PGS-TS. Nguyễn Xuân Huy: Thay đổi mô hình đào tạo nhân lực liên quan đất hiếm

 10:54 | Thứ sáu, 08/12/2023  0
Nếu quan tâm đến khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm, có một số ngành học và chuyên ngành mà sinh viên có thể xem xét như kỹ thuật mỏ và khoáng sản hay công nghệ khai thác khoáng sản. Đây là ngành học chính liên quan đến khai thác các nguyên tố đất hiếm.
PGS-TS. Nguyễn Xuân Huy - giảng viên Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí, Đại học Bách Khoa TP.HCM. Ảnh: Q.N

Về đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến đất hiếm, tất cả phải được tiếp cận theo hướng liên ngành, gồm địa chất khoáng sản, công nghệ vật liệu và điện tử. Ví dụ bây giờ nói phát triển bán dẫn nhưng rõ ràng nguyên vật liệu đầu vào là đất hiếm, thuộc ngành địa chất khoáng sản. Từ đó thấy rằng phải có quy hoạch vùng để tính toán trữ lượng, phương pháp khai thác… là những cái thuộc công nghệ vật liệu. Khi khai thác lên dùng để làm gì, công nghệ xe điện hay sản xuất pin, thì là của nghiên cứu điện tử. Trên thế giới người ta đã tổ chức đào tạo liên ngành từ lâu.

Đáng buồn là hiện ở Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, hai ngành Địa chất khoáng sản và Công nghệ vật liệu lại có số lượng tuyển sinh đầu vào thấp nhất. Đây là hai trụ cột của đất hiếm mà sinh viên lại thích chọn công nghệ bán dẫn, nghĩa là chọn phần trên thôi, còn cái phần móng ít ai để ý. Chưa kể công nghệ bán dẫn chủ yếu chỉ dạy lý thuyết, không có phòng thí nghiệm. Vì vậy tôi cho rằng muốn đi nhanh, các đại học cần mời các công ty công nghệ vô trường. Họ có thể cùng tham gia đào tạo nhân lực để có thể sử dụng được trong thực tế, vừa đầu tư phát triển phòng thí nghiệm.

Ở châu Âu, họ mời Intel, Samsung vô trường, vừa dạy vừa thực tế luôn, gọi là “one-door” (một cửa). Mô hình này cũng giải quyết tình trạng lâu nay của Việt Nam là sinh viên công nghệ ra trường nhưng doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại, tốn kém thời gian, công sức. Mô hình này hoàn toàn phù hợp với ngành bán dẫn theo xu hướng sắp tới.

Chương trình đào tạo về bán dẫn và chip điện tử tiên tiến thường yêu cầu sinh viên nắm vững một loạt các môn học cốt lõi trong lĩnh vực kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, công nghệ vật liệu và vật lý, nhất là đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại để thực hành. Nhưng trong chương trình đào tạo này, việc tìm hiểu về các nguyên tố đất hiếm thường không được yêu cầu như một phần cốt lõi của chương trình. Việc hiểu về các nguyên tố đất hiếm có thể hữu ích nếu quan tâm đến các lĩnh vực như công nghệ vật liệu mới, công nghệ xanh hoặc ngành khai thác và chế biến khoáng sản nếu muốn làm việc trong ngành công nghiệp khai thác và chế biến nguyên tố đất hiếm.

Mẫu đất hiếm Nậm Xe được các nhà nghiên cứu đưa về chiết tách, định lượng khoáng chất. Ảnh tư liệu minh họa: Vnexpress


Ngoài ra, người trẻ nên quan tâm đến các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và bảo mật nguyên liệu, việc hiểu về vị trí quan trọng của các nguyên tố đất hiếm trong nhiều công nghệ hiện đại có thể hữu ích. Việc học các môn học liên quan đến vật lý và hóa học của các nguyên tố đất hiếm cũng như các khía cạnh trong quá trình khai thác, chế biến và tái chế chúng, có thể được thực hiện trong khuôn khổ các chương trình đào tạo sau đại học hoặc như một phần của chương trình đào tạo chuyên ngành đại học.

Nếu quan tâm đến khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm, có một số ngành học và chuyên ngành mà sinh viên có thể xem xét như kỹ thuật mỏ và khoáng sản hay công nghệ khai thác khoáng sản. Đây là ngành học chính liên quan đến khai thác các nguyên tố đất hiếm. Chương trình đào tạo thường bao gồm các môn học về địa chất, kỹ thuật mỏ, quản lý môi trường và kỹ thuật khai thác. Ngành quan trọng thứ hai là công nghệ vật liệu, thường tập trung nghiên cứu chế biến, tinh luyện các nguyên tố đất hiếm từ nguyên liệu khai thác. Sinh viên có thể học cách tách nguyên tố đất hiếm ra khỏi các khoáng vật và cách tinh luyện chúng thành các sản phẩm hữu ích. Ngành kỹ thuật môi trường giúp hiểu về những tác động đáng kể của khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm đối với môi trường và cách giảm thiểu.

Ngoài ra còn có ngành quản lý tài nguyên và chính sách giúp sinh viên hiểu về các khía cạnh chính trị, kinh tế và xã hội của việc quản lý nguồn tài nguyên đất hiếm. Ngành kỹ thuật địa chất tìm hiểu về nguồn gốc, cấu trúc và quy luật phân bố của các nguyên tố đất hiếm trong vỏ trái đất... 

Quốc Ngọc ghi

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.