“Khổ nhất với tôi là bệnh gút”
Sau gần hai tháng phát hành album Yêu em giữa đời quên lãng, ca sĩ Quang Dũng vừa đưa các ca khúc trong đĩa nhạc này lên nền tảng trực tuyến từ ngày 21.10.2024 và có kế hoạch thực hiện một sự kiện âm nhạc đặc biệt vào năm sau nếu sức khỏe cho phép.
“Sức khỏe tôi không được như trước có lẽ do ngày xưa tôi chạy show nhiều quá, thay đổi múi giờ liên tục. Tuổi tác lớn hơn, đời sống có những nỗi lo riêng làm ảnh hưởng giấc ngủ”, Quang Dũng chia sẻ trên chuyên trang giải trí Ngôi Sao. Hiện tại nam ca sĩ sinh năm 1975 này đang cố gắng giảm liều lượng thuốc ngủ để tránh ảnh hưởng trí nhớ nhưng chưa bỏ được hoàn toàn.
Với bệnh tăng huyết áp và hở van tim, Quang Dũng cho biết phải uống thuốc mỗi ngày, nếu bỏ sẽ rất dễ bị đột quỵ. “Khổ nhất với tôi là bệnh gút. Cái đau của bệnh này rất khó tả, chân sưng tê, đau từ xương tủy, không đứng được, không mang giày được. Chỉ cần tối hôm trước tôi uống hai lon bia, sáng hôm sau hai chân đau dữ dội. Tôi nhớ một lần trở bệnh giữa chuyến lưu diễn ở Mỹ, tôi sốt nhẹ vào buổi sáng và đến chiều tối chân đau kinh khủng. Cũng may một thành viên ban nhạc có loại thuốc đặc trị giúp tôi giảm đau. Đêm đó tôi đứng hát một chỗ rồi đi cà nhắc vào sau sân khấu. Đó là đợt tôi bị gút nặng nhất”, Quang Dũng kể.
Ca sĩ Quang Dũng cho biết đang học cách sống chung với bệnh và thuốc. Ảnh: TAT
Nam ca sĩ nói anh cũng muốn tập thể dục nhưng sức khỏe không cho phép tập quá nhiều, chỉ tập gym nhẹ nhàng. “Ngày xưa tôi có thể chơi thể thao cả tiếng nhưng giờ chạy bộ 15 - 20 phút, tôi đã mệt rồi. Tôi học cách sống chung với bệnh và thuốc. Dù vậy, đây không phải trở ngại khi đi hát, bởi lên sân khấu, tôi tập trung vào giọng hát, không cần nhảy nhót. Bao năm nay, tôi quen giữ lối sống hài hòa, không thích màu mè”, Quang Dũng tâm sự.
Gút không chỉ hại xương khớp
Bệnh gút (còn gọi là gout, thống phong) từ thế kỷ thứ IV trước công nguyên đã được ông tổ ngành y Hypocrates mô tả và gọi là “bệnh của các ông vua” (The Disease of the Kings). TS-BS. Tăng Hà Nam Anh, Chủ tịch Hội Nội soi khớp và thay khớp Việt Nam, cho biết gút thuộc nhóm bệnh lắng tụ các tinh thể, cụ thể là lắng tụ tinh thể monosodium urat trong các khớp do tình trạng acid uric tăng cao trong máu, gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên của chân tay, đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái.
Nguồn gốc acid uric trong máu không phải chỉ đến từ bên ngoài mà còn do tình trạng chuyển hóa trong cơ thể. Bệnh nhân tăng acid uric trong máu khi thận không thải được acid uric hoặc khi cơ thể tạo ra quá nhiều (do ăn uống, bị bệnh lý như ung thư máu dạng lim-phô, thiếu máu tán huyết, vảy nến…) hoặc có bất thường trong chu trình tạo ra acid này.
TS-BS. Tăng Hà Nam Anh. |
“Không phải tất cả những người có acid uric trong máu cao đều bị gút nhưng nếu nồng độ acid uric trong máu cao và kéo dài càng lâu thì càng có nhiều khả năng bị gút. Nói chung chỉ khoảng 10% số người có acid uric trong máu cao bị gút.
Khi điều trị gút, bệnh nhân thường mong cho hàm lượng acid uric trong máu giảm thật nhanh. Quan niệm này không đúng và đôi khi còn ngược lại: acid uric sụt giảm có thể làm nặng thêm cơn gút. Chúng tôi từng gặp những bệnh nhân có kết quả acid uric bình thường vì có thể đã uống thuốc trước đó nhưng gối vẫn bị sưng và khi nội soi gối thấy các tinh thể acid uric lắng tụ đầy bên trong khớp, gây viêm màng bao khớp gối.
Do đó trong điều trị bác sĩ thường bắt đầu bằng các liều nhỏ thuốc làm giảm acid uric và tăng dần lên tới liều đầy đủ”, BS. Anh nói.
