Khúc hoan ca của cỏ dại

 10:15 | Chủ nhật, 15/09/2024  0
Cỏ dại hiểu đất, hiểu trời, hiểu nhu cầu của muôn loài. Cỏ hãnh diện cuộc đời nó chỉ có một mùa và thản nhiên nối vào cho thế hệ tiếp ở mùa sau. Một mùa đã đủ hiểu lòng đất và trời xanh.

Năm nào N’hai Prang thật tàn khốc thì mùa tiếp nối đó N’hai N’hạch (*) diễn ra càng tưng bừng. Người K’Ho bản địa ở Tây Nguyên gọi những tháng trời đất có nước trời làm ẩm ướt là thế. Giờ thì mọi cung đường đất đã xanh rờn. N’hớt (**) đã về! Bất cứ sinh vật thân thảo nào mà mọc tự nhiên, nghĩa là không phải từ tay người trồng ra, thì gọi trọn là N’hớt

Trong từng khe đá nhỏ nhất cỏ cũng chen chỗ để lên, “pha” màu mới. Những lối mòn tần tảo trên rẫy của người nông dân, cỏ non lên xanh sau ít ngày đã muốn ngậm luôn lấy nó. Những vệt màu đỏ đất bazan trên những ngọn núi mà bọn tham tàn dọn sạch rừng để mưu đồ đổi công năng của núi rừng cũng thế, thoáng chốc ngát xanh vì cỏ. 

Xanh từ trên chóp núi cao và cả nơi đáy vực thẳm. 

Xanh được thời khắc nào thì xanh. 

Tôi như mất hút trong đó, bị “nhúng” vào đó, trong cái bóng dáng le lói bọt bèo của mình. Những trùng trùng xanh đã nuốt mất tôi. Những bòn, buôn, plei, làng mạc, thị trấn hiện rõ chỉ là phần “lẩy” ra của màu xanh, tí chút chỉ dấu le lói, nếu đứng trên những đỉnh núi mà nhìn xuống.

Lặng im

Cỏ ở đâu nhiều thế không biết. Sau vài chục ngày mưa, mọi núi đồi, rẫy, nương, rừng trọc, rừng rậm... đều ứ hự cỏ. Chẳng có sinh vật nào mãnh liệt hơn. Những chủng tử (hạt mầm) kia ẩn nấp thế nào trong lòng đất này và cách nào để nó không bị hư thối, chuột chim, côn trùng mối mọt, nắng nung nước ngâm; trong khi với con người, bất cứ thứ hạt giống nào cũng phải gói giữ từng li cho đảm bảo. Trời kia đặt “kho cất giữ hạt giống” ở nơi nơi, nhiều như vô tận. Sự cất giữ bí ẩn, kỳ diệu một cách “cẩu thả” mà con người không thể giải thích nổi về độ hiệu quả. Hay hạt cỏ tự biết phải trốn tránh cách nào để tiếp tục hành trình sinh con đẻ cái, duy trì giống nòi. Hẳn lặng im lăn lóc, chịu đau thương, trả giá, thích ứng, tự làm mình lành lặn là phương cách. Những hạt cây trú ẩn bằng quy luật nổi trôi, tự sàng lọc của mình. Thì khi mùa N’hai N’hạch trở lại nó mới mọc cho thỏa sự thèm ước “ra đời”. 

Mặt đất, các nguyên tố vi lượng, ánh sáng, độ ẩm, khí gió - chỉ cần thế, không cầu ai coi chăm, để tâm. Là mọc lên. Ở đây mọc không từng cây mà thành “thảm” - những “tấm thảm xanh biêng biếc trời dệt” tung ra khắp cao nguyên, giăng ra khắp địa cầu. Không phải một, mà muôn loài cỏ. Cùng nhau lên và cùng nhau chung sống. 

Tràn ngập bông cỏ dại màu hồng trên rẫy nương mùa mưa.


Chao ôi, cái âm thân thương và hay ho đơn sơ, N’hớt, cỏ dại! 

