Nhóm Thứ Sáu - Câu chuyện về tấm lòng và tri thức

 07:17 | Thứ hai, 15/07/2024  0
LTS. Nhóm Thứ Sáu được biết đến như là mô hình think tank đầu tiên ở Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975). Họ là một nhóm trí thức ở miền Nam thường tụ họp vào chiều thứ Sáu hàng tuần, nói chuyện, thảo luận, bàn bạc, đề xuất... các giải pháp gỡ thế bí cho nền kinh tế hậu chiến. Nhờ sự ủng hộ chân thành và cầu thị của các lãnh đạo cao cấp nhất của thành phố và trung ương bấy giờ, nhóm đã đóng góp rất nhiều vào sự ra đời một số quốc sách quý giá.

Với niềm tin rằng câu chuyện của nhóm Thứ Sáu sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ hôm nay, những người đang băn khoăn tự hỏi họ sẽ dùng nhiệt huyết, trí tuệ và kiến thức của họ vào việc gì, tôi đã tìm gặp hai thành viên của nhóm: Phan Chánh Dưỡng và Trần Trọng Thức.

Xin hai ông cho biết nhóm Thứ Sáu ra đời như thế nào, thành viên là những ai? Mong muốn ban đầu của nhóm là gì?

Ông Phan Chánh Dưỡng.

Phan Chánh Dưỡng - Trần Trọng Thức: Nếu tìm hiểu “Nhóm thứ Sáu” ra đời khi nào, các thành viên là những ai và mong muốn ban đầu là gì thì đây là câu hỏi thật khó trả lời chính xác, bởi chúng tôi là một sự kết hợp không có tổ chức mà anh em thường tự trào là nhóm có nhiều cái không: Không giấy phép hoạt động, không có chủ quản, không ai lãnh đạo ai, không có nội quy điều lệ, không lãnh lương hay thù lao, không khen thưởng kỷ luật, không có kế hoạch dài hạn, không có tham vọng riêng tư, không ràng buộc cũng như không hơn thua với ai.

Đối với anh em trong nhóm, ai cũng tìm thấy được chút ấm lòng bởi đa phần là những người làm việc trong chế độ cũ, sau khi đi học tập cải tạo trở về muốn tìm một nơi trú ẩn, một không gian nho nhỏ để nói lên những băn khoăn trăn trở về thời cuộc cũng như tìm vài cơ hội thực hiện những gì đã học, đã biết trong mấy chục năm qua. Được như vậy cảm thấy trong cuộc đời đã có khá nhiều điều vui thích. Những buổi gặp gỡ hàng tuần chính là một trong những khoảnh khắc trải lòng giữa những người bạn tuy điểm xuất phát khác nhau nhưng có cùng hoàn cảnh, tâm tư, thân thiết như trong một gia đình.

Nhóm chúng tôi cũng đa dạng. Có người từng là trợ lý của Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa, người từng là thứ trưởng kinh tế, người giữ trọng trách trong Ngân hàng Quốc gia cũng như các bộ ngành của guồng máy chế độ cũ và phần lớn là những anh em từng hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xây dựng, đầu tư. Thỉnh thoảng cũng có vài anh Việt kiều về nước làm việc gắn bó năm này qua năm khác.

Chính vì vậy mà nếu có ai hỏi nhóm Thứ Sáu có bao nhiêu người cũng không thể kể hết, chỉ nhớ thời kỳ đầu vào khoảng năm 1986, khi còn quy tụ tại Công ty Xuất Nhập trực dụng quận 5 tức Cholimex, mỗi buổi chiều sinh hoạt có chừng 20 anh em tham dự với tư cách là thân hữu của công ty với bữa cơm chiều đạm bạc do Xí nghiệp Đông lạnh Cholimex "chiêu đãi" với phụ phẩm "đầu cá đuôi tôm" từ sản phẩm xuất khẩu.

Tại sao quy tụ tại Cholimex, thưa hai ông?

Năm 1981, TP.HCM có phong trào hình thành các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực dụng, đơn giản vì giai đoạn ấy thành phố bị ngăn sông cấm chợ, cần luân chuyển hàng hóa để có ngoại tệ. Đến năm 1985, Việt Nam thực hiện đổi tiền lần thứ ba, giá cả tăng vọt, hàng hóa khan hiếm.

Lúc đó, anh Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Cholimex, đã hình thành nhóm công tác nghiên cứu chuyên đề khai thác hàng xuất khẩu. Nền kinh tế bị ảnh hưởng sau khi đổi tiền nên ông Võ Trần Chí khi ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đề nghị nhóm chúng tôi nghiên cứu hậu quả và đề xuất giải pháp.

Anh em nghĩ đến thân phận bất ổn của mình, là họp hành không có phép tắc, nên đề nghị anh Dưỡng trình bày với Bí thư Thành uỷ xin có một văn bản hợp thức hóa những buổi gặp gỡ của nhóm chuyên viên Xí nghiệp Cholimex (là tiền thân của nhóm Thứ Sáu sau này).

Một danh sách trích ngang được ghi nhận gửi lên gồm 24 người trong đó có 4 anh có biên chế là cán bộ nhà nước gồm Phan Chánh Dưỡng, Trần Văn Kiện, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước, được tham gia vào Ban Nghiên cứu kinh tế của Thành ủy. Đây là một pháp nhân "nửa dơi nửa chuột" nhưng cũng làm anh em yên lòng. 

Nhóm Thứ Sáu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: TL


Từ đó với sự trải lòng mời gọi của anh Phan Chánh Dưỡng, nhiều chuyên viên đã đến với nhóm như anh Phan Tường Vân, Lâm Võ Hoàng, Phan Thành Chánh, Đỗ Trung Đường, Nguyễn Thông Minh, Đỗ Hải Minh, Lê Đình Khanh, Hồ Xích Tú, Mai Kim Đỉnh, Đỗ Nguyên Dũng, Nguyễn Chánh Đoan, Nguyễn Ngọc Hồ, Lâm Tuấn Anh, Võ Hùng, Hoàng Thoại Châu, Lê Văn Bỉnh, Trần Trọng Thức, Võ Gia Minh...

Một vài chuyên viên ở nước ngoài khi có dịp về Sài Gòn cũng đến với nhóm như: Trần Văn Thọ, Nguyễn Phước Thiện. Có lẽ do sự tập hợp phần nào lạ lẫm của nhóm mà thỉnh thoảng các vị lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí, Lê Văn Triết, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phạm Chánh Trực… cùng các chuyên viên có dịp là đến với nhóm.

Ban đầu mỗi tuần ba buổi chiều thứ Hai, Tư, Sáu chúng tôi gặp nhau bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ tình hình kinh tế xã hội (nhưng không bàn về thời sự chính trị), đến những trận bóng đá hay dự đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng về sau nhiều anh em đã tìm được việc làm kiếm sống nên mỗi tuần chỉ còn gặp nhau vào chiều thứ Sáu, đó cũng là danh xưng mà anh em gọi vui là tên “cúng cơm” của Nhóm thứ Sáu cho đến sau này.

Xin các ông cho biết ngắn gọn về các dự án quan trọng nhất mà nhóm đã thực hiện được Chính phủ quan tâm và áp dụng...

Do yêu cầu của Thành ủy TP.HCM, chúng tôi đã mạnh dạn nghiên cứu đề cương: "Về các biện pháp chủ động tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế" của Thành ủy đề ra.

Tất nhiên, nhóm không thể có đủ điều kiện và khả năng để có tầm nhìn bao quát từ trên xuống như các cơ quan Nhà nước đang nghiên cứu những chương trình chiến lược phát triển kinh tế dài hạn. Cho nên trong đề cương này, chỉ đề cập một số phương án hành động cấp thời cũng chỉ vì thực chất các biện pháp ấy gắn chặt một cách hữu cơ với những chương trình dài hạn.

Kết quả sau hai tháng tích cực làm việc, đề cương đã hoàn thành bước đầu. Thời gian thật quá ngắn ngủi, trong tinh thần khiêm tốn học hỏi, nhóm không dám có tham vọng tìm ra mọi đáp số cho bài toán kinh tế đang làm đau đầu những ai hằng thiết tha và quan tâm đến sự phát triển của đất nước.

Phương pháp làm việc của nhóm là cùng nhau bàn bạc, tranh luận để nhận định thực trạng về giá cả, tiền tệ và các nguyên nhân gây ra. Từ đó, có giải pháp giải quyết một cách đồng bộ ở các lĩnh vực khác nhau như tiền tệ, sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu.

Nội dung đề cương này đã được mổ xẻ, tranh luận với nhiều góc nhìn khác nhau qua một số hội thảo do Chính phủ tổ chức tại Hà Nội giữa chuyên viên các ngành, trong đó các thành viên nhóm Thứ Sáu tham gia và thành công trong bảo vệ quan điểm của mình.

Kết luận sau đó của Chính phủ đã thể hiện trong một số chính sách, trong đó có việc bãi bỏ chủ trương “ngăn sông cấm chợ” trên cả nước.

Ông Phan Chánh Dưỡng (đeo cà vạt đỏ) đi cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bìa trái) khảo sát thực địa vùng Nhà Bè - khu Tân Thuận. Ảnh: TLNV


Sau nghiên cứu thứ nhất, nhóm nghiên cứu thể hiện thêm một nỗ lực huy động chất xám trong kinh tế khoa học kỹ thuật qua chuyên đề thứ hai là Đổi mới hệ thống ngân hàng.

Đề cương này hoàn thành vào tháng 6.1987 gồm 4 chương, trọng tâm nghiên cứu là việc tách rời hệ thống ngân hàng một cấp đang có thành hai cấp: Cấp quản lý thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương; Cấp kinh doanh gồm những ngân hàng chuyên doanh và ngân hàng thương mại đặt tại trung tâm vùng kinh tế hoặc tại các địa phương.

Đổi mới này là một trong những nội dung xây dựng Pháp lệnh Ngân hàng - là tiền đề của Luật Ngân hàng sau này.

Tiếp theo sau đó là đề cương Hình thành và thực hiện chính sách ngoại thương. Nội dung chủ yếu là thương lượng để vay mượn, hoàn trả các món nợ quốc tế, gia nhập và sinh hoạt trong các tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, thuế khóa quốc tế, hợp tác kinh tế thông qua các hình thức hiệp hội tổ chức đào tạo trao đổi chuyên viên lao động...

Tất cả nhằm mục tiêu tối hậu là xây dựng một nền kinh tế hiện đại, đưa quốc gia lên vị thế cao hơn trong cộng đồng thế giới và chia sẻ thành quả do cộng đồng mang lại.

Đề tài nghiên cứu này hoàn thành vào tháng 7.1987, được nhiều ban ngành Trung ương chia sẻ, một số nội dung được các địa phương vận dụng đưa vào các văn bản hướng dẫn hoạt động phát triển ngoại thương.

Xuất phát từ yêu cầu bức bách của chủ trương đổi mới, nhóm nghiên cứu đã cố gắng phác thảo một số nét cơ bản về nội dung lẫn hình thức của cơ chế quản lý mới, đặt trong bối cảnh mô hình phát triển kinh tế quốc dân với đề cương Quy hoạch kinh tế vùng. Đề cập trong tập chuyên đề này là một phần địa lý của quốc gia, có những đặc tính khá tương đồng về văn hóa, xã hội; về trình độ kỹ thuật; về lực lượng sản xuất, với mức chênh lệch giàu nghèo không quá sâu sắc, khả dĩ dễ dàng và nhanh chóng tiến đến việc hội nhập xuyên suốt thành một tổng thể khi có điều kiện, nhưng không đặt nặng tính nguyên tắc cân đối giữa các vùng trong toàn cảnh Việt Nam.

Khung cảnh thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng mà nhóm muốn đề cập ở đây chính là cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý kinh tế và hệ thống quản lý hành chính xã hội.

Nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia trên thế giới thường hay Quy định thành lập khu chế xuất, sau đó mới ban hành Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã chính thức ban hành ngày 1.1.1988. Nhóm nghiên cứu đặt giả định là trong vài tháng sau đó Nhà nước sẽ ban hành một số quy định để thi hành Luật này. Lúc đó khu chế xuất cần thiết với Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu các điều kiện thành lập khu chế xuất, nhóm đề nghị trước tiên nên thành lập khu này tại TP.HCM vì những lý do cơ bản như sau: 1) Vị trí địa lý thuận lợi của thành phố đối với toàn vùng Đông Nam Á. Trung tâm khoa học, kỹ thuật kinh tế văn hóa xã hội; 2) Nguồn lao động dồi dào, có kỹ năng, có trình độ phù hợp với yêu cầu chuyên môn cao của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là có tác phong công nghiệp.

Việc phổ biến các ý tưởng về kinh tế thị trường trong bối cảnh một nền kinh tế kế hoạch hóa và bao cấp hoàn toàn không đơn giản. Vậy làm thế nào nhóm có thể hoàn thành những công việc ấy?

Ông Trần Trọng Thức.

Các đề án này xuất hiện trong tình hình đặc biệt khó khăn, nhất là nhiều năm sau ngày hòa bình lập lại, miền Nam bị áp đặt một nền kinh tế kế hoạch không thành công khiến hai miền Nam Bắc cùng nghèo như nhau. May thay luồng gió Đổi mới đã tác động vào suy nghĩ của giới lãnh đạo.

Thật sự những đề án được lãnh đạo đặt hàng đều có thể thực hiện dù rằng cũng rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã khắc phục được. Qua các cuộc giải trình được tổ chức tại Hà Nội có khi tranh luận gay gắt, mà thực chất nội dung cái mới cũng chỉ là làm lại cái cũ trong điều kiện kinh tế thị trường tại miền Nam trước đây.

Việc phổ biến các ý tưởng về kinh tế thị trường trong bối cảnh một nền kinh tế bao cấp cũng hoàn toàn không đơn giản. Điều này nói lên rằng vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Mọi kết quả tốt đều phải có sự vun đúc kết hợp của quyền lực Nhà nước và tấm lòng của giới trí thức trước nghịch cảnh. Đặc biệt là trong hai lần trao đổi về đề cương "Các biện pháp chủ động tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế" và đề cương "Đổi mới hệ thống ngân hàng".

Vào thời điểm đầu thập niên 90, chúng tôi suy nghĩ tại sao lại không đưa các nội dung thảo luận (mà có người cho rằng là nhàn đàm) ra công luận dưới hình thức các bài đăng báo. Thật là một cơ duyên khi chúng tôi tìm được sự đồng tình của Ban biên tập báo Lao Động và trở thành nhóm chuyên viên kinh tế của báo, mỗi tuần sinh hoạt tại đây vào chiều thứ Sáu, thay cho địa điểm cũ là Cholimex sau khi anh Phan Chánh Dưỡng rời công ty này.

Trong năm năm sinh hoạt tại báo Lao Động, hằng trăm bài viết của thành viên nhóm Thứ Sáu mô tả thực trạng kinh tế xã hội đã được độc giả của một tờ báo Trung ương có đến 80.000 độc giả trên cả nước hưởng ứng. Đó là sức lan tỏa quá lớn liên quan đến nội dung phê phán những cố tật của chế độ bao cấp và quảng bá tính ưu việt của kinh tế thị trường. Bỗng nhiên các chuyên viên kinh tế trở thành nhà báo bán chuyên nghiệp. Tiến sĩ Phan Tường Vân làm đậm nét thêm nội dung các bài viết này qua chuyên mục Tìm hiểu kinh tế thị trường xuất hiện thường xuyên trên mặt báo nhiều năm.

Ở đây cần ghi nhận đóng góp đáng kể của báo Lao Động (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trong việc phổ biến ý tưởng làm thương mại trong đời sống kinh tế thị trường.

Và tại nơi đây nhóm có thêm nhiều anh em tham gia như Nguyễn Ngọc Bích, Lê Ủy, Phạm Đình Nhường, Lương Hữu Định, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Văn Sơn, Cao Lương Hiển, Trần Quý Hỉ, Nguyễn Trung Dân, Phan Thị Lệ, cùng các anh em Việt kiều trẻ như Lê Trọng Nhi, Trần Sĩ Chương, thành viên của nhóm trở nên phong phú hơn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự sinh nhật lần thứ 15 của nhóm Thứ Sáu. Ảnh: Tư liệu


Tôi nhận thấy có hai vị lãnh đạo là ông Võ Trần Chí ở cấp thành phố và ông Võ Văn Kiệt ở cấp Trung ương có vai trò đáng kể trong việc biến các ý tưởng của nhóm Thứ Sáu thành các chính sách, mang lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế. Vậy các lãnh đạo này đã làm gì?

Anh em chúng tôi thường ví von rằng sở dĩ nhóm Thứ Sáu làm được chút việc trong hoàn cảnh khó khăn là nhờ hai cái “võ”: Võ Trần Chí ở bên dưới tạo điều kiện và Võ Văn Kiệt bên trên bảo vệ và hỗ trợ. Trong thực tế sau này anh em chúng tôi có 4 người được mời vào nhóm tư vấn của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt là các anh Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước. Điều này tạo thêm nhiều khích lệ cho nhóm.

Tôi thực sự muốn biết điều gì khiến những lãnh đạo như các ông Võ Trần Chí và Võ Văn Kiệt có thể hành động như vậy: sự hiểu biết, tầm nhìn, trách nhiệm của họ đối với đất nước, hay là họ đánh giá được vai trò của các nhà chuyên môn và các tổ chức độc lập đối với quản trị nhà nước?

Chúng tôi cho rằng có đầy đủ cả hai yếu tố ấy, mà trên tất cả là lòng tin vào nhau. Hồi năm 2001, nhân dịp nhìn lại 15 năm sinh hoạt của nhóm, ông Võ Trần Chí qua bức thư gửi nhóm Thứ Sáu ngày 23.10.2001 có viết: “Anh em nói đây là nhóm có nhiều cái KHÔNG, nhưng với tất cả những cái KHÔNG ấy làm nên cái CÓ với một không khí sinh hoạt vui tươi khi gặp gỡ, tranh luận sôi nổi, có lúc gay cấn, nhưng lại rất khách quan vô tư, hồn nhiên và gắn với các đề tài kinh tế xã hội. Và khi ra về có một niềm vui thoải mái như đã làm được, nói được điều gì đó có ích. Đó chính là cái TÂM, đáng được xem là cái tâm của “kẻ sĩ” vậy”.

Cũng trong dịp này, ông Võ Văn Kiệt trong thư gởi nhóm Thứ Sáu ngày 1.11.2001 viết: "Quả thực, tôi không để ý nhiều đến tên gọi cũng như những gì mà anh em cho là cơ sở pháp lý của nhóm Thứ Sáu. Nhưng tôi luôn quý trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn mười lăm năm qua, không phải vì tất cả ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn.

Chúc anh em mạnh khoẻ, hạnh phúc. Tôi xin thi đua cùng anh em tiếp tục làm công quả và khuyến khích được nhiều người cùng làm với tất cả trách nhiệm vì sự nghiệp chung".

Một buổi họp mặt của Nhóm Thứ Sáu, "những tia nắng tà dương" tại nhà ông Huỳnh Bửu Sơn (ngồi hàng đầu bên phải) năm 2020. Ông Trần Trọng Thức là người ngồi thứ 2 bên trái và ông Phan Chánh Dưỡng là người ngồi thứ năm từ trái sang. Ảnh tư liệu


Cảm ơn hai ông đã giới thiệu những trích đoạn trong thư của ông Võ Trần Chí và Võ Văn Kiệt. Những dòng này giúp tôi hiểu thêm nhiều điều. Gây ấn tượng nhất với tôi là việc cả hai vị lãnh đạo ấy gọi nhóm Thứ Sáu là "anh em" trong khi hầu hết các thành viên của nhóm là trí thức của chế độ cũ. "Anh em", cách xưng hô này thực sự rất đẹp. Cái đẹp không chỉ ở ngôn từ, mà ở tấm chân tình của những người sử dụng ngôn từ ấy. Có thể thấy sự kết hợp giữa các nhà chính trị và các trí thức là điều kiện cho sự thành công của chính sách Đổi mới nói chung và của nhóm Thứ Sáu nói riêng. Rộng hơn, sự kết hợp giữa tầm nhìn chính trị và kiến thức chuyên môn, cùng với yếu tố chung là tâm huyết của cả hai giới lãnh đạo và chuyên gia, sẽ là những yếu tố tạo nên sự thành công của một đất nước. Và câu hỏi cuối cùng: Giờ đây, nhìn lại, điều quan trọng nhất mà các ông muốn nói về nhóm Thứ Sáu là gì?

Giờ đây, đã gần 50 năm qua, sự tồn tại của nhóm Thứ Sáu thật kỳ diệu. Điều này ngay cả anh em trong nhóm khi ngồi nói chuyện với nhau cũng vẫn cho rằng không thể tin được là nhóm mình có thể tồn tại lâu như thế. Ngày nay đa số anh em đã lớn tuổi, một số đã qua đời, số còn lại cũng trong tình trạng sắp hàng để theo ông bà. Chúng tôi có một tấm hình 10 anh em chụp vào năm 2020 được đặt tên là "những tia nắng tà dương" thì đến năm 2024 này, các anh Huỳnh Bửu Sơn, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Quý Hỉ đã nối tiếp nhau ra đi. Anh em đã hoàn thành nhiệm vụ của một kiếp người đối với đất nước.

Phải thừa nhận một chân lý khách quan là: Vạn vật được trời đất sinh ra đều có cái lý sinh-tồn-hoại-diệt, khi vai trò của nó còn hữu ích thì không ai có thể diệt nó được. Hơn nữa mọi sự vật, mọi người tồn tại đều có vai trò khác nhau và ở mỗi giai đoạn, tính hữu ích hay giá trị tồn tại cũng khác. Trong thế giới thật không tồn tại con rồng, trong khoa học không tồn tại công cụ vạn năng. Mọi công cụ, mọi lý thuyết chỉ có giá trị hữu dụng nhất khi chúng xuất hiện phù hợp với nhu cầu phát triển của con người đương thời.

Khi thời thế thay đổi, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi những bổ sung mới. Nhóm Thứ Sáu hôm nay đã bước vào buổi tà dương. Ngày mai với quy luật sinh tồn hoại diệt của trời đất thì sẽ có một nhóm Thứ Sáu khác được sinh ra, tiếp tục làm nhiệm vụ kết nối giữa đêm và ngày của một thời kỳ mới vậy.

Chân thành cảm ơn ông Phan Chánh Dưỡng và ông Trần Trọng Thức về câu chuyện hết sức ý nghĩa này

Nguyễn Thị Từ Huy thực hiện

_________________

Nhà văn, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Thị Từ Huy lấy bằng tiến sĩ văn học Pháp đương đại và chính trị học đều tại Pháp, từng giảng dạy các khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn học và Ngôn ngữ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Bà còn là dịch giả của một số công trình văn chương, triết học châu Âu...

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.