Ngày 11.10, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, cùng các sở ngành liên quan đã đi kiểm tra thực tế tại 2 dự án đất ven biển trước kiến nghị của doanh nghiệp về tiền thuê đất quá cao.
Tại dự án Ariyana Đà Nẵng của Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai - đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn - ông Lê Minh Kha, Phó tổng giám đốc công ty, cho hay diện tích của dự án phải trả tiền thuê đất hằng năm là khoảng 22 ha. Đơn giá thuê đất tính theo hệ số mặt đường Võ Nguyên Giáp, hiện tại dự án phải nộp là hơn 120 tỉ/1 năm, tăng hơn 30 tỉ so với năm 2018 và 2019.
Ông Hồ Kỳ Minh (bên trái) trong buổi kiểm tra thực tế ngày 11.10 tại dự án Ariyana Đà Nẵng.
Theo ông Kha, hiện tại tiền thuê đất là gánh nặng cho dự án. Trong khi các hạng mục căn hộ, biệt thự, cung hội nghị là nơi tạo ra dòng tiền chính thì không đủ để trả tiền thuê đất. Cụ thể, năm 2019, doanh thu của cung hội nghị khoảng 1,8 triệu USD (tương đương 40 tỉ đồng), năm 2023 khoảng 1 triệu USD. Trong khi đó, chi phí xây dựng cung hội nghị là 450 tỉ. Nếu tính riêng diện tích của cung hội nghị với khoảng 2ha thì tiền thuê đất mỗi năm là khoảng gần 10 tỉ đồng.
Ông Kha cũng cho hay khi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp được biết một số dự án ở Hà Nội phân đơn giá theo công năng sử dụng đất. Tính riêng phần đất xây dựng với phần đất cảnh quan, cây xanh, giao thông. Địa phương hoàn toàn được quyết định đơn giá.
Ngoài ra, ông Kha cho rằng thực tế hiện tại ở vệt đất ven biển Đà Nẵng có bất cập. Cụ thể, bên phải đường Võ Nguyên Giáp phần lớn là các lô đất ở nên áp dụng giá cao là hợp lý. Bên trái chủ yếu là dự án với các khu đất lớn, mật độ sử dụng thấp thì kiến nghị ban hành đơn giá riêng.
Tại dự án Melia Đà Nẵng Resort - quận Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Mạnh Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước - chủ đầu tư dự án, cho hay tiền thuê đất hiện tại căn cứ vào bảng giá đất năm 2019. Trong khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế suy giảm nên không có doanh thu.
Hiện tại, Melia Đà Nẵng Resort phải nộp 28 tỉ đồng mỗi năm. Trong khi đó, phần đất được xây dựng công trình đã được đóng tiền một lần, các phần còn lại thuộc công năng cảnh quan, cây xanh… phải áp giá thuê bằng 70% giá đất thương mại dịch vụ. Ông Trung cho rằng điều này là bất hợp lý.
Ông Nguyễn Mạnh Trung (bên phải) nói về các khó khăn mà doanh nghiệp hiện tại đang gặp phải do tiền thuê đất quá cao.
"TP Đà Nẵng tính giá đất quá cao và doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được phản hồi" – ông Trung nhấn mạnh và cho rằng thẩm quyền thay đổi thuộc về thành phố. Theo ông Trung, thành phố phải định lại giá đất cho phù hợp để cứu doanh nghiệp. "Đừng để cả dãy bờ biển này thành hoang sơ. Các doanh nghiệp đã bị vắt kiệt sữa rồi" – ông Trung than phiền.
Theo ông Trung, nếu TP Đà Nẵng không thay đổi bảng giá đất thì khả năng các doanh nghiệp ven biển sẽ phải "chết yểu".
Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, ông Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét để tham mưu UBND TP. Ông Minh cũng cho hay UBND TP đã có báo cáo với Thành uỷ, HĐND TP còn vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ sớm có kiến nghị để điều chỉnh.
Trước đó, một số doanh nghiệp ven biển đã gửi đơn đến Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng phản ánh tiền thuê đất quá cao. Các doanh nghiệp này hầu hết kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ở khu vực ven biển thuộc 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Giá thuê đất tăng từ 300%-400% so với chu kỳ trước trong khi doanh thu thấp khiến nhiều doanh nghiệp nợ thuế hàng chục tỉ đồng.
B.Vân