Hàng Đào xích nhiễm

 11:38 | Thứ sáu, 25/07/2025  0
Những cái tên có màu sắc trong tên phố phường hay địa danh ở Hà Nội đủ vẽ ra một bức tranh đô thị cổ xưa, trộn lẫn giữa nhu cầu thực tế đời sống với những biểu tượng lễ nghi.

Trong khung cảnh Hà Nội ngày nay, ta dễ dàng mô tả thành phố với màu sắc nhiều khi đã thành khuôn mẫu: màu nước sông Hồng đỏ phù sa, hồ Hoàn Kiếm xanh màu tảo nên từng có tên hồ Lục Thủy, màu vàng các biệt thự thời Pháp, các mùa lá như “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”… Tuy nhiên, trong các địa danh hay tên phố lại không có nhiều từ chỉ thị màu. 

Những tên phố hay địa danh đô thị ở Việt Nam có một tác dụng to lớn là phần nào hé mở xuất xứ phong tục đời sống, giúp người đời sau hình dung về tổ chức không gian đô thị. Trong bối cảnh Hà Nội, nói đến phố cổ là nói đến các phố Hàng, chủ yếu nằm trong dân cư phía đông hoàng thành Thăng Long cũng như thành Hà Nội sau này, từng được gọi là Đông Thành. Chúng là kết quả của hình thái đời sống một đô thị pha trộn giữa phường thủ công, phường nghề nông và phường buôn bán. Mỗi tên phố cung cấp thông tin chức năng khá rõ ràng. Qua năm tháng, chúng trở thành một loại di sản mà người Hà Nội tự hào. 

Đình Đồng Lạc ở 38 Hàng Đào khoảng năm 1915. Ảnh màu của Léon Busy


Trước tiên phải nói về phạm vi khu phố phía đông hoàng thành thời Lê. Vào thời này, bức tường phía đông hoàng thành ra tới tận khu vực đình Đông Môn (8 Hàng Cân) và chùa Đông Môn (còn gọi là chùa Cầu Đông, 38B Hàng Đường). Cái tên Đông Môn đã cho thấy phạm vi của bức tường thành ăn ra tận giữa tam giác phố cổ ngày nay.

Năm 1749, chúa Trịnh Doanh cho đắp vòng La thành (vòng thành ngoài), đoạn giáp sông Nhị Hà cũng chính là một đường đê ngăn nước, bảo vệ khu dân cư Đông Thành. Con đê kiêm bức tường thành này có hình dáng những con đê quai (“đường Bành Lao”) mà nay dấu vết là các phố Thanh Hà - Đào Duy Từ - Mã Mây liên tiếp nối nhau. Nhìn trên bản đồ thời nay, khu phố trung tâm Kẻ Chợ khá mỏng bề ngang, chạy dài từ phía bắc hồ Hoàn Kiếm đến dòng chảy cũ sông Tô Lịch, ước chừng 40 ha. Trong diện tích khiêm tốn ấy, đã có một lịch sử của các phố Hàng.

Văn bản đề cập đến tên phố Hàng sớm nhất còn đến giờ ra đời hơn 400 năm sau khi Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long. Đó chính là Dư địa chí của Nguyễn Trãi, soạn từ năm 1435, được khắc in vào thời Tự Đức, cũng là quyển sách địa lý học xưa nhất của người Việt còn lại ngày nay. Nguyên đoạn viết về các phường ở Thăng Long trong Dư địa chí như sau: “Ở vùng này, đất thì vàng, mềm; ruộng thì vào hạnh thượng trung. Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm, võng, gấm trừu và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt. Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn. Phường Đường Nhân bán áo diệp y”. 

Cụm “Hàng Đào nhuộm điều” trong nguyên văn chữ Hán là “Hàng Đào xích nhiễm”. Trong cả đoạn về các phường ở Thăng Long, liên quan đến màu sắc chỉ có thêm “áo diệp y” của phường Đường Nhân, với lời giải thích: “Đường Nhân là phố khách thương Quảng Đông, Quảng Tây ở. Diệp y là thứ áo người Trung Quốc mặc: áo trong thì tay áo, thân áo đều dài, áo ngoài thì tùy thứ tự mà quấn lên, trông tựa lá màu xanh biếc”. 

