“Trái tim thứ hai” của một bác sĩ trẻ

 18:33 | Thứ hai, 12/09/2016  0

Như vậy là nỗi ám ảnh đứa cháu nội rơi vào vòng xoáy tử thần của “hội chứng tay vượn” như người cha đã chết, mà bà Nhị kể trong lá thư nhờ tôi chuyển đến bác sĩ Khoa, được trút bỏ.

Câu chuyện gia đình bà Nhị từng khiến nhiều bạn đọc xúc động bốn năm trước, được ThS-BS. Ngô Bảo Khoa nhắc lại trong sách Trái tim trong cuộc sống, như một kỷ niệm nghề đáng nhớ: “Các bác sĩ tim mạch không lạ gì hội chứng tay vượn, tuy nhiên vào thời điểm đó, cộng đồng chưa biết nhiều đến căn bệnh này. Có thể nói bài báo Mối nguy cả nhà mắc hội chứng tay vượn và những sự kiện sau đó đã góp phần giúp cộng đồng biết đến, hiểu thêm về hội chứng tay vượn, từ đó có ý thức tầm soát và phát hiện bệnh sớm nhằm có biện pháp phòng ngừa, điều trị thích hợp…”. Không chỉ nhận khám miễn phí cho cháu nội bà Nhị, lần đó bác sĩ Khoa còn đề xuất lãnh đạo khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Ðại học Y dược TP.HCM thực hiện chương trình khám tầm soát miễn phí hội chứng tay vượn cho rất nhiều trường hợp khác.

“Giúp cộng đồng biết đến, hiểu thêm…” cũng là mạch nguồn chảy xuyên suốt qua “hai trái tim” của bác sĩ Khoa: Câu chuyện trái tim (phát hành 2011) và Trái tim trong cuộc sống (phát hành 2015).

Nếu “trái tim thứ nhất” dành riêng cho người mắc bệnh tim mạch, muốn biết các liệu pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật thì “trái tim thứ hai” mở rộng hơn cho cả những người khỏe mạnh cần tìm hiểu các vấn đề tim mạch thường gặp, để từ đó biết cách sống đúng - sống lành - sống đủ, phòng ngừa các hiểm họa tim mạch, một trong những nhóm bệnh lý gây tử vong hàng đầu. 

Bà Mai Thị Nhị và cháu nội trong lần tái khám sau bốn năm với ThS-BS. Ngô Bảo Khoa tại Bệnh viện Ðại học Y dược TP.HCM. Ảnh TLBS

Không văn chương hóa các sắc thái bệnh tật như những bậc đàn anh tung tẩy trên các bài báo, cũng không trích cú hàn lâm các thuật ngữ y học như nhiều đồng nghiệp viết trên chuyên mục sức khỏe, bác sĩ Khoa chọn cách truyền thông những vấn đề tim mạch đến công chúng bằng tư thế của một người kể chuyện từ phòng khám. Lựa ra trong thực tiễn khám bệnh những tình huống tim mạch thường gặp, đem soi rọi dưới ánh sáng của y văn rồi đúc kết thành những bài viết hướng dẫn người đọc phương cách luyện tập, dinh dưỡng, lối sống, kiểm soát cảm xúc, nhận diện dấu hiệu bất thường cơ thể… để từ đó có trái tim lành mạnh.

Tránh dùng ngôn từ dọa dẫm khiến người đọc sợ bệnh tật mà lo lắng thái quá, cũng không thỏa hiệp để tạo sự an tâm giả tạo cho người bệnh, mỗi lời khuyên của bác sĩ Khoa đưa ra trong sách đều chừng mực, “nói có sách mách có chứng” và ai đọc cũng có thể thu nhận được đôi điều quan trọng làm chủ sự sống của mình.

Thi thoảng trong các bài viết, bạn đọc bắt gặp nhân vật nổi tiếng trong điện ảnh, thể thao, sử ký, truyện kiếm hiệp… Thủ pháp này vừa giúp tác giả làm mềm mại vấn đề y học khô khan, vừa tạo điểm tựa cảm xúc để người bệnh bớt bi quan, rằng bất luận sang hèn, yếu nhân hay vô danh, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của sát thủ tim mạch nếu không biết cách chăm sóc trái tim đúng đắn và phòng ngừa bệnh ngay từ trong lối sống hằng ngày.

Ít người biết rằng, trước khi trở thành cây bút sức khỏe quen thuộc của nhiều tờ báo lớn, bác sĩ Khoa từng là cây viết công nghệ “không phải dạng vừa” trên một số tạp chí. Thư viện Google đến giờ vẫn còn lưu những bài viết của Khoa về máy tính, phần mềm, lập trình… Khoa đã tận dụng khá nhiều kỹ năng viết công nghệ vào các bài viết sức khỏe, bằng cách đưa các con số thống kê y tế vào sao cho liền mạch, các đồ họa Khoa tự làm giúp người đọc dễ dàng hình dung vấn đề…

Ngay cả website do Khoa tạo lập tại http://ngobaokhoa.com để chia sẻ kiến thức bệnh tim mạch, trả lời thắc mắc của người bệnh cũng cho thấy mối lương duyên y học - công nghệ thật ngọt ngào.

 

Ngay khi “trái tim thứ hai” vừa ra mắt, Khoa đã viết xong “trái tim thứ ba” có tựa Trái tim của bé, đang chờ dịp phát hành rộng rãi.

Sinh năm 1980 và đã có hơn mười năm khoác áo bác sĩ điều trị - phẫu thuật tim mạch, hẳn là Khoa sẽ giàu nhanh nếu chọn con đường “bán giá cao” kiến thức của mình trong phòng mạch tư. Nhưng Khoa chọn viết sách, viết báo để chia sẻ chuyên môn, nhằm giúp từng người dân làm chủ sinh mệnh, tăng khả năng cứu chữa và giảm hao phí điều trị. “Tôi hy vọng cuốn sách Trái tim trong cuộc sống sẽ có giá trị thiết thực và đem lại chút gì đó hữu ích cho sức khỏe của quý độc giả”, Khoa nói.

Khắc Chung

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.