Học trực tuyến, học qua truyền hình lên ngôi
Từ ngày 10.3, Sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình. Các bài dạy trên truyền hình là các bài học mới, tiếp nối chương trình dạy và học trong chương trình lớp 4,5 cấp Tiểu học, toàn cấp THCS và THPT năm học 2019 - 2020.
Theo đó, các môn dạy qua truyền hình đối với lớp 4,5 gồm các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh; Đối với lớp 6,7,8, 9 gồm các môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh; Đối với lớp 10,11 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh.
Đối với lớp 12 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong việc cung cấp kiến thức cho học sinh trong những ngày nghỉ tránh dịch. Ảnh: Vietnam+
Cùng với đó, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp cùng với Hệ thống giáo dục Học mãi thực hiện chương trình Lớp học không khoảng cách dành cho khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chương trình phát sóng chính thức từ ngày 12.3 trên các kênh VTC8, VTC 11, trực tuyến trên ứng dụng VTC Now và website www.vtc.gov.vn.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng, tổ chức các chương trình ôn tập kiến thức và giảng bài trên truyền hình như: Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Nam Định…
Bên cạnh dạy học qua truyền hình, nhằm giúp học sinh ôn luyện và học tập củng cố kiến thức, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) thực hiện chương trình học trực tuyến (Hanoi Study) tại địa chỉ study.hanoi.edu.vn đối với lớp 8, lớp 9 và lớp 11, lớp 12. Mỗi học sinh có mã định danh để truy cập vào tài khoản làm các bài kiểm tra ôn tập kiến thức, và có kết quả ngay sau đó.
Phương pháp học này khá hấp dẫn, thu hút được nhiều học sinh tham gia ôn tập. Trong thời gian thử nghiệm từ ngày 7.2.2020 đến 17.2.2020 tới 15 đơn vị trường THCS đã có 1,6 triệu lượt truy cập vào hệ thống Hanoi Study và có hơn 120.000 lượt ôn tập.
TS Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, sở đã tuyển chọn kỹ lưỡng đội ngũ chuyên gia, giáo viên để chuẩn hóa các nội dung, kiến thức và bài tập, xây dựng một kho tư liệu học tập trực tuyến phong phú của nhiều môn học.
Bên cạnh đó, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã tiến hành dạy trực tuyến cho học sinh thông qua các ứng dụng như zoom, hangouts, facebook, Microsoft Office 365… và được nhiều phụ huynh, học sinh đón nhận.
Điều kiện để được công nhận kết quả học tập trực tuyến
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều quốc gia cũng buộc phải đóng cửa trường học nhằm đảm bảo an toàn, trong đó có Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã có văn bản điều chỉnh khung thời gian năm học lần thứ 2 và khuyến khích các địa phương, các nhà trường tăng cường hình thức học từ xa, học trực tuyến và học qua truyền hình.
Học sinh tại TP.HCM tham gia một buổi học trực tuyến trong lúc không đến trường do dịch Covid-19. Ảnh: Báo Thanh Niên
Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT), cho biết bộ đã có văn bản hướng dẫn, dù các cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức học theo hình thức nào (học từ xa, học trực tuyến và học qua truyền hình) đều phải được tổ chức và quản lý chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả, chất lượng học tập, đặc biệt là đảm bảo tương tác hai chiều giữa người dạy và người học
Trong đó, đối với hình thức giảng dạy trực tuyến qua internet, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo xây dựng được hệ thống bài giảng bài bản, giáo viên, học sinh đều có tài khoản học tập, đảm bảo quá trình tương tác và giám sát quá trình học tập của học sinh. Đối với học qua truyền hình, các chương trình truyền hình cần phải có lịch cụ thể và giao nhiệm vụ cho học sinh qua truyền hình, phải có những bài tập, bài thu hoạch, nộp lại cho giáo viên.
Ông Thành cho biết, nếu đảm bảo việc kiểm soát quá trình học tập của học sinh thì kết quả học tập qua các hình trực tuyến, học qua truyền hình sẽ được công nhận. Khi quay trở lại trường, học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá những kiến thức quá trình học tập qua các hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình để rà soát. Căn cứ trên kết quả này, nhà trường tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp, đảm bảo sự tiếp nối, không học lại những kiến thức đã học.
Trước ý kiến băn khoăn, có những trường học trực tuyến, có những trường không học, có thể dẫn đến sự khác nhau về tiến độ học tập sau khi quay lại trường, ông Thành cho biết, từ nhiều năm nay, bộ GD&ĐT đã có văn bản giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch học tập cho các nhà trường. Vì vậy căn cứ vào thực tế của mỗi trường, khi quay trở lại học, mỗi cơ sở giáo dục đào tạo sẽ có những kế hoạch học tập riêng để đảm bảo các chương trình theo khung của bộ GD&ĐT.
TS Kiều Văn Minh- Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, khuyến cáo: Các bậc phụ huynh tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các em có một không gian cần thiết khi các em học trực tiếp qua màn hình. Mục đích là để các em mới có thể tập trung, lắng nghe và thực hiện những công việc mà thầy cô giáo hướng dẫn trên truyền hình.
Hiệu quả học tập qua truyền hình hoàn toàn phụ thuộc vào học sinh. Các em học sinh cần chuẩn bị bài trước khi học trên truyền hình. Các em cũng phải chủ động trong quá trình tiếp thu và chủ động trong quá trình ôn luyện và các em phát triển các nội dung mà thầy cô hướng dẫn thành kiến thức của mình.
Ngày 13.3, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn chỉ đạo các trường không được thu bất cứ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh khi tổ chức dạy học online, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên.
Ngày 17.3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gỡ lệnh cấm các trường ngoài công lập thu bất cứ khoản tiền nào khi tổ chức dạy học online.
Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn các trường ngoài công lập cần thỏa thuận với phu huynh về các khoản phát sinh phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo công khai và đồng thuận. Chi phí hỗ trợ học online, học phí của tháng đã thu và tháng sau khi trở lại trường không vượt quá tổng học phí cả năm học mà nhà trường đã thông báo từ đầu.
Ông Trần Mạnh Tùng, Giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh:
Nên phải triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn
Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc của Sở Giáo dục và đào tạo, các Đài Truyền hình phối hợp thực hiện các chương trình Giảng dạy qua truyền hình để hỗ trợ cho các em học sinh ôn tập trong thời gian nghỉ học. Những giải pháp này tuy là giải pháp tình thế nhưng nếu được triển khai sớm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Công văn của Bộ Giáo dục và đào tạo cơ bản ghi nhận kết quả học trực tuyến như là học trực tiếp, tức là cho phép giảng dạy bài học mới để sau này đi học có thể tinh giản bớt chương trình học. Trong bối cảnh có thể phải nghỉ học lâu dài, thời gian tới, các địa phương, các nhà trường và giáo viên nên phải triển khai đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, thống nhất để hiệu quả đạt cao hơn giúp cho việc hỗ trợ các em trong thời gian nghỉ dịch hiệu quả.
Minh Hân