Ở Sài Gòn, nơi được xem là “đất lành chim đậu” bậc nhất xứ Việt, mặc cho siêu thị, cửa hàng tiện ích… mọc lên như nấm, loại hình bán dạo vẫn có thị phần riêng của nó. Khắp ngõ hẻm nội ô cho đến xóm ấp ngoại thành, từ bó rau, chậu cây cho đến quần áo, hàng điện tử… thứ gì người ta cũng có thể đem bán dạo.
Thực vậy, mới thức dậy người Sài Gòn đã nghe tiếng rao bánh mì giọng Nam của những cô cậu bé: “Bánh mì nóng giòn đây”, “Bánh mì bơ sữa thơm ngon - bốn ngàn một ổ” hay “Bánh bèo đây, bánh bèo đây”. Đến xế trưa lại bắt gặp giọng miền Bắc của một chị trên chiếc xe đạp bán keo bẫy chuột “một sản phẩm của viện công nghệ hoá màu” (làm gì có cái viện như thế!) hay cô gái Phú Thọ cất giọng lanh lảnh tìm mua ve chai. Rồi đến những người bán “Chổi lông gà, lông gà 35 ngàn đây”.
Cứ thế suốt cả ngày, ông “mài dao mài kéo đây” mới đi qua hẻm lại đến anh bán chiếu, bán trái cây… để rồi đến tận khuya người dân phố vẫn còn nghe tiếng rao: “Bánh chưng, bánh gai bánh giò. Chưng gai giò. Bánh giò bánh chưng”!
Thời buổi kinh tế thị trường “trăm hoa đua nở”, cung cách bán hàng rong cũng khác xưa. Không còn cảnh “quang gánh tảo tần” lam lũ ngày trước, giờ đây người bán dạo đã “lên đời” với xe gắn máy, xe đẩy và xe lôi ba bánh, thậm chí cả… ô tô bán tải hẳn hòi. Không còn nghe tiếng rao hàng ngái ngủ như ở các bến xe, ga tàu, bến phà khuya của thời bao cấp.
Ngày nay người bán dạo đã có thiết bị điện tử như máy cassette, đầu đĩa CD, tăng âm, loa lớn loa bé, thậm chí có cả nhạc đệm phụ trợ, làm khuấy động không khí vốn đã quá ồn ã nơi phố thị, phá tan sự tĩnh lặng chốn thôn quê. Ồn ã quá, nên với nhiều người, nhất là những người lớn tuổi, vẫn thấy nhớ làm sao tiếng rao hàng với lối vận dụng ca dao, văn vần, câu vè… một cách sáng tạo, khéo léo thuở trước.
Những ai quê ở các tỉnh thành phía Bắc, có lẽ không thể quên được lời rao của các bác bán kẹo kéo với chiếc xe đạp rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm, phố thợ: “Kẹo kéo vừa dẻo vừa dai, vừa dài vừa ngọt. Chạy tọt về nhà, xin ông xin bà, năm xu ra mua kẹo kéo… đây!”.
Lời rao cũng biến hoá tuỳ theo đối tượng mời. Ví như gặp một cô gái thân hình ốm tong, họ liền liếng thoắng: “Cô kia gầy cỏm gầy còm. Ăn năm xu kẹo kéo béo tròn như cối xay!”. Ngược lại, nếu là một cô “quá khổ quá tải” thì bác bán kẹo kéo “đổi giọng” tức thì: “Cô nàng béo trục béo quay. Ăn năm xu kẹo kéo xinh ngay ấy mà!”. Còn với học sinh, vốn là đối tượng đông đảo lại thích ăn quà vặt, người bán kẹo kéo không quên “thả mồi câu” thật khéo rằng: “Em kia lớp một lớp hai. Ăn năm xu kẹo kéo nay mai lớp mười!”
Chẳng chịu thua ông già bán kẹo kéo, những người bán thuốc lào cũng có “chiêu độc” của họ. Các bà, các ông “thả” những lời rao vừa thu hút vừa biện bạch thay cho những người đã trót nghiện thuốc lào rằng: “Thuốc lá ho lao, thuốc lào bổ phổi”.
Cao hứng hơn, họ còn “ca” thật mùi: “Điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện. Thơm mồm bổ phổi diệt trùng lao”. Thậm chí họ “tả” tình cảm người nghiện thuốc lào: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Trong khi đó tại miền Nam trước năm 1975, cũng là thuốc lào, người ta đã quảng bá loại thuốc ba số tám (888) trên những tấm biển quảng cáo lớn với hình ảnh ông già đang nhả khói đầy vẻ khoan khoái, kèm lời “dụ”: “Ông đây đã bỏ thuốc lào. Thấy ba số tám lại đào điếu lên!”.
Ngẫm lại các cụ ta xưa thật thâm thuý và cũng “kinh tế thị trường” ra phết. Ngày nay loại hình bán dạo vẫn còn đó, nhưng có vẻ sự thâm hậu, nồng nàn mời gọi của những lời rao đã dần mất đi. Như quảng cáo của người bán bánh chưng bánh giò hằng đêm chẳng hạn, nghe chả có gì hấp dẫn, bùi tai, đáng nhớ. Hay lời rao bán bánh mì ngọt kể trên, nó cứ cộc cộc thô thô sao đấy. Còn lời rao bán keo diệt chuột thì ôi thôi, thật sự là thảm hoạ!
Nguyễn Văn Hùng