Hiu quạnh đô thị mới
Con đường NE8 dẫn vào khu công nghiệp - đô thị Mỹ Phước 3 (huyện Bến Cát) thẳng tắp với sáu làn xe vào một chiều cuối tuần của tháng sáu thưa thớt người qua lại. Đập vào mắt là hàng chục biển quảng cáo văn phòng môi giới, sàn giao dịch bất động sản đã xám xì, bạc phếch vì mưa nắng. Đọc lướt thấy nhiều cái tên quen thuộc: Kim Oanh, Đất Xanh, Chánh Nam, Nam An, Phong Nhi, Nguyên Lượng, Thành Tuấn… Ngoại trừ vài điểm mở cửa với vài ba chiếc xe máy dựng phía trước, hầu hết cửa đóng then cài - hình ảnh trái ngược so với dăm năm trước, khi người Sài Gòn ùn ùn kéo lên đây với “những giấc mộng phúc lành”.
Những căn biệt thự cao cấp bỏ hoang ở khu đô thị Mỹ Phước 3
Bây giờ, sự sôi động của con đường chính vào khu công nghiệp - đô thị rộng hơn 4.000 hecta này lại là tiếng loa chim yến. Hai dãy nhà liên kế mặt tiền dài ngút tầm mắt được nhiều chủ nhân tận dụng xây kín cửa sổ và đục lỗ để dụ chim; ở phía sau, họ dựng tôn cao hàng chục mét làm chuồng. Các biển quảng cáo “nhận thiết kế thi công nhà chim yến” treo san sát như để cạnh tranh với dịch vụ mua bán nhà đất hay vay vốn ngân hàng (có điều nhìn chúng mới hơn). Tiếng chim yến phát ra từ loa không ngừng nghỉ, nhưng xem ra vẫn vắng bặt bóng chim...
Nằm sâu bên trong đô thị Mỹ Phước 3 là những khu biệt thự cao cấp mang tên nước ngoài: Western Land, Ecolakes, Rubi Land, Coco Land… Vẫn là cảnh vắng vẻ, quạnh hiu trùm lên những căn biệt thự hàng chục tỷ đồng chấp chới cây xanh, hoa cỏ, thi thoảng mới thấy vài ngôi nhà có nhân viên bảo vệ ngồi một mình, trơ trọi phía trước.
Dãy nhà hoang tại khu Mỹ Phước 2 bị dân nhập cư chiếm dụng
Ở Mỹ Phước 2, tình trạng cũng không khá hơn. Nhiều bức tường biệt thự hoang phế trở thành nơi đăng quảng cáo rao bán nhà đất. Chúng tôi may mắn tìm được căn biệt thự có người ở. Chủ nhà tên Tuấn, mua nhà ở đây từ năm 2007. Chỉ tay đếm hàng chục ngôi biệt thự cỏ mọc ngập sân, ông Tuấn cho biết những ngôi nhà ấy phần lớn đã có chủ nhưng chưa thấy ai về ở. Bảy năm trước, ông mua căn biệt thự này với giá 1,9 tỉ đồng từ công ty, lúc cao điểm ngôi biệt thự rộng hơn 300m2 này giá lên đến gần 3 tỉ đồng. Bây giờ, người ta rao bán 1,3 tỉ mà không ai mua. “Giá đó rẻ bèo, mấy anh mua đi rồi lên ở cho vui. Cả khu này gần năm chục căn, có mình nhà tui có người ở!”, ông Tuấn nói.
Tổng diện tích các dự án công nghiệp - đô thị Mỹ Phước (bao gồm Mỹ Phước 1, 2, 3, 4) và khu công nghiệp Bàu Bàng (Mỹ Phước 5) gồm 6.585ha, trong đó có 3.200ha đất dành cho đô thị, dịch vụ.
Bước lại con đường 10 làn xe gần đó, một bà bán cà phê lề đường nhanh nhảu chào mời: “Chú đi mua nhà thì hỏi chị. Giá ở đây chỉ còn chưa tới một tỷ đồng, nhà mặt tiền xây thô bốn tấm”. Nhìn những dãy nhà liên kế bỏ hoang đã sớm xuống màu, cửa sắt và ổ khoá bắt đầu hoen rỉ sau gần chục năm phơi sương gió, thấy tiếc hùi hụi. Bán không có người mua, treo bảng cho thuê càng không ai mướn. Mỗi căn nhà liên kế, tuỳ theo vị trí, giá hiện giờ dao động từ 800 triệu đến 1,2 tỉ đồng/căn. Vậy mà thời điểm “sốt” bất động sản năm 2007 - 2008, giá của những ngôi nhà này có khi được thổi lên đến 2,4 tỉ đồng/căn.
