Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19

 13:48 | Thứ sáu, 27/03/2020  0
Phải chăng công cụ đa dạng và phong phú của thời đại công nghệ số ngày nay đang chỉ được khai thác ở lớp bề mặt giản đơn nhất dựa trên một mô hình giáo dục cũ kĩ của nửa đầu thế kỉ XX?

LTS: Hơn một tháng qua, học sinh/sinh viên trên cả nước phải nghỉ học do trường học đóng cửa để phòng chống đại dịch COVID-19. Do thời gian nghỉ kéo dài, ngành giáo dục đã có những kế hoạch cụ thể nhằm thích ứng hoàn cảnh dịch bệnh. Các cơ sở giáo dục địa phương, nhiều trường học cũng đã linh hoạt bố trí các chương trình dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình nhằm củng cố kiến thức cho người học. Lập tức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh và học sinh nhưng cách dạy học này sau đó cũng nhận được những dấu hỏi nghi ngại về tính hiệu quả, những mặt trái của công nghệ, đặc biệt khi áp dụng trong thời gian dài. Bằng trải nghiệm và những nghiên cứu thực tế, Tiến sĩ khoa học giáo dục Nguyễn Tấn Đại đã gửi riêng cho Người Đô Thị loạt bài viết với những phân tích đáng chú ý về phương pháp học tập này, từ đó đưa ra những khuyến nghị cụ thể. Ông Đại hiện cũng đang là nghiên cứu viên liên kết Phòng thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục và truyền thông - LISEC thuộc Đại học Strasbourg, Pháp.

***

Khi các trường học đóng cửa kéo dài do dịch bệnh COVID-19, nhiều nơi đã tăng cường sử dụng các ứng dụng hội thoại có hình để dạy học trực tuyến như là một giải pháp thay thế cho việc giảng bài trên lớp học. Kèm theo đó là một xu hướng người dùng chấm điểm thấp các ứng dụng máy tính liên quan, làm nhiều người trở nên bức xúc, đặc biệt là về thái độ ứng xử văn hoá của học sinh.

Nhưng nói cho ngay, điểm đánh giá thấp ấy không phải chỉ do học sinh Việt Nam, mà nhiều người học trẻ tuổi ở khắp nơi trên thế giới cũng có hành động tương tự. Đằng sau câu chuyện này, có cả nguyên nhân từ chính các nhà giáo dục và thầy cô giáo mà chưa nhiều người thực sự quan tâm đến.

Truyền đạt kiến thức một chiều

Có thể nói, hai phương thức dạy học chủ đạo được các cơ sở giáo dục ưu tiên áp dụng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay là giảng bài qua truyền hình và giảng bài trực tuyến (qua mạng Internet).

Bài giảng truyền hình áp dụng chủ yếu ở bậc phổ thông. Nhiều địa phương mời các giáo viên giảng hay, tổ chức ghi hình các bài giảng theo từng môn ở từng lớp, rồi xếp lịch phát trên sóng truyền hình và thông báo cho học sinh đúng ngày đúng giờ mở tivi lên nghe, hoàn toàn không có tương tác.

Với Internet, các giáo viên sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hẹn học sinh, sinh viên đến đúng ngày giờ thì kết nối và nghe giảng trực tiếp qua mạng, với ít nhiều khả năng tương tác, trao đổi qua lại.

Học sinh học trực tuyến trong những ngày nghỉ học do dịch COVID-19. Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: Ngọc Dương/Báo Thanh Niên).

Các bài giảng qua truyền hình hay qua Internet có một ưu điểm lớn nhất thấy rõ, đó là có người giảng giải chi tiết các nội dung của những bài học dài như vẫn thường gặp trên trường trên lớp, với giả định là người nghe sẽ tập trung tối đa và tiếp thu ở mức cao nhất mọi kiến thức được truyền đạt. Nếu điều kiện kĩ thuật cho phép, các bài giảng ấy có thể được lưu trữ trên Internet và cho phép người cần học truy cập, xem lại vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đó cũng có thể chính là nhược điểm quan trọng về mặt giáo dục. Vì sao vậy?

