Ông Kim Jong Gak, một doanh nhân, giám đốc thương mại của Thời báo Việt – Hàn, mở đầu câu chuyện với Người Đô Thị.
Thưa ông, điều gì ở TP.HCM hấp dẫn người Hàn Quốc khi đầu tư kinh doanh, sinh sống tại đây?
Phải nói rộng thêm một chút là TP.HCM và khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương đang có rất nhiều lợi thế về đầu tư, kinh doanh của người Hàn Quốc. Đây là khu vực có dân số đông, thị trường lớn và hạ tầng phát triển với các khu công nghiệp… Môi trường sinh sống của khu vực này có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc nên rất thích hợp.
Từ những năm 2006, 2007 đã có rất nhiều doanh nhân Hàn Quốc tìm đến Việt Nam để đầu tư. Hiện nay, tại TP.HCM có đến hơn 80 ngàn người Hàn Quốc. Tại Hà Nội khoảng 20 ngàn người và chỉ riêng khu vực Phú Mỹ Hưng có khoảng 20 ngàn cư dân đến từ xứ sở kim chi. Người Hàn Quốc ở khắp nơi trên thế giới, nhưng với số lượng như trên ở Việt Nam, chúng tôi xếp thứ 6 trên toàn cầu về người Hàn ở nước ngoài.
Ông Kim hy vọng tờ Thời báo Việt – Hàn sẽ là cầu nối trong không gian của hai nền văn hoá Hàn - Việt |
Điều khác biệt của người Hàn Quốc ở Việt Nam và người Hàn Quốc ở các quốc gia khác là gì?
Đối với nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới, như Mỹ chẳng hạn, người Hàn Quốc thường chọn để làm nơi học tập, sinh sống. Còn tại Việt Nam, khi đã quyết định đến đất nước này để ở, người Hàn chọn hướng kinh doanh là chính. Tuy nhiên tôi vẫn thấy người Hàn và người Việt có văn hoá không nhiều khác biệt, nhưng chúng ta chưa thực sự gắn kết.
Là một trong những người sáng lập ra Thời báo Việt – Hàn, tờ báo tiếng Hàn đầu tiên tại Việt Nam, ông kỳ vọng vào điều gì giữa hai nền văn hoá, hai dân tộc?
Trước đây, báo Việt – Hàn do người khác làm. In bên Hàn Quốc rồi chuyển sang Việt Nam bằng máy bay nên “đội” thêm nhiều chi phí. Chủ cũ của tờ báo không “gồng” nổi khoản này nên đã phá sản và bán nó lại cho tôi vào năm 2012.
Tuy tôi không phải là nhà báo, nhưng tôi hiểu giá trị của truyền thông. Tôi mua lại tờ báo và xin giấy phép xuất bản tại Việt Nam, thông qua thông tấn xã, rồi nhanh chóng chiếm lĩnh bạn đọc với 65 ngàn bản/tháng. Mỗi tuần, chúng tôi phát hành được khoảng trên 15 ngàn bản.
Nói như vậy để thấy rằng, niềm hi vọng của chúng tôi vào tờ báo như một kênh thông tin làm cho hai dân tộc hiểu nhau hơn, kết nối bền vững hơn.
Gia đình ông sống như thế nào ở Việt Nam?
Năm 2007, cả nhà tôi sang Việt Nam. Tôi chưa phụ trách tờ báo. Lúc ấy và cả bây giờ, tôi là một chuyên viên tư vấn luật cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn là một kiến trúc sư. Tôi từng nêu các ý tưởng về các dự án căn hộ tùy theo thu nhập của người mua nhà ở TP.HCM.
Thời gian đó, vợ tôi, nghệ sĩ Piano nổi tiếng của Hàn Quốc là Eva Joo Eun Young rất băn khoăn sẽ sang Việt Nam làm gì? Vậy mà chỉ sau vài năm, cô ấy là giảng viên nhạc viện TP.HCM. Những điều cô ấy đạt được rất đáng được biểu dương. Thậm chí, nỗ lực của cô ở đất nước như Việt Nam đánh giá rất cao khiến tôi thấy hạnh phúc và tự hào.
Những buổi hòa nhạc của vợ tôi có rất đông khán giả. Cô ấy đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Đã từng có người phá sản vì tờ Thời báo Việt – Hàn. Làm thế nào để ông gầy dựng lại tờ báo?
Hiện nay chúng tôi có đầy đủ các trang mục về Việt Nam cũng như Hàn Quốc. Báo của chúng tôi góp phần cho các doanh nghiệp Hàn Quốc thấy rằng, các đóng góp của họ cho xã hội Việt Nam là chưa thực sự ấn tượng.
Nguồn thu từ quảng cáo của chúng tôi là từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang ở Việt Nam. Mục đích từ doanh thu không quan trọng bằng kết nối hai đất nước, hai dân tộc, hai xã hội Hàn – Việt, chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu đó.
Thanh Nhã thực hiện