'Lộ trình khai tử' xe xăng của những cường quốc châu Á

 23:00 | Thứ tư, 16/07/2025  0
Trong làn sóng chuyển đổi xanh toàn cầu, việc loại bỏ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đang trở thành một cam kết chiến lược của nhiều quốc gia.

Các nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đang bước vào cuộc đua quyết liệt nhằm “khai tử” động cơ đốt trong, thay thế bằng các phương tiện không phát thải như xe điện và phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.

Từ cấm bán xe xăng mới, siết đăng ký xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE), đến đẩy mạnh đầu tư vào pin, trạm sạc và sản xuất xe điện nội địa, mỗi quốc gia đang vạch ra một lộ trình rõ ràng hướng tới trung hòa carbon. Đây không chỉ là cuộc chạy đua công nghệ, mà còn là bước ngoặt định hình lại ngành giao thông và công nghiệp ô tô khu vực.

Trung Quốc: Dẫn đầu cuộc chơi xe điện toàn cầu

Là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, Trung Quốc không chỉ là đầu tàu tiêu thụ xe mà còn đang dẫn dắt cuộc cách mạng năng lượng sạch với mục tiêu thay thế toàn diện xe chạy xăng bằng các phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã khởi động thảo luận về việc loại bỏ hoàn toàn xe ICE. Đến năm 2020, định hướng này được cụ thể hóa trong “Kế hoạch phát triển phương tiện năng lượng mới 2021 – 2035”, đặt mục tiêu đến năm 2035, các phương tiện không phát thải sẽ chiếm phần lớn doanh số bán xe mới.

Trong giai đoạn 2021–2025, Trung Quốc đặt chỉ tiêu xe năng lượng mới (NEV) chiếm ít nhất 20% tổng lượng xe bán ra. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc và báo cáo BloombergNEF, mục tiêu này đã vượt mốc từ rất sớm, khi năm 2023, xe NEV đã chiếm tới 30,3% tổng doanh số, tương đương hơn 8,1 triệu xe được tiêu thụ.

Hệ thống chạm sạc điện công cộng trên đường phố tại Trung Quốc năm 2022 Ảnh: CGTN 


Để đạt được các tham vọng, Trung Quốc triển khai chiến lược tổng lực từ hạn chế nguồn cung xe xăng đến mở rộng cầu cho xe điện. Các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến hiện đang hạn chế hoặc dừng đăng ký xe chạy xăng, đồng thời ưu tiên xe điện trong lĩnh vực taxi, giao hàng và giao thông công cộng.

Trên phạm vi quốc gia, Trung Quốc cũng xúc tiến kế hoạch chuyển toàn bộ phương tiện công cộng tại các đô thị lớn sang sử dụng NEV trong vòng 10 năm tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng triển khai chính sách đổi xe cũ lấy xe điện với mức hỗ trợ lên tới 7.000 USD. Trái lại, các phương tiện chạy xăng sẽ đối mặt với hàng loạt hạn chế: kiểm định thường xuyên, giới hạn khu vực lưu thông, và trong một số trường hợp, chúng thậm chí còn bị thu hồi hoặc buộc loại bỏ. Những chiếc xe bị thu hồi sẽ được phân loại, tái chế hoặc tiêu hủy theo quy định về môi trường.

Chưa dừng lại ở đó, quốc gia tỷ dân cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng. Tính đến cuối năm 2023, quốc gia này đã chi hơn 1.200 tỷ nhân dân tệ (170 tỷ USD) để lắp đặt hơn 2 triệu trạm sạc công cộng.

Nhật Bản: Chọn lối đi riêng với xe hybrid và hydrogen

Nối tiếng là một trong những quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, Nhật Bản lại chọn lối đi riêng trong quá trình chuyển đổi xanh. Không vội “khai tử” xe xăng như nhiều nước, Nhật theo đuổi chiến lược không carbon dựa trên tiếp cận đa công nghệ và thận trọng.

Theo thông tin từ Japan Times, ngay từ năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch yêu cầu toàn bộ xe mới bán ra từ năm 2035 phải là xe điện hóa, bao gồm xe hybrid (HEV), plug-in hybrid (PHEV), xe điện thuần túy (BEV) và xe pin nhiên liệu hydro (FCEV).

Dù vậy, Nhật Bản không ban hành lệnh cấm trực tiếp đối với xe ICE, mà thay vào đó là tăng thuế nhiên liệu, siết tiêu chuẩn khí thải, từ đó thúc đẩy thị trường tự điều chỉnh.

Hệ thống các phương tiện giao thông công cộng và tàu điện tại Nhật Bản nổi tiếng về độ chính xác giờ giấc. Ảnh: Kyodo News


Tính đến cuối năm 2023, xe hybrid đã chiếm tới 42% tổng doanh số xe mới tại thị trường nội địa, ghi nhận mức cao nhất toàn cầu. Để hỗ trợ người dân chuyển đổi, Nhật Bản cũng cung cấp gói trợ cấp từ 2.000–7.500 USD tùy loại xe điện hoặc hybrid. Các nhà sản xuất được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe thân thiện môi trường.

Với xe ICE cũ, chính phủ khuyến khích thay thế bằng xe điện qua chương trình đổi xe, kết hợp tái chế vật liệu từ pin cũ và linh kiện cơ khí.

Về hạ tầng, nước này đặt mục tiêu lắp đặt 150.000 trạm sạc EV và 200 trạm hydro vào năm 2030. Các đô thị lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya đang tiên phong xây dựng hệ sinh thái giao thông xanh, dù tốc độ triển khai còn khiêm tốn so với Trung Quốc hay châu Âu.

Hàn Quốc: Trợ cấp mạnh tay, siết tiêu chuẩn khí thải

Không nằm ngoài cuộc đua, Hàn Quốc cũng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông với mục tiêu đầy tham vọng: cấm bán xe chạy xăng và diesel từ năm 2035.

Theo tờ Korea Herald, không chỉ đặt ra lộ trình rõ ràng, Hàn Quốc còn đang triển khai hàng loạt chính sách ưu đãi mạnh mẽ để thúc đẩy tiêu dùng và phát triển hạ tầng. Theo đó, người dân khi mua xe điện có thể nhận khoản trợ giá lên đến 8.000 USD, đi kèm chính sách miễn thuế trước bạ và ưu đãi bảo hiểm.

Ngoài ra, khi đổi xe xăng cũ sang xe điện, người dùng cũng nhận được hỗ trợ tùy khu vực. Những chiếc xe ICE đã qua sử dụng sẽ được đưa vào hệ thống tái chế quốc gia, với quy trình tháo dỡ và xử lý linh kiện theo tiêu chuẩn môi trường, hoặc tái sử dụng trong các ngành công nghiệp phụ trợ.

Hàn Quốc cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng sạc, với mục tiêu xây dựng 1,3 triệu trạm sạc EV trên toàn quốc đến năm 2030.

Hàn Quốc triển khai 624 xe buýt chạy bằng hydro tại Seoul năm 2025. Ảnh: Ajudaily


Tại Seoul, chính quyền tiên phong loại bỏ xe chạy xăng khỏi taxi, xe buýt và xe công vụ, đồng thời thử nghiệm tuyến đường dành riêng cho phương tiện không phát thải. Không dừng lại ở giao thông công cộng, Hàn Quốc còn thúc đẩy ứng dụng xe điện trong lĩnh vực logistics và thương mại điện tử, đặc biệt là ở các khu đô thị đông dân.

Các hãng vận hành giao hàng lớn như CJ Logistics hay Coupang đang được khuyến khích chuyển đổi toàn bộ đội xe sang xe điện trong thập kỷ tới.

Singapore: Quy mô nhỏ nhưng chính sách rõ ràng

Theo “Green Plan 2030”, Singapore sẽ ngừng đăng ký xe ICE từ năm 2030 và hướng tới loại bỏ hoàn toàn xe phát thải vào năm 2040.

Để hiện thực hóa mục tiêu, chính phủ Singapore đã triển khai hàng loạt ưu đãi tài chính mạnh tay. Người dân mua xe điện có thể nhận trợ cấp lên đến 20.000 SGD và được miễn hoàn toàn thuế đăng ký lần đầu đối với các mẫu xe điện hạng phổ thông.

Các chủ xe ICE cũ được khuyến khích chuyển đổi thông qua chương trình hỗ trợ tài chính khi đổi xe hoặc loại bỏ sớm, tùy thuộc vào thời hạn sử dụng và mức phát thải.

Song song với chính sách hỗ trợ tiêu dùng, Singapore cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Đến năm 2030, quốc gia này dự kiến xây dựng 60.000 trạm sạc EV phân bố tại khu dân cư, bãi đỗ xe công cộng và trung tâm thương mại. Mạng lưới sạc nhanh và tiêu chuẩn tái chế pin, động cơ cũng được xây dựng đồng bộ nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Singapore trong quá trình triển khai gói thầu quy mô lớn đầu tiên cho xe buýt điện kèm theo hạ tầng sạc. Ảnh: BYD


Về mặt định hướng chiến lược, Singapore cũng đang nghiên cứu lộ trình bắt buộc chuyển đổi toàn bộ đội taxi và xe giao hàng sang phương tiện không phát thải. Các khu đô thị mới cũng bắt đầu thử nghiệm mô hình giao thông thông minh, tích hợp xe điện tự lái, hướng tới tương lai giao thông bền vững và hiệu quả cao.

Với quy mô dân số nhỏ nhưng quy hoạch chính sách rõ ràng, Singapore đang khẳng định vai trò tiên phong của mình trong khu vực về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Sự đồng thuận ngày càng rõ rệt từ các cường quốc châu Á trong việc loại bỏ phương tiện chạy xăng cho thấy chuyển đổi xanh không còn là xu hướng, mà đã trở thành bắt buộc. Dù mỗi quốc gia có cách tiếp cận riêng, song điểm chung là hướng đến giảm phát thải và làm chủ công nghệ sạch.

Với đà chuyển mình mạnh mẽ này, châu Á không chỉ tiến tới tương lai không động cơ đốt trong, mà còn cạnh tranh để dẫn đầu thế giới về công nghệ giao thông sạch.

Thanh Trúc

Nguồn vietnamfinance.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.