Làm sao tránh tai biến từ thuốc nhuộm tóc?

 16:43 | Chủ nhật, 22/05/2022  0
Nhuộm tóc sẽ giúp một số người cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, khi nhuộm tóc cần thận trọng vì có thể xảy ra một số tai biến do thuốc nhuộm như viêm da tiếp xúc, tóc bị tổn thương và bị rụng với những biểu hiện: da đầu sưng đỏ, ngứa, chảy nước vàng, bốc mùi tanh…

Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc là hóa chất và các nghiên cứu cho thấy rằng: nhuộm tóc từ một lần trở lên trong tháng khiến tăng nguy cơ ung thư bàng quang lên gấp hai lần. Một số thuốc nhuộm tóc cũng làm tăng nguy cơ ung thư máu nếu nhuộm tóc diễn ra thường xuyên và không bảo đảm yêu cầu an toàn.

Dùng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên thì tốt hơn. Ảnh: TL


Đối với phụ nữ Á Đông, đôi mắt nâu đen đi cùng mái tóc đen huyền đã tạo nên một nét duyên dáng và quyến rũ khó tả. Mái tóc đẹp không chỉ là mái tóc dầy, chắc mà còn phải có màu sắc phù hợp với các chi tiết khác (màu da, màu mắt…) của chính cơ thể mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tạo hóa ban tặng cho mái tóc đẹp. Do đó, làm đẹp tóc bằng cách nhuộm đổi màu tóc là nhu cầu hết sức chính đáng và cần thiết.

Khi nào cần nhuộm tóc?

Khi tóc bị bạc nhiều thì nhuộm tóc đen lại sẽ giúp trông bạn trẻ hơn, nhu cầu này thường xuất hiện ở những người có tuổi. Ngoài ra, khi có màu mắt và màu da sáng, việc thay đổi màu tóc từ đen sang vàng kim hoặc đồng sáng hoặc hạt dẻ... cũng sẽ giúp chúng ta trông hợp thời trang và ấn tượng hơn, nhu cầu này thường gặp ở những bạn trẻ.

Những trường hợp khác khi muốn nhuộm tóc cần phải hết sức thận trọng, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những tác hại do thuốc nhuộm tóc đem lại, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bị tai biến khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp tóc kiểu này.

Nhuộm tóc có nhiều loại: nhuộm dần dần (tóc sậm màu dần), nhuộm tạm (màu nhuộm bị mất đi sau một lần gội), nhuộm lâu (màu nhuộm bị mất đi sau từ 4 – 6 lần gội hoặc lâu hơn), nhuộm luôn (không mất màu khi gội đầu). Kiểu nhuộm luôn gây tổn thương tóc nhiều nhất bởi vì các hạt màu trong loại thuốc nhuộm này có kích thước rất lớn, chúng chen lấn vào thân sợi tóc và vướng luôn ở trong đó.

Trước khi nhuộm màu cho tóc thì thuốc nhuộm còn có tác dụng tẩy màu cũ của các sợi tóc. Trong quá trình tẩy màu, oxygen của chất sừng trong sợi tóc sẽ bị phóng thích ra khỏi sợi tóc, dẫn đến sợi tóc bị mỏng lại, xốp hơn và dễ bị chẻ, bị gãy. Nếu nhuộm tóc thành màu càng sáng thì trong quá trình nhuộm tóc sẽ bị tẩy màu càng nhiều. Do đó nhuộm tóc màu càng sậm thì tóc càng ít bị tổn hại. Trong đó đỏ, vàng, xanh là các màu sáng; nâu, xám, đen là các màu tối.

Thuốc nhuộm có thể gây ung thư

Thuốc nhuộm thường chứa những thành phần sau: p-phenylenedamine (PPD), toluene-diaminesulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine, aminophenol. Các thành phần này thường gây ra các tác hại sau đây cho người sử dụng: tóc khô, mất bóng và dễ gãy; rụng tóc; viêm chân tóc (các nốt đỏ ở chân tóc, rất ngứa); viêm da tiếp xúc (các mảng đỏ da, tróc vẩy, phù nề, nổi mụn nước… ở những vùng da tiếp xúc thuốc nhuộm); viêm da dị ứng (tổn thương tương tự viêm da tiếp xúc nhưng lan rộng ra ở cả những vùng da không tiếp xúc thuốc nhuộm như trán, cổ, mí mắt, mặt); tăng hoặc giảm sắc tố da đầu.

Nguy hiểm nhất là nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc thuốc nhuộm: ung thư bàng quan, ung thư hệ tạo máu, u não-màng não-thần kinh thính giác… Nguy cơ này càng gia tăng khi thuốc nhuộm càng sậm màu.

Để hạn chế tối đa tác hại

Mặc dù thuốc nhuộm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng không phải vì những tác hại trên mà chúng ta dè dặt với việc sử dụng dịch vụ thay đổi màu sắc tóc. Chúng ta nên áp dụng những điều sau đây khi nhuộm tóc nhằm hạn chế tối đa các tác hại có thể xảy ra:

Dùng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên thì tốt hơn; khoảng cách giữa hai lần nhuộm không quá gần nhau, ít nhất là sáu tháng; tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc; dùng găng tay khi nhuộm hoặc cắt tóc nhuộm; gội đầu bằng dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho da và tóc; chỉ dùng dầu xả cho phần ngọn tóc; thỉnh thỏang hấp dầu cho tóc; chống nắng cho da đầu và tóc (đội nón sậm màu, che phủ tóc khi đi nắng…). Ngoài ra cũng cần phải điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Trước khi nhuộm tóc cần phải xem cơ địa có mắc những bệnh lý về da đầu hay không. Không được nhuộm khi vùng da đầu, cổ, mặt bị lở loét, sưng đau. Cần thử phản ứng tước khi sử dụng, nhất là với những sản phẩm mới sử dụng lần đầu tiên. Có thể thoa thuốc vào vùng da ở mặt trong cánh tay rồi để 24 - 48 giờ xem có gây dị ứng không? Hoặc xác định phản ứng với mỹ phẩm chậm bằng cách thoa lên vùng da mặt trong cánh tay 2 lần một ngày (trong hai tuần) với diện rộng khoảng 5cm. Nếu vượt quá thời gian trên vùng da thoa không biểu hiện gì thì chứng tỏ không bị dị ứng với sản phẩm đó.

Tại một số tiệm làm tóc, hầu hết những thuốc uốn, nhuộm, duỗi chỉ đựng trong những lọ, hũ nhựa màu trắng, bên ngoài không hề có nhãn mác. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ dị ứng. Nên chọn những sản phẩm có uy tín, chất lượng hoặc tự dùng thuốc của mình. Tránh dùng những thuốc có màu quá đậm. Có thể thoa kem hoặc vaseline lên da đầu trước khi nhuộm để thuốc không ngấm và da đầu. Sau khi nhuộm nên gội đầu thật kỹ để thuốc không sót lại.

TS-BS. Lê Thái Vân Thanh

(Giảng viên chính Bộ môn da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM; Trưởng Khoa da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.