Ngồi với Jalin trong một quán cà phê tĩnh lặng giữa trung tâm thành phố có tiếng nước chảy róc rách gợi nhớ tiếng suối reo, có cây cối sum suê gợi nhớ màu xanh ngăn ngắt của đại ngàn, tôi lắng nghe giọng nói trầm ấm - có phần khác lạ với chất giọng cao và thật khoẻ khoắn - của chàng trai Ê Đê này khi anh cất tiếng hát.
"Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên đặt chân đến TP.HCM để thi vào nhạc viện. Cái chốn gì mà người nhiều quá, xe nhiều quá, nhiều tiếng động quá và nhiều con đường to quá. Mười tám tuổi mới lần đầu biết Sài Gòn, ngay những con đường có tên, có kẻ vạch, có dải phân cách... tôi cũng thấy lạ. Nó khác nhiều những cảnh quan bình dị, thậm chí hoang sơ chốn núi rừng quê tôi. Tôi thấy cô đơn, choáng ngợp bởi sự lạ lẫm và cả sự sang trọng của chốn thị thành..."
Nói tiếng Kinh thuần thục, ngôn từ chính xác, Y Jalin Ayun - tên đầy đủ của Jalin - trải lòng mình về ký ức lần đầu đặt chân đến thành phố.
Y Jalin Ayun - tên đầy đủ của Jalin |
Anh đã sống những ngày đầu tiên đó ra sao giữa nơi - như anh nói - "khiến anh thấy cô đơn và choáng ngợp"?
Cực kỳ khó khăn! Khó khăn cả khi đi thi, đi học rồi trong cả quá trình kiếm sống để tự nuôi mình nhằm tiếp tục học hành. Nhưng cũng từ những khó khăn ban đầu đó, tôi mới nhận ra mảnh đất này rất bao dung – ít ra là với riêng tôi, một kẻ lạ nhập cư. Còn nhớ khi bước vào phòng thi ở nhạc viện, cái gì cũng làm tôi thấy lạ. Phòng thi được cách âm, bầu không khí im lặng đến nặng nề càng khiến tôi lúng túng, run rẩy và sợ hãi. Có lẽ nhìn thấy bộ dạng tôi như vậy, một thầy trong hội đồng coi thi đã lên tiếng trấn an: “Em đến từ núi rừng Đaklak hả? Vậy thì hãy hát đi, hát thoải mái như khi em ca hát trên núi rừng, vậy thôi”. Lời động viên của thầy làm tôi thấy yên tâm, và tôi cất tiếng hát. Cũng lạ, khi bắt đầu hát, tôi quên hết, chỉ hát như đang "ca hát trên núi rừng". Kết quả thi của tôi khả quan lắm, tôi trở thành thí sinh duy nhất trong số hàng trăm thí sinh ở khu vực Đaklak thi đậu vào nhạc viện TP.HCM dịp đó. Khỏi phải nói tôi vui đến mức nào. Thi đậu vào ngôi trường âm nhạc lớn nhất Việt Nam, gia đình, bản làng ở quê tự hào về tôi lắm.
Nhà nghèo, để có tiền cho tôi đi học, cha giấu tôi đem bán chiếc xe máy Trung Quốc, phương tiện đi lại duy nhất của cả gia đình lúc đó. Các cô, các chú bác trong họ ai cũng nghèo nhưng muốn tôi có cơ hội đến Sài Gòn học nên mỗi người giúp thêm một chút. Tôi đến Sài Gòn bằng món nợ ân tình đó. Nó cũng là động lực cho quyết tâm phải học thật tốt của tôi. Năm năm ở Sài Gòn, tôi làm đủ nghề để kiếm tiền trang trải chi phí ăn ở, học hành. Tôi từng đi vác gạo ở mấy bến sông bên quận 4, quận 8, đêm nào khá thì kiếm được khoảng bốn chục ngàn đồng, có đêm chỉ được hai mươi lăm ngàn đồng. Không chỉ học thanh nhạc, tôi học thêm piano.
Còn nhớ khi quyết định học thêm loại đàn này, tình hình tài chính vốn đã khó càng thêm khó. Không có tiền, bữa trưa của tôi thường chỉ có một trái bắp hoặc một, hai củ khoai lang luộc. Giờ nghỉ trưa, thấy các bạn khác ngồi ăn mì, hủ tíu, uống nước ngọt thoải mái trong căntin, tôi thèm khát lắm nhưng mình nghèo quá, không có tiền để ăn uống như vậy. Tôi thường tránh nhìn vào căntin và rời khỏi khuôn viên trường, đi ra phía công viên Tao Đàn và ngồi đó, ăn củ khoai lang tôi gói theo mình...
Nhưng ở ngay mảnh đất chứng kiến bao vất vả, tủi thân của anh, anh đã nỗ lực và đã thành công?
Ban đầu tôi không định thi Vietnam Idol (năm 2010). Cuộc thi diễn ra vào dịp nghỉ hè mà tôi thì dịp đó chỉ muốn về quê. Bạn bè rủ đi thi, tôi đều từ chối. Một năm chỉ có hai dịp về thăm gia đình là hè và tết, phải về thôi. Đâu có ngờ ở quê, người chị họ của tôi cũng đăng ký dự thi. Hôm gặp tôi, chị nhờ chở lên địa điểm thi ở Buôn Ma Thuột. Tới nơi, chị rủ rê: "Em đi thi đi. Chị không học hành gì còn thi, em học nhạc viện về sao lại không thi?” Thấy tôi không hưởng ứng, chị không rủ thêm nhưng lại lén đi đăng ký cho tôi.
Kết quả thì như anh thấy đó, tôi đậu trong cuộc thi khu vực ở Tây Nguyên. Vài hôm sau, hình ảnh tôi đi thi được đăng lên báo, một người quen gọi cho tôi, và tôi đi tìm tờ báo mang về nhà. Mẹ tôi nhìn thấy, vui lắm. Rồi bà hỏi tôi có định đi thi tiếp không. Tôi thật thà nói với bà: “Thôi mẹ. Nhà mình không có tiền, con không đi thi tiếp đâu”. Mẹ tôi chỉ vào đàn gà ngoài sân: “Mẹ vẫn còn mấy con gà đó…”. Tôi ứa nước mắt!
Nhờ sự giúp đỡ của ban tổ chức, tôi được tạo điều kiện thi vòng chung kết ở Cần Thơ. Cầm ba trăm ngàn đồng, tiền bán gà của mẹ, tôi trở lại TP.HCM để chuẩn bị đi Cần Thơ. Lần thi đó, tôi chỉ lọt đến tốp 16 nam, nữ. Đó cũng là thời điểm bác Y Moan mất. Một cây đại thụ của âm nhạc Tây Nguyên đã ra đi, tôi thấy mình rất buồn, hụt hẫng.
Rồi sau đó, sao anh không tiếp tục với Vietnam Idol mà chuyển sang Tiếng hát truyền hình?
Thú thật là sau cuộc thi Vietnam Idol 2010, tôi không nghĩ mình sẽ tham dự cuộc thi nào khác nữa. Vậy nhưng năm trước, với sự khuyến khích cộng một chút thách thức của Bùi Caroon, người thi The Voice, tôi quyết định dự thi Tiếng hát truyền hình. Ở cuộc thi này, tôi chủ yếu chỉ hát những bài hát về nơi mà mình được sinh ra như Đi tìm bóng núi, Đôi chân trần, Đến với cao nguyên, Con mắt Pleiku, Sông Đăkrong mùa xuân về, Xôn xao mênh mang cao nguyên Đaklak. Cũng như ở Vietnam Idol, tôi không kỳ vọng cao về thành tích của mình, càng không nghĩ mình sẽ vào đến chung kết. Vậy mà tôi lại có mặt trong đêm chung kết và đạt giải nhì. Trong mơ tôi cũng không dám nghĩ. Có thể nhờ khi dự thi, một lần nữa tôi lại hát "như đang hát trên núi rừng" quê mình nên rất thoải mái, không bị gò bó hay áp lực gì hết chăng?
Năm năm sống và học tập ở TP.HCM là một khoảng thời gian không dài nhưng có lẽ với anh, đó là thời gian rất đáng nhớ. Anh có định ở lại và trở thành "người Sài Gòn"?
Tôi từng đối mặt và phải rất nỗ lực vượt qua khó khăn để có thể sống, có thể theo đuổi việc học ở thành phố này. Giờ tôi đã hoàn thành chương trình trung cấp của nhạc viện, có thể kiếm sống bằng chính nghề tôi đã học. Mảnh đất này là nơi chứng kiến những bước chân tự lập đầu tiên của tôi, là nơi tôi đã đổ mồ hôi, công sức để gầy dựng tương lai cho chính mình. Vì vậy, cũng tự nhiên khi tôi thấy mình gắn bó với nó. Sau năm năm học và kiếm sống, tôi có thể nói với anh rằng chỉ cần đừng buông xuôi, đừng nản lòng là anh có thể thấy sống ở đây không phải quá khó. Thành phố này trong mắt tôi giờ đây vẫn là chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt, sang trọng như tôi từng cảm nhận khi lần đầu tiên đặt chân tới, song nó còn có thêm một chút hình ảnh của nông thôn, của làng quê rất thân quen trong tấm lòng của những người dân. Bây giờ, mỗi lần trở lại thành phố sau một chuyến đi xa, tôi luôn có cảm giác yên tâm. Không giải thích chính xác được nhưng tôi nghĩ đó có lẽ là cảm giác yên tâm của một người về tới nhà mình. Hồi còn đi học, tôi chỉ mong tới hè hay tết để được về quê. Bây giờ, về quê ít lâu lại thấy nhớ Sài Gòn. Mảnh đất này trở thành quê hương thứ hai của tôi rồi.
