Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 11:03 | Thứ tư, 07/08/2024  0
Với một quả núi lớn, khi ở gần càng thấy nó vĩ đại, ra xa dần thì thấy nó nhỏ đi và mờ nhạt hơn. Nhưng đối với những người lãnh đạo, sau khi họ đã ra đi, sự vĩ đại thật sự của họ đến mức độ nào thì ngày càng ra xa sẽ càng nhìn thấy rõ và chân thật hơn.

Như rất nhiều người, tôi biết sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không được tốt đã mấy năm nay rồi, nhưng ông vẫn rất cố gắng vượt qua để làm việc. Tận tụy, tâm huyết và kiên cường. Tôi nghe cán bộ đảng viên và nhân dân có rất nhiều người mong ông được khỏe mạnh. Tôi cũng rất mong như vậy. Nhưng quy luật cuộc sống không phải lúc nào cũng chiều theo ý muốn của chúng ta. Giai đoạn cuối công việc ngày càng nhiều và có phần phức tạp hơn, sức khỏe Tổng Bí thư giảm sút dần. Ai tuổi lớn rồi cũng đến lúc như thế thôi. Chuyện bình thường, không có gì là lạ!

Vậy mà, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra đi, lòng tôi vẫn bị xúc động và trào lên niềm thương mến ông, cứ như chưa phải lúc. Dù trạng thái đó không kéo dài nhưng nó rất thật. Tôi bỗng hiểu ra rằng, ông ở trong tôi nhiều hơn tôi vẫn tưởng.

Mấy ngày nay tôi nghe nhiều người nói về sự ra đi của ông cũng như vậy, có một sự thương tiếc và kính trọng thật lòng. Tình cảm con người nó hay vậy đó. Nếu làm quan to mà tận tụy và trong sạch liêm khiết thật sự thì tấm gương ấy tự nhiên có sức sống lâu bền, sức cảm hóa và chinh phục, ở lại trong lòng người, hơn rất nhiều lời diễn thuyết hoặc mọi cách làm cho oai phong. Nhân dân người ta tinh tường lắm, biết cả đấy! Nếu có ai và khi nào đó ngộ nhận, nhầm lẫn thì cũng chỉ là tạm thời.

Tất nhiên trong nhân dân ta còn có tâm thức “nghĩa tử là nghĩa tận” cũng rất hay! Dù trong nhà có lúc có chuyện gì đó không vui, nhưng khi có đám tang, đám giỗ,… mọi người thường bỏ qua hết và tụ họp về để cùng tưởng nhớ và gắn bó với nhau trước những giá trị thiêng liêng cao quý đang còn lại. Đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình!
Có phóng viên đã hỏi tôi “những kỷ niệm sâu sắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?”. Tôi về hưu đã hai nhiệm kỳ, tất nhiên vẫn còn nhớ mấy việc sau đây, nếu muốn cũng có thể gọi là kỷ niệm trong tôi về ông, cũng là công việc chung chứ không phải chuyện gì riêng tư.

Hơn 10 năm trước, khi Trung ương bàn để ra Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, lần thứ nhất Bộ Chính trị đã thông qua dự thảo và trình Trung ương, nhưng khi Trung ương thảo luận thì còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng nếu nội dung như dự thảo thì cuộc đổi mới này vẫn chưa phải là căn bản và toàn diện như yêu cầu đề ra.

Lúc đó Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã quyết định cho tạm dừng việc thông qua nghị quyết và yêu cầu tổ chức nghiên cứu lại để hơn một năm sau mới trình ra Trung ương lần thứ hai và được thông qua - đó là một nghị quyết tốt, có nhiều nội dung còn giá trị lâu dài. Cá nhân tôi chưa thấy lần nào mà đề án đưa ra bị Trung ương bác đi như lần ấy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN


Chuyện khác, khoảng cuối nhiệm kỳ XI - đầu nhiệm kỳ XII, khi Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ và Quốc hội đều đã thống nhất ra nghị quyết về triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận là nhà máy đầu tiên thuộc chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, mọi việc đã xong xuôi, bắt đầu chuẩn bị triển khai xây dựng. Tổng Bí thư như tôi biết là một người giữ nguyên tắc rất kiên định. Khó mà thay đổi khi tập thể đã biểu quyết thông qua. Mặc dù vậy nhưng sau khi nghe lại ý kiến của các chuyên gia phân tích nhiều mặt lợi hại, trong đó có nội dung rằng, đối với các nhà máy điện hạt nhân nếu chưa làm chủ được công nghệ mà cứ triển khai thực hiện thì chắc chắn chủ quyền quốc gia sẽ bị ảnh hưởng thì Tổng Bí thư mở sổ ra ghi lại và nói sẽ suy nghĩ thêm. Khoảng 3 tháng sau đó chúng tôi thấy Trung ương và Quốc hội bàn lại và quyết định dừng dự án! Tôi nghe nhiều anh chị em làm khoa học rất mừng cho đất nước ta về việc đó.

Và một chuyện nữa, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện, là cấp quan hệ cao nhất của Việt Nam, được quyết định một lần hai cấp - từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược và lên tiếp đối tác chiến lược toàn diện. Đây là quyết định rất đúng, công bằng và mạnh dạn, có ý nghĩa chiến lược lớn, được đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình. Nhưng đây cũng là công việc rất khó, do những vấn đề của lịch sử để lại, và còn do cả những mối quan hệ với các nước lớn khác đang tác động mạnh mẽ cho một trật tự thế giới mới đa cực.  

