Trong sự ồn ào của Sài Gòn, phụ nữ là điểm sống động thu hút tôi

 13:32 | Thứ ba, 27/05/2014  0

Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971. Học vẽ tranh lụa tại đại học Mỹ thuật TP.HCM và hiện nay, anh đang giảng dạy bộ môn tranh lụa tại đây. Bùi Tiến Tuấn đã có năm lần triển lãm cá nhân và chín lần triển lãm nhóm. Sở trường về tranh lụa nhưng triển lãm mới nhất của anh trong tháng 10.2013 (*) - chủ đề “Sợi chỉ đỏ” - lại gồm 22 tranh vẽ bằng mực và màu nước trên giấy dó…

Các họa sĩ đương đại trong xã hội đang biến đổi thường hay tránh né các chất liệu truyền thống, vốn được xem là thiếu khả năng tiếp cận thị trường đại trà, còn anh thì lại chọn lụa và giấy dó…?

Ở đại học Mỹ thuật tôi học chuyên về lụa và học thêm kỹ thuật giấy dó với họa sĩ Nguyễn Đức Hòa. Mặc dù sau khi ra trường có lúc lao vào vẽ sơn dầu trên bố, nhưng sáng tác của tôi cho đến nay chủ yếu với lụa và giấy dó (tuy có ít hơn). Tôi không cho rằng những chất liệu truyền thống như lụa và giấy dó đã “hết thời hoàng kim”; cũng chẳng có lý do gì “tránh né” khi các chất liệu mỹ thuật ấy thực sự đẹp và tranh lụa Việt Nam của Nguyễn Phan Chánh đã được quốc tế công nhận, được trao giải thưởng tại Paris Salon năm 1946.

 

"Đùa nghịch với sợi chỉ đỏ 2" - một trong chín bức tranh có cùng tên gọi trong triển lãm Sợi chỉ đỏ lần này của Bùi Tiến Tuấn. 

Nhưng tranh lụa của anh phải có gì khác với tranh lụa truyền thống mới khiến anh theo đuổi chất liệu này lâu dài đến thế (và hình như còn sống được với nó) nữa?

Có khác đấy. Tranh lụa truyền thống Việt Nam chủ yếu miêu tả cảnh quan nông thôn, chùa chiền, phụ nữ với áo dài nón lá. Cái khác của tôi là ở cách nhìn màu sắc, cách nhuộm lụa và đưa chất thị thành hiện đại vào tranh. Tôi chọn ngôn ngữ biểu hiện nhiều chất đương đại hơn trên chất liệu lụa với sự phát triển đề tài mới. Có thể thấy rõ điều này trong các triển lãm của tôi, Lụa (2009) và Phù phiếm (2011). Tôi bán được hơn một nửa trong số 22 bức trong triển lãm Lụa.

Anh có nói tới chất đương đại và đề tài mới trên các chất liệu mỹ thuật truyền thống. Phải chăng đó là những phụ nữ thị thành mà bấy lâu nay anh theo đuổi và miêu tả một cách riêng biệt “rất Bùi Tiến Tuấn” trên lụa và giấy dó ?

Tôi rời quê Hội An vào Sài Gòn học từ năm 19 tuổi. Cuộc sống náo nhiệt của đô thị lớn nhất nước và có lẽ cũng nhiều dân nhập cư nhất đã nhập vào tôi nhiều điều lạ lẫm và những cảm xúc vô cùng khác biệt. Một mình nơi phòng trọ, đi học vẽ mỗi ngày trên chiếc xe đạp cũ, cảm giác cô đơn trong tôi dường như được vơi đi rất nhiều khi một ngày nọ tôi nhận ra những người đồng hương không quen biết qua những bảng số xe gắn máy mang ký hiệu 43 ( Quảng Nam-Đà Nẵng thời đó). Chi tiết này được tôi phát triển thành loạt tranh trong triển lãm cá nhân “Những hình nhân trên đường phố” (2007). Bộ sưu tập đó là ám ảnh của riêng tôi về mạng giao thông chằng chịt và sự xô bồ của đô thị Sài Gòn, về sự trôi dạt của các mảng đời từ nhiều phương trời về đây kiếm sống. Trong sự ồn ào (và phù phiếm) của Sài Gòn, điểm sống động nhất thu hút sự chú ý của tôi là những người phụ nữ. Đô thị rộng lớn này sẽ ra sao nếu thiếu vắng những người phụ nữ đi làm việc với gương mặt được trang điểm kỹ lưỡng, với trang phục hợp mốt và dáng đi điệu đàng như thế (dù là đi xe hay đi bộ). Và tôi nhận thấy phụ nữ có sự tương đồng chặt chẽ với chất liệu lụa sở trường của tôi. Mỏng manh, duyên dáng, mịn màng. Thân thể phụ nữ, theo tôi, gợi cảm nhất, bí ẩn nhất khi thể hiện trên lụa.

Thế còn trên giấy dó, chẳng lẽ lại ít huyền ảo hơn, ít gợi cảm hơn?

Không hề. Sự gợi cảm, bí ẩn của phụ nữ trên lụa ( đặc biệt khi khỏa thân) là cảm giác của tầm mắt xa hơn, dường như không thể chạm đến. Còn với giấy dó thì đó là cảm giác mạnh hơn, ít xa cách và dễ tiếp xúc hơn thông qua chất mộc của bề mặt giấy.

Anh đã từng thành công với việc vẽ đề tài đương đại trên giấy dó khi còn là một họa sĩ rất trẻ. Lần trở lại này với giấy dó, phải chăng anh muốn có sự khác biệt hơn nên đặt tên cho triển lãm là “Sợi chỉ đỏ” ?

Không phải vậy. Các bức tranh mang tên “Đùa nghịch với sợi chỉ đỏ” chiếm tới 9 trong tổng số 22 bức trong triển lãm giấy dó lần này. Những phụ nữ trong trạng thái khỏa thân, dù nằm ngang hay ngồi cuộn mình, dù cúi khom hay đứng kiễng chân đều có sợi chỉ đỏ mỏng manh quấn quanh cánh tay, bộ đùi, cặp chân, vòng eo. Sợi chỉ đỏ quấn trên những vùng thân thể gợi cảm của người phụ nữ giống như một trò nghịch ngợm mang tính dục cảm mà không lấn lướt mỹ cảm của bức tranh. Mỗi bộ môn nghệ thuật có một ngôn ngữ để thể hiện những cung bậc cảm xúc. Là họa sĩ, tôi chọn “sợi chỉ đỏ” như một phương tiện chuyển tải thông điệp về sự thăng hoa cảm xúc của con người.

Ca sĩ phòng trà –màu nước trên giấy dó (Bùi Tiến Tuấn)

Đến lúc nào thì anh tạm ngưng đề tài phụ nữ thị thành trong tranh của anh, dù trên giấy dó hay trên lụa ?

Sao lại phải ngưng hoặc tạm ngưng, dù tôi đã theo đuổi đề tài này khá lâu và được xem như đã mở ra một lối đi khác lạ, mới mẻ trong đời sống mỹ thuật hiện nay. Với tôi, phụ nữ là nguồn cảm hứng không thể cạn cho sáng tạo nghệ thuật. Phụ nữ sinh ra là để đem lại cảm xúc. Vì thế phụ nữ trước hết phải có sự gợi cảm, từ trong dáng vẻ, sự trang điểm, trang phục. Không phải cho bản thân họ đâu, mà là cho mọi người xung quanh.

Để sống được ở Sài Gòn “đất chật người đông” đầy sự cạnh tranh, điều gì theo anh là quan trọng nhất đối với người từ nơi khác đến?

Nghề nghiệp vững vàng. Khả năng thích nghi. Năng lực đổi thay và làm mới chính mình. Nhờ vào những điều tôi tin đó và nhờ có bạn bè đồng điệu, hơn hai mươi năm qua tôi đã đứng chân được ở Sài Gòn, đã có vợ con, mua được nhà riêng và quan trọng nhất là có những bạn bè, đồng nghiệp đáng yêu, tử tế.

Tranh của anh, lụa hay dó, đều toàn là phụ nữ. Ai là khuôn mẫu cho anh?

Vợ tôi. Một nhân viên của ngành hàng không.

 Nguyễn Thế Thanh thực hiện

(*) Triển lãm tranh "Sợi chỉ đỏ" của Bùi Tiến Tuấn diễn ra từ 3.10.2013 đến 23.10.2013 tại Gallery Craig Thomas, 27 I Trần Nhật Duật quận 1.

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.