Ảnh: internet
Và khi rời xa, những cảm xúc tiêu cực luôn khiến người ta chao đảo, nhìn cuộc đời màu xám và khó kiểm soát hành vi. Điều này càng đúng những người trong cuộc hiểu sai bản chất của tình yêu, xây dựng tình yêu không từ nền tảng tôn trọng và yêu thương đúng nghĩa. Có nhiều người đánh đồng “yêu là chiếm hữu” “yêu là phải thuộc về nhau” hay “tôi yêu cô/anh thì cô/anh phải yêu tôi”.
Một cách cực đoan, họ đã khiến tình yêu của mình tiến gần đến chỗ chết, và khi tình yêu chết rồi họ lại điên cuồng “hồi sinh” bằng nhiều cách, mà cách được chọn lựa ngày càng nhiều là dùng sức mạnh cơ bắp, đe đọa mạng sống, sự an toàn của đối phương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Không phải với ai trong độ tuổi yêu và đang yêu cũng hiểu được rằng: bản chất của tình yêu là phải làm cho người mình yêu hạnh phúc – hạnh phúc chỉ đôi khi đơn giản là họ được an toàn, tôn trọng và có cơ hội phát triển bản thân. Chính vì thế, khi mặc nhiên yêu là phải nghe lời, thuộc về nhau họ cho rằng mình có quyền quyết định mọi thứ liên quan đến người còn lại. Điều này làm cho đối phương cảm thấy ức chế, hoang mang và căng thẳng trong quan hệ tình yêu. Từ đó, chia tay chỉ là điều sớm muộn.
Thế nhưng, với suy nghĩ cực đoan đã có thì hành vi mà họ thực hiện để bảo vệ, gìn giữ tình yêu của mình cũng sẽ tiêu cực theo. Đó có thể là van xin, là nói xấu, là đe dọa – giết người tình hoặc tự tử để làm áp lực với đối phương. Tất cả những hành vi này, đều không cho thấy hình ảnh một cá nhân tích cực. Và khi cá nhân không tích cực, chúng ta khó hi vọng họ sẽ giữ gìn và vun đắp tình yêu đúng cách!
Yêu và chiếm hữu là hai vấn đề rất khác nhau!
Nếu thực là tình yêu, niềm vui sẽ có khi chứng kiến người mình yêu hạnh phúc – cho dù hạnh phúc đó được tạo nên từ việc chia tay. Dẫu có đau buồn vì mất mát nhưng thấy đối phương vui vẻ, an lành và tạo lập được một mối quan hệ mới chúng ta sẽ thấy an tâm. Điều này không thể có với những người muốn đối phương là của riêng, chỉ quan tâm đến bản thân mình: là tình yêu của mình phải được đáp lại; những người nhầm tưởng sự ích kỉ là tình yêu là sẽ luôn hằn học với chuyện chia tay, luôn muốn người khác không yêu mình thì cũng chẳng thể yêu ai khác, muốn đối phương phải đau đớn, trả giá cho chuyện chia tay – họ luôn nung nấu một suy nghĩ: trả thù.
Sự làm hại cũng muôn hình vạn trạng: nói xấu, bịa chuyện, tung hình ảnh nhạy cảm để đe dọa tinh thần và thậm chí, đe dọa luôn cả tính mạng. Với trường hợp này, người còn lại có nhân nhượng, có vì mềm yếu mà quay lại thì cuộc tình ấy cũng sẽ rất khổ đau và hôn nhân dự cảm sẽ đầy nước mắt!
Như vậy, cách thức là gì?
Vượt qua nỗi đau – câu trả lời chỉ có thế. Điều này thực sự không dễ dàng, với cả 2 bên. Tuy nhiên, tình yêu kết thúc chưa bao giờ là dấu chấm hết cho cuộc đời. Bị một ai đó từ chối, buồn chứ; tan vỡ một mối tình với nhiều kỉ niệm đẹp, buồn chứ - nhưng, cuộc đời không chỉ có mỗi chuyện tình yêu đôi lứa. Còn gia đình, còn công việc, còn cả nhiệm vụ phát triển bản thân. Khi tình yêu không như ý muốn, bạn cần tập trung vào những điều còn lại.