Có vẻ như trước mắt, con đường trở thành "người Sài Gòn" của Jalin đã khá bằng phẳng?
Không phải đâu. Tôi chỉ vừa tốt nghiệp hệ trung cấp năm năm khoa thanh nhạc của nhạc viện TP.HCM. Tôi có ý định, mà nhiều thầy cô cũng khuyến khích, là học thêm bốn năm nữa để hoàn thành chương trình đại học. Để học tiếp, tôi sẽ lại vừa học vừa làm, như những năm vừa qua tôi đã làm.
Lại đi vác gạo nữa?
(cười) Cũng may là hiện giờ tôi đã có thể kiếm sống bằng nghề nên đỡ nặng nhọc hơn. Đi hát ở các buổi làm sự kiện, ở các quán cà phê... Việc gì tôi cũng có thể làm, miễn nó đàng hoàng và giúp tôi có thêm thu nhập.
Nghe nói anh đang thu âm những bài nhạc xưa?
Chỉ thu âm rất đơn giản để tự giới thiệu khi xin việc ở các phòng trà. Tôi cần có việc làm ổn định để đủ tiền trang trải việc học. Hơn nữa, hát ở phòng trà có thể giúp tôi rèn nghề mỗi ngày.
|
Điều gì khiến anh đeo đuổi việc học một cách vất vả như vậy? Trình độ thanh nhạc hiện nay và giải nhì Tiếng hát truyền hình chưa đủ sao?
Tôi có mong ước sau này sẽ thành lập một trung tâm ngay tại thành phố này để đào tạo tài năng, giúp các em học sinh, sinh viên là con em của đồng bào dân tộc miền núi, những cô bé, cậu bé đam mê ca hát nhưng hoàn cảnh khó khăn có thể theo học và tiếp thu giáo dục cơ bản, chính thống của bộ môn nghệ thuật này. Không học lên đại học, làm sao tôi có đủ kiến thức truyền thụ cho các em những điều đó? Tôi sẽ cố gắng hết sức để học lên đại học và công việc ở phòng trà là bước khởi đầu giúp tôi nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Vậy còn ước mơ ca hát của Jalin?
Tôi đã ấp ủ từ rất lâu về việc làm riêng một album chuyên về nhạc Tây Nguyên, vì tôi muốn cất lên giai điệu của quê hương bằng giọng ca của mình. Tôi rất muốn làm mới lại dòng nhạc Tây Nguyên bằng cách kết hợp giai điệu ngày xưa với những gì tôi từng được học qua trường lớp về sự hiện đại. Đương nhiên, đó không phải sự thay đổi hoàn toàn mà chỉ là tìm cách trang điểm thêm cho vẻ đẹp của dòng nhạc Tây Nguyên để dòng nhạc này trỗi dậy, sống động hơn nữa.
Nghe nói anh đang sáng tác bài hát đầu tay?
Tôi vẫn chưa hoàn thiện bài hát này, nhưng nó là tâm huyết, là những gì tôi muốn truyền tải đến mọi người, để mọi người cảm nhận về cuộc sống bình dị ở quê hương tôi.
Tôi ngồi hát, trên cánh đồng vàng/Tôi ngồi hát, với tiếng chiêng già làng/ Và nghe hương lúa bạt ngàn/Và nghe tiếng suối rộn ràng. Tôi còn nhớ, ánh mắt mẹ già/Tôi còn nhớ, tiếng nói thật thà/Lời dạy cha tôi và câu hát ru còn đây/Rượu cần đêm đêm hoà trong tiếng ca đại ngàn...
Như nhiều cô chú, anh chị ca sĩ khác chuyên về dòng nhạc Tây Nguyên, tôi khát khao được hát vang những giai điệu Tây Nguyên ngay tại nơi này, không chỉ là hát khi ngồi ở một góc khuất lề đường cùng bè bạn, không chỉ là hát trong quán bar, phòng trà, mà là hát trong một live show dành cho các ca sĩ chuyên về dòng nhạc Tây Nguyên - một đêm nhạc Tây Nguyên giữa Sài Gòn. Tôi biết, để tổ chức được một đêm như vậy cần có kinh phí, cần người có tấm lòng và nhất là sự am hiểu. Biết là khó, nhưng vẫn hy vọng...
|
Đỗ Hoàng [thực hiện]