Nếu có thể, hãy cứ đi

 01:39 | Chủ nhật, 03/08/2014  0

 Chung phận rau răm

Một ngày thu ba năm trước, khi mới đến Nhật tròn bốn tháng, tôi tham gia một kỳ homestay dành cho du học sinh, được tổ chức ở tỉnh Shizuoka, nơi Phan Bội Châu từng hoạt động cách mạng. Trong buổi họp mặt chia tay sau những ngày nồng ấm, vui vẻ với những gia đình mà chúng tôi gọi là “bố, mẹ, anh chị em”, các em gái rưng rức khóc vì buồn (cũng phải thôi, những người con gái Việt xa gia đình, bạn bè), nhưng bất ngờ hơn cả là khi có những em gái và “ông bố” người Nhật cũng sụt sùi. Tôi bất ngờ vì vốn hình dung người Nhật khá lạnh lùng, ít thể hiện cảm xúc ra ngoài. Chứng kiến cảnh đó, tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết một mẫu số chung của nhân loại: tình mẫu tử. Các du học sinh và “gia đình” không cùng huyết thống, không cùng ngôn ngữ và văn hoá, có nhiều người chưa từng gặp trước đó, nhưng chúng tôi chung một nỗi niềm: xa người thân - những người Việt trẻ rời xa quê và những người già Nhật xa con.

Tiến trình Việt Nam tiếp tục hội nhập với thế giới cũng tạo điều kiện để người trẻ có cơ hội mở mang kiến thức, và nhìn lại mình so với bạn bè thế giới, chứ không phải chỉ ôm khư khư niềm tự hào đã lỗi nhịp thời đại được kế thừa từ thời hậu chiến.

Dân số Nhật đang già đi, nhưng bạn không thể cảm nhận được sự già cỗi ở những thành phố nơi người trẻ đổ dồn về vì công việc, cơ hội và cuộc sống sôi động, để lại những vùng quê yên bình, chầm chậm nơi những ông bà già tự lái xe, dắt chó đi dạo, có những cụ già đẩy những cái xe đỡ đi hàng cây số, mệt nhọc nhích từng bước. Tỷ lệ sinh ở Nhật tiếp tục giảm, tình trạng kết hôn muộn, ly hôn tăng đã và đang tạo sức ép tâm lý lên toàn xã hội và khiến người ta có cảm giác buồn bã hơn khi một lần được ngồi vào bữa cơm chỉ hai ông bà già. Tôi đã hỏi về điều đó trong một bữa cơm như vậy trong kỳ homestay, và hiểu rằng họ đã quen rồi, và họ cũng muốn độc lập, không làm vướng bận con cái, những người phải tiến lên phía trước bằng mọi giá. Khi bà mẹ hỏi lại về gia đình ở Việt Nam và cảm giác của tôi khi đi du học, tôi cũng nói mình đã quen rồi. Nhưng quả thực khi đó tôi nhớ đến câu hát “hoa bay lên trời rau răm ở lại…” của Trần Tiến, đến hình ảnh những ông bố bà mẹ dù Việt hay Nhật đang lặng lẽ chịu “phận rau răm” mà đã thôi than phiền, họ hiểu rằng cuộc sống vẫn trôi, họ vẫn đang già đi còn thanh niên phải đến nơi cần đến, làm việc mà thời đại cần họ phải làm... Rồi hình ảnh mỗi cái tết hàng năm, trên những trang cá nhân lại tràn ngập những lời lẽ yêu thương, nhớ nhung mà người trẻ Việt dành về gia đình của họ, tới tấp những cuộc gọi, những tin nhắn động viên, lúc đó mới thấu cái khoảng cách xa vời vợi không phải là từ thành phố này sang thành phố khác mà đôi khi cả nửa vòng trái đất và đằng đẵng hàng năm trời, vậy mới thấy “rau răm” xứ mình cũng buồn hơn xứ người. Nhưng họ vẫn tiếp tục tìm mọi cách cho con cái ra nước ngoài. Có những gia đình khó khăn nhưng cũng cố gắng vay mượn để đầu tư cho con đi học, phản ánh sự mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà cũng như khoảng cách phát triển so với các nước. Những ông bố bà mẹ có thể đúng hoặc sai, nhưng sự thật là họ muốn dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Và có cả những người khuyên “hãy cứ đi đi, nếu có thể, đừng về”!

Đi để hoàn thiện mình

Du học chỉ là một cơ hội chứ không phải là con đường duy nhất, có nhiều người vẫn thành đạt khi “xài” sản phẩm giáo dục quốc nội, nhiều người thành công nhờ khả năng tự học. Ngược lại thì con đường du học, làm việc ở nước ngoài cũng không ít chông gai, thậm chí có những người đã phải trả giá cho tâm lý “cứ phải ra nước ngoài” không chỉ bằng “nỗi niềm xa xứ” mà còn là sự sụp đổ, vỡ mộng, có những người phải đối mặt với pháp luật, sự tủi hổ. Có nhiều câu hỏi đặt ra về biện pháp quản lý các cơ sở tư vấn du học, nâng cao giáo dục và chuẩn bị tâm lý, ngoại ngữ cho du học sinh trước khi lên đường, nhưng đó chỉ là biện pháp kỹ thuật. Điều cốt yếu không nằm ở đó.

Hàng năm có hàng nghìn du học sinh và hàng chục nghìn lao động Việt Nam đặt chân ra các nước, ngoài khó khăn về kinh tế, khác biệt văn hoá, thì có lẽ vấn đề lớn nhất của không chỉ du học sinh nói riêng và người Việt ở nước ngoài nói chung là sự “khó hoà nhập” - ai đó đã cay đắng nói rằng chúng ta đang đi con đường riêng tách biệt với sự tiến bộ của nhân loại. Có những quy tắc văn minh xã hội tối thiểu, những điều luật tối thiểu ở xứ người mà dường như quá khó với chúng ta. Nhưng “hãy cứ đi” rồi tính tiếp! Người Việt vẫn đang tiếp tục giấc mơ “đổi đời” bằng cách ấy, luôn muốn “tiến đến đại đồng” nhưng không chịu nhìn lại và sửa mình theo những chuẩn mực chung của nó.

Hơi quá cay đắng, nhưng có một sự thật là sau những năm tháng đóng cửa với bên ngoài, gặm nhấm vinh quang quá khứ, chúng ta dường như không định vị được mình ở đâu giữa thế giới này. Chúng ta đã sống loanh quanh với ảo tưởng sức mạnh để rồi khi ra nước ngoài, hoặc ngay trên chính mạng internet toàn cầu, chúng ta thể hiện sự tự ái ngay lập tức khi cảm thấy mình yếu kém, mà không biết nhìn vào đó để phản tỉnh. Tiến trình Việt Nam tiếp tục hội nhập với thế giới cũng tạo điều kiện để người trẻ có cơ hội mở mang kiến thức, và nhìn lại mình so với bạn bè thế giới, chứ không phải chỉ ôm khư khư niềm tự hào đã lỗi nhịp thời đại được kế thừa từ thời hậu chiến. Quả thật, “nếu có thể”, hãy cứ đi để hoàn thiện mình!

Những ngày hè năm nay, khi người Việt trên toàn cầu tổ chức biểu tình phản đối hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, một lần nữa người ta lại thấy tinh thần dân tộc của người Việt trỗi dậy, thế nhưng tinh thần ấy sẽ giúp chúng ta tự nhìn lại khiếm khuyết, yếu kém, quyết tâm mạnh mẽ hơn, trung thực hơn, tự tôn hơn hay nó cũng chỉ là tiếng kêu tự ái khi bị bắt nạt? Từng ấy người trẻ sẽ thức tỉnh, thay đổi suy nghĩ và sống bản lĩnh hơn hay vẫn từng ấy người trẻ tiếp tục thấy mình lạc lõng với văn minh thế giới? Và tương lai những người trẻ ấy sẽ đưa Việt Nam đến đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, hay lại tiếp tục quay về làm thế hệ “rau răm F1” chờ đợi những thế hệ F2, F3 đang phiêu bạt xứ người để “tiếp thu sự tiến bộ”, để bán sức lao động thời trai trẻ? Trả lời câu hỏi đó không dễ và không phải chỉ dành cho người trẻ, mà bất cứ ai, ở nơi đâu, nếu là người Việt trước tiên hãy tự soi mình với chuẩn mực của thế giới để cố gắng và bản lĩnh hơn với lòng tự hào ở sâu trong trái tim, ở từng suy nghĩ, hành động chứ không phải “sự tự ái viển vông” bằng mồm hay bàn phím.

Hải Kin

____________

Tác giả bài viết hiện đang học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh ở thành phố Nagoya, Nhật

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.