Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho rằng, việc công bố thông tin 77 dự án đang thế chấp ngân hàng là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà.
“Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc phải công bố thông tin liên quan đến những vấn đề tài sản, dự án thế chấp nên chúng tôi căn cứ vào quy định của pháp luật, trong đó nhận thấy cần thiết phải công bố một số dự án đã đủ điều kiện mua bán, hoàn thành thủ tục hoặc những dự án đã hoàn thành nhưng còn vướng mắc, chưa cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người dân”.
Thông tin trên được Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) Phạm Ngọc Liên cho biết tại buổi họp báo chiều 29.7, trước câu hỏi của báo giới “tại sạo thành phố có hàng trăm dự án nhưng cơ quan này chỉ công bố 77 dự án đang thế chấp, cầm cố tại ngân hàng”.
Sẽ cập nhật liên tục
Theo lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, việc công bố thông tin chủ yếu lựa chọn các dự án gắn liền giữa quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở hình thành trong tương lai), tính từ thời điểm Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.
Mục đích của việc công bố này là nhằm khuyến khích các chủ đầu tư các dự án chú ý đến việc làm sổ cho người mua nhà. Do vậy, ngay khi giải chấp 1 căn hộ, cơ quan này sẽ cập nhật liên tục, hoặc chủ đầu tư làm tốt công tác làm thủ tục cho người dân, cũng sẽ được công bố công khai.
Nói về con số 77 dự án bị “bêu tên”, ông Phạm Ngọc Liên cho biết "trong quá trình đầu tư dự án, chủ đầu tư nào cũng cần huy động vốn, thu tiền của người mua trước khi giao nhà. Chính vì vậy mới có con số 77, chứ thật ra hàng trăm dự án trên địa bàn thành phố đang trong quá trình đầu tư đều phải liên kết với ngân hàng thương mại".
Do vậy, theo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, việc thế chấp tài sản để phát triển dự án là điều bình thường và chủ đầu tư cần thực hiện đúng quy định pháp luật.
Cũng theo ông Liên, nếu muốn cung cấp đầy đủ thông tin của gần 600 dự án trên địa bàn thì cần phải có sự phối hợp với nhiều sở, ngành.
“Chúng tôi sẽ trình UBND thành phố xin ý kiến công bố định kỳ các dự án thế chấp, có thể từ 1 - 2 tháng, tùy vào cho phép của lãnh đạo thành phố và cơ sở hạ tầng, nguồn lực”, ông Liên nói.
Ngoài ra, bên cạnh dự án đang bị thế chấp còn loại dự án chủ đầu tư triển khai nhưng vi phạm về quản lý dự án: xây dựng thêm tầng, hoặc chuyển đổi công năng của sản phẩm, thay đổi tầng, cơ quan này cũng sẽ công bố tình trạng dự án cho người mua nhà nắm rõ.
Lắng nghe các cơ quan báo chí
Trả lời câu hỏi về phản hồi của một số doanh nghiệp cho rằng, thông tin mà Văn phòng Đăng ký đất đai công bố không đúng với thực tế dự án, ông Liên cho hay, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có thông tin dựa trên sổ đăng ký, đơn đăng ký và hợp đồng thế chấp, trong đó nhiều thông tin chỉ có một phần dự án, không phải toàn bộ.
“Nếu cung cấp thật đầy đủ, có phân loại từng loại hình thế chấp, chúng tôi tìm trong các hợp đồng thế chấp thì không có thông tin phản ánh như các doanh nghiệp yêu cầu. Qua đó, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để xác định được thông tin nào cần cung cấp, loại nào phải bảo đảm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đợt công bố thông tin dự án có thế chấp tại ngân hàng đợt 2 sắp tới, chúng tôi sẽ dựa vào những thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước để phân loại một cách chuẩn xác hơn”, ông Liên cho biết.
Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, việc cung cấp thông tin này dẫn đến nhiều dư luận, do đó, cơ quan này sẽ lắng nghe các cơ quan báo chí để đút kết kinh nghiệm, đưa thông tin đi vào chiều sâu nhằm giúp cho các bên hài hòa.
Bên cạnh đó, để tránh cho việc một dự án, căn hộ thế chấp hai lần, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, có hai vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, đối với dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở chung cư), thì pháp luật quy định khi bán nhà cho khách hàng chủ đầu tư phải giải chấp tài sản là chính căn hộ này khỏi ngân hàng nhằm. Do vậy, người mua nhà vẫn yên tâm vì căn hộ mình mua sẽ không bị cầm cố lần thứ 2, nếu như chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ quy trình giải chấp.
Thứ hai là nhìn qua danh sách này, việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ đầu tiên dễ dàng hơn, vì chủ đầu tư phải tiến hành giảm trừ số căn hộ đã được giải chấp trên giấy chứng nhận của cả dự án.
Do vậy, sau khi công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện một số công việc khác nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà.
Bảo Anh
(Theo Vneconomy)
» Đến lượt Hà Nội nêu tên loạt dự án đang “cắm” ngân hàng
» Góc khuất ít biết khi doanh nghiệp bất động sản vay vốn làm dự án
» Vụ 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng: Làm rõ để tránh hiểu nhầm
» TP.HCM công bố 77 dự án bất động sản bị thế chấp ngân hàng
» Thị trường bất động sản Việt Nam: Quy mô 21 tỷ USD, dư nợ 16 tỷ USD