Nhân đọc 'Ký ức theo dòng đời':

Phan Chánh Dưỡng và tôi

 08:46 | Thứ hai, 20/06/2022  0
Lời toà soạn: "Ký ức theo dòng đời" - tập hồi ký của chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng – một con người hăm hở góp phần vào công cuộc đưa nền kinh tế của TP.HCM “vượt sóng ra Biển Đông”, vừa mới ra mắt bạn đọc. Cuốn sách là nguồn tài liệu quý giá, cẩm nang thuyết phục về tư duy sáng tạo, cách làm đột phá và tinh thần cống hiến cho xã hội của Phan Chánh Dưỡng cùng những trí thức thế hệ ông trong Nhóm Thứ Sáu – nghiên cứu và cố vấn chính sách kinh tế.

Bài "điểm sách" này được viết bởi chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, cũng là một thành viên trong Nhóm Thứ Sáu, một người bạn vong niên của tác giả Phan Chánh Dưỡngnhân đọc Ký ức theo dòng đời.

Bài viết được chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn gửi tới Người Đô Thị trước khi ông về với thế giới bên kia chỉ ít ngày. Người Đô Thị trân trọng giới thiệu bạn đọc bài viết đặc biệt này bởi có thể coi đây là bài báo cuối cùng của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn. 

*  *  *

Không ai biết trước những việc sẽ xảy ra trong cuộc đời mình. Tương lai chúng ta là bất định. Điều lạ lùng là nếu mọi thứ xảy ra đều có vẻ ngẫu nhiên, nhưng một khi tương lai đã trở thành quá khứ, chúng ta lại thấy mọi việc dường như được xếp đặt theo lô-gíc nào đó.

Hồi nhỏ, ta có những người bạn thân thiết đến mức ngỡ rằng không thể thiếu nhau trong suốt cuộc đời này, nhưng rồi không bao giờ gặp lại. Có những người lạ hoắc đột nhiên xuất hiện, rồi hợp nhau, trở thành bạn thâm giao. Mỗi người dường như có một từ trường, một tần số. Và những ai có chung từ trường hay tần số, không sớm thì muộn sẽ gặp nhau bởi một sức hút không thể cưỡng lại. Sự tập hợp bởi sức hút của những người cùng chung từ trường dường như là một quy luật.

Tôi quen với anh Trần Bá Tước khi vào làm ở Ngân hàng Quốc gia, từ năm 1967. Tôi và anh Tước cùng chung sở thích thể thao, mê bóng bàn lẫn tennis, và trong nhiều năm luôn ở cạnh nhau, từ chỗ ở đến nơi làm việc. Năm 1987, tôi được cử tham gia Ban điều hành Ngân hàng Sài Gòn Công thương. Anh Tước là thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng này, đại diện cho Cholimex, một cổ đông lớn. Từ năm 1985, Ban giám đốc Cholimex nơi anh Phan Chánh Dưỡng làm Phó giám đốc rồi Giám đốc, anh Tước làm Trưởng phòng Kế hoạch, đã có chủ trương tập hợp anh em chuyên viên trí thức trên nhiều lãnh vực nhằm nghiên cứu chiến lược phát triển nguồn hàng xuất khẩu của công ty. 

Vào thời điểm kinh tế khó khăn lúc đó, cùng với Công ty Đại dương của anh Nguyễn Văn Đức, Công ty Cholimex là nơi thu nhận đông đảo anh em trí thức Sài Gòn cũ trở về sau thời gian học tập cải tạo và đang chật vật tìm đường sống trong một xã hội mới với những cách nghĩ cách làm hoàn toàn khác biệt.

Một buổi họp mặt của Nhóm Thứ Sáu tại nhà Huỳnh Bửu Sơn (ngồi hàng đầu bên phải) năm 2020. Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng là người ngồi thứ năm (từ trái sang). Ảnh tư liệu gửi cùng bài viết.


Đến năm 1986, trong nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh khắc phục hậu quả kinh tế nghiêm trọng của cuộc cải cách giá lương tiền năm 1985, do có mối quan hệ thân tình với Bí thư Thành ủy lúc đó là ông Võ Trần Chí, anh Phan Chánh Dưỡng được ông Hai Chí giao trách nhiệm nghiên cứu đề xuất giải pháp. Tôi được anh Tước mời tham gia vào nhóm nghiên cứu của Cholimex vào khoảng tháng 6.1986, lúc đó tôi đang công tác tại Imexco. Bây giờ nhìn lại, tôi tự hỏi, nếu không có biến cố 1975, không có anh Tước, có thể tôi không bao giờ gặp anh Dưỡng.

Dòng đời của anh và tôi xuất phát từ hai nơi khác nhau, đi theo hai hướng khác nhau, vậy mà đưa đẩy thế nào lại có dịp hội tụ. Đó là ngẫu nhiên, hay định mệnh? Anh Dưỡng và tôi sinh ra từ hai nơi cách nhau muôn trùng, anh Cà Mau, tôi Vũng Tàu. Vậy mà cũng có lúc, hai nhánh dòng đời này trôi khá gần nhau, chỉ cách khoảng 60 cây số. Đó là vào năm 1954, anh ở xóm nhỏ ở tỉnh Cà Mau, hồi hộp chờ ông Đình Chiến đi qua xóm bằng đuôi tôm, tôi đang ở phố Kiến Thiết, thị xã Vĩnh Lợi - Bạc Liêu, học lớp Nhì,  mê câu cá rô, mò cua đồng và chơi cá lia thia, không có chút khái niệm gì về ông Đình Chiến. 

Anh Dưỡng nhỏ hơn tôi hai tuổi, đúng ra chỉ có 16 tháng, nhưng trông anh già dặn hơn. Mặc dầu cả hai chúng tôi đều xuất thân nghèo khó, cuộc đời của anh chịu nhiều gian truân giông bão hơn tôi, anh phải phấn đấu quyết liệt nhiều hơn tôi để tồn tại và vươn lên trong cuộc sống. Mười tuổi, tôi còn trần như nhộng tắm mưa, trong khi mới 7, 8 tuổi anh Dưỡng đã dám tự nhịn đói, chịu lạnh để thử sức mình “chém vè” được bao lâu. Năm 1963, do hoàn cảnh khó khăn, anh chỉ mới học xong lớp Nhất bậc tiểu học (anh viết là lớp Năm), tôi đã tốt nghiệp Tú tài và vào Đại học. Đã vậy, vì sinh kế và còn vì sự sống còn, anh Dưỡng đã phải bỏ học sớm và bươn chải vào đời buôn bán, làm đủ mọi nghề. Cái trường đời này thật sự đã rèn luyện anh trưởng thành hơn tôi rất nhiều. 

Tôi đến Sài Gòn năm 1959, bảy năm sau anh Dưỡng mới đến. Thời gian anh làm bồi bàn ở nhà hàng Kim Hoa đường Lê Lợi (khoảng năm 1970), tôi làm chuyên viên tại Ngân hàng Quốc gia - Bến Chương Dương. Hai người làm việc ở hai địa điểm chỉ cách nhau chừng hơn cây số. Lúc đó, chúng tôi đang ở hai bên dòng đời khác nhau. Ai có thể ngờ rằng chỉ mười lăm năm sau, chúng tôi đã có thể tâm đầu ý hợp, cùng nhau làm việc, cùng nhau thảo luận về những giải pháp cho các vấn đề chung của đất nước.

Lần đầu tiên nghe anh Dưỡng nói chuyện, tôi biết chắc anh là người gốc Bạc Liêu, Cà Mau do cách phát âm tôi đã nghe quen tai trong suốt sáu năm ở Bạc Liêu, nơi tôi luôn nhận là quê hương thứ hai của mình.