Trong rừng lá rộng cây cao kia thì dưới mặt đất N’hớt cũng hẹn hò cùng trỗi lên, tạo ra những thảm “thực bì” xanh - ở rừng, thuật ngữ lâm học gọi là vậy. Trong rừng N’ho (thông) thuần nhất cỏ dại cũng không chối từ mặt đất, cũng kịp hiện xanh mơn muốt mắt. Cây thân mộc sống phần thân mộc, cỏ dại sống phần cỏ dại, mỗi giống loài một cách. Và những dải núi non, ngọn đồi, thung lũng đã bị cạo trọc tầng rừng nguyên sinh thâm u cây thân gỗ thì phần mặt đất lòi ra cũng sẽ thuộc về cỏ dại với những loài càng lạ lùng tương thích. Ở đây cỏ dại không che giấu tội lỗi của người mà là che chở cho mặt đất khỏi thành hoang mạc, đầu tiên là khỏi rửa trôi đất vì nước đổ. 

Ôi sao mà êm ả, mát dịu, thái bình thế này. 

Ngất ngây, và no say với khí trời tinh khiết. 

Ta cho nơi tràn đầy cỏ dại như đây là “thiên đường”. Ta lăn tầm mắt trên cỏ. Ta rửa những ô trọc đã dính vào bằng cỏ. Cỏ dại dạy tôi về sự nhuận hòa, và cúi xuống cho ai muốn cư xử thế nào thì cư xử; mọi lợi lộc và chiến thắng cứ thuộc về người ta đi. Ta đang đi học ngu. Bởi thế gian ai cũng lao vào để học khôn. Trước cuộc đời chớp nhoáng thì “khôn” hay “ngu” cũng như nhau, rốt cuộc cũng chẳng để làm gì. Hẹn hò nhau nơi cuối cùng, nấm mộ hoang. Hẹn hò với cỏ dại - cái “đích” rồi ai cũng về đấy cả...

Rực rỡ

N’hớt “thức” dậy. 

Khép lại những vùng đất, thẻo đất, lối đất đỏ lòm hoặc trắng phau trơ trọi sau những tháng ngày thiếp ngủ trong khô hạn. 

Đủ loại “công viên trời” lớn nhỏ rải ra khắp đất trời mà không cần sự chăm chút vất vả của người, được tổ chức, lập dự án, hay dùng tiền thuế của người mà tạo nên. Có khi là những công viên trời tạo với mênh mông một màu đỏ, bao la một màu trắng, hay bát ngát một màu vàng. Có khi chúng là những tổ hợp muôn màu. Thế giới thực vật là vậy, không đứng thì bò, không cây thì cỏ. Nhưng bên trong nó thì bí hiểm, diệu kỳ. 

Trong nhân gian, sự thơ mộng là đây, khí hậu trong lành là đây, chất lượng sống là đây. Nào phải sống ở những siêu đô thị cao giá hay trên tầng cao của những tòa cao ốc hạng sang mới có cơ hội để hít khí trời và nhìn màu xanh tử tế. Muốn đến nơi những thảm cỏ dại này phải cởi bỏ những khoe khoang. Và không cần những thán phục. Bậc thang giữa mênh mông cỏ dại là bậc thang không cần tiếng của bầy đàn... 

*

Con người tôi hay quên những cảm xúc sâu xa. Tôi ngày bận nghĩ về vật chất, toan tính nên trước N’hớt cứ ngỡ ngàng. Sống vô tư như cỏ dại may ra mới thành một sinh vật lương thiện, mà điều này thì quá khó với nhiều loài.

Giữa một “biển trời” muôn loài li ti đó, con người làm sao “gọi” lên hết chúng là gì, vì nhiều loài chưa có tên. Thế mới hay vì sao con người chỉ mới có thể hoàn thành phân loài thực vật ở các loài thân gỗ, hoặc quen thuộc, hữu dụng, còn phân loài cho hết thế giới cỏ dại vẫn cứ còn dang dở, tồn đọng mãi thôi. Có thể vì cỏ dại quá “bên lề”, hoặc vì nó quá bao la, vô cùng tận. Chao ôi, làm sao để “tạc tượng” cỏ hoang đây!? Chẳng cần phải nghe làm gì nữa những giai điệu của âm nhạc Nỗi buồn sa mạc, Đồng xanh, Tình ca du mục, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Cỏ hồng... Những gì chúng ta “nghe” có thấm vào đâu so với những gì chúng ta “thấy”!

Cỏ dại luôn liên tục an nhiên tự xóa mình để tái sinh. Giá mà sinh vật nào cũng xem nhẹ thân xác và vinh hoa thì nơi mặt đất không có quyền sở hữu nào và đi vào hủy diệt. Cỏ xanh là đang có thật, vô tận và miễn phí. Cảm giác về một sự thanh bình, an lành là đang có thật. 

Thanh bình, thơ mộng, hoang dại thì không quy thành vật chất được, không “bán” được - không ai cầu, chẳng ai mua. 

Phong ba dập vùi 

Xanh hết mình để mang ơn trời đất. 

Trổ bông hết mình vì mang ơn nhựa sống. 

Mới cố mà làm cái việc rỗi hơi là phủ xanh cho hết mọi ngóc ngách - dẫu cái sự kiêu ngạo “chỉ là cỏ dại” ở con người không để ý đến sự tử tế đó. Chỉ thiên nhiên bao dung vô độ mới miệt mài khôi phục màu xanh như thế. Mới làm tươi mát và chữa lành mặt đất. Mới làm trời cao hòa vào trường ca thiên nhiên. 

Con người cũng tội nghiệp như muôn loài động vật khác mà thôi, chỉ biết hung hăng, ngấu nghiến. Mục đích của con người là vật chất, thành tựu, cùng niềm kiêu hãnh khai hoang, chinh phục. Ngoài hai mục tiêu đó con người không biết đến gì nữa, mà nếu có cái khác thì chỉ là làm màu, giả vờ, hoặc hối lỗi thôi. 

Tất cả đều ra đi, chỉ cỏ dại vẫn ở lại. Mọi công trình của loài người đều khởi xây trên cỏ dại. Và mọi công trình đều được “bàn giao” lại cho cỏ dại, đóng lại trên cỏ dại. 

Cỏ dại đang làm việc như...“chơi”.

Cỏ dại dĩ nhiên không sợ phong ba, càng không sợ con người. Cỏ chọn hồn nhiên để sống, phanh ngực giữa trời đất mà không cần cả đời loay hoay, phải chui rúc như con người cần “nhà” để tránh những nỗi sợ, nắng mưa, bóng đêm, và kéo dài tuổi thọ. Cỏ có “máu” (nhựa), có linh hồn vô lượng. Nên cỏ dại hiểu đất, hiểu trời, hiểu nhu cầu của muôn loài; yêu nước, yêu gió, yêu đêm, yêu ngày, yêu giông bão. Cỏ hãnh diện cuộc đời nó chỉ có một mùa và thản nhiên nối vào cho thế hệ tiếp ở mùa sau. Một mùa đã đủ hiểu lòng đất và trời xanh. 

Dầm mưa dãi nắng và không “chạy” trốn thiên tai chỉ có thể là cỏ cây này. 

*

Cỏ chỉ muốn được bình thường, sinh tồn, trong kiếp ngắn ngủi đó. Cỏ không mơ cao sang hay quyền quý. Cỏ thấu biết uy quyền hay cao sang đều không thật có nơi dương gian, chỉ trồi lên rồi lịm lụi. Bất cứ cây to nào cũng rã nát, con người nào cũng rã nát, vương triều nào cũng rã nát, thành quách nào rồi cũng hoang tàn. Kiêu hùng, đại chí, tham tàn tung hoành như Thành Cát Tư Hãn mà còn xuất hiện thoáng chốc rồi biến tan để trả lại mọi thảo nguyên của lục địa Á - Âu cho cỏ dại. Mọi di sản của nhân loại hay kho bom đạn tối tân nhất cũng hóa hoang vu ngay nếu không cử người lau chùi, coi sóc, trùng tu, phục chế, mà sự hết hữu dụng, thả nổi, bỏ đi, sụp đổ thì cứ luôn phải đến. Ngay cả nếu xuất hiện một thứ đại dịch tận triệt, hoặc chiến tranh hạt nhân có nổ ra thì chắc chắn giống loài cuối cùng còn lại vẫn cứ là cỏ dại. 

