Cánh đồng bị nứt toác do hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Trinh - Zing
Là những người có nhiều năm gắn bó với sông nước miền Tây, thực hiện hiện nhiều nghiên cứu để đưa ra các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, các ông nhìn nhận gì về tình hình hạn, mặn năm nay?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Tình hình hạn – mặn ở ĐBSCL hiện nay rất nghiêm trọng vì hiện tượng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm trước. Khô hạn trong hơn 2 tháng đầu năm 2016 là hiện tượng thiếu nước và khô nóng kéo dài bắt đầu từ tháng 11.2015. Các thống kê số liệu đo khí tượng thủy văn gần 100 năm qua cho thấy mực nước từ thượng nguồn sông đến ĐBSCL qua đạt thấp nhất, mang tính lịch sử, gây thiệt hại nhiều cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân ven biển.
Nguyên nhân mấu chốt của tình trạng hạn, mặn đang diễn ra và ngày càng phức tạp ở ĐBSCL là gì? Có phải do yếu tố thiên nhiên (biến đổi khí hậu, El Nino), hay là việc ngăn đập thuỷ điện ở các quốc gia thượng nguồn?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Lưu vực sông Mekong có thể chia làm 2 phần: Thượng lưu vực nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và phần hạ lưu vực tính từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống tới bờ biển Việt Nam. Nguồn nước ở phần thượng lưu vực chủ yếu là từ tuyết tan ở Cao nguyên Tây Tạng. Lượng nước này hay được gọi là “Hợp phần Vân Nam” của dòng chảy Mekong. Tổng dòng chảy trung bình cả năm của dòng Mekong là khoảng 475 tỉ mét khối, trong đó khoảng 16% đến từ Trung Quốc tức hợp phần Vân Nam, 2% đến từ Myanmar, nhưng trong một mùa khô trung bình, hợp phần Vân Nam đóng góp khoảng 30% dòng chảy Mê Công, tính ở Kratie, Campuchia.
Tính cả năm, có thể thấy rằng ĐBSCL nhận phần lớn lượng nước (82%) từ vùng hạ lưu vực, tức phần từ Lào trở xuống. Như vậy, lượng nước mưa ở vùng hạ lưu vực liên quan chặt chẽ đến tình trạng nước ở ĐBSCL: vùng này hạn thì ĐBSCL ít nước, vùng này mưa nhiều thì ĐBSCL nhiều nước.
Năm nay là năm El Nino cực đoan. El Nino xuất hiện khoảng 4-5 năm một lần và gây khô hạn, nhưng El Nino năm nay là cực đoan của El Nino nên gây ra hạn khốc liệt. Vì vùng hạ lưu vực năm nay hạn cực đoan nên nước về ĐBSCL ít, bằng chứng là vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên năm nay không có mùa lũ như mọi khi. Về thủy điện ở hạ lưu vực thì hiện nay các đập thủy điện chưa xây, chỉ có đập Xayaburi đang xây dang dở, cho nên thủy điện ở Hạ Lưu Vực chưa phải là yếu tố gây gia tăng xâm nhập mặn năm nay. Vì vậy, hiện tượng xâm nhập mặn năm nay chủ yếu là do hạn hán cực đoan liên quan đến El Nino trên lưu vực Mê Công làm dòng chảy Mekong yếu đi, cộng thêm một phần do nước biển vẫn tiếp tục dâng cao.
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng phức tạp, là hệ quả của nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất vẫn do hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, nước biển dâng, lún sụt địa chất. Các dự án đập thủy điện, công trình chuyển nước, mở rộng diện tích tưới ở các nước thượng nguồn cũng góp phần làm vấn đề thêm nghiêm trọng và khó khăn trong giải quyết.
TS Nguyễn Thị Hải Yến: Yếu tố do các đập thủy điện trên phía thượng nguồn, chắc chắn là có nhưng nó không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Từ những năm đầu thập kỷ 2000s các đập Trung Quốc đi vào hoạt động, năm nào họ cũng tích nước và xả, tất nhiên năm hạn hán, họ sẽ tích nhiều hơn xả. Việc hạn hán nặng như năm nay phần nhiều là do thời tiết, mùa mưa năm trước rất ngắn, lượng mưa hầu như rất thấp, ảnh hưởng của các đập thủy điện Trung Quốc chỉ đóng vai trò tích lũy gây nên hiện tượng hạn. Cứ nhìn lại năm 1998, năm mà các đập của Trung Quốc chưa hoạt động thì hạn hán và nhiễm mặn cũng rất nặng nề.
Đập thủy điện Nuozhadu Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong. Ảnh: Corbis
Các nhà khoa học từng cảnh báo cuộc chiến chống mặn không như chống lũ, dự báo ấy có vẻ đã thành sự thật. Trong những nghiên cứu khoa học, còn tiên lượng điều gì xấu hơn nữa, ngoài việc những tác động xấu tới sinh hoạt và sản xuất của người dân khi hạn, mặn? Giữa hạn và mặn, tác động nào nguy hại hơn?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Các cảnh báo về nguy cơ hạn mặn trước đây của các nhà khoa học đã dần dần được minh chứng qua thời gian, thậm chí các điều lo ngại về thiếu hụt tài nguyên nước ngọt có vẻ như đã xảy ra sớm hơn các tiên lượng. Chúng tôi đang xem xét những hệ lụy xấu hơn như làm thay đổi các hệ sinh thái, mất cân bằng trong chuỗi các nguồn cung cấp dưỡng chất cho vùng đồng bằng, thu hẹp tính đa dạng sinh học, tác động lên sức khỏe cộng đồng và lớn hơn là làm chậm tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Hạn hán gây nhiều thiệt hại hơn xâm nhập mặn. Tuy nhiên hai hiện tượng này diễn ra đồng thời ở các vùng ven biển ĐBSCL.
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Trong tương lai, khi 11 đập thủy điện ở vùng hạ lưu vực xây dựng xong thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Đặc biệt trong những năm hạn cực đoan, các đập này sẽ tăng cường tích nước và càng gây mặn thêm ở bên dưới. Các đập này do các chủ đầu tư khác nhau vận hành để tối đa hóa lợi nhuận bán điện chứ không phải vì lợi ích của cộng đồng dân cư, cho nên đập thủy điện sẽ chỉ gây phức tạp và trầm trọng thêm tình hình chứ không giúp giảm hạn hán và xâm nhập mặn.
Việc thích ứng như thế nào với xâm nhập mặn là một bài toán khó. Việc thích ứng cần phải có mục tiêu rõ ràng và phải nghĩ tới chi phí bỏ ra so với lợi ích mang lại. Thích ứng còn có nghĩa là chuyển đổi theo cho phù hợp nếu biết tình hình là không thể đảo ngược. Việc cố gắng bám cây lúa hoặc bảo vệ hệ thống canh tác nước ngọt ở vùng ven biển, đặc biệt là vào mùa khô, bằng mọi giá là không phù hợp và không hợp lý về mặt kinh tế. Khư khư duy trì sản xuất lúa vào mùa mặn ở ven biển vì lý do an ninh lương thực cũng không phù hợp, vì hiện nay chúng ta đang xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.
Vị trí các con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mekong. (Màu đỏ: đã xây xong, màu vàng: đang xây dựng, màu xanh: dự kiến xây dựng). Đồ họa: Michael Buckley
Tôi cho rằng, cần phải tách bạch giữa nhu cầu nước sinh hoạt và nhu cầu nước ngọt cho sản xuất để giải quyết riêng: Nhu cầu nước sinh hoạt thì rõ ràng và cần phải đáp ứng bằng cách này, cách khác; còn hệ thống canh tác thì nên chuyển sang canh tác thích ứng mặn. Nuôi thủy sản nước mặn có thể mang lại lợi ích cao hơn lúa rất nhiều, nhưng cần phải nuôi theo mô hình bền vững không gây hại môi trường.
Cần phải phân biệt hiện tượng xâm nhập mặn cực đoan do hạn hán gây ra như năm nay và xâm nhập mặn do nước biển dâng dần dần một cách tất yếu. Xâm nhập mặn do hạn hán như năm nay không tốt cho ai cả, kể cả người trồng lúa và người nuôi tôm vì thiếu nước, nhưng lại ít xảy ra hơn. Còn xâm nhập mặn do nước biển dâng, chắc chắn đang và sẽ xảy ra, thì dù không tốt cho người trồng lúa, nhưng lại là cơ hội cho người nuôi thủy sản nước mặn.
Được biết ông Tuấn và các cộng sự đang thực hiện một nghiên cứu, trong đó có đề cập đến yếu tố kinh nghiệm địa phương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, với hạn, mặn. Ông có thể cho biết nghiên cứu này đã thực hiện đến đâu? Có điểm nhấn nào đáng chú ý về giải pháp giải – kinh nghiệm địa phương (cụ thể) – cho bài toán hạn, mặn được nêu ra?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Chúng tôi đã và đang có những điều tra nghiên cứu tri thức bản địa trong ứng phó với các yếu tố bất thường về thời tiết, khí hậu. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà cộng đồng trong xã hội đã tích lũy được. Có khá nhiều thông tin từ người dân nông thôn cung cấp. Chúng tôi đang hệ thống hóa những yếu tố kinh nghiệm địa phương và bổ sung những thành tựu khoa học mới để phổ biến cho người dân trở lại. Với vấn đề hạn mặn, mô hình lúa – tôm mà người dân đã thực hiện trước đây là một kinh nghiệm tốt, cần hoàn thiện thêm về mặt chính sách bên cạnh các yếu tố kỹ thuật. Ở một khía cạnh nào đó, xâm nhập mặn gia tăng có thể là cơ hội nào đó, thúc đẩy sự thay đổi và khuyến khích các chính sách hướng ra biển, xem phát triển kinh tế biển là một trong những động lực tăng trưởng bền vững cho vùng ĐBSCL.
Trung Dũng - Lê Quỳnh thực hiện
________________
Kỳ 2: Pháp lý cho nguồn nước và giải pháp sống chung hạn, mặn