Sẽ ban hành luật quản lý ngoại kiều

 15:38 | Thứ tư, 18/06/2014  0

Theo Tờ trình của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cứ trú tại nước ta để tham quan, du lịch, tìm hiểu thị trường, hợp tác đầu tư, kinh doanh, học tập, lao động, nghiên cứu khoa học...; đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong tình hình mới Việt Nam cần phải điều chỉnh có hệ thống và ban hành pháp lu ật về lĩnh vực này.

Theo kết quả khảo sát của Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, từ năm 2001 đến nay, người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại các địa phương ngày càng tăng, trung bình hàng năm tăng từ 20% - 30%. Tính đến hết tháng 6-2013 đã có 22.791.327 lượt người nước ngoài vào Việt Nam du lịch; có 14.489 dự án của 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam ở cả 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, một số hiện tượng đáng chú ý là việc cho phép người nước ngoài được chuyển đổi mục đích trong thị thực đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và là một trong những nguyên nhân để một số doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân để làm dịch vụ gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú. Qui định hiện hành cũng chỉ điều chỉnh việc tạm trú của người nước ngoài tại khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà cho thuê, nhà riêng của thân nhân; trong thực tế người nước ngoài đến Việt Nam du lịch với nhiều hình thức phong phú, tạm trú cũng đa dạng (ngủ dã ngoại, trong nhà dân, nhà do người nước ngoài đứng tên…) nên cơ quan chức năng và chính quyền các cấp chưa có căn cứ pháp lý để quản lý.

Đáng chú ý, có một số trường hợp lao động là người nước ngoài vi phạm pháp luật ở địa phương này, không đủ điều kiện gia hạn thị thực, tạm trú đã lợi dụng chuyển sang tỉnh, thành phố khác có chi nhánh, văn phòng đại diện làm thủ tục xin gia hạn. Chế tài xử lý vi phạm đối với người nước ngoài hiện còn thiếu và quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật. Thủ tục thực hiện rườm rà dẫn đến khó khăn, lúng túng cho lực lượng chức năng khi áp dụng. Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự có một số điều khoản liên quan đến người nước ngoài có nội dung tương tự nhau nhưng mức xử phạt không giống nhau dẫn đến việc hiểu và áp dụng không thống nhất. Hiện vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan khác có liên quan (văn phòng Interpol, các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao…) trong điều tra, xử lý các vụ án có yếu tố nước ngoài. Trong giải quyết hồ sơ, thủ tục về hộ tịch, quốc tịch với người nước ngoài, nhất là về hôn nhân và gia đình, việc phát hiện và xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn do không có đầy đủ chứng cứ pháp lý và thiếu hành lang pháp luật để xử lý.

PV.

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.