Nhìn cảnh tượng bây giờ, thật khó hình dung chỉ cách đây chừng dăm năm, cả khu vực này được xem là những đô thị mới đầy tiềm năng, là điểm nóng của thị trường bất động sản không chỉ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM mà còn lan ra cả Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
“Nhà quê” giữa “phố”
Chập choạng tối, khu vực trung tâm của đô thị Mỹ Phước 3 trông thật lặng lẽ dưới ánh đèn đường không đủ sáng (có lẽ chủ đầu tư cắt bớt điện). Đi thêm vài trăm mét mới thấy chút sự sống toả ra từ khu vực dành cho dân tái định cư. Dăm quán nhậu, cà phê lề đường ồn ã, lố nhố công nhân la cà mua sắm, ăn vặt. Khu đất dành cho việc tái định cư nằm ven con đường lát bêtông nhỏ hẹp, không có vẻ đẹp sang trọng như những con đường thường thấy trong khu đô thị này. Hầu hết cư dân tái định cư ở đây đều nhín ra chút đất xây nhà để tranh thủ xây thêm dãy phòng trọ cho công nhân thuê, thành thử dọc ngang đủ tư thế. Xéo một chút, góc ngã tư DJ9 - NJ17, là cái chợ tạm của Mỹ Phước 3, bắt đầu xôm tụ vào buổi chiều, khi công nhân tan ca.
Cỏ mọc trên những nền đất bỏ hoang trở thành nguồn thức ăn cho đàn dê của người dân tái định cư
Giống như nhiều chợ vùng ven đô với quần áo siđa, con cá, miếng thịt không mấy tươi ngon bày ra lề đường, chợ tạm Mỹ Phước hình thành từ nhu cầu của người dân tái định cư và công nhân trong vùng. Bà Hoa bán rau khoát tay chỉ về một hướng xa xăm: “Chợ chính ở ngoài đó, chẳng biết bao giờ xây xong”. Là một nông dân, sau khi bị giải toả, gia đình bà vào khu tái định cư. May mắn hơn nhiều người khác, nhà của bà nằm ngay mặt tiền chợ tạm nên tiện kiếm sống bằng bán mớ rau, con cá hàng ngày.
Không mang hình hài một đô thị hiện đại mà có dáng dấp nửa quê nửa tỉnh của khu dân cư mới hình thành ở vùng ven, nhưng xem ra, khu chợ tạm này giờ chính là điểm sáng tạo nên hồn vía cho Mỹ Phước 3 chứ không phải là những biệt thự, nhà phố được quảng cáo rân trời. Tiệm tạp hoá và quán xá phục vụ công nhân khu công nghiệp với những loại hình kinh doanh rất đặc trưng như quán bia hơi, quán nhậu hát với nhau, cà phê võng, karaoke bình dân... hiện diện khá nhiều dọc các con đường nội bộ chỉ vài trăm mét như NJ17, DJ9, DJ21, DJ10... trong khu tái định cư.
Một nhà phố bốn tầng bỏ hoang biến thành quán nhậu
Ở một khu tái định cư khác của Mỹ Phước 3, vì không có “địa lợi” nằm gần chợ tạm như khu vực kể trên để buôn bán, những người nông dân tái định cư cố gắng duy trì công việc cũ là chăn nuôi và trồng thêm miếng rau ở quanh nhà. Những nền đất để hoang trong khu đô thị và những con đường trải nhựa thẳng tắp, có cả lề cho người đi bộ, dần trở thành nơi thả trâu, bò và dê. Những đàn gia súc này từ khu tái định cư tấn công sang các khu lân cận khác. Lòng vòng trong khu Mỹ Phước 3, chỗ nào cũng có thể thấy trâu, bò, dê đang lững thững gặm cỏ hoặc “bĩnh” đầy đường...
Ông Tâm, một cư dân tái định cư ở đô thị sang trọng nhưng thiếu hơi người này, đang là chủ của một đàn trâu gần chục con. Ông kể, gần mười năm trước, sau khi giao hai hecta đất và nhận được tiền bồi thường cùng một nền nhà tái định cư, ông lên Bình Phước tính mua đất làm vườn trở lại. Tiền ít, giá đất trên đó lại cao nên ông quay về. Thấy xung quanh còn nhiều đất trống, nhà hoang mọc đầy cỏ, ông quyết mua trâu về nuôi. Hàng ngày ông thả cho chúng đi rông, chiều lùa về. Không còn đất để sản xuất, cũng không còn trẻ để xin làm công nhân hay phụ hồ, ông cố gắng giữ đàn trâu như một thứ vốn liếng dành cho mình và cho con sau này ra riêng.