Đã quen với bất hạnh nên khổ đau có đến thêm từng mùa thì cỏ dại vẫn phơi phới sống trong bất hạnh cùng vô danh ấy. Tồn tại một cách nghiệt ngã. Đẹp một cách xót xa. Đại dương cực kỳ quan trọng, bầu trời rất quan trọng, nhưng mặt đất cứ vẫn là chốn quan trọng nhất. Vì nơi đây mọi loài sống sinh động nhất, gần gũi nhất, đặc biệt cận cảnh với cỏ dại và con người. Mặt đất bao la nhưng mặt đất cứ hoang liêu nên luôn cần sự che chở, nên mặt đất cần thảm thực bì. 

Thì lòng cỏ dại vô biên, giang tay đón chịu. 

Mưa có vùi xác, nắng có thiêu cháy cỏ cũng không trách móc. 

Cỏ không biết hận thù. 

*

Không có nhận thức công bằng về muôn loài thì không thể thấy được tư cách của cỏ dại đâu. 

Tham tàn, phàm phu, coi trọng vật chất thì không “nghe” được niềm vui hay nỗi buồn của cỏ dại đâu. 

Con người không học nghe lời cỏ dại: chả có thứ sức mạnh, thế lực nào có thể vùi dập, triệt tiêu được cỏ dại cả. 

Giờ thì ta không còn phân biệt được cái gì mới là “dại” giữa kiếp tồn sinh hữu hạn thoáng qua này.  

Loài “ở lại”

Cuộc khát sống của cỏ dại, con người làm sao thấu biết. Mọi loài động vật đều thua con người, phải hốt hoảng, sợ hãi, trốn chạy, thậm chí tuyệt chủng. Cỏ dại thì không. 

Tất cả đều ra đi, chỉ cỏ dại vẫn ở lại. 

Mọi công trình của loài người đều khởi xây trên cỏ dại.

Và mọi công trình đều được “bàn giao” lại cho cỏ dại, đóng lại trên cỏ dại. 

Cỏ dại làm cả loài người ngồi xuống, khuyên con người bài học đầu tiên và bài học cuối cùng, rằng: muốn có cái ăn và tìm thấy ý nghĩa cuộc đời thì phải “vạch cỏ tìm đất” - tạo giá trị qua lao động, nuôi sống bản thân. Như những kinh thành, cung điện, đền đài, thành phố, di chỉ... bất kỳ nơi nào bảy ngàn năm qua, cỏ dại sẽ thế chỗ, làm hoang vu ngay chỉ sau ít mùa cỏ dại. Con người rất sợ sức mạnh của sự hoang tàn. “Hoang tàn” cũng chính là cỏ dại đó - sự trỗi dậy của hoang vu, của sinh vật “đại diện”, “chủ nhân” mặt đất. Cỏ dại sẽ nuốt chửng tất cả. Hãy nhìn nấm mộ của những bạo chúa và kinh đô của những đế vương quá vãng.  

Phải không cỏ dại ơi?

Những ngọn đồi hoa dại mà không công viên nào ganh đua nổi!


Sự khởi đầu và tương lai của hành tinh trái đất này vẫn cứ là những miền hoang vu. Tạm thời cõi người với những thành phố, thị trấn, làng mạc, siêu đô thị mới... thì cũng chỉ là phần “lẩy” ra từ không gian của sinh học, cao nguyên, châu thổ, sông ngòi, đại dương. 