Gút trải qua 4 giai đoạn từ khi âm thầm tích lũy acid uric trong máu cho đến cuối giai đoạn 4 mới xuất hiện gút tophi mạn tính, sau một quá trình phát triển lâu dài trên dưới 10 năm, gặp nhiều nhất ở ngón chân cái, soi dịch khớp dưới kính hiển vi thấy các tinh thể hình kim monosodium urat. Tophi là những cục thấy ở dưới da tại các khớp, các túi hoạt dịch, sụn, xương ở nhiều nơi trong cơ thể, hình thành do sự lắng tụ các tinh thể urat. Tophi có thể vỡ ra ngoài da, có màu trắng hay vàng nhạt - trắng. Nếu không điều trị hoặc để cơn gút xảy ra nhiều lần sẽ gây ra hủy khớp đưa đến tàn phế, lúc đó phải cần đến các phẫu thuật tái tạo lại khớp.
Cho đến nay, các bác sĩ đều đồng ý với nhau rằng gút là một bệnh lý toàn thân chứ không chỉ tập trung cục bộ ở khớp như từng được quan niệm trước đây. Bệnh nhân gút có nguy cơ bị thêm bệnh lý thận, có thể dẫn đến sỏi thận, suy thận. Các biến chứng khác: giảm độ lọc của cầu thận, tàn phế do hư hại nặng các khớp… Ghi nhận tỷ lệ bệnh lý tim mạch cũng tăng cao ở người bị gút và có thể gây ra các biến cố tim mạch chết người.
“Nhiều người nghĩ khi điều trị thuốc và hết đau là đã khỏi gút. Thực ra, khi uống thuốc và hết đau thì chỉ mới có nghĩa là tạm thời giải quyết được tình trạng viêm của khớp hay gân. Nên nhớ rằng gút có diễn biến rất mạn tính, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí rất lâu trên dưới 10 năm. Các khuyến cáo đều khuyên nếu bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng và acid uric trong máu trở về bình thường thì vẫn cần tiếp tục điều trị thêm trong 3 tháng để ngăn ngừa tái phát với người chưa có tophi và trong 6 tháng nếu đã có tophi”, BS. Anh cho biết.
Hiểu đúng gút để kiểm soát hiệu quả
BS. Anh lưu ý, mặc dù bệnh gút hay gặp nhất ở đàn ông tuổi trên 40 nhưng với các chuẩn sinh hoạt được cải thiện, chế độ ăn purin ngày một cao, và với tỷ lệ tiêu thụ rượu bia nhiều như ở nước ta thì gút có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ sau mãn kinh, vì hàm lượng estrogen giảm mạnh nên việc đề phòng và điều trị gút là không thể coi thường. Cũng không nên hiểu gút chỉ xảy ra cho người giàu có chế độ ăn giàu đạm. Giàu hay nghèo đều có thể bị gút, người nghèo cũng có tỷ lệ gút cao như mọi người.
Một số bác sĩ cho rằng “điều trị hạ acid uric trong máu chỉ cần đưa về ngưỡng bình thường dưới 7mg/dL” là chưa đầy đủ, bởi có những khuyến cáo mới: cần đưa nồng độ acid uric về dưới 6mg/dL cho những người không có lắng đọng tinh thể acid uric ở khớp hay chưa có tophi và dưới 5mg/dL khi đã có tophi. Đồng thời, không phải các tophi đều cần phải mổ để loại bỏ vì một số tophi chưa có biến chứng có thể sẽ teo nhỏ nếu điều trị giảm acid uric trong máu hiệu quả. Chỉ định mổ khi các tophi có thể gây biến chứng như loét da, hủy xương, quá to ảnh hưởng đến chức năng của chi hay sinh hoạt hàng ngày.
Thông tin lan truyền “ăn kiêng triệt để sẽ không bị các cơn gút tái phát” là không đúng, bởi acid uric có thể đến từ nguồn nội tại trong cơ thể. Tuy nhiên, vẫn nên hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều purin: nội tạng động vật, các loại thịt lên men, hải sản, một số ngũ cốc (bột yến mạch, đậu nành…), các loại hạt, rượu, bia... Các loại nước ngọt có ga cũng làm tăng acid uric trong máu không thua kém gì bia. Nên uống nhiều nước và kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicacbonat, bỏ thuốc lá, tập thể dục, giảm cân. Theo dõi nồng độ acid uric định kỳ...
“Một số người tin vào nước ép trái dưa leo hoặc một số cây như cây nở ngày đất hoặc một số bài thuốc có thể chữa khỏi gút. Thực tế cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra được các biện pháp điều trị khỏi triệt để bệnh gút. Điều trị gút phải có kế hoạch dài hạn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Các kháng sinh thực tế không có tác dụng đến chuyển hóa của acid uric. Áp dụng một cách khoa học và hợp lý điều chỉnh các thuốc chuyển hóa acid uric, giúp khôi phục sự thăng bằng của chuyển hóa acid uric trong cơ thể mới là các nguyên lý của điều trị”, BS. Anh nhấn mạnh.
Nguyễn Đức - Phạm Anh