UBND Hà Nội: Không xem xét điều chỉnh quy hoạch làm giảm đất ao, hồ, công viên cây xanh…

 16:42 | Thứ ba, 12/07/2022  0
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt…

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 8.7 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.

“Việc điều chỉnh quy hoạch phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh”, UBND Hà Nội chỉ đạo.

Khu vực mặt nước Đầm Trị rộng gần 60.000 m2 - nơi quy hoạch sẽ xây một nhà hát trên đầm. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Kế hoạch 190 cho biết những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm; Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… Việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao. Các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp của các sở, ban, ngành thành phố với các địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu trên địa bàn thành phố; tập trung hoàn thành các quy hoạch, quy chế đã được giao từ trước và kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Các đơn vị tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng; nghiên cứu lập và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan gắn với tiêu chí đô thị tại các huyện có chủ trương phát triển thành quận.

Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện trong thực hiện các chương trình, đề án; hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn.

Kế hoạch số 190 cho biết đã căn cứ trên Chỉ thị số 14/CT-TU ngày 2.3.2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, tạo chuyển biến thực sự rõ nét về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Khu vực quy hoạch tuyến phố thương mại theo Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Các cao ốc đang xây dựng thuộc dự án Khu phức hợp cao cấp đa chức năng của Sun Group. Ảnh: Phạm Anh Tuấn


Trong diễn biến liên quan đáng chú ý, Kế hoạch số 190 được UBND thành phố Hà Nội ban hành giữa lúc UBND quận Tây Hồ đang thực hiện công khai lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ), trong đó có quy hoạch xây một nhà hát trên Đầm Trị, đã cho thấy việc cần thiết phải xem xét lại thận trọng, khách quan, khoa học đối với bản đồ án này.

Như Người Đô Thị đã thông tin, Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An đã vấp phải phản đối của dư luận, nhiều ý kiến trong giới quy hoạch, kiến trúc sư cho rằng đồ án chưa bảo đảm yêu cầu độc lập, khách quan, khoa học của công tác lập quy hoạch và dự án xây nhà hát ngay trên Đầm Trị sẽ làm ảnh hưởng đến môi sinh tự nhiên của Đầm Trị, xâm hại giá trị cảnh quan văn hóa hồ Tây…  

“Từ xưa đến nay, Hồ Tây vẫn luôn là không gian mở lớn của Hà Nội, là nơi để người Hà Nội thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí, tái tạo sức lao động, làm mát đô thị, giữ lại chút cân bằng sinh thái. Giá trị thưởng ngoạn đó có được nhờ chất lượng cảnh quan, môi trường, lịch sử, văn hóa, lối sống… được trân trọng, gìn giữ, lưu truyền. Việc tăng mật độ xây dựng, tầng cao làm biến đổi những giá trị cốt lõi của thắng cảnh này, tuy có thể nâng cao giá trị kinh tế cục bộ, song sẽ làm nhiều giá trị một đi không trở lại. 

Bảo tồn khu vực hồ Tây và phụ cận cần trở thành một chủ đề trọng tâm trong quy hoạch, quy chế của thành phố Hà Nội, điều mà hiện nay chưa được làm đúng với tầm quan trọng của di sản hy hữu này”, ThS-KTS. Nguyễn Xuân Anh (Chuyên gia quy hoạch Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) bày tỏ trong bài viết trên Người Đô Thị.

Nguyễn Hữu Đức 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.