Những dự án được tạo nên bởi tình yêu nghệ thuật không biên giới

 22:01 | Chủ nhật, 29/10/2023  0
Góp phần đưa những thực hành sáng tác mỹ thuật, nghệ thuật đương đại ở trong nước tiến gần hơn tới xu hướng hội nhập, với khu vực và quốc tế, nhiều dự án nghệ thuật đã được ra đời từ những “cái bắt tay” đầy cảm hứng của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Hanoi Art Connecting 6

Hanoi Art Connecting năm nay đã “bùng cháy” dưới màu sắc đặc trưng của 156 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và 27 quốc gia trên thế giới thuộc các mảng nghệ thuật: hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt.

Sự kiện quy tụ các nghệ sĩ tên tuổi như: Lê Huy Tiếp, Phan Cẩm Thượng, Vũ Đình Tuấn, Công Kim Hoa, Trịnh Minh Tiến (Việt Nam); Kamol Tassananchalee (Thái Lan); Fil Dela Cruz (Philippines); Edi Sunaryo (Indonesia); Carolyn Muskat, Don McKinney (USA)... Nhiều nghệ sĩ là giáo sư, giảng viên tại các Trường Đại học đào tạo mỹ thuật có tiếng trên thế giới.

Các nghệ sĩ Hanoi Art Connecting 6 đến thăm không gian Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) và Triển lãm Thuỷ triều cảm xúc của nghệ sĩ Chiharu Shiota.


Sự kiện kết nối ấn tượng này là hoạt động hợp tác giữa trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Asia Art Link nhằm xây dựng tính kết nối, đan xen qua lại giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, giữa nghệ sĩ và những khán giả yêu nghệ thuật, sinh viên các trường đào tạo kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế…

Dưới góc độ đào tạo, Hanoi Art Connecting là cơ hội quý báu cho sinh viên được trực tiếp giao lưu và tận mắt chứng kiến quá trình làm việc của các nghệ sĩ thành danh trong nước và quốc tế.

Chương trình chú trọng vào việc phát hiện, thúc đẩy các nhân tố nghệ thuật trẻ, giàu sáng tạo, tạo điều kiện kết nối giữa thế hệ mới và lớp nghệ sĩ gạo cội đi trước, và cũng là giao thoa giữa sự biến thiên của tương lai và tinh hoa của quá khứ.

Workshop hướng dẫn minh hoạ của hoạ sỹ người Pháp Jean-Charles Sarrazin cho các sinh viên có niềm đam mê và yêu thích lĩnh vực truyện tranh.


Sự kiện đồng thời góp phần giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức cũng như chia sẻ về tác phẩm, đời sống nghệ thuật giữa các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các nghệ sĩ đã có một tuần để sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật mang bản sắc riêng và trong sở trường của họ.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Phát huy sáng tạo nghệ thuật và đào tạo mỹ thuật ứng dụng thúc đẩy hội nhập quốc tế".

Hội thảo “Phát huy sáng tạo nghệ thuật và đào tạo mỹ thuật ứng dụng thúc đẩy hội nhập quốc tế”.


50 tham luận gửi đến và trình bày tại hội thảo đã tập trung đề cập tới các vấn đề: Thực trạng đào tạo mỹ thuật trong bối cảnh hội nhập; Giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác và đào tạo mỹ thuật; Đào tạo các ngành thiết kế trong thời kỳ công nghệ số; Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật, chất liệu trong thực hành sáng tạo và đào tạo nghệ thuật; Tăng cường kết nối quốc tế trong sáng tạo nghệ thuật và đào tạo mỹ thuật ứng dụng…

Đánh giá về Hanoi Art Connecting mùa thứ 6, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Hanoi Art Connecting đã mở ra một lộ trình đẹp đẽ cho sự kết nối giữa các nghệ sĩ Việt Nam và thế giới, cho nền mỹ thuật của một thế giới phẳng có tiếng nói chung nhưng vẫn rất đa dạng. Sự kiện này cũng đã tiếp thêm một nguồn năng lượng mới, xúc cảm mới cho các nghệ sĩ, với sự hội tụ của những góc nhìn mới, cách thể hiện mới đầy sáng tạo”.

