Làm sống lại một ký ức

 16:37 | Chủ nhật, 06/06/2021  0
Lúc ấy, nó thật sự là một đống xà bần gỗ cũ nát và không thể nghĩ rằng đã từng là một ngôi nhà lộng lẫy của một vị quan đại thần.

Cách nay tám năm, khoảng 2003, tôi có dịp nhìn thấy xác căn nhà rường xưa cũ ấy ở một khu nhà rất đẹp ở khu vực suối Lồ Ồ thuộc tỉnh Bình Dương. Anh Ngọc, chủ nhà chỉ hàng số chạm khắc năm hình thành ngôi nhà là 1885, cho biết đó là một căn nhà bảy gian của một vị Thượng thư triều đình Huế. Nhà xuống cấp, con cháu giở ra và bán cho một người chơi. Ông ta loay hoay với nó một thời gian và cuối cùng đến tay anh Ngọc.

“Hầu như rất khó phục chế. Khi đến tay tôi, toàn bộ dấu được đánh giữa các chỗ nối để dễ phục chế, khi xem lại, do cách đánh dấu không đúng nên mực bị phai hết, xem như mất các liên kết. Toàn bộ phần mái đã nát. Vách nhà cũng mục nát qua thời gian và thời tiết khắc nghiệt của miền Trung”.

Lúc ấy, nó thật sự là một đống xà bần gỗ cũ nát và không thể nghĩ rằng đã từng là một ngôi nhà lộng lẫy của một vị quan đại thần.

Cuối năm 2004, sau một cơn bạo bệnh tưởng chừng không qua khỏi, anh Ngọc phục hồi sức khoẻ và bắt tay vào phục chế ngôi nhà. Vốn là kỹ sư xây dựng và đã có kinh nghiệm phục chế nhà rường, anh tiến hành với quyết tâm làm sống lại căn nhà mà căn cứ vào những chi tiết chạm khắc trên toàn bộ nhà, anh biết nó sẽ tuyệt đẹp.

Bắt đầu từ đó, trên miếng đất ba ngàn mét vuông ở gần núi Châu Thới, anh cặm cụi mỗi ngày cùng hai thợ mộc giỏi xứ Huế chỉ làm mỗi một việc là sắp xếp lại đống gỗ lộn xộn khổng lồ kia. Họ tỉ mỉ xếp mớ cột và kèo theo các kích cỡ khác nhau và theo kinh nghiệm, phán đoán vị trí của nó trong kết cấu ngôi nhà. Sau đó là xác định mộng gài thế nào rồi sắp ra theo từng bộ, dựa rất nhiều vào các hoạ tiết đuợc chạm trổ dày đặc.

Xong khung nhà, mới đến giai đoạn sắp vách vào cho khớp. Một điều không may khác sau chuyện mất các dấu định vị là đĩa phim DVD quay toàn bộ ngôi nhà trước khi được giở ra đã bị thất lạc, chỉ còn xấp ảnh chụp là giữ lại được và đó là căn cứ duy nhất để phục chế ngôi nhà.

Một nhà sư được mời đến để dịch và căn cứ vào ý nghĩa từng câu, thói quen bày biện nhà cổ xưa và kinh nghiệm của ông để định vị từng cặp liễn đối.

Công việc sắp đặt chi tiết vậy mà mất đứt ba tháng, làm cả ngày và cả buổi tối dưới ánh đèn trên khoảnh đất trên đồi giữa trời lạnh. Mỗi ngày, khi xong việc vào cuối buổi chiều, cả chủ và thợ lui về căn nhà kho dựng tạm để ngủ để sáng ngày mai lại tiếp tục. “Tất cả vì đam mê”. Anh nói “Lúc ấy tôi đã qua tuổi sáu mươi, sức khoẻ đang không ổn nhưng đã quyết là làm cho bằng được!”

Công đoạn quan trọng nhất đã xong, anh Ngọc tiến hành xây dựng. Cùng lúc đó, trong suốt gần một năm trời, anh tập trung biến khoảng đất bao quanh nhà thành một khu vườn. Nhà xưa luôn gắn với vườn cây, nhất là nhà Huế. Nhưng ký ức anh Ngọc luôn nặng tình với khu vườn của quê hương xứ Bắc, nơi anh rời bỏ để vào Sài Gòn sinh sống mấy chục năm qua. Đó là mảnh vườn bên Nội ở Tiên Lãng ôm ấp ngôi nhà gỗ ba gian đơn sơ. Các cụ xưa trồng cây trong vườn vốn không cầu kỳ như bây giờ, chủ yếu là chọn cây ăn trái nhưng cũng có vài cây thế kiểu tam đa với cụm ba cây, cây giữa dáng long, hai bên tạo thế chín tầng. Rời ngôi nhà đó, anh về Hà Nội và mỗi mùa hè lại về chơi và gắn bó với ngôi nhà bên ngoại ở Đông Triều. Vườn quê ngoại rộng rãi và xinh xắn với bể đá, có cầu bước qua con lạch nhỏ và những ngày mùa xuân tươi đẹp với chậu bạch mai nở hoa trắng ngần.

Trong khu vườn mới, anh trồng một cây sấu bên hồ bán nguyệt, xây một giếng theo kiểu Bắc bộ xưa và trồng một cây si già để gợi nhớ tuổi thơ. Để xứng với vẻ bề thế của một ngôi nhà cổ, anh đầu tư tạo một góc vườn trước nhà với những cây nguyệt quế gốc lớn thuộc loại hiếm hoi, cụm đá cảnh từ Ninh Bình đưa về và chuyển vào vườn bằng cần cẩu lớn. Anh chú ý tạo vẻ hài hoà giữa chúng, tránh phô trương. Vài cái xe ngựa, chiếc xe bò nằm rải rác. Chúng điểm xuyết vẻ tự nhiên một khu vườn quanh nhà theo kiểu trồng ngẫu hứng, phát triển lần hồi theo thời gian chứ không phải được tạo nên với ý thức thiết kế một vườn cảnh.

Từ cổng nhìn lên cao, phía phải ngôi nhà là ngọn núi Châu Thới, tuy nhỏ nhưng có dáng đẹp. Trên núi là dăm mái chùa cong thấp thoáng. Những buổi chiều thứ bảy, anh phóng xe một mình về khu nhà vườn này, ngồi trong nhà thảo bạt nhấm nháp miếng trà cỏ ngọt, ngắm một chút nắng còn vương vấn trên mái ngói ngôi chùa phía xa. Vùng đất chung quanh còn khá yên tĩnh đủ cho lòng lắng lại và chiêm nghiệm vẻ đẹp ngôi nhà, khu vườn mà anh đã bỏ công sức để xây dựng ở tuổi sáu mươi. Anh cảm thấy mãn nguyện. Trong một năm, anh phục hồi lại ngôi nhà trăm năm và không chỉ thế, một ký ức về quê nhà tưởng đã phai từ lâu.

Phạm Công Luận - Ảnh: Đức Trí

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.