Trước tiên, hãy xem xét một thái cực độc lập là truyền hình và video thuần tuý. Khi xem tivi, điều gì khiến bạn chăm chú theo dõi màn hình? Nghe ai đó đọc diễn văn hay giảng giải gì đó liên tục trong 45 phút, bạn có thường chuyển kênh? Một chương trình giải trí đơn điệu, nhàm chán có giữ bạn được quá 30 phút? Một bộ phim thiếu hấp dẫn có thể khiến bạn kiên trì xem hơn 15 phút? Khi bạn lướt Web, một đoạn video nếu không có gì đặc sắc trong 20 giây đầu tiên hoàn toàn có thể bị bỏ qua nhanh chóng. Những bài nói chuyện của những diễn giả có sức thu hút nhất thường cũng chỉ được biên tập cắt gọn trong vòng 5-10 phút và hiếm khi dài quá 30 phút.

Thành ra, các bài giảng hay đoạn phim giáo dục dưới dạng video dài quá 15 phút có thể khó lòng mà giữ chân được người học.

Ở một thái cực khác, khi học tập trung trên lớp, bao nhiêu trò sẽ ngủ gật nếu thầy giảng liên tục từ đầu tới cuối tiết học? Ngay cả với những giáo viên có khả năng sư phạm tốt nhất, trong mỗi bài giảng đều phải đan xen kết hợp các hoạt động khác nhau để giúp người học tập trung hứng thú, có thể hỏi - đáp hay giảng đi giảng lại cho đến khi người học hiểu được bài. Đó là chưa nói đến việc phương pháp giảng bài truyền đạt một chiều không còn được khuyến khích trong các trường học thời đại công nghệ số ngày nay. Vì vậy, cho rằng học sinh, sinh viên sẽ kiên trì nghe và lĩnh hội đầy đủ bài giảng video của thầy cô giáo liên tục hàng giờ, rồi hàng ngày và hàng tuần qua tivi hay máy tính, đó là một kì vọng phi thực tế.

Sự cô lập của người học

Sẽ có người nói rằng, giảng bài trực tuyến vẫn có cách để kiểm soát tương tác như trong lớp học. Ở đây, chúng ta cần quan tâm đến một khái niệm thoạt nghe rất lạ lẫm: sự cô lập của người học. Học ở nhà, học qua mạng, học mọi lúc mọi nơi thì lẽ ra phải là hoà nhập chứ sao lại cô lập?

Theo các giáo trình chính quy về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong giáo dục, sự cô lập của người học chính là tình trạng người học phải thực hiện hoạt động học tập trong khi bị tách rời hoàn toàn khỏi môi trường học tập, vốn có những yêu cầu và cách thức tổ chức riêng biệt trong phương thức giáo dục truyền thống.

Công cụ cũng chỉ là công cụ, với tất cả những ưu điểm và nhược điểm tự thân của từng loại. Điều quan trọng là trước khi nghĩ đến công cụ, người dạy cần phân biệt được hoạt động học tập nào có thể thực hiện hiệu quả từ xa, và hoạt động nào chỉ có tác dụng tốt khi tập trung mặt đối mặt trên lớp.

Ở đó, một khi bước qua cổng trường, đặt chân vào lớp học, người học đã bị hàng loạt các mối quan hệ học đường ràng buộc, phải tạm thời bỏ qua các mối bận tâm ngoài phạm vi môi trường học tập bao quanh. Ngay cả như thế, không phải lúc nào người học cũng có thể tập trung chuyên chú.

Một mặt, người dạy phải dùng quyền hạn điều hành của mình để kiểm soát người học, tránh tình trạng thầy cứ giảng trò cứ làm việc riêng, nói chuyện riêng hay lơ đãng lướt Web trên điện thoại. Mặt khác, người dạy giỏi còn phải biết kết hợp vừa giảng vừa điều chỉnh nhịp điệu tuỳ theo phản ứng của người học ngay trước mặt, để duy trì không khí sinh động của lớp học và hứng thú học tập nơi người học.

Dạy trực tuyến, dạy học qua truyền hình là cách làm được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng giữa mùa dịch COVID-19. Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: Đ.C/VTC).