Manh nha “ổ chuột”
NA7 là con đường hiếm hoi sôi động trong khu đô thị Mỹ Phước 2 hoang phế, lặng lẽ chẳng khác gì “người anh em” Mỹ Phước 3, có lẽ do nó nằm gần mấy nhà máy đang hoạt động. Khá nhiều quán cơm, cà phê, bi-da… nằm san sát trên tuyến đường này.
Trò chuyện với ông Hậu, bán nước mía trên đường NA7, mới hay ông không phải là chủ căn nhà đang ở. Là người Trà Vinh, khi con lên Sài Gòn học, vợ chồng ông cũng dắt díu theo con lên thành phố mưu sinh để vừa có tiền cho con ăn học vừa tiện chăm sóc con, nhưng ông bà sớm thất vọng vì không kiếm được việc làm, cũng không có nơi để ở. Nghe nhiều người rỉ tai, ông bà dẫn nhau lên Bình Dương, tìm đến con đường NA7 này.
Đẹp như tranh nhưng thiếu... hơi người
Quan sát kỹ ngôi nhà ông đang ở mới thấy nhà xây chưa xong, tường gạch còn loang lổ chưa tô và trên sàn nhà vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Nhà cũng chưa có điện, nước... Ông Hậu cho biết chủ nhân thật sự của cả dãy nhà - trong đó có ngôi nhà mà ông Hậu đang ở - sinh sống ở Sài Gòn. Nhiều năm trước ông mua đất, cho xây dãy nhà liên kế này nhưng nửa chừng không rõ vì sao không làm tiếp nữa. Vài ba năm trước, trong một lần lên thăm nhà, ông phát hiện nhiều căn trong dãy nhà của mình bị người nhập cư chiếm cứ. Đuổi không được, ông đành bỏ nhỏ với từng người “cho ở tạm nhưng khi nào xây tiếp thì dọn”. Vợ chồng ông Hậu và mấy gia đình nhập cư khác dạ ran vì có chỗ ăn ở, điệu này biết chừng nào mới xây tiếp mà lo. Từ chỗ có vài căn, nay thì gần như cả dãy nhà đều có người vào chiếm ở rồi mở quán bán cơm, bán nước, làm chỗ để xe...
Không điện nước, không dịch vụ đô thị, thậm chí trong từng nhà còn chưa có nổi một nhà vệ sinh nên cuộc sống của một “góc đô thị” này, nhìn sâu vào bên trong, mới thấy hết sự nhếch nhác, luộm thuộm, tạm bợ của cuộc sống vô gia cư, phải lấy nhà hoang làm nơi trú ngụ của những người nhập cư khốn khó. Nhìn cuộc sống của họ, không khó hình dung sự hình thành những khu ổ chuột mới ngay giữa các khu đô thị cũng... mới trong một thời gian không xa...
Doãn Khởi
Cần luật về quy hoạch để phát triển bền vững Việc ban hành luật Quy hoạch đang là nhu cầu cấp thiết ở nước ta trong bối cảnh công tác quy hoạch còn rất nhiều tồn tại, bất cập do thiếu sự hợp nhất, đồng bộ khiến phát sinh nhiều vấn đề như năng lực cạnh tranh kém, ách tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm… Trên thế giới, các nước tuy có sự khác biệt về chính trị và các điều kiện về kinh tế - xã hội nhưng đều có một mục tiêu gắn kết công tác nghiên cứu, lập và thực hiện quy hoạch vào một quá trình thống nhất đảm bảo phát triển bền vững. Quy hoạch chiến lược hợp nhất so với quy hoạch hiện nay có các điểm mới: mang tính chiến lược toàn diện, linh hoạt thay vì cứng nhắc; tập trung vào quy trình thay vì sản phẩm; có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng và các bên liên quan thay vì là sự duy ý chí chính trị và quan điểm chuyên gia thuần tuý; tầm nhìn dài hạn thay vì tính nhiệm kỳ, có tính đến toàn cầu thay vì chỉ địa phương . Do vậy, cần giao cho một đơn vị đứng ra làm đầu mối hợp nhất các bản quy hoạch nêu trên ở cấp quốc gia, tỉnh, thành phố (ở TP.HCM nên là viện Nghiên cứu phát triển đô thị). Quy hoạch chiến lược hợp nhất là sự hợp tác về mặt tổ chức giữa nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp theo phương pháp quy hoạch có sự tham gia. Đó là sức mạnh để huy động các nguồn lực và phối hợp trên diện rộng, là công cụ quản lý của chính quyền, cho nên sẽ thay đổi tư duy từ quan niệm “lập quy hoạch thành phố” sang “thành phố lập quy hoạch”. Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng |