Hai phương án đối với quy hoạch không gian ngầm
Trong báo cáo số 416 gửi Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), đại diện Sở xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM giai đoạn 2040, tầm nhìn 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 11/6/2025. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị tư vấn và các cơ quan chuyên môn hoàn thiện bản vẽ, thuyết minh và quy định quản lý để trình Bộ Xây dựng đóng dấu thẩm định và lưu trữ theo quy định, dự kiến hoàn thành trước ngày 1/8/2025. Sở Xây dựng sẽ tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị trên cơ sở Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố.
|
Sau hợp nhất, nhiều nội dung quy hoạch TP.HCM sẽ phải điều chỉnh theo quy định. |
Đáng chú ý là việc thay đổi quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, đối với quy hoạch không gian ngầm, kể từ ngày 1.7.2025, phạm vi ranh giới TP.HCM đã mở rộng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Như vậy cơ sở để lập quy hoạch không gian ngầm TP.HCM theo quy định là quy hoạch TP.HCM hợp nhất nhưng hiện chưa được xác lập.
Tuy nhiên, quy hoạch chung TP.HCM được duyệt tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 11.6.2025 của Thủ tướng Chính phủ theo điều khoản chuyển tiếp, được tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn hiệu lực của quy hoạch theo quy định (đến hết năm 2040 hoặc đến khi có quyết định điều chỉnh) và cần được tổ chức thực hiện, trong đó có việc tổ chức lập quy hoạch không gian ngầm.
Do đó, để có cơ sở tham mưu công tác tổ chức lập quy hoạch không gian ngầm Thành phố đúng quy định, Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến Bộ Xây dựng xem xét theo hai phương án. Cụ thể phương án một là không lập quy hoạch không gian ngầm trên phạm vi TP.HCM trước đây, chờ thực hiện sau khi có pháp lý quy hoạch chung TP.HCM hợp nhất. Phương án 2 là tổ chức lập quy hoạch không gian ngầm theo định hướng quy hoạch không gian ngầm được xác định tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 11.6.2025 của Thủ tướng Chính phủ; có thể nghiên cứu bổ sung một số khu vực định hướng phát triển không gian ngầm tại các quy hoạch chung đô thị khác (nếu có) trong phạm vi TP.HCM hợp nhất.
Đối với quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp nước, cao độ nền và thoát nước, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang), Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến Bộ Xây dựng xem xét theo hai phương án. Cụ thể, phương án một là lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cho ranh giới TP.HCM hiện hữu làm cơ sở triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật; đối với phạm vi thuộc ranh giới Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ lập bổ sung quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật sau khi UBND Thành phố tiến hành rà soát lập điều chỉnh quy hoạch TP.HCM, quy hoạch chung TP.HCM theo ranh giới hành chính mới. Phương án 2 là sau khi TP.HCM sáp nhập với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND Thành phố tiến hành rà soát lập điều chỉnh quy hoạch TP.HCM, quy hoạch chung TP.HCM theo ranh hành chính mới, sau đó tiến hành lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Trong khi đó, về quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, Sở Xây dựng sẽ phối hợp, hướng dẫn UBND các phường, xã xác định các khu vực dân cư ổn định, các khu vực có ý nghĩa quan trọng cần phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để quản lý về đất đai, xây dựng... trên địa bàn; tổ chức lập thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết 1/500 các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Kết nối hạ tầng, quy hoạch
Theo Sở Xây dựng Thành phố, qua rà soát hiện nay trên toàn địa bàn TP.HCM sau khi hợp nhất có 613 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, bao gồm 513 đồ án tại TP.HCM, 50 đồ án tại Bình Dương và 47 đồ án tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Các đồ án này được phê duyệt qua nhiều thời kỳ và trước khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 được duyệt.
|
Bình Dương (trước đây) kết nối trực tiếp với TP.HCM qua quốc lộ 13. |
Việc tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu là một công tác quan trọng của kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Hiện nay Sở Xây dựng đang phối hợp UBND các phường, xã để rà soát, đề xuất các quy hoạch phân khu vừa nêu, dựa trên các tiêu chí gồm tuân thủ quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 đã được duyệt. Phù hợp ranh giới 168 phường xã của TP.HCM sau khi hợp nhất và định hướng công tác tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn của Thành phố. Tích hợp các nội dung của các đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Riêng nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 11/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ (đối với phạm vi TP.HCM trước đây), đến nay Sở Xây dựng đang tổng hợp danh mục khoảng hơn 200 đồ án quy hoạch phân khu (bao gồm khoảng 111 quy hoạch phân khu đô thị và 93 quy hoạch phân khu khu chức năng). Ranh giới quy hoạch và số lượng các quy hoạch phân khu nêu trên sẽ được gửi UBND các phường xã rà soát, tổng hợp đề xuất cụ thể.
|
TP.HCM kết nối trực tiếp với Bà Rịa - Vũng Tàu (trước đây) bằng đường biển, từ phía Cần Giờ. |
TP.HCM hợp nhất bao gồm 3 khu vực được tổ chức lập các lớp quy hoạch mang tính tổng thể theo quy định và tính chất tỉnh thành trước đây. Cụ thể, phạm vi TP.HCM (trước đây) có pháp lý quy hoạch thành phố theo Quyết định 1711 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch chung TP.HCM theo Quyết định 1125 của Thủ tướng Chính phủ. Phạm vi Bình Dương có pháp lý quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 790 của Thủ tướng Chính phủ và một số quy hoạch chung các đô thị trực thuộc; phạm vi Bà Rịa - Vũng Tàu có pháp lý quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 1629 của Thủ tướng Chính phủ và một số quy hoạch chung các đô thị trực thuộc.
Theo Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, các quy hoạch chung đô thị nêu trên vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành và là cơ sở để tổ chức lập các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Ở cấp độ TP.HCM hợp nhất, Thành phố sẽ tổ chức lập quy hoạch Thành phố và quy hoạch chung Thành phố với phạm vi ranh giới hành chính mới.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, về bản chất các quy hoạch chung đô thị nêu trên được lập trong thời gian vừa qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là nhu cầu sinh sống, làm việc và đầu tư của người dân các địa phương. Đối với quy hoạch chung TP.HCM, trong quá trình lập đã có tính toán đến yếu tố liên kết vùng với các tỉnh thành lân cận. Do đó, quy hoạch chung TP.HCM hợp nhất sẽ có nền tảng cơ bản là nội dung các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, đồng thời đề xuất các nội dung mới mang tính chất đột phá trên cơ sơ dư địa và thế mạnh đặc trưng của từng khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho TP.HCM.
Đối với việc ráp nối, điều chỉnh các nội dung quy hoạch trong một tổng thể ranh giới TP.HCM hợp nhất, Sở Xây dựng nhận thấy về địa lý, TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây phân tách theo ranh giới các con sông (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Vải), việc kết nối thông qua các cây cầu và tuyến giao thông liên tỉnh.
Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất việc ráp nối, điều chỉnh quy hoạch sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh 2 khía cạnh chiến lược gồm kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật và kết nối không gian đô thị, trong đó cấu trúc lại các khu chức năng theo không gian hợp nhất như các khu vực phát triển đô thị khu vực giáp ranh, mạng lưới công nghiệp, cảng sông cảng biển...
Xuân Tình