Sáng chế giống cây trồng: một người trồng trăm kẻ hái

 20:19 | Thứ ba, 06/05/2014  0

Mất khi chưa kịp đặt tên

GS.TS Nguyễn Thị Lang, nghiên cứu viên cao cấp, viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long mô tả lịch sử làm giống lúa: từ năm 1995 trở về trước, 100% giống lúa ở Việt Nam là du nhập, giai đoạn 1996 đến năm 2000 bắt đầu xuất hiện các giống trong nước tự làm, từ năm 2000 có một cuộc đột phá lớn khi 80% là giống lúa trong nước tự làm. Mất 5 – 10 năm mới làm được một giống lúa. Về sau, nhà khoa học rút ngắn được thời gian khi ra 3-5 giống lúa/năm bằng phương pháp chọn giống gối đầu. 

Khi hạt lúa đã thành hình, công việc lại tiếp diễn với giai đoạn khảo nghiệm. Kết thúc ba vụ khảo nghiệm ở vòng quốc gia nếu tốt, giống lúa mới được đề xuất sản xuất thử, bằng không sẽ bị loại bỏ. Thế mà với hơn 50 giống lúa được đưa vào sản xuất, GS Lang thừa nhận “bó tay trước tình trạng thất thoát giống mới”.

Bà từng phát hiện giống OM576 chưa chuyển giao nhưng thấy người dân trồng và tự gọi tên là giống Hầm Trâu, Trâu Nằm. Hay giống OM4900 thì bị gọi theo tên doanh nghiệp, như Hương Lài… Vậy là giống lúa thất thoát ngay trong quá trình trồng khảo nghiệm. “Nếu giống lúa tốt thì họ trồng ồ ạt, bán được giá thì không sao. Chỉ có điều, nếu lúa xấu thì quay lại trách nhà chọn giống. Lúa xấu thì dễ hiểu, bởi nghiên cứu chưa hoàn chỉnh đã trồng đại trà, hay trong lúc phân phối, tình trạng lẫn lộn giống, xử lý không đúng nên nhiều khi cùng thửa ruộng nhưng có hai, ba tầng bông”, GS Lang lắc đầu.

Là người nghiên cứu giống cây ăn trái, ThS Trần Thị Oanh Yến, trưởng bộ môn chọn và tạo giống, viện Cây ăn quả miền Nam cũng cùng tâm sự. Trong nghề làm giống cây ăn trái, muốn có  một giống hoàn toàn mới phải mất 15 - 20 năm. Giống đặc biệt như thanh long Long Định 5 (LĐ5), rút được thời gian giai đoạn cây con, đánh giá (gần một năm) nhờ kinh nghiệm từ giống bố/mẹ cũng mất tới sáu năm, vậy mà cũng chịu cảnh bị “chôm khi chưa kịp đặt tên”.

Ths Oanh Yến lý giải: “Trước đây, thời gian công nhận giống phải trồng ở nhiều điểm, do vậy thất thoát giống ra ngoài rất dễ”. Ông Nguyễn Minh Châu, nguyên viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), mô tả thêm: “Làm ra giống thành công, bị phát tán ra nông dân, thậm chí thất thoát ra  nước ngoài nhưng không thể kiện ai vì chưa kịp đăng ký bản quyền. Các dòng trước của giống thanh long LĐ là một ví dụ, mãi đến dòng thứ năm mới thương mại hoá được (trước đó, làm ra bốn dòng đều mất trắng)”.

Khi đăng ký bản quyền, giống mới sẽ được bảo vệ. Ảnh T.DŨng

Để sáng chế không bị “xài chùa”

Ngày 12.9.2013, lần đầu tiên một giống cây ăn quả do các nhà khoa học Việt Nam lai tạo được thương mại hóa khi SOFRI bán bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5, với giá 2 tỉ đồng cho công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận). Đó là thương vụ mà theo ông Châu là “mang tính lịch sử của nghề tạo giống cây ăn quả ở Việt Nam”, bởi với tiền lệ này tình trạng “xài chùa” sáng chế dần dà phải chấm dứt.

Ông Châu lý giải thêm: “Việc bán bản quyền khai thác thanh long LĐ5 rút ra bài học, là lúc ra giống phải đăng ký bản quyền, bảo hộ bản quyền sáng chế. Với cách làm được bảo hộ, các nước muốn lấy giống của mình không dễ dàng như trước. Ví dụ, nếu thấy Trung Quốc trồng “chui” giống này, xuất khẩu qua Mỹ, Nhật Bản, là những thị trường Việt Nam đăng ký quyền bảo hộ, khi phát hiện tham tán thương mại của mình có quyền yêu cầu họ phải ngưng.

Rõ ràng, giống được bảo hộ theo luật không chỉ giúp cho nhà khoa học có thêm nguồn kinh phí, tái đầu tư nghiên cứu mà còn giúp đất nước không thất thoát giống cây mới”. Theo ông Châu, không chỉ cấp viện, trung tâm nghiên cứu mà ngay nhà khoa học cũng cần nắm rõ quyền lợi khi đăng ký bảo hộ sáng chế, tiến tới thương mại hoá. Như ông Trần Ngọc Hiệp, giám đốc công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu từng bộc bạch:

“Ra được giống mới, người ta sử dụng mà không nghĩ gì tới nhà nghiên cứu là không công bằng. Hai tỉ đồng mua bản quyền giống thanh long LĐ5 với chúng tôi không nhiều, quan trọng là tạo tiền lệ trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, cho một sản phảm có tính cạnh tranh cao, ai cũng có lợi. Chúng tôi bỏ tiền mua, cũng là cách đặt hàng nhà nghiên cứu. Có kinh phí họ sẽ tái đầu tư, bởi sáng chế muốn đi vào đời sống thì không chỉ nâng cao sản lượng mà phải tăng chất lượng, như một biện pháp cạnh tranh”.

Gs Lang lại đưa ra một gợi ý: “Đã bắt đầu xuất hiện những cách thức hợp tác giữa phòng thí nghiệm với doanh nghiệp, nhưng từ những phác thảo đơn lẻ ấy dễ nhận ra sự nhạy bén, chủ động của doanh nghiệp trong việc nhìn nhận thời cuộc, khi tiếp cận nông nghiệp từ việc đầu tư khoa học công nghệ từ khâu chọn giống đến thành phẩm, một chuỗi liên kết khép kín và hiệu quả.

Đặc biệt, nhiều đơn vị tư nhân kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp những năm gần đây bắt đầu tìm đến nhà khoa học, đặt hàng việc làm ra các giống theo yêu cầu thị trường như Bảo vệ thực vật An Giang, công ty Giống cây trồng miền Nam”. PGS. TS Dương Văn Chín, giám đốc trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Bảo vệ thực vật An Giang) tâm đắc với cách làm này.

Ông Chín cho biết, quan trọng không chỉ là xác lập cam kết trong kinh doanh mà phải tôn trọng luật trong chuyển giao và khai thác sáng chế một cách nghiêm túc: “Chúng tôi chịu khó tìm đến các viện hay trung tâm nghiên cứu, phát hiện ra giống mới, phù hợp nhucầu thị trường lập tức đặt vấn đề chuyển giao quy trình, giống. Chẳng hạn, với viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cứ một ký hạt giống thuần chủng chúng tôi trả 200 đồng. Một năm sử dụng hơn 30.000 tấn, chúng tôi nộp khoảng hai tỉ đồng tác quyền. Như vậy đôi bên cùng có lợi và tôn trọng luật”.

Chưa dừng lại ở đó, cách làm mới mà trung tâm ông Chín đeo đuổi chính là đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu. “Chúng tôi trả tiền để các nhà khoa học của trung tâm yên tâm nghiên cứu, ra giống mới. Thành tự thu được thấy rõ khi đầu năm 2014, chúng tôi ra được giống lúa AGPPS103 độc quyền, xuất khẩu 600 USD/tấn.

Hay một giống lúa đặc sản khác làm hai vụ/năm,xuất khẩu 1.000 USD/tấn. Với những giống lúa độc quyền, chúng tôi đảm bảo không bị thất thoát hay ăn cắp bản quyền, bởi chỉ cần căn cứ vào mã gen di truyền đã đăng ký bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì có thể khởi kiện”.

“Sự phát triển bền vững trong kinh doanh không thể tồn tại thói quen “xài chùa”, manh mún mà cần đầu tư tập trung, bài bản và có tầm nhìn xa” - PGS. TS Dương Văn Chín kết luận.

Trung Dũng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.