Trịnh Vũ Hiếu:

Sáng tác gốm trên mạch nền dân gian

 08:44 | Thứ bảy, 25/12/2021  0
Những tạo hình trên cốt gốm, quen mà lạ, những hoa văn trang trí, lạ mà quen… loạt sáng tác mới nhất của nghệ sĩ gốm Trịnh Vũ Hiếu sắp trình làng trong triển lãm cuối năm nay, gợi lên nhiều cảm nhận đan xen như thế. Theo dõi hành trình của người nghệ sĩ với gốm, có thể thấy các chi tiết dân gian luôn xuất hiện theo một góc khai thác mới lạ, khác biệt.

Trong số những nghệ sĩ gốm đương đại, Trịnh Vũ Hiếu là nhân vật chọn cho mình phong cách sáng tác dựa trên nền tảng dân gian. Có lợi thế làm chủ các công đoạn, từ dựng lò, trộn đất, tạo xương cốt, pha trộn men thuốc, vẽ, khắc, dán, nung… nhưng không quá “bay” với những ý tưởng thể nghiệm táo bạo, khù khoằm, theo kiểu “ăn may” của kỹ thuật hỏa biến hay những tạo hình quá “thoát” đến mức khó hiểu. 

Nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu.


Hiếu bền bỉ hơn trong các công đoạn nền, từ việc tạo cốt thai với kỹ thuật bàn xoay, đắp con chạch, nhưng những kỹ thuật vê vuốt cho cốt gốm, liên tục được phát triển, thách thức giới hạn cả về nét khó, kích cỡ, đến những phối kết chi tiết tạo nên bố cục hoàn hảo ngay phần cốt thai. Từ những thể hiện đầu tiên khi chuyển hướng từ hội họa sang gốm, Hiếu cũng đã xác định ngay mạch sáng tác gắn trên nền dân gian, ấy là vận dụng hình ảnh gốm hoa nâu của hai thời kỳ lừng danh gốm Việt là Lý - Trần vào sáng tác đương đại.

Dòng gốm hoa nâu của người xưa, từ vẻ đẹp chỉ được định dạng bằng thời kỳ lịch sử, tính cá nhân không được xuất hiện. Hiếu tái hiện dòng gốm hoa nâu theo cách riêng, đưa vào đó yếu tố của người làm nghề, yếu tố cá nhân và tính nghệ sĩ trong thể hiện. 

Hình ảnh  địa ngục trên cốt gốm chuẩn bị đưa vào lò nung.


Chuyển tiếp sang một giai đoạn sáng tác khác, Trịnh Vũ Hiếu lại tìm ý tưởng từ ngay trong dòng chảy của lịch sử hiện đại. Nhắc đến lịch sử hiện đại Việt, dễ gợi ngay về những cuộc chiến, về tính anh hùng, tính dân tộc, tính kêu gọi… để tìm ra sự khác biệt, Hiếu lục tìm trong tư liệu về mỹ thuật và sử dụng hình ảnh những tờ tiền giấy trước giai đoạn lịch sử 1954.

Những tờ tiền đã “chết” thực sự, không còn giá trị trao đổi, chỉ lưu lại trong thú chơi của một nhóm nhỏ người sưu tầm. Nhưng trong tiền lại hiện hữu vẻ đẹp của hội họa, cũng là một dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt, vậy là Hiếu đưa tiền, đưa các họa tiết của tiền lên gốm, lấy cái mong manh, hư vô, nay huy hoàng mai điêu tàn của tiền để tạo cho tiền ấy một giá trị mới, có sự vĩnh cửu khi gắn đời tiền lên cốt gốm. 

Đức thánh Trần.


Tiếp nối theo mạch xây dựng câu chuyện, nội dung từ lịch sử, mỹ thuật lên gốm, loạt sáng tác mới nhất của Trịnh Vũ Hiếu trong giai đoạn Covid, lại khiến người chơi gốm rộn ràng bởi những vận dụng khéo léo, uyển chuyển, tài tình, chất liệu dân gian, sang quý của tranh Hàng Trống vào với mộc mạc, giản dị, gần gũi trên xương gốm. 

Từ trái: Ông Hoàng cưỡi chép, Tứ phủ đại công đồng, Nét nhân từ của Bồ tát thể hiện trên gốm của Trịnh Vũ Hiếu.


Trở lại lý do lựa chọn hình ảnh tranh Hàng Trống, Trịnh Vũ Hiếu chia sẻ: “Trong hội họa Việt, tranh dân gian Hàng Trống là thể loại tiệm cận nhất với hội họa hiện đại, nó hoàn toàn do người Việt thể hiện, dù thoạt nhìn có thể thấy một chút phong cách ảnh hưởng ngoại lai, từ Á đến cả Âu giai đoạn sau này, nhưng tinh thần Việt biểu đạt mạnh.

Trong các dòng tranh truyền thống dân gian Việt, tranh Hàng Trống là quý tộc nhất, cả về chất liệu, màu sắc, bút pháp thể hiện. Người chơi tranh Hàng Trống ở mọi thời, cũng là những người tương đối có điều kiện về tiền bạc vì giá tranh có thể nói là đắt nhất trong dòng tranh dân gian”. 

Cậu Quận Hai.


Vận dụng yếu tố lịch sử hội họa Việt của tranh Hàng Trống, Trịnh Vũ Hiếu lại thể hiện tinh thần dân gian ấy theo một khía cạnh khác: “Tranh Hàng Trống có nhiều đề tài phục vụ tín ngưỡng, nên thường chỉ gặp được trong không gian tín ngưỡng, thờ tự và ở dạng phẳng. Tôi muốn thay đổi thị giác, dùng hình họa ấy thể hiện trên hình khối khác, chất liệu khác mang tính bền vững hơn, đó là gốm. Và đề tài thờ tự ấy cũng thoát khỏi không gian vốn bị định hình, để có thể dễ dàng sử dụng, trưng bày, trang trí ở bất kỳ đâu theo sở thích”. 

Ngũ vị tôn quan.


Từ hiện thực tranh Hàng Trống với độ phong phú, đa dạng của chi tiết, đầy màu sắc, đặc biệt là các tông màu mạnh, nóng, nhưng những đề tài dân gian ấy khi chuyển qua lối thể hiện của Trịnh Vũ Hiếu lên cốt gốm, lại là một sự tương phản đặc dị. Chỉ sử dụng hai tông màu chủ đạo là lam (men thuốc) và trắng (cốt gốm), tính đơn sắc, giản mộc trở thành điểm nổi bật xuyên suốt mạch tác phẩm.

Hiếu lý giải: “Tôi muốn tạo nên cho người xem cảm giác so sánh thú vị, vẫn thấy ở đó nét quen trong nghệ thuật dân gian, nhưng đã được giản lược, bố cục, điều chỉnh lại cho phù hợp với tiết diện bề mặt trụ của gốm nên trong chi tiết dân gian, lại có những biến tấu phù hợp, nhưng không theo trật tự hay niêm luật nào cả”.

Tứ vị chầu cô.


Làm mới lại nét đẹp của mỹ thuật dân gian, của lịch sử, nhưng khác về chất liệu thể hiện là ý đồ xuyên suốt trong quá trình sáng tác gốm của Trịnh Vũ Hiếu. Dám chơi dài hơi với một đề tài sáng tác mang đậm tính dân gian, thật dễ bị gò vào khuôn thước, dễ bị so sánh giống - không giống, đúng - sai, truyền thống - đương đại, nhưng Hiếu thoát khỏi những giới hạn ấy để thỏa sức “bay” theo những sáng tác của mình rất tự nhiên.

Hiếu quan niệm: “Tôi chỉ muốn đưa ra một tư liệu của lịch sử được thể hiện khác với chất liệu ban đầu. Từ cách thể hiện này, tôi nghĩ mọi người sẽ dễ dàng gần gũi hơn với loại hình nghệ thuật cổ truyền, để nó mang tính phổ quát lớn hơn, nhiều người biết đến hơn. Chẳng hạn nói về một bức tranh Hàng Trống, tôi đoan chắc nhiều người Việt chưa từng thấy bao giờ, thế nên cách thể hiện của loạt tác phẩm này, là mong muốn đưa nét đẹp dân gian ấy gần với người xem hơn”. 

Bài và ảnh: Lam Phong

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.