Cách trở vậy nhưng đó là nơi có ngôi nhà từng được cố Tổng thống Ngô Đình Diệm hỏi mua. Tôi hình dung chắc nhà đẹp lắm. Nhưng khi đến nơi thấy nhà bình thường. Chỉ khác biệt là khuôn viên như một miền thượng uyển của vương quốc núi đồi. Những bờ rào đá phiến bậc thang uốn theo triền dốc. Một phối cảnh kỳ công cần mẫn của trời đất và người. Thiên nhiên tạo đá phiến và những nếp sườn đồi nhịp nhàng hoa mỹ. Con người mỗi ngày một chút, năm này qua năm nọ, đời nọ nối đời kia nhấn nhá viền nét cho từng mảng miếng cảnh quan thôn xóm bằng sắc trầm đá phiến.
Cái đẹp không riêng lẻ một ngôi nhà nổi tiếng đó. Cả làng là những ngôi nhà gọn gàng mọc trên những bờ đá lớn nhỏ thấp cao. Từ dưới nhìn lên những bờ đá chồng lớp bờ đá. Từ trên nhìn xuống những vườn cau nối tiếp hàng cau. Từ xa nhìn lại, cau trên cau dưới phân mảng chia tầng che phủ những mảng sườn đồi sẫm màu đá phiến. Cau lão, cau tơ cứ thế tồn tại từ đời này qua đời khác.
Đi dọc theo những lối đá, lối cau, thấy màu rêu bao bọc trên thân cau một lớp dày u nần với sắc vàng nâu xanh xám, dường như thấy được dòng thời gian xa thẳm lắng sâu trong đó. Từ đời nảo đời nào rêu đã bám thân cau và cũng chừng ấy thời gian cau cắm rễ vào từng bờ đá phiến.
Ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi ở làng Lộc Yên (Tiên Phước - Quảng Nam) từng được cố Tổng thống Ngô Đình Diệm hai lần hỏi mua (năm 1939, 1962) nhưng gia chủ không bán. Ảnh: Tiến Hùng
Dưới bàn tay người Tiên Phước, đá phiến dịu dàng như những mảng đất sét dẻo mềm. Những tảng đá lớn được tách nhỏ rồi ghép lại dễ dàng với một dáng hình mang đặc tính thiết kế. Đá xếp lên đá như chơi vậy thôi. Chút nắng chút mưa là từng phiến đá lại kết chặt vào nhau giữ yên bờ đất. Mưa bão hạn hán bờ đá vẫn y đó. Kết thật chặt tưởng như không gì lay chuyển được, nhưng luôn có chỗ cho cây cỏ len rễ duy trì sự sống. Cây trên nền, trên rào châm rễ trên đá, trùm bóng lên đá. Cây giữ đá, đá ôm cây, đá trổ hoa kết trái. Người cứ nhìn theo nết đá nết cây mà sắp xếp bày biện lớp lang sau trước.
Róc rách dưới những sườn đồi tầng bậc đá là dòng sông Tiên nhỏ bé lượn lờ. Dòng sông Tiên đẹp như tranh họa đồ. Tiên Phước không phải châu thổ của sông Tiên. Những mảng đồi đá phiến ngấm nước của Tiên Phước nuôi dưỡng sông Tiên để nó cứ chảy ngược quanh năm bất kể nắng hạn mưa dầm.
Chị Tiên Phước nói núi Tiên Phước không trồng keo vì keo hút kiệt nước sẽ làm khô dòng suối. Đá của Tiên Phước giữ nước, người Tiên Phước cũng mang nết đá, nâng niu từng dòng nước để suối Tiên, sông Tiên róc rách lượn lờ. Họ giữ nước bằng cách chọn cả những loại cây biết tằn tiện nước.
Chị Tiên Phước ngồi kể về đất về người. Nghe trong lời kể của chị rưng rưng một niềm thương một niềm tự hào đầy ắp. Là cái tình ngưỡng vọng tôn thờ chị dành cho tổ tiên thời đi dễ khó về. Là cái nghĩa hậu sinh mang lòng biết ơn dành cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. “Ba lần từ quan ba triều đại. Thầy về làng Tiên Phước làm một hiền nhân dạy học bên dòng sông Tiên luôn chảy ngược. Hiền Nhân không có con trai nối dõi nhưng từng chữ từng câu hiền nhân được lưu truyền. Nhà từ đường của hiền nhân được nhân dân Tiên Phước chăm chút phụng thờ”. Với chị, người dân Tiên Phước thờ cụ Huỳnh trên ngôi đền kia chỉ là phụ. Họ thờ cụ trong chốn tâm linh của mỗi người. Dẫu đó là tín đồ của tôn giáo nào thì cụ vẫn là một đấng thiêng liêng trường tồn cùng sông Tiên núi Tiên ngọt ngào lành lặng.
