1. Thời kỳ Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, khoảng năm 1987 năm sau Đại hội đảng lần thứ 6, tôi đang làm phóng viên tờ báo Akahata (Cờ Đỏ) thường trú Hà Nội. Đây là nhiệm kỳ thứ ba của tôi (nhiệm kỳ thứ nhất từ 4.1975 đến tháng 5.1976, nhiệm kỳ thứ hai (từ tháng 12.1976 đến tháng 5.1978).
Một hôm, tôi thấy trên báo Văn Nghệ có một bài phóng sự với tựa đề Cái đêm hôm ấy… đêm gì?. Tôi say mê đọc. Sau khi đọc bài ấy, tôi ngay lập tức điểm tin và đăng trên trang quốc tế báo Akahata.
Rồi tôi đi tìm tới trụ sở báo Văn Nghệ. Cuộc gặp đầu tiên với ông Nguyên Ngọc, lúc đó làm tổng biên tập, diễn ra ở đây. Là chủ bút nhưng ông Ngọc đồng thời là nhà văn, một người rất tế nhị, hiền lành và cởi mở. Ông nhiệt tình giới thiệu giới văn nghệ, những người cầm bút đang sôi nổi bắt tay vào công việc đổi mới như thế nào. Và ông giới thiệu tôi nên đến một làng đang đổi mới ở một nông thôn miền Bắc. Mấy hôm sau tôi đi thăm làng ấy để tìm hiểu cuộc đổi mới được thúc đẩy ở nông thôn Việt Nam như thế nào...
Sau một thời gian, đầu mùa hè ở Hà Nội, tôi sắp hết niệm kỳ. Tôi lưu luyến chia tay với người bạn Nguyên Ngọc và hẹn sau này nhất định gặp nhau. Rồi tôi có nhiệm vụ mới làm phóng viên thường trú ở nơi rất xa với Nhật cũng như với Việt Nam là nước Romania. Suốt bốn năm trời. Mãi sau này, tôi mới nhận nhiệm vụ làm phóng viên thường trú Việt Nam lần thứ tư. Đó là mùa hè năm 1999. Và ngẫu nhiên, bài đầu tiên trong niệm kỳ thứ tư là bài viết về anh hùng Núp qua đời. Anh hùng Núp là nhân vật chính của tác phẩm Nguyên Ngọc - Đất nước đứng lên.
Sau đó, tôi tìm lại số di động của ông Nguyên Ngọc, nhưng khi liên lạc được thì ông không ở Hà Nội mà đang tham gia vào đoàn làm phim điện ảnh Đường mòn Hồ Chí Minh trên Biển Đông. Nhưng theo sự giới thiệu của Nguyên Ngọc, tôi gặp được ông Vũ Ngọc Hoàng. Tôi đi thăm các nơi Nam - Bắc Việt Nam để lấy tư liệu viết bài dưới đầu đề: Trải qua một phần tư thế kỷ sau giải phóng.
Tôi đã đi thăm nơi quân đội Hàn Quốc từng sát hại người dân thường tại một làng ở gần biển tỉnh Quảng Nam, thăm một làng hẻo lánh để tìm hiểu xoá đói giảm nghèo, hay những nơi khác ở tỉnh Quảng Nam… là nhờ sự giúp đỡ tận tình của người bạn cũ là ông Nguyên Ngọc và những người bạn mới là ông Vũ Ngọc Hoàng, lúc bấy giờ là bí thư tỉnh và ông Nguyễn Đức Hải, lúc bấy giờ là chủ tịch UBND tỉnh.
Nhiệm kỳ cuối cùng của tôi là từ tháng 3.2005 đến tháng 6.2007, tôi với ông Nguyên Ngọc gặp nhau được nhiều nhất. Cuối tháng 8.2005, tôi đi thăm Hội An và các địa phương trong tỉnh Quảng Nam để lấy tư liệu để vết bài. Ông Nguyên Ngọc, lúc đó ở Hội An thường xuyên để chuẩn bị thành lập trường đại học Phan Chu Trinh. Tôi đến gặp ông ở trong khu vực quy hoạch xây dựng trường. Ông nhiệt tình nói hoài bão xây dựng trường đại học Phan Chu Trinh để đào tạo nhân tài cho miền Trung - nơi nghèo nhất cả nước. Rồi tôi hết niệm kỳ rồi về nước đầu tháng 6.2007...