Chúng ta hay “mất phương hướng” khi chia tay, bởi đơn giản đó là việc mất đi những thói quen đã có. Chúng ta hay nhung nhớ những buổi đi dạo, hẹn hò vào cuối tuần, tin nhắn vào mỗi sáng. Vậy thì hãy khỏa lấp nó đi bằng những điều còn lại, những điều mà chúng ta đã bận bịu với việc yêu trong một thời gian dài nên không kịp làm: hãy đi chợ nấu ăn, hãy quan tâm đến người thân trong gia đình, hãy đăng kí học một lớp năng khiếu mà mình thấy thích.
Việc dùng các hoạt động khác để khỏa lấp nỗi buồn, tác dụng của nó lớn hơn chuyện “cho quên”. Bạn sẽ thấy có nhiều điều tích cực từ các mối quan hệ khác của mình xuất hiện khi bạn chủ động cho đi yêu thương; bạn sẽ thấy mình năng động với những điều cá nhân mình có thể làm được và đây cũng là cơ hội để bạn phát triển bản thân, phát triển thêm các mối quan hệ xã hội – sẽ có ích cho công việc của bạn, và cho việc tìm kiếm, xây dựng một mối quan hệ mới sau này. Tin đi, một cuộc tình đi qua chúng ta sẽ trưởng thành hơn nếu bạn biết trân quý những điều đã qua và có cách nhìn khách quan, bình tĩnh!
Trong trường hợp khác, khi đã hiểu rất rõ mình cần phải làm gì để quên đi nỗi đau, nhưng “đối tác cũ” không nhận ra điều đó và bạn trở thành người bị làm phiền, phương án nào để mọi chuyện đi vào quá khứ và ngủ yên ở đó? Hãy tự bảo vệ mình. Bạn cần có một quyết tâm nhất định để không bỏ mà còn vương.
Sự rõ ràng, cương quyết đều có giá trị tích cực cho các mối quan hệ, bao gồm cả tình yêu! Nên hạn chế tối đa những yêu cầu hẹn hò sau khi chia tay, vì sự gặp gỡ khó làm bạn quên đi chuyện cũ và đối phương thì có thêm cơ hội để níu kéo. Các đề nghị hoặc yêu sách của đối phương cũng cần được bạn ứng xử một cách bình tĩnh và đáp trả những điều này phải là giải pháp mang tính an toàn lâu dài, mọi sự nhân nhượng chỉ càng làm cho điều tồi tệ bị dồn nén và đến khi bùng nổ thì sẽ khó khắc phục hậu quả.
Bạn cần tỉnh táo để có thể “lượng giá” mức độ nguy hại trong hành vi mà đối phương sẽ dành cho bạn. Hãy tìm người đồng hành cùng bạn trong thời gian khó khăn này, đó có thể là bạn bè hoặc gia đình để bạn có thêm nghị lực và điểm tựa. Và nếu tình hình xấu nhất xảy ra, bạn bị đe dọa đến tính mạng, thì đừng quên rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có pháp luật, có các tổ chức xã hội, đừng ngại lên tiếng để được bảo vệ trước khi quá muộn, để mình được an toàn và tiếp tục hành trình với nhiều kế hoạch tốt đẹp của bản thân.
Nhưng trên hết và trước hết, chúng ta hãy cố gắng xây dựng một tình yêu bằng đầy đủ sự tỉnh táo, tôn trọng và trách nhiệm (với bản thân) ngay từ đầu để không phải tìm cách ứng xử với những kết thúc đau buồn và nhiều hệ lụy!
ThS.Tô Nhi A
(Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM)