Mặt trận “ngoại giao học thuật” trên biển Đông

 14:17 | Thứ ba, 19/04/2016  0

Vậy tại sao phải thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của giới học giả, hay nói một cách rộng hơn là thành tố tri thức trong tranh chấp biển Đông? Phân tích cục diện hiện tại, có ba lý do để phải đẩy mạnh vai trò của giới học giả vào trong thực tế chiến lược biển Đông của Việt Nam: (1) tương quan thực lực giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến việc chạy đua sức mạnh không phải là lựa chọn tối ưu; (2) xu hướng “quốc tế hoá” biển Đông ngày càng được ủng hộ là một lợi thế quan trọng và (3) lý lẽ chủ quyền và diễn giải luật Biển của Việt Nam hợp lý hơn so với Trung Quốc.

Lợi thế lẽ phải

Trước hết, nếu xét trên tương quan sức mạnh, thì Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc trên tất cả các phương diện từ tiềm lực kinh tế, quốc phòng đến tiềm lực con người. Trung Quốc hiện tại là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với tham vọng trở thành cường quốc hải dương cạnh tranh với Mỹ trong tương lai. Quá trình hiện đại hoá hải quân của Bắc Kinh đang tiến triển một cách nhanh chóng và khá toàn diện, mà biểu tượng là việc đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên trong năm 2012 vừa qua.

Một “chiến lược phi đối xứng” về quân sự đã và đang được xây dựng trong trường hợp xấu nhất nếu có chiến tranh xảy ra, tuy nhiên, chiến lược đó cũng chỉ tạo một lợi thế nhỏ của Việt Nam trên bàn đàm phán. Mục tiêu rõ ràng nhất của quá trình hiện đại hoá quân đội và lực lượng cảnh sát biển trong suốt thời gian qua không gì khác hơn ngoài răn đe ở mức độ nhất định và tăng cường khả năng thương lượng. Tác chiến “phi đối xứng” trên biển sẽ là một kinh nghiệm hoàn toàn mới với Việt Nam.

Thứ hai, cùng với một số nước trong ASEAN như Philippines và Indonesia, Việt Nam đã khá thành công trong việc đưa tranh chấp ra bàn luận công khai tại các diễn đàn an ninh và chính trị khu vực.

“Quốc tế hoá” là giải pháp bị Trung Quốc phản đối rất quyết liệt, trong khi các nước khác - có hay không có liên quan đến tranh chấp - đều ủng hộ một cách mạnh mẽ. Quốc tế hoá và đa phương hoá vấn đề biển Đông khiến cho cán cân ngoại giao trở nên bất lợi hơn đối với Bắc Kinh, khi ngoài các nước tranh chấp chính còn xuất hiện những chủ thể khác như Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan trao giải cho các nhà nghiên cứu trẻ có công trình nghiên cứu về biển Đông tại lễ công bố thành lập quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông.

Một lợi thế nữa để tăng cường vai trò của giới học giả chính là sự hợp lý hơn về lý lẽ chủ quyền cũng như về cách diễn giải luật Biển quốc tế của Việt Nam. Các chứng cứ chủ quyền của Việt Nam được các tài liệu, bản đồ trong và ngoài nước xác nhận và chứng minh một cách rõ ràng về tiến trình và lịch sử xác quyết chủ quyền, trong khi những tài liệu từ phía Trung Quốc không thể hiện một lộ trình như vậy. Rõ ràng, sự yếu thế về mặt chứng cứ lịch sử là lý do chính khiến Bắc Kinh cương quyết phủ định giải pháp đưa tranh chấp ra toà án quốc tế hay Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc dựa vào hai luận điểm chính để bảo vệ các lý lẽ của mình. Một là khái niệm về vùng nước lịch sử, khái niệm nền tảng để Trung Quốc hợp pháp hoá cho “đường lưỡi bò” của họ. Hai là quan điểm “nối chủ quyền” dựa vào các diễn giải từ luật Biển quốc tế UNCLOS.

Một trong những diễn giải khả dĩ về các yêu sách 80% biển Đông dựa trên việc công nhận tư cách pháp lý đảo của các hòn đảo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Theo đó, tất cả đảo, đá và quần đảo của Trung Quốc đều có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế EEZ mà không phân biệt đảo, đá đó phù hợp quy định chế độ đảo của UNCLOS hay không. Những luận điểm này bị đánh giá là thiếu tính thuyết phục và thể hiện “tham vọng” chiếm cứ biển Đông của Bắc Kinh.

Mới chỉ là bước khởi đầu

Việt Nam cần thành lập thêm những trung tâm nghiên cứu chuyên sâu khác ở các trường đại học hay viện nghiên cứu để từ đó tạo mối liên kết rộng rãi và tạo sức lan toả mạnh mẽ hơn trong nghiên cứu biển Đông.

Tuy nhiên, việc đầu tư để xây dựng một đội ngũ học giả có đủ trình độ để bước vào cuộc chiến “học thuật hoá” và “ngoại giao học thuật” tốn nhiều thời gian và công sức. Sẽ cần một chiến lược trung và dài hạn để Việt Nam có thể làm chủ mặt trận này.

Song song với các bước chuẩn bị dần dần về con người, cũng rất cần thiết phải mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu các ý kiến từ bên ngoài và phần nào dựa vào những học giả nước ngoài để lan toả các lý lẽ lập luận của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế một cách mạnh mẽ hơn. Đây được coi là phương pháp “mượn gió Đông” trong bối cảnh thực lực của các học giả Việt Nam vẫn thiếu và yếu.

Khi mà các bài khoa học về biển Đông của Việt Nam xuất bản trên các tạp chí danh tiếng nước ngoài là quá ít, tận dụng những nguồn lực tri thức nghiên cứu sẵn có ở những quốc gia có nền khoa học tiên tiến hơn sẽ là một trong những biện pháp ngắn hạn mang lại hiệu quả lớn. Lợi ích đầu tiên chính là gia tăng được một cách đáng kể số lượng các bài nghiên cứu khoa học về biển Đông được viết bằng tiếng Anh và đăng trên các ấn phẩm học thuật có uy tín của nước ngoài.

Với nguồn tài chính thích hợp, viện biển Đông - thông qua quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông - sẽ tuỳ theo tình hình công bố các gói nghiên cứu theo chủ đề phù hợp đã được duyệt sẵn. Các học giả quốc tế sẽ được tuỳ ý lựa chọn các gói chủ đề đó và tiến hành nghiên cứu kèm theo nguồn kinh phí được phân bổ cho từng đề tài cụ thể.

Cách thức này vừa thu hút được đông đảo các nhà khoa học nước ngoài tham gia, vừa đảm bảo được đúng định hướng nghiên cứu theo mong muốn của Việt Nam. Song song với đó, quỹ cũng sẽ dành ra một phần nhỏ để khuyến khích những nhà nghiên cứu có đủ trình độ và đáp ứng được yêu cầu của các gói nghiên cứu, dĩ nhiên là thành phẩm bằng tiếng Anh. Ngoài ra, sẽ có một số cơ chế kèm theo nhằm khuyến khích các học giả tiếp tục đăng ký nghiên cứu trong các năm tiếp theo.

Qua hai năm triển khai tài trợ cho các dự án nghiên cứu về biển Đông, quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông đã nhận được khoảng 300 bài nghiên cứu từ khắp mọi miền của tổ quốc với nhiều lĩnh vực đa dạng, từ công nghệ, địa lý, lịch sử, luật, giáo dục, cho tới quan hệ quốc tế. Một điều đáng mừng là hầu hết các bài nghiên cứu ấy là sản phẩm của những người trẻ có tâm huyết.

Nguyễn Thế Phương, khoa Quan hệ quốc tế, đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.