Qua mấy việc vừa nói tôi thấy Tổng Bí thư là người có tầm nhìn, có phương pháp, luôn kiên định và đặt lên hàng đầu mục tiêu độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đối với tôi những chuyện như vậy cũng được coi là kỷ niệm về vị Tổng Bí thư.

Nguồn: Vietnam+


Phong cách làm việc của Tổng Bí thư nhẹ nhàng, bình tĩnh, mỗi khi nghe người khác nói, dù đó là cấp dưới rất xa hay của người dân thì tôi vẫn thấy là ông nghe thật, nghe chăm chú, vừa nghe vừa ghi chép. Ông không nói chen ngang nửa chừng và không phê phán người đang nói. Tôi nghĩ đó cũng là một biểu hiện của phong cách “trọng dân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.

Không “trọng dân” thì không thể có đạo đức “vì dân”, và càng không phải “dân là gốc” và “lấy dân làm gốc” - đó là những giá trị cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói đến khi yêu cầu cán bộ đảng viên phải học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ. 

Có phóng viên khác hỏi tôi “ông đánh giá như thế nào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?”. Đối với những người lãnh đạo đứng đầu quốc gia, khi họ ra đi, việc đánh giá họ như thế nào tôi nghĩ rằng mục đích chính là để rút kinh nghiệm cho cuộc sống tiếp theo. Tập thể lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ làm điều đó. Nhưng xa và quan trọng hơn nữa, hãy để cho nhân dân và lịch sử đánh giá cuối cùng sẽ là đúng nhất, vì khi ấy có đủ các góc nhìn của hàng triệu con người và sự soi rọi cần mẫn của thời gian. Lịch sử bao giờ cũng sẽ là người phán xử khách quan, vô tư và công tâm nhất. 

Với một quả núi lớn, khi ở gần càng thấy nó vĩ đại, ra xa dần thì thấy nó nhỏ đi và mờ nhạt hơn. Nhưng đối với những người lãnh đạo, sau khi họ đã ra đi, sự vĩ đại thật sự của họ đến mức độ nào thì ngày càng ra xa sẽ càng nhìn thấy rõ và chân thật hơn. Tôi không dám và không đủ góc nhìn để đánh giá toàn diện về ông với một núi công việc đồ sộ của quốc gia và một con người sống giản dị mà báo chí đang gọi là một nhân cách lớn. 

Nguồn: Vietnam+


Riêng đối với câu hỏi về di sản trong xây dựng Đảng mà Tổng Bí thư để lại, theo cách nhìn của tôi, đó là công cuộc chống tham nhũng trong thời kỳ của ông lãnh đạo. Đây là việc lớn và quan trọng bậc nhất. “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu” ở nước ta không chỉ là chuyện cảnh báo từ 10 năm trước, mà đã là một hiện hữu, đang xói mòn nhiều giá trị và niềm tin, nếu không phòng chống tích cực và hiệu quả thì đất nước sẽ không thể phát triển bền vững được, xã hội sẽ không thể tốt đẹp văn minh, và cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự tồn vong của Đảng.

Về cách phòng chống sao cho hiệu quả thì chắc sẽ còn bàn nữa, đây là một việc khó và phải rất khoa học về biện pháp. Đặc biệt là việc cải cách cơ chế, thể chế và kể cả cách ngăn ngừa sự biến chứng của bệnh tình trong khi chữa chạy, làm lũng đoạn và thay đổi bản chất của một số cơ quan đảng và nhà nước theo nhiều kiểu. 

Nhưng riêng về quyết tâm phải chống lợi ích nhóm, tham nhũng một cách thật sự, quyết liệt, dám làm, có đủ bản lĩnh để làm, đủ trong sạch để làm… là việc cần phải theo gương bác Trọng. Tổng Bí thư phải là người trong sạch để đi đầu trong cuộc chiến thật sự này, dù không cần phải ồn ào gươm giáo.

“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” mà Tổng Bí thư thường nói là rất đúng, thể hiện văn hóa cao, đó là giá trị sống, giá trị Người, muôn đời bền vững, là cơ sở nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của xã hội văn minh.

Nguồn: Vietnam+


Khi nói đến xây dựng đạo đức, nhiều người thường nêu ra quá nhiều vấn đề, nhiều tiêu chí, nghe xong cứ loạn cả lên, dàn trải và tản mạn, rồi ra về chẳng còn nhớ gì nữa, tất cả trả lại cho thầy. Trong khi đó, nếu chỉ cần tập trung giáo dục về một vấn đề thôi - trọng danh dự, trung thực và liêm sỉ - cho thật sâu, thật chắc, thì có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều, làm được một điều ấy rồi từ đó sẽ lan tỏa, chi phối, điều chỉnh rất nhiều việc khác. 

Trong những ngày này trên cả nước rất nhiều người thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn viết những dòng này như một nén hương để tiễn đưa Anh về nơi yên nghỉ cuối cùng. Mong sao linh hồn Anh sớm siêu thoát và sống vững bền bất tử cùng với non sông đất nước mà Anh vô cùng yêu quý này! 

Quảng Nam, ngày 22.7.2024

Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.