Tôi biết anh không phải là dân kinh tế nòi, nhưng rất ấn tượng về sự thông minh nhạy bén của anh, luôn nắm bắt và hiểu ngay các vấn đề chúng tôi đang tranh luận quyết liệt. Trong các buổi họp, anh luôn chăm chú theo dõi, ghi chép cẩn thận, đặt những câu hỏi thật thực tế, sát sườn và cũng sẵn sàng đưa ra quan điểm của mình khi anh đã được thuyết phục theo đúng logic của chính anh bởi những số liệu, dữ liệu chứng minh rõ ràng. Đó là một tinh thần khoa học đáng trân trọng.

Anh Dưỡng và tôi lại có một sở thích chung là thiên văn học. Trong lãnh vực này, tôi là người ngoại đạo, trong khi anh Dưỡng là dân khoa học thực nghiệm chính thống. Nhưng từ nhỏ tôi rất thích đọc sách về thiên văn, nên mỗi khi đi dã ngoại hay du lịch cùng nhau, tôi đều tranh thủ trao đổi, thảo luận cùng anh về các vấn đề thiên văn, vũ trụ… không biết chán.

Tôi không ngờ anh Dưỡng mê vũ trụ học hơn tôi và còn mê một cách sâu sắc, khoa học. Anh đã dành thời gian tính toán, nghiên cứu một công trình khoa học rất công phu về vũ trụ đa chiều và tặng tôi tập nghiên cứu này. Tôi không thể hiểu hết những công thức tính toán của anh vì tôi vốn dốt toán, nhưng thầm phục những lý luận táo bạo, mới mẻ và tinh tế của anh. Với một kiến thức uyên bác, anh Dưỡng đã có thể sử dụng những sở đắc của mình về vật lý, về lịch sử, để củng cố lý luận cho các vấn đề kinh tế, và đặc biệt có thể đưa ra những so sánh, ví von, rất hình tượng, dễ hiểu để minh chứng cho một vấn đề lý luận khó khăn. Anh Lâm Võ Hoàng, một chuyên viên ngân hàng lỗi lạc, cũng là bậc thầy trong việc sử dụng cách ví von, nhưng nếu anh Dưỡng thường làm mọi người bật cười sảng khoái thì anh Hoàng tuy cũng làm cho mọi người cười nhưng nhiều lúc phải nhăn mặt.

Anh Phan Chánh Dưỡng có nhiều đóng góp cho Nhóm Thứ Sáu, nếu không nói anh là người tạo ra nó. Nhưng còn có một đóng góp rất lớn và lặng lẽ của anh. Từ năm 1986, anh em chúng tôi lui tới Cholimex chẳng khác nào môn khách của Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân. Anh Dưỡng lo từng bữa ăn, từng khoản thu nhập khiêm tốn nhưng rất cần thiết cho anh em trong thời buổi bao cấp, qua các các đề tài nghiên cứu thường mang tính chất bao đồng, chẳng có lợi gì cho Cholimex. Anh đã làm một công việc chiêu hiền đãi sĩ cực kỳ nhạy cảm trong một thời buổi rất, rất khó khăn, khi kiến thức bị xem nhẹ và kẻ sĩ bị đẩy ra lề xã hội.

Anh không chỉ giúp họ được ngồi lại, mà còn có thể ngồi lại chung với nhau, không phân biệt nguồn đào tạo, trong một tinh thần hòa hợp hiếm có. Từ đó, người trí thức được đánh giá lại và có thể đóng góp năng lực, phần nào, cho một xã hội, một nền kinh tế đang chuyển mình. Nhưng với tính cách khiêm cung và hòa đồng, anh không thấy mình là Mạnh Thường Quân. Anh hòa mình vào các môn khách, trở thành một trong số đó, một cách hồn nhiên, chân tình, tự nhiên như một con cá trong đàn cá. 