“Kẻ” thống ngự là “ai”, đã rõ rồi nghen. 

Chao ôi, cái kẻ khiêm nhường nằm sát mặt đất và lòng từ ái mênh mông vô lượng thì mới có thể làm chủ nhân vạn buổi xuyên thời của mặt đất. Những loài cây khác, công trình, chỉ dấu “hiện đại” nọ kia... chỉ là sự “đại diện thế chỗ”, tính tạm thời cho những khoảnh khắc thời gian nào đó đi qua mặt đất, phụ họa vào bức tranh địa cầu, bởi sau đó Trời kia cũng “bàn giao” lại cho kẻ chơi chính N’hớt. Nói về mặt đất và địa cầu thì đoái hoài chi nữa đến Liên Hiệp Quốc hay quốc gia, bộ lạc, chủng tộc, xã hội người, nòi giống riêng người, hay “thành tựu” kỹ nghệ nọ kia của con người. Loài có chữ viết thì ghi vào sử sách sự thống trị tư tưởng của mình; còn loài thực sự thống trị đầu tiên và thống trị cuối cùng là cỏ dại thì nó không cần đến sự ghi. Trời cho nó thế, số phận nó thế.

Mỗi mùa xuất hiện là một mùa “trăng mật”, và mãi mãi trăng mật luôn mới.

Buổi hồng hoang đang gọi những kỷ nguyên còn phía trước với chủ nhân được vũ trụ chọn luôn cứ “cũ” bất biến kỳ diệu ấy. Đời người quá ngắn và triều đại nào cũng ngắn, còn đời cỏ dại thì luân hồi mạnh mẽ, bền bỉ, quá dài, quá vững chãi. Chúng ta cần hiểu thế giới bằng sự thực chứ không nên bằng ý chí hay sự khát muốn. Đừng ganh tị với N’hớt khi mà sự thật ở trần gian là thế, và cũng không nên soán ngôi cỏ dại. 

Bớt huyễn hoặc về khả năng chinh phục và thống trị của con người đi... 

*

Trong bản chất cỏ dại, cứ như thể chúng có lời nguyền “phải trở lại!”.

Quá nhiều sắc thái đổ xuống và nhảy múa ở mùa này. 

Thêm những ngày mưa để mặt đất khai tâm tôi. 

Thêm những mùa mưa để tôi hiểu về sự sống. 

Thêm những khắc nghiệt và thêm những ngọt lành của đất trời để tôi hình dung về tạo hóa. 

Thêm mưa, thêm nắng, thêm ẩm, thêm lạnh, thêm vui, thêm buồn, thêm chộn rộn và thêm vắng vẻ để tôi nhận ra tính nhiệt đới ngược xuôi trong mình và sự nhiệt đới thẳng băng về cõi chốn tôi đang tồn sinh. 

Thêm những cuộc hội hè thăng - giáng của cỏ dại để thấy nó mới là đối tượng phi thường và phi phàm nhất. 
Xin lỗi mày nghen cỏ dại, bởi ta cũng phải giẫm lên mày, vì đôi bàn chân ta không còn lối thoát khi mày đã bao vây, phong tỏa từ độ vào N’hai N’hạch

Thế giới quanh tôi là thế giới sinh vật và sự vận hành của nó là những cuộc nhảy múa cùng những bộn bề, đẹp đẽ mà khắc nghiệt, thơ mộng được gọi tên “Sự sống”. 

Bá chủ / Kẻ chơi chính / “Chủ chăn”, không có đối thủ, như đã nói, là... cỏ dại. 

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

_________________________

(*) N’hai Prang: thổ ngữ người bản địa miền cao nguyên, K’Ho, Mạ nghĩa tương đương với “mùa khô”; N’hai N’hạch tương đương với “mùa mưa”
 (**) N’hớt: thổ ngữ sắc tộc K’Ho, Mạ, M’Nông tựa như “cỏ dại” trong tiếng Kinh.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.