Tờ trích trong sách Hoàng Lê Ức Trai tướng công di tập do Nguyễn Trãi soạn, bản chép tay, tài liệu của Nomfoundation.org. Ở giữa có cụm từ “Hàng Đào xích nhiễm”


Hơn bốn thế kỷ sau Nguyễn Trãi, Đại Nam nhất thống chí gọi Hàng Đào là phố Thái Cực với lời dẫn giải: “nhuộm màu hồng lạt để bán, có tên nữa là phố Hàng Đào” và nhắc thêm: “Dư địa chí của Nguyễn Trãi nói: “Hàng Đào nhuộm màu đỏ”, nay đổi là phường Đại Lợi”. Trong khi đó ghi chép có thêm phố Đồng Lạc “bán yếm và y phục phụ nữ”. Đáng nói là hiện nay còn di tích ngôi đình Đồng Lạc ở số nhà 38, có dòng chữ Hán trên tam quan là “Đồng Lạc quyến yếm thị” - chợ bán yếm lụa. Dường như mặt hàng yếm màu đỏ được yêu thích nhất nên nghiễm nhiên một chiếc yếm may bằng lụa đào là sản vật điển hình của phố. 

Theo cuốn địa chí thời Nguyễn, ta có thể hiểu là phố Hàng Đào hiện giờ là hai phố Thái Cực và Đồng Lạc hợp lại. Trong khi đó, phố Việt Đông đã thay tên Đường Nhân (Việt Đông là tên để chỉ người Quảng Đông), để một phố khác có nghề thủ công chuyên về màu xuất hiện là phố Hàng Lam, được xác định là khu vực Cửa Nam, đoạn đầu Hàng Bông và Thợ Nhuộm ngày nay. Màu lục và màu lam là màu chủ đạo của quan phục nhiều triều đại, chẳng hạn cuối thời Trần thì “quan tứ phẩm màu xanh lục; ngũ phẩm, lục phẩm, thất phẩm màu xanh biếc; bát phẩm, cửu phẩm màu xanh” (Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần, Thuận Tông hoàng đế), nên có thể dễ hiểu nhu cầu sinh ra một dãy phố chuyên nghề nhuộm màu này.

Tuy nhiên thứ màu có lẽ quan trọng nhất trong đời sống bình dân là nâu, có tận hai phố liên quan nhưng các văn bản không nhắc đến. Chính Thợ Nhuộm (trước gọi là Hàng Bông Nhuộm) cũng gồm đoạn hàng phố nhuộm chàm, lam và đoạn phố nhuộm nâu. Ngay sát phạm vi bức tường phía đông hoàng thành thời Lê là phố Hàng Vải Thâm, nơi bán vải tấm của dân Kẻ Bưởi ra và củ nâu để nhuộm vải của người lao động. Đây chính là khu vực chợ Đông Thành, chợ lớn nhất Kẻ Chợ thời Lê, trước khi có chợ Đồng Xuân vào cuối thế kỷ XIX. Hàng Vải Thâm lại giáp Hàng Vải, nơi chuyên bán vải trắng, nay là đoạn đầu phố Thuốc Bắc. 

Phố thứ hai là Hàng Nâu (Trần Nhật Duật ngày nay). Do nằm bên bờ sông Hồng, giáp với các bến thuyền, thuận tiện cho vận chuyển mặt hàng củ nâu từ vùng sơn cước về nên dãy phố này đã ra đời. Tuy nhiên phố Hàng Nâu xuất hiện muộn, sau khi khu phố Đông Thành mở rộng vượt qua con đê cũ ứng với vòng La thành (vòng thành ngoài cùng) thời Trịnh Doanh đắp năm 1749. Bằng chứng là cửa ô Quan Chưởng xây thời Minh Mạng nằm trên đoạn Thanh Hà - Đào Duy Từ, trong khi phố Hàng Nâu (Trần Nhật Duật) nằm hẳn bên ngoài phạm vi được bảo vệ này. Trên văn bản địa chí, màu nâu truyền thống trong tên phố đã nhường chỗ cho màu đỏ gợi cảm và màu xanh quyền quý.

Sau khi bình định Bắc kỳ năm 1883, người Pháp gọi Hàng Đào là Rue de la Soie (phố Lụa), còn đoạn phố Đường Nhân kế cận là Rue des Cantonnais (phố người Quảng Đông), song song với cách người Việt gọi là phố Hàng Ngang. Với màu nâu, người Pháp bỏ qua yếu tố màu sắc mà đặt tên là Rue des Etoffes (Hàng Vải) và Quai du Commerce (Bến Thương mại) rồi Quai Clémenceau (theo tên Thủ tướng Pháp), trong khi dân gian gọi là Hàng Vải và đường Bờ Sông. Người Pháp thêm một bước nữa, đã loại trừ các yếu tố màu sắc trong tên phố. 

Phố Hàng Đồng khoảng năm 1915. Ảnh màu của Léon Busy


Hàng Ngang liền với Hàng Đào, ngày nay đi đôi với nhau trở thành khẩu ngữ để chỉ trung tâm phố cổ. Tình cờ lịch sử đã xếp hai phố có yếu tố tạo ra vật phẩm có màu sắc liền kề nhau, Hàng Đào lụa đỏ và Hàng Ngang áo xanh. 

Một vài tên khác có thể gợi lên màu sắc như Hàng Bạc, Hàng Vôi, Hàng Than, cũng là dạng màu suy luận từ vật liệu được dùng ở các phố hơn là một chỉ thị màu trực tiếp. Một thi sĩ tha hương hoài niệm về Hà Nội cũng từ những liên tưởng màu sắc ấy: Ý Hàng Đào chín mọng trái môi chia. Xin Hàng Than rực cháy lửa đam mê. Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội (Bài thơ Hà Nội - Hoàng Anh Tuấn).

*

Nói về chuyện tên các phố Hàng sẽ nhận ra rằng chỉ vài sản vật của các phố Hàng cần chỉ định màu ngoài Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Quạt, Hàng Lọng (nay là Lê Duẩn), Hàng Sơn (nay là Chả Cá), Hàng Khay (đồ sơn mài, khảm trai), Hàng Chiếu (thực ra chiếu cói thường giữ màu vàng ngà, chỉ in hoa và cạp viền)… Phố Hàng Trống là trường hợp đặc biệt khi nghề làm trống thất truyền mà thay vào đó nổi danh với nghề in và vẽ tranh thờ và tranh Tết, đương nhiên đủ ngũ sắc. Phố này đã bao gồm một đoạn phố Hàng Thêu hay Thợ Thêu, cũng dùng đến màu sắc. Trên tấm bản đồ Hà Nội năm 1885 đoạn phố này lại mang tên Hàng Vải Đen.

Ngoài các tên phố Hàng, những địa danh khác ở Hà Nội dùng màu để chỉ định còn những phố nào? Phía bắc khu phố phía đông kinh thành là phố Hòe Nhai, có từ thời Trần, là con đường dẫn từ hoàng thành ra bến Đông Bộ Đầu. Vua sai các quan trồng hai bên đường những cây hòe, tượng trưng cho sự đỗ đạt. “Hòe hoa hoàng, cử tử mang”, hoa hòe nở vàng vào mùa thu là mùa sĩ tử bận rộn với việc thi cử. Màu vàng hoa hòe ở đây dĩ nhiên là một biểu tượng mang giá trị phẩm trật. Cũng gắn với một câu chuyện của kẻ sĩ, Bích Câu, “ngòi biếc”, là một xóm ở phía tây của Văn Miếu, nơi từng là đất văn chương của nhiều kẻ sĩ. Bích Câu gắn với truyền thuyết nho sinh Tú Uyên gặp nàng tiên Giáng Kiều ở chùa Ngọc Hồ (nay ở phố Nguyễn Khuyến, phía đông Văn Miếu). Truyện thơ nôm Bích Câu kỳ ngộ lấy bối cảnh thời Lê Thánh Tông đã đưa những địa danh có thực của đất Thăng Long vào lời thơ:

Thành tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!
Đua chen thu cúc, xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều
Một vùng non nước quỳnh giao
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa

Câu chuyện nhắc tới nhiều địa danh có thực trên đất Thăng Long, trong đó có thêm một địa danh có màu sắc nữa là đền Bạch Mã. Ngôi đền được xếp vào Thăng Long tứ trấn, ở phía đông kinh thành, thờ thần ngựa trắng đã giúp Lý Thái Tổ xây thành khi dời đô ra Đại La. Tượng ngựa trắng thờ có ở nhiều nơi nhưng chỉ riêng ngôi đền thờ một phức hợp thần linh, từ thần Long Đỗ (rốn rồng) đến thần sông Tô Lịch, gọi là Đô quốc Thành hoàng Đại vương. Trong khi đó ngôi đền trấn phía bắc thường gọi là Quán Thánh đã làm người ta quên mất cái tên Trấn Vũ quán, nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trị phương bắc, mang yếu tố thủy, có màu đen. Chữ Huyền có nghĩa màu đen, cũng xuất hiện trong tên ngôi chùa Huyền Thiên, vốn là đạo quán ở 54 phố Hàng Khoai, bên cạnh chợ Đồng Xuân.

Bên cạnh màu đen huyền bí của thần thánh, còn có màu đen của chốn cần lao là bến Phà Đen. Khi dòng chảy sông Hồng ở phía bắc khu phố cổ Hà Nội chuyển dòng sang phía tả ngạn (Long Biên, Gia Lâm) thì các bến thuyền chuyển dần xuống phía nam. Bến Phà Đen mang cái tên phản ánh đặc điểm của những bãi than phục vụ cho tàu chạy bằng hơi nước, cho đến bây giờ vẫn thế, mặc dù cái tên chính thức là Cảng Hà Nội, nằm ở chân cầu Vĩnh Tuy. 

Là đất kinh kỳ, ngoài màu vàng trong cái tên Hoàng thành, còn có màu vàng của truyền thuyết “trâu vàng hồ Tây” gắn với vị cao tăng Không Lộ thiền sư đi chữa bệnh cho thái tử nhà Tống. Khi trở về nước Nam, sư chỉ xin ít đồng đen để đúc chuông. Khi thỉnh chuông, tiếng vang đến tận phương Bắc, trâu vàng bên đó ngỡ mẹ gọi, chạy sang tới gần Thăng Long thì mất phương hướng, quần thảo một vùng tạo ra hồ nước sâu cùng những dòng sông. Quả chuông cũng được thả xuống hồ, từ đó có tên hồ Kim Ngưu. Truyền thuyết còn có vĩ thanh là hễ nhà nào sinh được mười người con trai thì sẽ kéo được trâu vàng lên. Biết bao nhiêu đứa trẻ đã đứng bên hồ khao khát chạm vào huyền thoại ấy.

Một nghệ nhân đang vẽ tranh tại cửa hàng 24 phố Hàng Trống khoảng năm 1915. Ảnh màu của Léon Busy


Cái tên hồ Trâu Vàng đã không còn tồn tại nhưng còn dòng sông Kim Ngưu, chi lưu của sông Tô Lịch làm hào nước tự nhiên cho dãy lũy Đại La phía nam kinh thành. Đây thực chất là một chuỗi các ngòi nước và ao hồ liên thông tạo ra một vùng trũng xen kẽ các làng mạc lấy những nghề căn bản như trồng rau màu hay ruộng nước, cung cấp rau quả cho chốn đô thành. Dòng chảy đi qua những làng xóm của vùng Kẻ Sét xưa, với tên những làng Hồng Mai, Hoàng Mai, Tương Mai. Thời Nguyễn, Hồng Mai vì kỵ húy vua Tự Đức nên đổi thành Bạch Mai. 

Ngoài hồ Tây từng có tên Trâu Vàng thì hồ Hoàn Kiếm (tức hồ Gươm) mang tên hồ Lục Thủy như đã nói ở đầu, hiển nhiên vì màu xanh của một loại tảo trong hồ. Hồ cũng gắn với một linh vật có sắc vàng là rùa vàng Kim Quy, chính là sự tích Lê Thái Tổ trả gươm làm nên cái tên. Người Pháp khi chiếm Hà Nội, không đếm xỉa mấy đến những cái tên nhiều tầng ý nghĩa này, đặt thuần túy là Grand Lac (hồ Lớn) cho hồ Tây và Petit Lac (hồ Nhỏ) cho hồ Hoàn Kiếm. 

Trong khi đó họ lại góp vào cái tên sông Hồng cho con sông lớn nhất miền Bắc chảy qua Hà Nội. Dường như phù sa màu đỏ hồng của dòng chảy khá ấn tượng để người Pháp gọi là sông Đỏ (Fleuve Rouge), được Hán Việt hóa thành Hồng Hà. Các văn bản trung đại đều gọi là Nhĩ Hà (hình cái tai) hay đọc trại là Nhị Hà, rồi Phú Lương, Lô Giang… hoặc gọi nôm là sông Cái, tức sông mẹ, sông lớn nhất. Màu sắc chưa làm nên nhận diện của dòng sông huyết mạch kinh kỳ suốt thời trung đại. Nhìn rộng ra, khá hiếm hoi những tên có màu sắc như Bạch Đằng giang, Hoàng giang trong số các sông ngòi vùng Bắc bộ, những nơi cư trú của người Việt nhiều nghìn năm. Ngoài sông Hồng, người Pháp còn gọi sông Đà là sông Đen, sông Lô là sông Trong. 

Những cái tên có màu sắc trong tên phố phường hay địa danh ở Hà Nội đủ vẽ ra một bức tranh đô thị cổ xưa, trộn lẫn giữa nhu cầu thực tế đời sống với những biểu tượng lễ nghi. Một dải đất nhỏ hẹp bên những dòng nước đã làm nên những sắc đỏ sắc vàng lộng lẫy, như những vệt bút màu điểm xuyết lên nền cảnh nâu trầm của màu đất và xanh mát của những khu vườn kỳ ngộ.   

Nguyễn Trương Quý

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.