Nhờ anh, Nhóm Thứ Sáu giữ được nguyên tắc “Năm không”: không giấy phép thành lập, không chủ quản, không nội qui điều lệ, không trụ sở, không hưởng lương, một nguyên tắc bằng vàng đã giúp nó tồn tại, vượt qua bao nhiêu nghi kỵ của cuộc đời. Chính nhờ nguyên tắc “Năm không”, và còn nhiều cái không khác nữa như không ai lãnh đạo ai, không kỷ luật lẫn khen thưởng, không ràng buộc cũng như không hơn thua với ai, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng, duy trì bền bỉ một tình bằng hữu vô vụ lợi. 

Và tình bạn này đang và sẽ kéo dài đến cuối cuộc đời.

Huỳnh Bửu Sơn

Ký ức theo dòng đời là tập hồi ký của Phan Chánh Dưỡng – một con người hăm hở góp phần vào công cuộc đưa nền kinh tế của TP.HCM “vượt sóng ra Biển Đông”.

Về chuyện đời riêng, ông có hai người mẹ phải báo hiếu, có hai cộng đồng văn hóa phải dự phần và xây đắp.

Lớn lên trong bom đạn của chiến tranh, Phan Chánh Dưỡng từ quê nghèo Cà Mau phải lên Sài Gòn cố gắng thích nghi để tìm kiếm cơ hội học hành, tồn tại, mưu sinh, lập thân và lập nghiệp.

Từ một thiếu niên quê mùa bơ vơ giữa Sài Gòn với hai nghìn đồng trong túi, phải tự học, nỗ lực để có bằng Tú tài rồi thi đậu vào khoa Điện tử Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, Phan Chánh Dưỡng vạch con đường sáng cho cuộc đời mình; trở thành nhân chứng thời cuộc và là người thúc đẩy cho những đột phá quan trọng trong một giai đoạn.

Bìa cuốn sách Ký ức theo dòng đời. Sách do Phanbook và NXB Đà Nẵng thực hiện. Ảnh: Phanbook


Cuốn sách là nguồn tài liệu quý giá, cẩm nang thuyết phục về tư duy sáng tạo, cách làm đột phá và tinh thần cống hiến cho xã hội của Phan Chánh Dưỡng cùng những trí thức thế hệ ông trong Nhóm Thứ Sáu – nghiên cứu và cố vấn chính sách kinh tế. Đó có thể là câu chuyện từ chính ông, người mạnh dạn và táo bạo đưa ra đề án xây dựng Khu Chế xuất Tân Thuận, Hiệp Phước và Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng để những đầm lầy trở thành đô thị mới, những vùng lau sậy trở thành điểm nóng thu hút đô-la; đó cũng là câu chuyện chính ông của thời hội nhập, vẫn nhiệt huyết tham gia điều hành Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Đinh Thiện Lý (Lawrence S. Ting), là người thầy đáng kính tại Đại học Fulbright truyền trao kinh nghiệm cố vấn, đổi mới chính sách công trong thời hội nhập...

Ký ức theo dòng đời là cuốn hồi ký mà thông qua chuyện dòng đời và chọn lựa lẽ sống, cống hiến và tâm tình của một trí thức trong bức tranh thời cuộc đất nước từ Bao Cấp sang Đổi Mới và Hội nhập – Toàn cầu hóa, từ thời chiến dịch chuyển sang thời bình.

Nhà báo Trần Trọng Thức nhận định: “Qua hồi ức này, phần “tự sự” tác giả đã ghi lại rất ngay tình về bản thân, phần “thế sự” lại rất khách quan trong mọi hoàn cảnh và các mối quan hệ xã hội, đồng thời đề cập nhiều giải pháp mà người viết kỳ vọng là bài học cho lớp trẻ sau này.”


Phan Chánh Dưỡng sinh năm 1948, tại Cà Mau. Ông đã kinh qua những chức vụ chính như: Giám đốc Công ty Cholimex, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh khu chế xuất Tân Thuận (TTC) và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng.

Hiện ông là giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý (Lawrence S. Ting).

PV

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.