Nghe chị Tiên Phước kể về làng mình, nhìn cách người dân chào đón khách, nhìn ngôi nhà từ chối bán cho tổng thống, tôi cảm nhận được người Tiên Phước làm chủ được làng quê mình. Dẫu du lịch phát triển, đường về Tiên Phước không còn cách trở như xưa nhưng Tiên Phước vẫn mang những lời mời gọi thân thiện và tự trọng của một tao nhân.
Về Tiên Phước vẫn là nhìn thấy những người nông dân đang xếp đá phiến tu bổ cho ngôi nhà trăm năm của mình ngày càng vững chãi vẹn tròn. Người dân trò chuyện cùng khách, chụp ảnh cùng khách mà không mảy may vướng bận liệu khách có mang lại cho họ những đồng tiền dịch vụ hay không. Khách vui họ vui. Khách đến hay không, họ cũng hạnh phúc trong vùng tiên cảnh quê nhà.
Những ngõ đá, rào đá được tạo dựng công phu là đặc trưng của làng cổ ở Tiên Phước. Cả làng là những ngôi nhà gọn gàng mọc trên những bờ đá lớn nhỏ thấp cao. Ảnh: CTV
Tôi không ngạc nhiên khi nghe kể chuyện cụ già từ chối bán ngôi nhà cho tổng thống. Tổng thống muốn được ở sao mình không dám ở. Cái hạnh phúc của đất tiên chắc chắn không thể mua được bằng tiền cũng như bằng một mảnh đất lớn lao sôi động nào khác.
Họ cứ sống một cuộc sống thường tình. Ngày ngày họ chăm chút bờ đá rồi chăm chút những cỏ những hoa được trồng ngay trên đá. Nhìn những hoa lá chen đá tỏa sắc khoe hương ai cũng thấy đá diệu kỳ mà người cũng tinh khôi. Phải hiểu cây hiểu đá để kết nối chúng với nhau. Những bờ rào đá đầy sự sống. Cây mọc tự nhiên hay cây nẩy chồi từ bàn tay con người đều nhịp nhàng sinh trưởng. Như ảo như thật. Như cha ông nói với con cháu mình qua cỏ cây đất đá “trời đất mênh mông vậy đó cứ siêng năng đi, nơi nào cũng sống được, cứ như cây tủa rễ mà tìm nước nơi nào cũng sống được dẫu đá sạn cằn khô”.
Từng con người Tiên Phước như những tán đá phiến trân mình dưới nắng mưa của miền Trung bão táp. Họ nương tựa đá nương tựa nhau để giữ nước cho cây, giữ cây cho vạn vật sinh linh nẩy nở. Từng con người Tiên Phước vừa kiếm sống vừa cần mẫn chẻ những miếng đá phiến rồi xếp đá ngăn nắp để tạo những mảnh vườn bậc thang uốn lượn trên những sườn đồi. Họ an nhàn với non tiên của mình. Khách đến mỉm cười chào đón. Khách về lưu chút vấn vương.
Niềm kiêu hãnh về sức lao động, lưu giữ những giá trị trí tuệ của tiền nhân đã giúp người Tiên Phước nhẹ nhàng hòa nhập với thời cuộc, hòa nhập vào những bão táp mang màu đương đại. Là một nét văn hóa vừa xưa cũ vừa hiện đại để khách vãng lai an tâm một điều: Tiên Phước vững vàng những trăm năm qua và sẽ vững vàng tiếp nối. Khách an lòng về những giá trị được bảo tồn, khách cười vẹn tròn trong từng bước nhàn du cùng một miền tiên xanh mướt ngọt lành.
Miền tiên xưa cũ, miền tiên thời đại. Ngàn năm qua đi sông Tiên vẫn vậy. Người nói về Tiên Phước vẫn nghêu ngao câu lục bát về dòng sông chảy ngược. Nhưng cái vế sau cho câu lục bát đã khác:
Sông Tiên nước chảy ngược dòng
Ai đi đến đó lòng không muốn về...
Võ Diệu Thanh