Nội mạc tử cung, đúng như tên gọi, là lớp lót bên trong của tử cung, có nhiệm vụ dinh dưỡng cho thai, khi phôi thai hình thành và phát triển sẽ bám vào đây và lớn dần lên. Lớp nội mạc này được phát triển theo chu kỳ hàng tháng, khi không có thụ thai sẽ bong tróc một phần (phần hoạt động, phần còn lại là phần nền vẫn còn lại để tiếp tục phát triển cho những lần sau) và tạo ra sự hành kinh.
Cùng với sự bong tróc này là sự hình thành của một số chất có vai trò gây viêm, gây đau. Do đó, có hiện tượng đau khi hành kinh, thường là đau vùng bụng dưới, chủ yếu trong 1-2 ngày đầu, khi có hành kinh lượng nhiều thường là giảm đau, và hoàn toàn khỏe mạnh khi đã hết hành kinh.
Đau khi hành kinh, hay còn gọi là thống kinh là dấu hiệu hầu như có ở tất cả mọi phụ nữ (còn trong tuổi có kinh nguyệt), tuy nhiên mức độ nặng nhẹ, khó chịu thì lại tùy thuộc vào từng người cũng như từng giai đoạn trong cuộc đời, và thường là không cần dùng thuốc hay chỉ thuốc giảm đau đơn giản, chườm nóng, nghỉ ngơi là đã đủ thuyên giảm.
Dấu hiệu nhận diện
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung còn hiện diện ở những vị trí khác trong cơ thể, thường gặp là trên buồng trứng, trên thành ruột, trên màng bụng … hiếm hơn khi nằm ở cổ tử cung, trên vết mổ thành bụng, trên vết may cắt vùng sinh môn khi sinh đẻ, trên vết mổ ở thành tử cung hay trong lớp cơ vùng tử cung.
Nguyên nhân cho đến nay, vẫn còn nhiều bàn cãi, giả thuyết nhiều bằng chứng nhất cho là có sự trào ngược máu kinh (trong đó có lớp nội mạc bị bong tróc), đi ngược qua vòi trứng để vào ổ bụng và các tổ chức nội mạc này sẽ bám vào bất kỳ đâu, phát triển lên. Bệnh gặp khá thường, có thể tới 20% phụ nữ; trong nhóm bị vô sinh có thể tới 50%.
Dù là lý do gì, thì tổ chức nội mạc lạc chỗ này cũng tiếp tục phát triển lên qua từng chu kỳ kinh nguyệt, gây ra tình trạng thống kinh ngày càng gia tăng. Tổ chức lạc chỗ này không bị bong tróc và thải ra ngoài như máu kinh thông thường (vì có lối đâu mà thoát), do đó sẽ tích tụ dần, tạo thành một khối nôi mạc to dần theo thời gian, và tình trạng thống kinh cũng do đó ngày càng tăng.
Biểu hiện của bệnh nhân là thống kinh ngày càng dữ dội, khối trong vùng bụng to dần theo năm tháng, thống kinh đi tới việc đau bụng dưới mãn tính ngoài kỳ kinh (do khối lạc chỗ to ra gây viêm nhiễm hay chèn ép). Khi khối lạc chỗ trong lớp cơ tử cung sẽ làm tử cung to dần, dễ nhầm với u xơ tử cung. Khi khối lạc chỗ nằm trên thành ruột có thể gây các triệu chứng kích thích đường ruột (mót rặn, tăng nhu động ruột, tiêu chảy …), nằm trên thành bàng quang thì gây ra triệu chứng đường tiểu, trên vùng gần tầng sinh môn gây ra đau khi giao hợp … lạc nội mạc tử cung cũng gây khó khăn cho khả năng mang thai.
Điều trị cách nào?
Để điều trị tận gốc, thường là phẫu thuật để lấy đi các khối lạc chỗ. Nhưng khổ nỗi, lý do hình thành khối lạc chỗ cho tới nay vẫn chưa biết do đâu, nên sau phẫu thuật một thời gian sẽ có thành lập lại các nốt lạc chỗ và lại phát triển dần lên, gây đau và hình thành khối lạc chỗ tiếp tục.
Do đó, thường rất cân nhắc khi phải phẫu thuật, chỉ những khi thật cần thiết như khi khối lạc chỗ quá to, gây ra quá nhiều khó chịu, bệnh nhân có vấn đề khó khăn khi mang thai … Thuốc thường dùng là các loại giảm đau ở giai đọan đầu, sau đó có thể dùng các loại nội tiết để ép buồng trứng nghỉ ngơi, nhằm tránh kích thích khối lạc chỗ phát triển. Loại nội tiết này, do đó không thể dùng quá lâu vì có thể gây thêm các tác dụng không có lợi do tình trạng thiếu hụt nội tiết tố nữ (khi buồng trứng lkhông làm việc) như khô da, khô niêm mạc, giảm lông tóc, giảm ham muốn, loãng xương …
Hầu như không có cách phòng ngừa bệnh (cũng như tránh tái phát); chỉ có cách cố gắng phát hiện sớm để can thiệp hay thông tin cho bệnh nhân.
Bệnh nhân thường gặp ở tình huống khối lạc chỗ tạo thành khối u cạnh hay trên buồng trứng, và do đó rất lo lắng không biết khối u buồng trứng này là lành hay ác, mong muốn được phẫu thuật sớm để giải quyết lo lắng. Trong tình huống nghi ngờ hay chẩn đoán là lạc nội mạc tử cung, thường bệnh nhân sẽ được khuyên dùng thuốc trước, chọn thời điểm thích hợp để phẫu thuật, nhất là khi bệnh nhân trẻ, có hay chưa lập gia đình (vì nguy cơ tái phát sau mổ), Cần hiểu rõ bệnh, biết trước khả năng tái phát của bệnh, chuẩn bị tinh thần “sống chung với lũ” …
Với các em gái trẻ, không chủ quan khi có thống kinh, nhất là khi thống kinh ngày càng tăng hay kèm thêm một số khó chịu khác.
Tuy vậy, cũng đừng quá lo lắng về bệnh trạng này, vì thật ra vẫn có khá nhiều trường hợp có lạc nội mạc tử cung, nhưng không hề có triệu chứng. Người ta đã ghi nhận trên các phụ nữ đi triệt sản tức là không có phàn nàn về thống kinh, có tới khoảng 15% người có tìm thấy khối nội mạc tử cung lạc chỗ khi phẫu thuật.
Lời nguyền của chúa đôi khi cũng không ban phát đồng đều vậy.
ThS-BS. Đặng Lê Dung Hạnh
(Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM)