Đây là ca ghép gan thứ 11 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, là một ca ghép gan theo đội ngũ bác sĩ là rất phức tạp và khác biệt với 10 ca trước đó. Trong ảnh: hai mẹ con Gia Khiêm đã dần hồi phục sức khỏe sau 20 ngày phẫu thuật. Ảnh: V.A
Bệnh nhi Dương Gia Khiêm (10 tuổi), ngụ Bạc Liêu, bị teo đường mật bẩm sinh nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật Kasai (phẫu thuật mở thông nối ruột - tĩnh mạch cửa - gan) nối tạm đường mật từ lúc bé hơn 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây cháu Khiêm gặp biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, khiến gan và lá lách của bệnh nhi ngày một to ra. Gia đình đã phải đưa bệnh nhi đi cấp cứu vì có tình trạng xuất huyết. Tiên lượng nếu không được ghép gan sớm, bé có thể tử vong, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 nhanh chóng quyết định phẫu thuật ghép gan cho bé từ nửa lá gan trái của người mẹ - chị Phạm Thủy Tiên (40 tuổi).
GS.BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trước đây bệnh viện chỉ mới ghép cho bé dưới 2 tuổi, còn đây là trường hợp bé lớn tuổi. Thử thách nan giải hơn là cả người cho và người nhận gan đều có những bất thường: Gan trái người mẹ có hai động mạch gan, cực kỳ khó lấy và phức tạp. Các bác sĩ đã phải cân nhắc rất lâu vì nếu phải nối hai lần động mạch sẽ rất khó và vướng, việc bóc tách gan phải diễn ra thật kỹ.
Trong khi đó, bệnh nhi bị tăng áp lực động mạch cửa khiến lá lách to bất thường làm cho tiểu cầu giảm thấp hơn so với người bình thường (từ 130.000-400.000 đơn vị tiểu cầu), khả năng sẽ khó đông máu. Thế nhưng, cũng không thể truyền quá nhiều tiểu cầu cho bệnh nhi, vì nếu truyền quá nhiều, khi phẫu thuật dễ gây ra tắc mạch. Thêm vào đó, bé được phẫu thuật Kasai từ trước đó rất lâu khiến phần gan dính vào cơ hoành làm cho việc bóc tách rất lâu.
Các bác sĩ cho biết, thông thường ca ghép gan được thực hiện khi gan của bệnh nhi đã suy, không còn hoạt động được nữa, nhưng trong trường hợp này, gan bé tuy có xơ cứng nhưng vẫn chưa suy hoàn toàn. Tuy nhiên, bé lại bị biến chứng sang chèn ép tĩnh mạch cửa khiến giãn tĩnh mạch tiêu hóa làm bé thường xuyên bị xuất huyết nên phải mổ sớm.
GS.BS Trần Đông A cho biết trong số những ca ghép gan cho trẻ nhỏ, đa phần là mẹ cho con. Và đến nay, sau 10 năm, trong 5 ca ghép gan còn sống tính trên cả nước thì Bệnh viện Nhi đồng 2 có 3 trường hợp. Điều thú vị là trong số các bà mẹ cho con một phần lá gan thì có đến 5 người sinh thêm em bé. Ảnh: TD
Để thực hiện ca ghép gan này, vào tháng 10.2016, các bác sĩ đã hội chẩn và sau đó chuẩn bị cho bệnh nhân về mặt dinh dưỡng, chủng ngừa tâm lý và thực hiện các xét nghiệm tầm soát cần thiết.
Chịu trách nhiệm điều hành chính ca ghép gan là ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện; trưởng kíp mổ là ThS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, cùng sự cố vấn của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng trẻ em như GS.BS Trần Đông A, các giáo sư đến từ Bỉ... Ca ghép gan đã được thực hiện thành công ngày 28.3, sau 12 tiếng ròng rã. GS.BS Trần Đông A cho biết, sau 6 ngày thực hiện phẫu thuật, bệnh nhi bị biến chứng trào dịch dưỡng trấp, biến chứng này vốn đã được tiên lượng nên đã được các bác sĩ nhanh chóng xử lý kịp thời. Hiện bệnh nhi đã được hồi phục hoàn toàn, không còn sốt, không vàng da và được nuôi với chế độ dinh dưỡng thích hợp. Riêng người mẹ sau 10 ngày cho con gan cũng đã hồi phục.
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Ngọc, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện bệnh viện đang theo dõi 200 em bé bị teo đường mật bẩm sinh và đã phẫu thuật kasai. Theo kế hoạch của Bệnh viện Nhi đồng 2, sắp tới sẽ ghép cho 3 bệnh nhi có chỉ định. Được biết, chi phí cho một ca ghép gan khoảng từ 500 triệu - 1 tỷ đồng nhưng theo BS Minh Ngọc, khó khăn nhất là nguồn cho gan còn khan hiếm. Trong khi đó, bệnh nhi có chỉ định ghép gan phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó phải có người cho gan phù hợp, người có cùng phả hệ ba đời. Nhiều bé có người đồng ý cho gan nhưng xét nghiệm không phù hợp...
Theo các bác sĩ, hầu hết các ca bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh sẽ dẫn đến suy gan, xơ gan và cần phải ghép gan. Teo đường mật bẩm sinh là một bệnh án khá phức tạp, cha mẹ cần theo dõi bé để kịp thời phản hồi tới chuyên gia.
T.Văn