Tư vấn phong thủy: Vẫn dấn bước, nhưng tránh lối mòn

 22:58 | Thứ hai, 13/06/2022  0
Tiếp nối câu chuyện kế thừa phong thủy trong thiết kế hiện đại, có thể khẳng định vai trò của cấu trúc giao thông, phân vùng cát hung tốt xấu, dù là phạm vi rộng như khu ở, dãy nhà, hay vùng hẹp như một căn hộ, thậm chí một căn phòng…luôn giúp giải quyết bài toán cơ bản trong bố trí không gian. Nhưng để “đi tiếp” trong tổ chức không gian, vừa hài hòa phong thủy vừa hợp lý bền vững thì cần tránh sa vào những lối mòn trong nếp nghĩ, cách làm.

Bộ não của con người - theo lý thuyết khoa học thần kinh gọi là “quy trình dự đoán” - được tạo hóa “thiết kế” nhằm giải quyết yếu tố cơ bản: làm sao giảm thiểu những điều bất ngờ trung bình dài hạn (dự báo sai) trong những tương tác của chúng ta với thế giới. Môi trường càng biến động (suy thoái kinh tế, chiến tranh, bệnh dịch, bất ổn ngoài xã hội…) thì chiến lược “giảm xui xẻo” càng lấn lướt, xâm chiếm tâm trí, dẫn đến lo âu, stress và cảm giác mất khả năng kiểm soát mọi việc. Từ đó khiến mọi người dễ sa vào tâm lý mê tín dị đoan, chạy theo các truyền tụng vô căn cứ, ứng xử sai lệch khi tạo dựng nhà cửa cho mình và gia đình.

Có thể kể đến một số “lối mòn” về tâm lý và quan niệm khi làm nhà như sau:

Lối mòn từ tâm lý hơn thua 

Đa số gia chủ lại hay tin và nghe theo các “thầy” phong thủy dù không cần biết đúng sai hay có hợp với điều kiện nhà mình hay không. Phong thủy từ lâu đã thành một dạng “thuốc an thần” theo kiểu “thà tin rằng có hơn ngờ là không”, cứ tuân theo cũng chẳng mất gì, ai cũng vậy thì mình không lẽ không theo…”.

Cái khó của những áp đặt tâm lý kiểu này là dẫn dắt các quan niệm về thiết kế theo hướng thuần phục yếu tố tâm linh thuần túy, trong khi vẫn cố gắng diễn giải mọi thứ theo trật tự mà lâu nay mọi người quen nhìn như nó vốn là thế. Tâm lý hơn thua, sợ “kém chị kém em” dẫn đến làm nhà là phải xem phong thủy, còn xem ra sao, xem ở đâu, và chịu sự chi phối của phong thủy đến mức nào thì đa số mọi người không kiểm soát được, tự đề ra “định mức” và thỏa mãn với các “toa thuốc trấn an tâm lý” đó.

Lối mòn từ niềm tin vào “di sản” 

Bởi tư duy văn hóa phương Đông luôn cân nhắc toàn thể quan hệ Thiên-Địa-Nhân, trong đó giá trị công trình tùy theo thời điểm và chủ thể sử dụng sẽ biến đổi linh hoạt và tương ứng. Bản thân con người sử dụng, cấu trúc phân bố không gian, sắp xếp cư trú theo Thiên thời, phối hợp mệnh trạch sao cho Nhân hòa với tọa hướng và Địa lợi... mới đem lại lời giải cho bài toán cư ngụ dài lâu.

Thậm chí một thế đất được xem là tốt với người này lại có thể không hợp với người khác (tùy theo quan niệm sử dụng, tuổi tác, nhu cầu, thời điểm…).

Kiến trúc nhà ở hiện đại nhiệt đới luôn cần nhiều đầu tư chăm chút về tạo dựng không gian, xử lý bao che, tạo vi khí hậu… để hướng đến tính bền vững và bản địa thực sự.


Các ảm ảnh về một kiểu dáng, phong cách kiến trúc trong quá khứ (ví dụ, kiến trúc Pháp thời kỳ thuộc địa Đông Dương) sẽ dẫn đến những lệ thuộc phi lý, từ đó hạn chế sáng tạo và áp đặt cho thiết kế hiện đại phải “quay về” kiểu mẫu lạc hậu. Quá sùng bái các công trình, dấu ấn “một thời” có thể đem lại thái độ “kính nhi viễn chi” trước hệ thống kiến trúc di sản, nhưng lại không hoàn toàn thuận lợi cho các nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong thiết kế hiện đại, mà minh chứng là vô số công trình cầu đường, trụ sở hay nhà tư nhân đã cóp nhặt, chắp vá đủ kiểu kiến trúc cổ một cách rất máy móc, áp đặt. 

Lối mòn từ các truyền tụng vô căn cứ 

Truyền tụng phổ biến nhất là các kiêng kỵ về Hình Thế, dài ngắn, tròn méo, hình chữ L, góc chữ X… Nghe riết thành ám ảnh, thành một dạng “tiêu chuẩn” để gia chủ cũng như giới kinh doanh nhà đất khen chê, đánh giá ưu nhược một căn nhà. Như vấn đề thóp hậu nở hậu khi mua bán, sửa sang xây cất nhà cửa, chỗ nào thấy phía nở hơn phía trước vài tấc là hô hoán ngay phát tài may mắn, ngược lại thì ủ rũ than vãn rằng hãm tài xui xẻo. 

Khai thác hợp lý, tiết chế tốt nắng gió, cây xanh… để quá trình ăn ở được sạch sẽ, an toàn, vệ sinh… chính là các bước cơ bản làm nên không gian cư trú bền vững.


Do phong thủy là khoa học và triết lý về môi trường sống, tất cả các trường phái phong thủy xưa nay đều liệt kê nhiều kiểu đất đai, nhà cửa đủ dạng tốt xấu. Trong đó điểm chung là các hình thù dễ nhận biết sẽ được “diễn ngôn” sao cho có lợi về mặt kinh doanh, thao túng tâm lý người sử dụng hầu trục lợi. Tâm lý ưa nhà đất vuông vức, rộng rãi, bằng phẳng, có chỗ dựa cao phía sau, tầm nhìn thoáng phía trước, rồi đường sá thuận lợi, cây cối tốt tươi... tạo nên các điều kiện chung về nơi cư trú lý tưởng (Cát thổ trạch). Do vậy mà những thế nhà đất nào không đạt như vậy sẽ bị xếp thành loại Hung (xấu), trong đó có kiểu thế nhà đất trước rộng sau hẹp, bị quy rằng nội khí tù hãm, cư trú bất lợi. 

Nhưng nếu chỉ áp đặt riêng phần kích thước trước rộng sau hẹp mà kết luận nhà xấu thì rất phiến diện. Các khuyến cáo tiền lệ trong khoa học phong thủy xưa nay chỉ xếp chuyện “nhà đất thóp hậu hay nở hậu” thuộc loại các tình huống phải giải quyết khi nơi cư trú có mặt bằng không vuông vức, điều không hề hợp tự nhiên nếu xét hình dạng vạn vật trong thế giới luôn biến đổi, và quy luật phát triển không đóng khung trong khuôn mẫu, thì chuyện “lùa” mọi thứ vào chiếc hộp vuông vức thực ra do điều kiện xây cất nhà đất chật hẹp nơi phố thị mà thôi.

Nếu xem xét nhà cửa khoa học, toàn diện, người cư ngụ sẽ nhận ra yếu tố phong thủy tốt xấu không đơn giản là chuyện mặt bằng trước sau hơn nhau vài tấc, mà nằm ở các mối quan hệ với cấu trúc không gian. Nhiều nhà mặt bằng rộng rãi, nở hậu hay thẳng thớm nhưng nơi ăn ở vẫn bức bí khó chịu vì thiếu quan tâm đến các tổ chức nội thất - không gian - vi khí hậu cụ thể. 

Lối mòn chạy theo phong trào “kiến trúc xanh - bền vững” 

Kiến trúc bền vững đã được nói đến nhiều và ngày càng thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên không phải gia chủ nào hay các điều kiện cụ thể nào đó dễ dàng tiếp nhận, chấp nhận và tuân thủ các tiêu chí thiết kế bền vững, một số chỉ làm nhà “xanh, bền vững” một cách hình thức, thậm chí nhằm đánh bóng tên tuổi, “đu theo trend” nhất thời.

Chất liệu thô mộc như đá mài, gạch trần, gỗ tấm… cần sử dụng đúng nơi đúng chỗ, không phải dùng ồ ạt theo hình thức và trào lưu.


Để tạo một môi trường ở hợp phong thủy đồng thời hợp với nguyên tắc tồn tại và phát triển bền vững, thì nhà cửa cần giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan về môi trường cũng như văn hóa ở. Các nước tiên tiến đã làm kiến trúc bền vững đi cùng tiện ích cao, giảm các xếp đặt hình thức, mà tăng giải pháp cho tiện ích nhiều hơn. Vật liệu khai thác từ tự nhiên phải xử lý an toàn, thân thiện, và không quá thiên lệch một chủng loại nào, nhất là khi nhà ở không phải môi trường quán xá hay cửa hàng. Đối với nội thất, cây xanh và các giải pháp đưa nước vào nhà, chất liệu thô mộc có thể giúp “mát mắt” nhưng cũng dễ gây ra tăng âm giảm dương, làm nhà cửa tối tăm, nặng nề… nên cần hiểu rằng không nhất thiết phải dùng cây xanh như một giải pháp duy nhất tạo nên môi trường bền vững.

Ngày càng có nhiều nhà thiết kế trẻ nhìn về các giá trị truyền thống - trong đó có phong thủy - như một “chìa khóa” để tiếp cận kiến trúc bền vững. Tuy nhiên phong thủy lại không hề là công thức chỉ sao chép thuần túy các kinh nghiệm hay khuôn mẫu quá khứ. Cha ông ta từ xưa đã phát triển và sáng tạo nghệ thuật cư trú an lành, sử dụng vật liệu bản địa, thích ứng môi trường khôn khéo…và không hề “rập khuôn” mẫu hình nào vô căn cứ và xa lạ với nếp ăn ở Việt.

Không có lý do nào để thế hệ nhà chuyên môn trẻ hiện nay phải gò mình theo các truyền tụng xa lạ, ngoại lai, mê tín… mà quên đi các giá trị nhiều mặt công năng, khí hậu, kinh tế, và thẩm mỹ của thiết kế hiện đại, bản địa và bền vững.

Bài: ThS-KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương

 

Nguồn Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 192
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.