ẩm thực. Coi xong rủ bạn bè đi ăn. Tôi tâm hồn ăn uống, ngủ trưa mà chiêm bao thấy vịt bay, có lần giật mình dậy, gọi điện thoại cho Đại Nghĩa, lúc đó Đại Nghĩa chưa nổi tiếng, mới về IDECAF, hỏi: mày đang đâu, qua chở tao đi ăn vịt!   

Bài: Trâm Anh - Ảnh: Quốc Huy

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.