Nếp nhà & Vận nước:

PGS-TS. Nguyễn Đức Lộc: Khi mọi thứ đều quy về khía cạnh kinh tế

 15:59 | Thứ sáu, 10/02/2023  0
Chúng ta cần một lời mời gọi sự trở về với nội tâm, với gia đình để dựng lại nếp sống, giá trị văn hóa truyền thừa từ cha ông. Để mai này cháu con còn biết ta là ai, cội nguồn tổ tiên, gia tộc là ai…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, di cư nội địa và xuyên quốc gia diễn ra trong vài thập niên trở lại đây đang phản ánh quá trình biến động cơ cấu dân cư lớn tại nhiều quốc gia. Bối cảnh kinh tế xã hội ở Việt Nam từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay cũng được xem là một cuộc chuyển biến xã hội có tác động đáng kể đến đời sống người dân với xu hướng di cư, giải lãnh thổ hóa cộng đồng và chuyển biến tâm thức nơi người dân, đặc biệt là nếp sống gia đình bao gồm cả khu vực nông thôn và thành thị.

PGS-TS. Nguyễn Đức Lộc (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội - Social Life).  Ảnh: TLNV

Trong bối cảnh nếp sống, tập quán văn hóa trong không gian gia đình chịu tác động ít nhiều bởi quá trình chuyển biến, tái cấu hình xã hội từ cấp độ gia đình cho đến cộng đồng. Một tiến trình cho thấy bức tranh văn hóa nhiều biến động với hình ảnh hàng triệu người trẻ rời khỏi gia đình, quê hương bản quán để làm cuộc mưu sinh “nơi đất khách, quê người”. 

Tiến trình toàn cầu hoá ít nhiều làm cho các nền văn minh, văn hóa xích lại gần nhau, thông qua đó còn tác động đến văn hóa, lối sống và ý thức hệ giữa các nhóm dân cư. Các mô thức ứng xử, lối sống mang tính toàn cầu được khuếch tán nhiều nơi trên thế giới. Song song tiến trình đó, các trào lưu tư tưởng Tân tự do được hình thành và được truyền bá rộng khắp theo làn sóng toàn cầu khoá.

Một trong những đặc điểm nổi bật của tư tưởng này là “Tất cả mọi thứ đều có thể quy về khía cạnh kinh tế” như thể trên đời không có gì khác ngoài kinh tế. Người lao động tự kiếm sống và phải tự chịu trách nhiệm với bản thân được xem là một trong những diễn ngôn của xã hội hiện đại theo kiểu “tôi cũng có cơ hội như mọi người, chỉ vì tôi không biết nắm lấy nên mới thất bại”. Thế là giá trị kim bản vị được lên ngôi song hành với xã hội tiêu dùng. Người ta lấp đầy đời sống bằng công việc và tiêu dùng như thể trên đời không còn gì khác ngoài hai thứ đó. Đó cũng có thể là hệ quả của một đời sống nội tâm trống rỗng, khi toàn bộ thời gian sống trong ngày được dành cho việc mưu sinh.

Nhịp sống nhanh hơn, gấp gáp hơn, người ta không có thời gian nghỉ ngơi, cầu nguyện, thực hành nghi lễ, sinh hoạt văn hóa... Nỗ lực lấp đầy khoảng trống điều kiện vật chất đã vô tình lấy đi thời gian, sự sẻ chia, cảm thông của người thân thuộc. Một hiện tại bị “đánh cắp” bởi những ám ảnh tâm thức thiếu thốn trong một lối sống tiêu dùng khiến cho đời sống nội tâm của con người hiện tại trống rỗng. Vì lẽ đó, đời sống văn hóa của con người trở nên nghèo nàn và có lẽ đây cũng là thách đố lớn của đời sống gia đình người Việt hiện nay.

Xét ở khía cạnh giữ gìn những giá trị của đời sống văn hóa, quá trình xã hội hóa cá nhân đang bị thách thức khi diễn trình này đang mất đi phương tiện chuyển giao văn hóa là những tự sự về gia đình, là những phong tục, lễ nghi, là những thực hành gia lễ trong  không gian gia đình. Có thể, ngày nay chúng ta vẫn quan sát thấy các nghi thức, tập tục văn hóa, nhưng cũng có thể các nghi thức đó chỉ còn về mặt hình thức. Người trẻ không hiểu vì sao phải thực hành các nghi thức này và tính chính đáng của tập quán văn hóa được đặt câu hỏi “liệu rằng những nghi thức tập quán này có cần thiết hay không?”

Xã hội cần nhân rộng những hành động tử tế, vì cộng đồng. Trong ảnh: Hình ảnh người dân xếp hàng nhận gạo tại cây "ATM gạo" đầu tiên trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú. “Ông chủ ATM gạo” là doanh nhân Hoàng Tuấn Anh. Sau mô hình "ATM gạo", "ATM khẩu trang"  trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Hoàng Tuấn Anh tiếp tục phát động mô hình "ATM Oxy" nhằm kịp thời hỗ trợ cho những bệnh nhân cách ly tại nhà trở nặng, phải cần đến máy thở. Ảnh: Trung Dũng


Xét về mối tương liên của các thành viên trong gia đình như: vợ chồng, cha mẹ và con cái, chúng ta có thể quan sát thấy sức ép của nhịp sống vội vã từ kiểu sống hiện đại. Bệ đỡ gia đình theo đó mà dần trở thành những biểu trưng mờ nhạt trong, cùng với đó là những “rung lắc” đời sống hôn nhân - gia đình. Những con số cảnh báo về tình trạng ly hôn, ly thân ở xã hội Việt Nam không còn là câu chuyện của xã hội hiện đại nói chung mà còn là vấn đề của gia phong bị rung lắc mà các gia đình đang đối mặt.

Trước những thách đố, rung lắc của đời sống gia đình, nhiều người trẻ đang đánh mất cảm thức “thuộc về” gia đình, xu hướng cá nhân hóa và điều kiện sống đã làm cho mối tương liên thiếu sự bền chặt. Trong bối cảnh ngày nay, việc xây dựng nền nếp, gia phong của gia đình trở thành nơi yên ấm, nuôi dưỡng tinh thần cho con trẻ và là nơi thuộc về trong tâm thức mỗi người không phải là điều dễ dàng.

Nói như thế không phải để thấy thách thức rồi buông xuôi mà ngay từ lúc này, chúng ta cần một lời mời gọi sự trở về với nội tâm, với gia đình để dựng lại nếp sống, giá trị văn hóa truyền thừa từ cha ông. Để mai này cháu con ta còn biết ta là ai, cội nguồn tổ tiên, gia tộc là ai để biết trân quý nguồn cội, để hành trang vào đời với đời sống không trở nên nghèo nàn về văn hóa, và nền nếp gia phong.

PGS-TS. Nguyễn Đức Lộc (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội - Social Life)

Duy Thông - Quốc Ngọc ghi

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

#nhà kính
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.