2. Cuộc gặp gỡ với nhà văn Nguyên Ngọc được nối lại, là dịp tôi dẫn đoàn du lịch Nhật đi thăm Hội An tháng 4.2012. Trong đoàn người Nhật tôi dẫn đi du lịch, nhiều người có chung câu hỏi là vì sao một nước nhỏ xíu như Việt Nam đã đánh thắng một nước khổng lồ như nước Mỹ. Tôi không trả lời được. Nhưng tôi nghĩ người có thể trả lời câu hỏi này, đó là ông Nguyên Ngọc.
Ở khách sạn Hội An, tôi thay mặt cho đoàn du lịch hỏi ông Nguyên Ngọc câu hỏi trên. Ông giải thích, và viện dẫn câu chuyện sinh động từ cuốn ký sự Có một con đường mòn trên Biển Đông mà ông là tác giả. Ông nhấn mạnh vô số chiến sĩ và vô số người dân đã cống hiến máu xương cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Ông nêu lên những ví dụ, như bà Mười Rìu và chị vợ của thuyền trưởng Hồ Đức Thắng. Bà Mười Rìu nhận 10 đồng bạc từ người lãnh đạo Dương Quang Đông đã mua một chiếc thuyền, những mảnh lưới đánh cá, mua nhiên liệu, thuê những thanh niên trẻ điều khiển thuyền và mua lương thực cho một sư đoàn ăn để tiếp nhận vũ khí đạn dược chở từ Bắc vào chiến trường miền Nam.
Thực ra bà Mười Rìu còn bán vàng bạc của mình, mượn tiền từ bà con họ hàng để thực hiện công việc ông Đông giao phó. Sau giải phóng, bà Mười Rìu vẫn sống ở nhà rất thô sơ, vẫn buôn bán như trước. Ông Nguyên Ngọc hỏi thì bà trả lời rằng không được Nhà nước bù đắp tiền của bà đã vay cho cách mạng. Bà lại nói rằng bà không nghĩ gì về công trạng và sự bồi hoàn của cải, bởi xương máu của các thanh niên hy sinh thì ai bồi thường?
Nhà báo Suzuki Katsuhiko (phải) vui mừng gặp được ông Lê Hà, thuyền trưởng tàu không số, một nhân vật trong cuốn Có một con đường mòn trên Biển Đông tại Phước Hải. Ảnh: Trung Dũng
Còn người vợ của thuyền trưởng tàu không số, Hồ Đức Thắng đã bị tiếng oan. Chị bị khai trừ khỏi Đảng, bị đuổi ra khỏi nhà và một mình nuôi con gái trong gần 10 năm. Chị được khôi phục danh dự sau giải phóng, khi người chồng về nhà và kể lại sự thật.
Khi tôi nghe ông Nguyên Ngọc kể lại chuyện về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, tôi rất xúc động và hiểu được mục đích của ông Nguyên Ngọc viết thiên ký sự này.
Để tìm hiểu nhân dân Việt Nam đã đấu tranh và đã đánh thắng Mỹ như thế nào, tôi nảy ra ý tưởng là cố gắng dịch cuốn sách sang tiếng Nhật. Hình ảnh của những người chiến sĩ của tàu không số và gia đình của các chiến sĩ, những người xung quanh tỏ ra tình cảm thân thiết với nhau một cách rất tự nhiên trong cuộc chiến tranh ác liệt, thương yêu và chăm sóc tận tình với nhau. Qua hình ảnh đó, tôi hiểu được con người và xã hội Việt Nam dồi dào tình cảm, điều mà người Nhật và xã hội Nhật đã bỏ quên trong sự phát triển của xã hội.
Qua tác phẩm này của ông Nguyên Ngọc, tôi cảm nhận được con người ông Nguyên Ngọc luôn đứng về người bình thường, người yếu về quyền lực, yếu về tài chính và không bao giờ bị khuất phục với quyền lực. Tôi tin chắc rằng qua thời thuộc địa, qua thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cũng như thời kỳ đổi mới, ông Nguyên Ngọc luôn đứng về phía nhân dân và bênh vực lợi ích lành mạnh của dân chúng bình thường và qua những việc đó, ông luôn cống hiến cho xã hội Việt Nam và đất nước Việt Nam phát triển lành mạnh.
Suzuki Katsuhiko