Ngay sau lễ bế mạc, 156 tác phẩm của 156 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sáng tác trong 7 ngày diễn ra Workshop đã được trưng bày tại Tòa nhà ART Gallery của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Triển lãm mở cửa từ 25 đến 31.10.2023.

Qua 6 mùa tổ chức, Hanoi Art Connecting đã nhận được nhiều đánh giá cao từ giới nghệ thuật, đồng thời tạo ra mối liên kết tích cực không chỉ giữa các nghệ sĩ mà còn giữa các cộng đồng yêu nghệ thuật ở các nước trong khu vực.

Tháng Thực hành Nghệ thuật: Dòng chuyển động nghệ thuật trong lòng Hà Nội

MAP 2023 - phiên bản MAP (Month of Art Practice) mùa thứ chín diễn ra từ 01.10 đến 18.12 với chuỗi hoạt động hấp dẫn bao gồm: các bài giảng, chương trình thảo luận và trao đổi bàn tròn kết hợp online và on-site, cùng các hoạt động công cộng.

MAP 2023 đưa nghệ sĩ, giám tuyển khách mời và những người tham gia bước vào một chuyển động thú vị.


Với chủ đề “Chuyển động Ngoại biên”, Tháng Thực hành Nghệ thuật vừa tiếp nối mô hình phòng thực nghiệm sáng tạo di động và linh hoạt ở nhiều địa điểm ở Hà Nội, vừa khởi phát những điểm mới trong cách tiếp cận và làm việc.

Đồng thời, dùng nghệ thuật để khảo sát, phản hồi và thực nghiệm những nhận thức mới về chuyển động theo hướng bền vững và tuần hoàn, từ di chuyển trong giao thông tới các dịch chuyển cơ cấu xã hội.

Khám phá chủ đề không chỉ trên các khía cạnh đời thường, “chuyển động” còn liên quan tới đời sống văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội - nơi sự duy trì của các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ đặc biệt mong manh làm nên một Hà Nội - một thành phố không ngừng chuyển động.

MAP 2023 đưa nghệ sĩ, giám tuyển khách mời và những người tham gia bước vào một chuyển động thú vị: qua các không gian nghệ thuật quanh thành phố, xuất phát từ Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Outpost ở “đường biên” của thành phố tiến dần vào “trung tâm” đô thị, lần lượt tới Matca, Manzi, Á Space, Trung tâm Bảo trợ và phát triển nghệ thuật APD.

“Chương trình Mở kho tư liệu "Xanh Đỏ & Vàng” tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD.


MAP 2023 có sự tham gia của hai nhóm nghệ sĩ-người thực hành văn hóa nghệ thuật ở hai thành phố: Hà Nội (Việt Nam) và Bremen (Đức). Như thường lệ, MAP 2023 có các giám tuyển và khách mời thực hiện các chương trình và hoạt động trao đổi ngắn bao gồm Moon-seok Yi và Jieon Lee (Hàn Quốc), Burkhard Meltzer (Thụy Sỹ), Nhung Nguyễn và Lê Nguyễn Duy Phương (Việt Nam).

Các chương trình và hoạt động trao đổi ngắn trong khuôn khổ MAP 2023 thu hút nhiều người tham gia.


Các hoạt động nghệ thuật thử nghiệm sẽ được cả hai nhóm thiết kế và thực hiện ở cả hai thành phố để tiết lộ những đối thoại trong bối cảnh, văn hóa, cảm xúc, chính trị và các biểu đạt nghệ thuật. Các giám tuyển khách mời được mời tới quan sát và tổ chức hội thảo, và bài giảng cho tất cả nghệ sĩ tham dự. Cuối cùng, kết quả được trực bày dưới dạng triển lãm và ấn phẩm xuất bản ở cả hai thành phố.

Triển lãm nhóm mang tên “Di chuyển thay thế” dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 26.11 – 18.12 và tại Bremen từ 26.11 – 10.12. Đặc biệt, trong thời gian triển lãm diễn ra, ban tổ chức sẽ tổ chức một số chuyến tham quan triển lãm miễn phí nhằm kết nối công chúng với các nghệ sĩ từ xa và lan truyền hiểu biết về nghệ thuật đương đại.

Huyền Thương

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.