Khi pháp trị chưa là chỗ dựa cho đức trị

 08:48 | Thứ sáu, 30/09/2016  0

Nguyên nhân của hiện tượng này, có thể là chuyện đưa người nhà vào diện quy hoạch - bổ nhiệm đã có từ lâu ở nơi này nơi khác nhưng được làm lặng lẽ và giấu kín, bây giờ mới bục ra. Nhưng, một nguyên nhân khác, được nhiều người đồng tình hơn, đó là: do cách làm đó càng lúc càng trắng trợn và bất chấp.

Ảnh biếm họa: Ndiep

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2015 đã từng ký bổ nhiệm vợ làm trưởng một phòng của Cục Thuế, sau đó lại ký bổ sung quy hoạch hai người làm Cục phó Cục Thuế trong đó có vợ mình.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định có tới bốn người thân được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, trong đó có vợ và em ruột được đưa vào chức danh phó giám đốc sở của tỉnh.

Nổi cộm nhất là trường hợp của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh có tới sáu người thân (vợ, các em trai, em gái và em rể) được bổ nhiệm làm các chức vụ lãnh đạo trong tỉnh.

Khi hiện tượng “gia đình trị” được công khai trên các phương tiện truyền thông, giải trình của các nhân vật liên quan đều giống nhau ở cụm từ đang nhận được nhiều lời chế giễu: “đúng quy trình”! Thậm chí có vị (Bí thư Hà Giang) còn bày tỏ “sự bất lực” của bản thân là “Tôi không bao giờ muốn như thế cả nhưng tình cảm của tôi đều phải thua nguyên tắc, tôi phải tôn trọng nguyên tắc và phải phát huy vai trò cơ quan tham mưu về tổ chức”!

Lời giãi bày trên đây đã khiến nhiều người am hiểu chính trường nhớ lại: trong quá khứ, nếu các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp... cũng “bất lực” trước cơ quan tham mưu về tổ chức thì hẳn là con cái của các vị ấy (không ít người tư cách đàng hoàng, đào tạo bài bản) cũng có thể đã hiện diện không ít ở các cơ quan lãnh đạo từ trung ương đến địa phương.

Điều gì đã khiến việc không khó thực hiện ấy không xảy ra trước đây? Câu trả lời chỉ có thể là: lòng tự trọng và sự liêm sỉ của đa số thế hệ lãnh đạo đất nước thời ấy được đặt cao hơn việc “tôn trọng” cái nguyên tắc quái gở “quy hoạch, bổ nhiệm người thân của lãnh đạo vào vị trí lãnh đạo” mà cơ quan tổ chức dưới quyền đã tham mưu.

Lời giãi bày trên đây của một vị bí thư tỉnh ủy đương nhiệm cũng khiến cho chúng ta nhận ra: đã đến lúc phải chặn đứng hiện tượng “gia đình trị” này nếu không muốn nó lây lan với tốc độ khó lường và trở thành “hậu thuẫn vững chắc” cho các nhóm lợi ích phát triển và liên kết với nhau để lũng đoạn chính sách quản trị đất nước, để phân chia lợi ích công, làm băng hoại các giá trị xã hội và từ đó có thể đẩy niềm tin chính trị vào chân tường.

Khi đức trị (sự liêm sỉ, tính gương mẫu cá nhân) không đủ sức mạnh chi phối hành động mang tính kiểm soát quyền lực ở cấp địa phương và quốc gia, phải chăng đã đến lúc cơ quan lập pháp là Quốc hội phải phối hợp với các cơ quan hành pháp và tư pháp xây dựng các điều luật nhằm chống lại “chủ nghĩa huyết thống và gia đình trị” đang manh nha ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo trên trang luatkhoa.org cho biết luật pháp của bang Bavaria CHLB Đức từ năm 2000 đã có quy định cấm các dân biểu của mình tuyển dụng người thân và dân biểu Georg Schmid là một trường hợp buộc phải từ chức vì đã tuyển dụng vợ vào một công việc có mức lương và phúc lợi cực kỳ tốt từ chính phủ. Cũng theo trang thông tin nói trên, trong bộ quy tắc ứng xử của Hạ viện Hoa Kỳ, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng bị nghiêm cấm tuyển dụng vợ, chồng của mình vào vị trí có trả lương.

Những thông tin trên đây phải chăng cũng cần được kiểm chứng, tham khảo, nghiên cứu để sớm khởi động việc xây dựng các điều luật với mục đích đã nêu ngay trong thời gian đầu của nhiệm kỳ Quốc hội 2016-2021.

Chỉ khi nào pháp trị song hành và phát huy sức mạnh cùng đức trị thì chúng ta mới có thể từng bước tạo ra sức mạnh bảo vệ công lý và công bằng xã hội - những cơ sở quan trọng làm nên sự bền vững của một thể chế và hạnh phúc của mỗi con người.

Thanh Nguyễn

» Phó thủ tướng: Làm rõ quy trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải

» Chống chạy chức, chạy quyền thì trên phải nghiêm, phải sạch!

» VAFI nêu 5 'sai lầm' của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

» TS Nguyễn Đình Cung: Nói bổ nhiệm Vũ Quang Hải đúng quy định là... trơ trẽn

» Sabeco không “về một nhà” với SCIC như Vinamilk?

» Bộ Công Thương sẽ bố trí lại nhân sự chủ chốt

» Bộ Công Thương thay “ghế nóng” Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

» Minh bạch quyền lực của Bộ Công Thương

» Bửu bối “quy trình”

» Lần đầu tiên Chính phủ thẳng thắn về nguyên nhân tham nhũng

» Lo cho dân hay chứng minh không có bồ, việc nào bảo vệ uy tín Bí thư?

» TS Nguyễn Đình Cung: Nói bổ nhiệm Vũ Quang Hải đúng quy định là... trơ trẽn

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.