Hầu hết những lợi thế trong phương thức dạy học tập trung đó đều bị mất đi trong môi trường học tập từ xa qua truyền hình hoặc Internet. Người học bị buộc phải tập trung vào mục tiêu học tập trong khi bị cô lập khỏi một môi trường thuần tuý dành cho học tập. Ngồi học ở nhà, làm sao tránh cồn cào khi mùi đồ ăn thơm phức trong bếp thoảng qua? Làm sao bình tâm trước màn hình hàng giờ khi hàng xóm nhà bên hát karaoke văng vẳng? Làm sao ngồi yên nghe giảng khi biết rằng cùng lúc ấy có một chương trình giải trí hay một bộ phim truyền hình hấp dẫn khó cưỡng? Làm sao không mơ màng lơ đãng lật sang trang Web khác xem những thứ nhẹ nhàng thú vị hơn hẳn những bài học khô khan và khái niệm phức tạp khi cả thầy lẫn bạn đều không thể phát hiện?...

Đó là chưa kể đến yếu tố tuổi tác, tâm lí và khả năng tự chủ của người học. Các phương thức đào tạo từ xa về cơ bản được thiết kế dành cho người trưởng thành, vốn có nhu cầu và khả năng tự học cao.

Ban đầu là đào tạo qua thư tín (giáo dục hàm thụ) phổ biến trong nửa đầu thế kỉ XX, dựa hoàn toàn vào năng lực đọc-hiểu của người học.

Theo đà phát triển của công nghệ thì phương thức đào tạo từ xa cũng chuyển mình từ thư tín qua truyền thanh và truyền hình, thịnh hành trong những năm 1970-1980, cải thiện thêm khâu nghe-nhìn.

Khi Internet phổ biến rộng rãi trong những năm 1990-2000 thì khái niệm e-learning (học tập điện tử) cũng ra đời, nâng tầm các hoạt động đào tạo từ xa thêm một bước, hỗ trợ tương tác ở mức độ đơn giản. Từ cuối những năm 2000, công nghệ Web động rồi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến chuyển lớn trong cách tổ chức các hoạt động đào tạo từ xa, với rất nhiều công cụ hỗ trợ hiệu quả từ làm việc cá nhân đến làm việc nhóm, từ biên soạn và chia sẻ tài nguyên đến hội thoại có tiếng, có hình, v.v.

Nhưng suy cho cùng, công cụ cũng chỉ là công cụ, với tất cả những ưu điểm và nhược điểm tự thân của từng loại. Điều quan trọng là trước khi nghĩ đến công cụ, người dạy cần phân biệt được hoạt động học tập nào có thể thực hiện hiệu quả từ xa, và hoạt động nào chỉ có tác dụng tốt khi tập trung mặt đối mặt trên lớp. Từ đó mới có thể lựa chọn công cụ nào phù hợp nhất với loại hoạt động muốn tổ chức.

Tổ chức các buổi học phát trên truyền hình hay giảng bài trực tuyến như đang thấy, sẽ không khác gì bê nguyên lớp học tập trung tại trường đặt lên truyền hình hay Internet. Với mọi hạn chế về khả năng điều hành, kiểm soát người học từ xa, các nhà giáo dục lại đòi hỏi người học phải tự vượt qua mọi rào cản môi trường phi-học-tập xung quanh cũng như khắc phục mọi hạn chế về năng lực học tập tự chủ (đặc biệt ở học sinh nhỏ tuổi) để nghe giảng cho đạt hiệu quả. Xa hơn nữa, giảng bài và nghe giảng dù có tương tác (qua Internet) hay không (qua truyền hình) cũng chỉ là hai hoạt động dạy học chiếm vai trò chủ đạo trong lối giáo dục truyền thụ của vài chục năm về trước. Và sẽ rất đáng tiếc khi các công cụ đa dạng và phong phú của thời đại công nghệ số ngày nay lại chỉ được khai thác ở lớp bề mặt giản đơn nhất dựa trên một mô hình giáo dục cũ kĩ của nửa đầu thế kỉ XX.

Còn tiếp...

Nguyễn Tấn Đại (Tiến sĩ Khoa học Giáo dục, nghiên cứu viên liên kết, Phòng thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục và truyền thông (LISEC), Đại học Strasbourg, Pháp.)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

#tiêu cực trong đăng kiểm
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.