Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tiếp thu, giải trình ý kiến của 132 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở hội trường. Đồng thời, tổ chức hai hội thảo, hội nghị lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia và nhà khoa học.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12.8 vừa qua. Theo đó, có một số nội dung chính sau:
Về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, một số ý kiến đề nghị cần quy định về phân loại sự cố môi trường hợp lý hơn, bởi tiêu chí phân loại sự cố môi trường hiện còn chung chung và chỉ dựa trên phạm vi địa giới hành chính.
Vụ hoả hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hồi tháng 8.2019 đến vụ cháy nhà máy hóa chất tại Cảng Đức Giang (quận Long Biên) cách đây chưa lâu là những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường của những nhà máy sản xuất có sử dụng hóa chất đang tồn tại trong khu dân cư thủ đô Hà Nội. Ảnh: VTV
Về vấn đề này, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu quốc hội và ý kiến chuyên gia, Bộ TN&MT, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã chỉnh sửa theo hướng quy định về phân cấp sự cố môi trường thay cho phân loại sự cố môi trường. Tại khoản 2 Điều 125 quy định sự cố môi trường có 4 cấp (cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia) xác định theo phạm vi ảnh hưởng về không gian, địa giới hành chính. Đồng thời đã chỉnh lý các nội dung liên quan, xác định rõ trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (lực lượng ứng phó) và trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, UBND, cơ quan chuyên môn các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan (quy định tại các Điều 126, 127, 128 và Điều 129 của Dự thảo Luật).
Đặc biệt, việc xác định các cấp sự cố môi trường sẽ được thực hiện tại thời điểm phát hiện xảy ra sự cố để cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó, hành động kịp thời và trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Về quy trình ứng phó sự cố môi trường, Dự thảo Luật đã quy định rõ ứng phó sự cố môi trường có ba giai đoạn: chuẩn bị ứng phó sự cố, tổ chức ứng phó sự cố và phục hồi môi trường sau sự cố.
Theo đó, mỗi giai đoạn đều quy định rõ nội dung cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Về quy trình ứng phó cụ thể của từng loại sự cố, dự thảo Luật quy định “Thủ trưởng các các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn quy trình, kỹ thuật ứng phó sự cố môi trường, kịch bản ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi QLNN của mình theo quy định của pháp luật chuyên ngành.” như tại khoản 8 Điều 127.
Chuyển từ “khuyến khích” sang quy định trách nhiệm phải phân loại rác tại nguồn
Liên quan đến vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi.
Trước thực trạng những bất cập trong quản lý chất thải rắn phát sinh từ hộ gia đình đến quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý, nhiều ý kiến đồng thuận với việc cần nhanh chóng thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và có những quy định về việc tính chi phí thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng, bình quân theo đầu người như hiện nay.
Dự Luật BVMT quy định trách nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường (Bộ TN&MT) – đơn vị trực tiếp soạn thảo Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, cho biết Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba loại cơ bản. Đồng thời, thay vì khuyến khích như trước đây, Dự thảo Luật sẽ quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn.
Bên cạnh đó, căn cứ điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 01.01.2025 như tại khoản 6 Điều 80 của Dự thảo Luật.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến và bổ sung chủ thể là cộng đồng dân cư trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Đồng thời, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong BVMT.
Dự Luật cũng chỉnh lý, biên tập lại quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch BVMT, phù hợp với pháp luật về quy hoạch; không quy định điều riêng về phân vùng môi trường mà lồng ghép vào nội dung của quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch tỉnh; chỉnh lý quy định về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch BVMT quốc gia để bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch và quy hoạch;
Đáng chú ý, trong lần chỉnh sửa này, Dự Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc xác định mối liên quan của cơ cấu bệnh tật với vấn đề ô nhiễm môi trường thông qua việc theo dõi, thống kê cơ cấu bệnh tật của khu vực; đánh giá chi phí và thiệt hại kinh tế do các vấn đề sức khoẻ, bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường. Dựa trên những kết quả này, Bộ TN&MT có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, đánh giá và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến cơ cấu bệnh tật...
Nguyễn Lê