Kẻ khô giày, người ướt lưng

 16:05 | Thứ năm, 26/05/2016  0

Cụ Phan chí sĩ nói với Nguyễn thi sĩ:

- Tiên sinh ơi, sao ông Tây này rành rẽ văn hóa, lịch sử Việt Nam quá thể? Tây thì thế, trong khi học sinh của ta ngày nay có đứa thi tốt nghiệp phổ thông còn lầm tưởng bà Trưng và bà Triệu là hai chị em ruột, còn Quang Trung với Nguyễn Du là một! Haizaaaa...

Thi hào họ Nguyễn cùng tâm trạng:

Trông người lại ngẫm đến ta. Một dầy một mỏng biết là có nên?

 Danh tướng họ Lý cắt ngang đúng phong cách nhà võ:

- Sao bi quan thế? Muốn biết hậu thế giờ thế nào cứ xuống trần một chuyến!

Lý đại tướng còn rủ luôn những nhạc sĩ có lời hát được nhắc tới trong diễn văn của Tổng thống Obama. Ai nấy hoan hỉ nhận lời, riêng cụ Phan khăng khăng cố chấp:

- Các vị thích cứ đi, chứ ta không tin hậu thế đổi thay nhanh vậy!

Chỉ trong chớp mắt (tính theo đơn vị thời gian chốn tiên cảnh), các bậc tiền liệt sau khi xuống thăm hạ giới đã trở lại, vị nào cũng mãn nguyện:

- Bún chả ngon thật, mà lại bán đúng giá dù chúng ta là khách phương xa!

Cụ Phan nghe thế không chịu nổi, vội phất áo xuống trần. Tích tắc sau, cụ quay trở lại, sắc mặt đỏ bừng vì giận. Nhạc sĩ họ Văn gặng hỏi:

- Cụ ơi, bộ quán bún chả bán cho cụ giá khác à?

Cụ Phan không chịu kể, chỉ ghé vào tai Nguyễn thi sĩ thì thầm tâm sự. Cụ Nguyễn nghe xong gật gù:

Thân lươn bao quản lấm đầu. Kiếp người đã đến thế này thì thôi!

Mọi người nghe thế càng thắc mắc, tiếp tục tra vặn. Cụ Phan tức quá, huỵch toẹt:

- Ta xuống sau nên mắc mưa một trận, phải núp vào một cái nhà to đùng, và chứng kiến cảnh sau mấy chục năm thoát kiếp nô lệ mà vẫn có người chịu làm trâu ngựa và vẫn có kẻ thích ngồi trên lưng người khác!

Người già chuyện

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.